Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 13 tháng 5 năm 2024  
Thứ ba, ngày 8 tháng 11 năm 2022 | 11:8

Phòng bệnh cho vật nuôi, đảm bảo nguồn cung phục vụ Tết

Thời điểm cuối năm, nhu cầu vận chuyển, tiêu thụ gia súc, gia cầm (GSGC) và sản phẩm GSGC tăng mạnh, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch bệnh. Do đó, ngành chức năng và người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã chủ động tăng cường triển khai các biện pháp phòng chống dịch nhằm bảo đảm an toàn cho đàn GSGC phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2023.

Chủ động phòng dịch

Trước thông tin tại một số địa phương trong và ngoài tỉnh xuất hiện dịch tả heo châu Phi trở lại, ông Nguyễn Văn Tỏa (ở xã Bình Ba, huyện Châu Đức) đã tăng cường các biện pháp phòng dịch cho đàn heo. Để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán, gia đình ông nuôi 100 con heo thịt, ngoài ra còn có 19 con heo nái.

Dịch bệnh liên tiếp xuất hiện trong thời gian qua khiến ông không khỏi lo lắng. Vì vậy, để bảo đảm an toàn, ông đã chủ động phòng dịch, đồng thời cung cấp dinh dưỡng cho đàn heo, tiêm phòng dịch bệnh.

“Cả năm người chăn nuôi chủ yếu trông chờ vào vụ Tết, nếu chủ quan, lơ là một chút là trắng tay. Do đó, chúng tôi phải cố gắng giữ an toàn cho đàn heo, trước đây tuần 1 lần phun xịt, nay giao mùa thì mỗi ngày xịt một lần để phòng ngừa dịch bệnh xảy ra cho đàn heo”, ông Tỏa cho hay.

Để chủ động phòng ngừa dịch bệnh cho đàn GSGC, từ đầu năm đến nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN-PTNT) đã tổ chức cấp phát 57.100 liều vắc xin để các địa phương tổ chức tiêm phòng bệnh lở mồm long móng gia súc, 33.570 liều vắc xin phòng bệnh dịch tả heo cổ điển, trên 1 triệu liều vắc xin phòng bệnh cúm gia cầm, 25.000 liều vắc xin phòng bệnh heo tai xanh và gần 7.000 liều vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục trên gia súc.

Cũng để bảo đảm an toàn cho đàn gà 2.000 con chuẩn bị phục vụ thị trường Tết, ông Nguyễn Minh Lý (ở ấp 1, xã Tóc Tiên, TX. Phú Mỹ) đã chích ngừa đầy đủ các loại vắc xin cho gà; chú trọng cung cấp lượng thức ăn phù hợp theo độ tuổi và bổ sung một số loại vitamin tăng sức đề kháng cho đàn gà phát triển tốt.

Ngoài phòng bệnh, ông Lý cũng bổ sung dinh dưỡng giúp đàn gà tăng sức đề kháng.

Ngoài việc tiêm phòng vắc xin theo định kỳ hướng dẫn của cán bộ thú y xã, thường xuyên rắc vôi bột xung quanh, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, ông Lý còn thực hiện chăn nuôi an toàn, sử dụng đệm lót sinh học. Ông Lý cũng chủ động tách đàn khi đàn gà có biểu hiện lạ để theo dõi, phòng trường hợp dịch lây lan ra cả đàn.

“Thời điểm này cần tăng cường khoáng chất và men vi sinh. Việc vệ sinh chuồng trại phải thường xuyên, chuồng phải thoáng mát, rải men vi sinh cho gà không bị bệnh về hô hấp”, ông Lý nói.

Không để dịch bùng phát

Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh, tổng đàn GSGC trên địa bàn tỉnh khoảng 7,2 triệu con, khả năng cung ứng 6.200 tấn thịt heo/tháng; 3.050 tấn gia cầm/tháng và 29 triệu quả trứng; 1.100 tấn thịt bò/tháng. Dịp Tết, nhu cầu sử dụng các mặt hàng này sẽ tăng gấp 1,5 lần.

Ông Thịnh Đức Minh, cán bộ Chi cục Chăn nuôi và thú y cho biết, thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi đột ngột, nắng, mưa xen kẽ khiến GSGC giảm sức đề kháng do không thích ứng kịp thời và rất dễ mắc bệnh. Do đó, công tác phòng chống dịch bệnh được Chi cục xác định là trọng tâm xuyên suốt trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của đơn vị.

“Những tháng cuối năm thường là thời điểm nhạy cảm do nhu cầu vận chuyển, tiêu thụ GSGC tăng lên, nguy cơ tái phát dịch bệnh rất cao. Do đó, ngành chăn nuôi và thú y tỉnh khuyến cáo người chăn nuôi cần duy trì và thường xuyên thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên vật nuôi, trong đó chú trọng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Khi phát hiện GSGC có dấu hiệu mắc bệnh cần báo ngay với cán bộ thú y, chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời. Các trường hợp không báo cáo dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng sẽ bị xử lý theo quy định”, ông Minh cho biết thêm.

 

Hồng Phúc
Ý kiến bạn đọc
Top