Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 2 tháng 5 năm 2024  
Thứ hai, ngày 18 tháng 12 năm 2023 | 10:53

Quảng Trị nỗ lực khống chế dịch tả lợn châu Phi lây lan

Từ cuối tháng 10/2023 đến nay, dịch tả lợn châu Phi bùng phát lây lan nhanh tại 7 huyện tại Quảng Trị, 1.595 con lợn phải tiêu hủy. Quảng Trị đang gặp khó trong khống chế dịch lây lan trên diện rộng do thiếu hóa chất, vắc xin phòng bệnh.

Nỗ lực khống chế dịch lây lan

Sau khi ổ dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đầu tiên xảy ra vào ngày 26/10 tại hai xã Triệu Tài (huyện Triệu Phong),  Hải Lệ (thị xã Quảng Trị) thì liên tiếp xuất hiện các ổ dịch tại các địa phương khác. Đến nay, tại Quảng Trị, DTLCP đã xuất hiện tại 27 xã, phường, thị trấn thuộc 7 huyện, thị xã, thành phố, khiến phải tiêu hủy là 1.595 con lợn/73.739kg. Trong đó, tại huyện Triệu Phong, dịch xuất hiện ở tất cả 18 xã, thị trấn với tổng số 1.383 con lợn bị bệnh, chết, buộc phải tiêu hủy với tổng trọng lượng 63.451 kg

Tỉnh Quảng Trị thực hiện nhiều giải pháp khống chế không để DTLCP lan rộng.

Theo ông Trần Thanh Sơn, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Triệu Phong, sau khi nhận được 300 lít hóa chất và 10 tấn vôi hỗ trợ của tỉnh, Trạm đã giao về các xã, thị trấn để tiến hành tiêu độc khử trùng các nơi có dịch bệnh. Trạm tham mưu UBND huyện tiếp tục hỗ trợ thêm 300 lít hóa chất, 4 tấn vôi để khống chế dịch lây lan.

Ông Nguyễn Phú Quốc, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Trị, cho hay, DTLCP là bệnh dịch rất nguy hiểm cho ngành chăn nuôi. Nếu không sớm khống chế,  dịch sẽ gây tổn hại rất lớn về kinh tế. Chống dịch như chống giặc, rất  cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và huy động mọi nguồn lực, triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách để ngăn chặn dịch xâm nhập, lây lan và bảo vệ đàn vật nuôi.

Theo đó, các địa phương cần thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình dịch bệnh; quản lý chặt chẽ đàn lợn trên địa bàn đến từng trang trại, từng hộ dân; nhanh chóng phát hiện, cô lập, khống chế và xử lý triệt để các ổ dịch trong thời gian sớm nhất. Thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ và phối hợp tốt với các cơ quan chuyên môn xây dựng, dự phòng sẵn các phương án để xử lý triệt để lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh theo quy định của cơ quan thú y.

Cùng với đó, thực hiện tốt 5 không (không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn bệnh chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt). Đồng thời, người dân cũng phải chủ động báo cáo kịp thời bệnh dịch, không “bán chạy” lợn, kết hợp với việc kiểm soát tốt việc vận chuyển lợn.

Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Trị cũng đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tăng cường hướng dẫn các địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Tổ chức lấy mẫu xác định nguyên nhân gây bệnh. Phối hợp với các địa phương tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết, lợn có kết quả xét nghiệm dương tính với virus DTLCP theo quy định. Cấp 2.650 lít hóa chất cho các địa phương để khử trùng tiêu độc. Phân công cán bộ kỹ thuật bám sát địa bàn, hướng dẫn các địa phương kịp thời xử lý các ổ dịch.

Thiếu hóa chất và vắc xin

Phó Chi cục trưởng Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Trị Đào Văn An cho biết, hầu hết các ổ dịch bùng phát tại các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, hộ gia đình, không bảo đảm an toàn sinh học. Người dân tập trung nuôi lợn chuẩn bị bán trong dịp Tết nên số lượng lợn bị bệnh chết đưa đi tiêu hủy nhiều. Khó khăn hiện nay trong phòng chống dịch là chưa có vắc xin tiêm phòng.

Nguyên nhân DTLCP bùng phát và lây lan nhanh trước hết là do người chăn nuôi có tâm lý chủ quan, chưa thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch; còn tình trạng giấu dịch, đưa lợn bệnh ra chợ bán, phát hiện lợn bị bệnh nhưng không báo với cơ quan chức năng. Trong đợt mưa lũ tháng 10-11 vừa qua, xuất hiện tình trạng người dân vứt xác lợn chết ra môi trường khiến mầm bệnh phát tán, lây lan nhanh.

Người dân Quảng Trị tiến hành tiêu hủy lợn bị DTLCP.

“Dù lợn nằm ở vùng dịch, nhưng nếu âm tính với DTLCP thì được đưa vào giết mổ. Lợn giết mổ được cơ quan thú y kiểm soát, lăn dấu có thể sử dụng tiêu thụ bình thường. Ngành chức năng đang triển khai quyết liệt các giải pháp phòng chống dịch để cắt đứt nguồn lây, người dân cũng không nên quay lưng, nói không với thịt lợn. Để giúp triển khai các biện pháp phòng, chống dịch đồng bộ, hiệu quả, sớm ngăn chặn, khống chế dịch bệnh, Sở Nông nghiệp và PTNT đã kiến nghị UBND tỉnh đề xuất Bộ Nông nghiệp và PTNT, Cục Thú y hỗ trợ tỉnh 15.000 lít hóa chất phòng, chống dịch bệnh động vật, tiêu độc khử trùng, khắc phục môi trường chăn nuôi”, ông An cho hay.

Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, cho biết, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp cùng các đơn vị liên quan, địa phương triển khai hiệu quả, quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống DTLCP mà địa phương, Trung ương đã ban hành. Coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách cần thực hiện lúc này; quyết tâm khống chế dịch bệnh trong thời gian nhanh nhất, đảm bảo điều kiện phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững, cải thiện đời sống Nhân dân.

Tăng cường công tác giám sát, kịp thời phát hiện các trường hợp lợn có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh, báo cáo chính quyền, cơ quan thú y có hướng xử lý kịp thời. Xử lý nghiêm các trường hợp giấu, không báo cáo dẫn đến dịch lây lan diện rộng. Khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn lợn. Hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất xử lý môi trường khu vực chuồng nuôi và khu vực có nguy cơ cao; đẩy mạnh chăn nuôi an toàn sinh học…

Tỉnh Quảng Trị cũng vừa ban hành công văn yêu cầu các sở, ngành và chính quyền địa phương tổ chức thực hiện tốt công tác hỗ trợ thiệt hại cho người chăn nuôi có lợn bệnh, tiêu hủy vì DTLCP. Theo đó, chính quyền các địa phương hoàn thành thủ tục, hồ sơ hỗ trợ; niêm yết công khai danh sách hộ chăn nuôi được hưởng chính sách hỗ trợ.

Đồng thời, chỉ đạo các lực lượng công an, đồn, trạm biên phòng vùng biên giới tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn làm lây lan dịch bệnh; sớm chấm dứt tình trạng nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là lợn, sản phẩm lợn ra, vào vùng biên giới tỉnh Quảng Trị.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, thời tiết nắng, mưa thất thường nên nguy cơ DTLCP lây lan trên diện rộng rất cao. Ngoài sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng, người dân cần nâng cao ý thức cũng như có phương án xử lý, đặc biệt là vấn đề chăn nuôi theo hướng an toàn, khép kín từ khâu chọn giống, bảo quản thức ăn đến giết mổ, tiêu thụ sản phẩm...

 

T. Thành
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top