Rau là cây trồng ngắn ngày, được con người sử dụng từ lâu đời vì có giá trị dinh dưỡng cao; nghề trồng rau ngày càng phát triển vì cho hiệu quả kinh tế lớn. Rau không chỉ được con người sử dụng làm thực phẩm, lương thực mà còn là thuốc. Từ xưa, ông bà ta đã có câu: “Cơm không rau, như đau không thuốc”. Nhu cầu rau xanh ngày càng tăng cả trong nước và thị trường thế giới.
Nhiều năm nay, xuất khẩu rau, củ, quả là điểm sáng nổi bật trong nhóm hàng nông sản xuất khẩu nhưng sự đóng góp của rau củ còn ít. Cơ hội tăng trưởng xuất khẩu rau củ năm 2024 tiếp tục mở ra khi có nhiều mặt hàng chờ giờ kích hoạt.
Ngành hàng rau màu đứng trước nhiều cơ hội khi Ngành Nông nghiệp và PTNT đặt mục tiêu đến năm 2030, kim ngạch xuất khẩu rau đạt khoảng 1-1,5 tỷ USD.
Bài 1: Sản xuất rau - lợi thế lớn
Với điều kiện khí hậu đa dạng, thổ nhưỡng phù hợp…, nước ta có thể sản xuất cả rau nhiệt đới, ôn đới, cận nhiệt. Theo các chuyên gia ngành Nông nghiệp, nếu biết tận dụng và có những chính sách phát triển phù hợp, ngành hàng rau sẽ là điểm sáng trong kim ngạch xuất khẩu chung của ngành Nông nghiệp và PTNT trong những năm tới.
Nhiều tiềm năng
Trồng rau là một nghề trong nông nghiệp nói chung và cũng là một nghề trong trồng trọt nói riêng.
So với trồng lúa thì trồng rau chi phí cao hơn gấp 2 lần nhưng bù lại, thu nhập tăng hơn gấp 3-4 lần vì thời gian một vụ rau ngắn.
Nước ta có lợi thế có thể trồng rau ở nhiều vùng và nhiều vụ trong năm, phát triển sản xuất để Việt Nam trở thành “vườn rau” của thế giới và “bếp ăn” của thế giới là hết sức khả thi.
Chúng ta có đầy đủ các chủng loại rau, từ rau nhiệt đới cho đến ôn đới. Các vùng cao nguyên như Đà Lạt (Lâm Đồng), Mộc Châu (Sơn La), Sa Pa (Lào Cai), vùng núi Tây Bắc có điều kiện lý tưởng để phát triển rau, hoa ôn đới. Miền Bắc với vụ đông rất thuận lợi để trồng rau cận ôn đới với đầy đủ chủng loại rau, củ, quả, chi phí không cao, sâu bệnh ít và tiêu tốn ít nguồn tài nguyên. Phát triển rau, hoa sẽ là cơ hội và điều kiện để chúng ta tiến tới nền nông nghiệp công nghệ cao.
Sơ chế sản phẩm cà rốt tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đức Chính, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương).
Trồng rau công nghệ cao ở Việt Nam chắc chắn chi phí năng lượng cho sấy, cho hệ thống nhà lưới, nhà kính thấp hơn nhiều so với các nước. Rau, hoa, quả có thể giúp nông nghiệp nước ta vươn lên vị thế mới, với việc hình thành những “xí nghiệp” nông nghiệp công nghệ cao diện tích hàng chục, thậm chí hàng trăm hecta và giá trị thu nhập hàng tỷ đồng/ha.
Nước ta có diện tích gieo trồng rau các loại khoảng 995 ngàn hecta, năng suất tính bình quân cho các loại rau nói chung cả nước mới đạt khoảng 18 tấn/ha; sản lượng rau các loại hiện nay ước đạt 18 triệu tấn. Diện tích rau được phân bổ đều khắp các vùng trong cả nước. Những tỉnh, thành có năng suất đạt cao nhất là Lâm Đồng, Đắk Lắk, Hải Dương, Thái Bình, Hải Phòng, Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội..., năng suất đạt trên 200 tạ/ha.
Ngoài năng lực sản xuất, Việt Nam còn có 16 hiệp định thương mại tự do, tạo điều kiện để đàm phán mở cửa cho các sản phẩm rau vào nhiều thị trường khác nhau, nhất là với các nước có mùa đông băng tuyết, sản xuất rau trong mùa đông là khó khăn và chi phí cao.
Dư địa mở rộng còn rất lớn do nhu cầu rau, quả của các thị trường tiếp tục tăng trong khi giá trị xuất khẩu của Việt Nam mới chiếm khoảng 2-3% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả thế giới.
Với Trung Quốc và khu vực ASEAN, Việt Nam có lợi thế vị trí địa lý thuận lợi, thời gian vận chuyển nhanh, giảm tối đa nguy cơ rủi ro ảnh hưởng tới chất lượng rau. Đây cũng là thị trường rộng lớn, tự do, nhiều ưu đãi với thuế nhập khẩu chỉ 0 -5%.
Năm 2021, giá trị xuất khẩu rau củ đạt 250 triệu USD, trong đó, ớt đạt 63 triệu USD, khoai lang: 37 triệu USD, Súp lơ: 17 triệu USD, ngô rau: 16 triệu USD. Năm 2023, xuất khẩu rau, củ đạt 279 triệu USD. Năm 2024, sản xuất và xuất khẩu rau củ chiếm 7,13% kim ngạch. Các loại rau củ có tiềm năng xuất khẩu: cà chua, dưa chuột, đậu rau, ngô rau, cà rốt, bắp cải, củ cải, măng tây, các loại rau cải, hành tỏi, dưa hấu, khoai tây, bí xanh, các loại nấm...
Ưu tiên mở rộng diện tích nhóm cây có thị trường tiêu thụ tốt, trong đó có cây ớt.
Một vùng rau xuất khẩu chất lượng
Diện tích trồng rau các loại trên cả nước ước đạt 995 nghìn hecta, có thể phân theo 7 vùng: Đồng bằng sông Hồng, Trung du miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ, Duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên, Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng bằng sông Hồng là vùng sản xuất lớn nhất, chiếm gần 25% diện tích và gần 30% sản lượng.
Nhiều vùng rau an toàn (RAT) đã được hình thành tại nhiều địa phương như: Hà Nội, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, Đà Lạt (Lâm Đồng), Mộc Châu (Sơn La)… nhưng diện tích RAT mới đạt khoảng 10%.
Tại vùng Đồng bằng sông Hồng, với nhiều chính sách phù hợp, trong nhiều năm qua, Hải Dương đã chủ động xây dựng vùng nguyên liệu rau màu xuất khẩu trở thành điểm sáng cần nhân rộng.
Trong số các mặt hàng nông sản xuất khẩu thì cà rốt là sản phẩm chủ lực. Vụ đông xuân 2022 - 2023, khoảng 65.000 tấn cà rốt được xuất khẩu, chiếm 80% tổng sản lượng cà rốt. Ngoài thị trường chính là Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Malaysia, các nước khu vực Trung Đông..., cà rốt còn được xuất khẩu vào các thị trường mới như Mỹ, Pháp và một số nước châu Âu. Năm nay, các doanh nghiệp tiếp tục đặt mục tiêu tăng lượng xuất khẩu vào thị trường khó tính và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Ông Nguyễn Đức Đoàn, Giám đốc Công ty CP Chế biến nông sản Tân Hương (Cẩm Giàng), doanh nghiệp chuyên hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản cho biết, hiện thị trường chính của công ty là Hàn Quốc và một phần xuất sang Nhật Bản. Năm nay, trong bối cảnh chung của thế giới còn gặp nhiều khó khăn, nhưng do cà rốt của Hải Dương từng “mở cửa” thành công tại nhiều thị trường khó tính nên doanh nghiệp cũng đặt mục tiêu xuất khẩu sang nhiều thị trường mới.
Vụ đông xuân năm 2023 – 2024, Hải Dương phấn đấu gieo trồng 21.000ha rau màu, trong đó có khoảng 1.000ha rau màu bảo đảm tiêu chuẩn xuất sang thị trường các nước khó tính, tương đương vụ trước.
Ông Nguyễn Tiến Tráng, Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hải Dương, cho biết: Để nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất, tỉnh tiếp tục duy trì và mở rộng vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn tiêu thụ thuận lợi. Tập trung đầu tư nâng cao chất lượng và kiểm soát tốt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cho nhóm cây trồng xuất khẩu như cà rốt, cải bắp, su lơ… Tận dụng các chính sách hỗ trợ của tỉnh về nông nghiệp để đầu tư nâng cao chất lượng các vùng trồng. Từ đó, hình thành các vùng chuyên canh rau màu lớn phục vụ xuất khẩu.
Vài năm trở lại đây, các mặt hàng nông sản của Hải Dương vẫn duy trì đơn hàng xuất khẩu và được đánh giá tương đối tốt. Thành công của nông nghiệp Hải Dương là giữ vững chất lượng các vùng nông sản phục vụ xuất khẩu. Ngoài cà rốt, các sản phẩm nông sản khác như cải bắp, su lơ cũng đã được xuất sang Trung Quốc và một số nước khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên, sản lượng nông sản xuất khẩu sang các thị trường khó tính, có giá trị cao vẫn còn ít so với tiềm năng của tỉnh.
Do đó, nâng cao hơn nữa chất lượng vùng rau màu, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường khó tính vẫn là mục tiêu mà ngành Nông nghiệp Hải Dương tiếp tục phấn đấu trong những năm tới.
Đầu Xuân Giáp Thìn 2024, về thăm vùng sản xuất cà rốt tập trung phục vụ xuất khẩu tại xã Đức Chính (Cẩm Giàng - Hải Dương), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương bà con trong xã đã nỗ lực làm giàu bằng bàn tay, khối óc và trên chính mảnh đất quê hương. Thủ tướng cho rằng, mô hình sản xuất, chế biến, xuất khẩu cà rốt của xã là mô hình sản xuất nông nghiệp rất cần nhân rộng, không chỉ với một loại cây trồng mà các loại cây trồng, vật nuôi khác và ở các địa phương khác nhau.
Xã Đức Chính có diện tích đất tự nhiên 719,17ha. Trong đó, diện tích trồng cà rốt khoảng 360ha, sản lượng 15 ngàn tấn. Bên cạnh sản xuất tại địa phương, nông dân xã Đức Chính còn đi Bắc Ninh, Thái Bình, Hưng Yên... thuê đất trồng cà rốt, với tổng diện tích khoảng 1.100 ha, sản lượng 45 ngàn tấn/năm. Toàn bộ cà rốt trồng tại xã và trồng ở nơi khác được đưa về xã sơ chế, phân loại, đóng gói phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.
Theo Thủ tướng, phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững phải có quy hoạch vùng nguyên liệu bài bản; ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, chế biến; xây dựng thương hiệu cho sản phẩm và thúc đẩy xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm; đặc biệt phải có sự liên kết giữa nông dân - nhà khoa học - doanh nghiệp - ngân hàng… dưới sự kết nối, điều hành của Nhà nước.
Thủ tướng cho rằng, Hải Dương có tiềm năng, thế mạnh về phát triển nông nghiệp, nhất là ngành trồng trọt; đề nghị Hải Dương tập trung chuyển đổi và phát triển các cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao, sản xuất hàng hóa tập trung, bảo đảm an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, giảm thải carbon và xuất khẩu nâng cao hiệu quả sản xuất trên cùng một diện tích. Cùng với đó, tỉnh xây dựng thương hiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại, chủ động mời gọi, kết nối, giúp đỡ các doanh nghiệp vào liên kết sản xuất, chế biến và bao tiêu sản phẩm cho người dân.
Thủ tướng đề nghị bà con tiếp tục tham gia các quy trình sản xuất sạch, liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp và nhà khoa học dưới sự hỗ trợ của Nhà nước nhằm gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ để thúc đẩy nông nghiệp phát triển ổn định, bền vững; tiến tới sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hiện đại.
Rau vụ đông, đặc sản cần khai thác
Đồng bằng sông Hồng và vùng Trung du miền núi Bắc Bộ có khả năng phát triển cây vụ đông bởi có một mùa đông lạnh. Rau củ vụ đông có chất lượng cao, nhiều sản phẩm có thể xuất khẩu: bắp cải, cà rốt, củ cải, su hào, Súp lơ, đậu rau, cà chua, khoai tây, ớt, rau gia vị, dưa chuột, rau cải...
Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT), vụ đông 2022, các địa phương phía Bắc gieo trồng khoảng 373.000ha, sản lượng hơn 4,7 triệu tấn, thu nhập bình quân đạt 99 triệu đồng/ha, cao hơn 3,4 triệu đồng so với vụ đông năm 2021. Giá trị sản xuất cây vụ đông tăng chủ yếu do sự chuyển dịch từ nhóm cây trồng có giá trị kinh tế thấp sang giá trị cao như: Nhóm rau ăn củ, ăn quả, chất lượng cao; ngô thực phẩm, sinh khối; hoa, cây cảnh giá trị cao...
Sản xuất rau màu vụ đông ở Hải Dương.
Nhiều nơi sản xuất cây vụ đông trong nhà màng, nhà lưới gắn với sơ chế, chế biến bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và có thị trường đầu ra tương đối ổn định, nhất là nông dân đã thực hiện nhiều diện tích trồng rải vụ, góp phần giảm áp lực tiêu thụ và gia tăng hiệu quả kinh tế.
Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, mô hình sản xuất bí xanh trên đất lúa xã Văn Lang (huyện Hạ Hòa), quy mô 100 ha, cho lợi nhuận 190 triệu đồng/ha; mô hình trồng cà chua, dưa chuột, dưa lê Hàn Quốc… trong nhà màng tại xã Hương Nộn (huyện Tam Nông), quy mô 7.000m2, sản lượng hơn 70 tấn, thu nhập 1,2 tỷ đồng/năm, lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng/năm. Ngoài ra, các mô hình liên kết sản xuất ngô sinh khối trong vụ đông ở các huyện Thanh Thủy, Hạ Hòa, Tân Sơn, Tam Nông với diện tích hơn 1.000ha, cho thu nhập 55 - 60 triệu đồng/ha/vụ.
Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Nghệ An cho biết, vụ đông năm 2022, nông dân trong tỉnh gieo trồng hơn 33.000ha, sản lượng hơn 79,4 nghìn tấn. Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng sản xuất cây vụ đông có sự dịch chuyển theo hướng hàng hóa có liên kết nhằm nâng cao giá trị. Trong đó, mô hình trồng thâm canh hoa cúc áp dụng chiếu sáng bằng đèn led ở xã Xuân Hòa (huyện Nam Đàn), diện tích 0,5ha, lợi nhuận hơn 460 triệu đồng; mô hình trồng bí xanh ở 14 xã của huyện Thanh Chương, diện tích 30 ha, thu lãi 220 triệu đồng/ha; mô hình trồng dưa chuột tại các xã Nghi Hương, Nghi Hòa, Nghi Thu (thị xã Cửa Lò), diện tích 30 ha, cho thu lãi 180 - 200 triệu đồng/ha.
Theo Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT) Nguyễn Như Cường, Bộ xác định phát triển vụ đông theo chủ trương tái cơ cấu ngành trồng trọt theo hướng sản xuất hàng hóa, chất lượng, hiệu quả, nâng cao chuỗi giá trị và phát triển bền vững.
Theo đó, vụ đông là vụ sản xuất quan trọng đối với tăng trưởng của toàn ngành cho năm tiếp theo, vì vậy, cần xác định rõ đối tượng cây trồng, cơ cấu giống cần tập trung phát triển đa dạng, phù hợp với từng địa phương và trà sản xuất; mở rộng diện tích gieo trồng, áp dụng các biện pháp kỹ thuật, chế biến phù hợp...
Cục Trồng trọt đã đưa ra mục tiêu ổn định diện tích vụ đông khoảng 380.000ha và sản lượng khoảng 5 triệu tấn. Trong đó, tập trung phát triển một số cây trồng có giá trị kinh tế cao, có liên kết sản xuất theo chuỗi, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm, đảm bảo đầu ra cho bà con nông dân.
Bài 2: Mục tiêu và những rào cản
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết, chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Malaysia lần này có ý nghĩa quan trọng khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực an ninh, quốc phòng, hợp tác biển và một số lĩnh vực hợp tác về điện, kinh tế số…
Biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, thiên tai ngày càng phức tạp, gây nhiều thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Tại tỉnh Quảng Bình, nông dân đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi trên đất gò đồi, đất kém hiệu quả để thích ứng, giảm nhẹ tác động của các loại hình thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp, mang hiệu quả kinh tế cao.