Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 6 tháng 5 năm 2024  
Thứ năm, ngày 9 tháng 3 năm 2023 | 14:10

Sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường

Hiện nay, ngành Nông nghiệp tại nhiều tỉnh thành trên cả nước đang phát triển theo hướng sản xuất xanh, an toàn, tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi; áp dụng các biện pháp sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi thân thiện môi trường, tạo ra sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao.

Hiệu quả kép

Hiện nay, nhu cầu sử dụng thực phẩm, sản phẩm nông nghiệp sạch, tự nhiên, hữu cơ đang được người tiêu dùng quan tâm, lựa chọn vì sức khỏe bản thân và cộng đồng. Do đó, đầu tư các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ an toàn đang là hướng đi được nhiều nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp ở Hà Nội lựa chọn.

Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Đức Phát (huyện Thanh Trì, Hà Nội) Nguyễn Mạnh Hồng cho biết, để tạo hướng đi riêng và sản xuất ra sản phẩm nông nghiệp xanh, an toàn, thân thiện với môi trường, hợp tác xã đã đầu tư phát triển mô hình trồng rau thủy canh. Mỗi năm, hợp tác xã thu hoạch được hơn 7 tấn rau các loại, như xà lách, cải ngọt, rau muống, dưa leo... Ngoài ra, đơn vị còn sản xuất thêm dưa lưới trong nhà màng, với diện tích 1.000m2, thu khoảng 2,4 tấn, mang lại lợi nhuận 70 triệu đồng/vụ.

Mô hình trồng rau thủy canh ở xã Yên Mỹ (huyện Thanh Trì) gắn với bảo vệ môi trường. Ảnh: Thu Xuyên

Còn theo bà Nguyễn Thị Thu Thoan - chủ trang trại chăn nuôi gà bằng thảo dược ở xã Minh Phú (huyện Sóc Sơn), để hạn chế ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, từ năm 2017, trang trại đã chuyển hướng sang nuôi gà theo mô hình ủ thức ăn vi sinh kết hợp sử dụng thảo dược. Trang trại của bà Thoan đang có khoảng 3.000 con gà thịt, trung bình mỗi tháng xuất bán 1.000 con/lứa. Thời gian tới, trang trại tiếp tục đầu tư, chăn nuôi theo quy trình để xây dựng thương hiệu thịt gà nhằm đẩy mạnh tiêu thụ.

Ngành Nông nghiệp Hà Nội đang hướng tới nền nông nghiệp xanh, an toàn, thân thiện môi trường…, do đó, nhiều địa phương trên địa bàn thành phố đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi theo hướng hữu cơ, bảo đảm sức khỏe người dân. Đến nay, Hà Nội đã có 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 5.000ha sản xuất rau an toàn, hơn 50ha sản xuất rau hữu cơ... Các mô hình này không chỉ tạo nguồn thực phẩm sạch mà còn cho hiệu quả kinh tế cao hơn 15-20% so phương thức sản xuất truyền thống, và đặc biệt là hạn chế ô nhiễm môi trường. Thực tế trên đã cho thấy hiệu quả kép khi sản xuất gắn với môi trường.

Tiếp tục nhân rộng mô hình

Thực tế cho thấy, việc phát triển các mô hình nông nghiệp xanh, an toàn gắn với bảo vệ môi trường thường có chi phí rất cao, trong khi đó, giá bán nông sản an toàn còn bấp bênh. Để tháo gỡ khó khăn và mở rộng mô hình nông nghiệp xanh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch Organic Green (huyện Thường Tín) Nguyễn Văn Chữ kiến nghị các ngành chức năng hỗ trợ các hợp tác xã, trang trại về kiến thức sản xuất theo quy trình VietGAP, tạo điều kiện cho vay vốn với lãi suất ưu đãi để đưa ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp an toàn.

Cũng liên quan đến phương thức canh tác hiện đại, phù hợp với xu thế này, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Kim Loan, thời gian tới, huyện tiếp tục nhân rộng những mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích ứng biến đổi khí hậu; kiểm soát chặt chẽ việc lưu hành và sử dụng loại thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, huyện sẽ tập trung phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo quy hoạch, đưa các trang trại ra khỏi khu dân cư; nhân rộng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi và nuôi thủy sản theo quy trình VietGAP.

Hướng tới nền nông nghiệp xanh, thân thiện môi trường, Hà Nội tập trung phát triển các vùng nông nghiệp hàng hóa theo hướng đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất gắn với xây dựng thương hiệu; sản xuất nông nghiệp xanh đang trở thành mũi nhọn của Nông nghiệp Thủ đô.

Để tiếp tục nhân rộng mô hình nông nghiệp an toàn, thực hiện công tác quản lý, bảo vệ môi trường, theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương, ngành Nông nghiệp tiếp tục phối hợp cùng các ngành chức năng, địa phương tuyên truyền kinh nghiệm hay, phương pháp và cách làm sáng tạo trong nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường. Hà Nội cũng tạo điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp xanh, khuyến khích phát triển thêm nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp phối hợp với các địa phương đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất. Theo đó, ngành tăng cường công tác quản lý, giám sát, thực hiện quy hoạch bảo đảm phát triển ngành có định hướng, bền vững, phát triển sản xuất đi đôi với đầu tư bảo vệ môi trường. Các địa phương có cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân thực hiện xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật, phân bón trên cánh đồng; sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý chất thải trong chăn nuôi... Chính quyền địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác phổ biến các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường nông nghiệp; nâng cao nhận thức về vai trò và trách nhiệm của các cấp và mỗi người dân trong công tác bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp.

Lâm Đồng: Kiểm soát tác động môi trường từ sản xuất nông nghiệp

Nông nghiệp là ngành có nhu cầu dùng nước nhiều nhất trong các ngành kinh tế. Nước thải từ hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa huyện hiện nay hầu hết đều không được thu gom xử lý mà thải trực tiếp vào nguồn tiếp nhận như đồng ruộng, mương nước, hồ, sông, suối... Đây là một trong những nguồn chính gây ô nhiễm lớn cho môi trường nước mặt, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân cũng như môi trường sống và cảnh quan môi trường. 

Hiện nay, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên địa bàn huyện là rất phổ biến. Khi mưa xuống sự rò rỉ, xói mòn đất sẽ dẫn theo phân bón, hoá chất BVTV tồn động trong đất theo nước mưa chảy tràn, chảy xuống các ao, hồ... Bên cạnh đó, nguồn nước mặt có thể bị ô nhiễm bởi việc đổ các hoá chất BVTV thừa sau khi phun xong, đổ nước rửa dụng cụ sau khi phun thuốc xuống ao, hồ. 

Qua rà soát thực tế tại nhiều địa phương, hầu hết người dân chưa biết cách xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng đúng cách. Đa số bao gói thuốc BVTV được người dân vứt ngay tại vườn, ruộng, sông, suối ven đường hoặc đốt chung với các loại chất thải khác. Vì thế tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm đến nguồn nước, môi trường đất và sức khỏe con người.

Trước thực trạng đó, từ năm 2018 đến nay, UBND huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng đã cấp kinh phí thực hiện lắp đặt 700 bể chứa vỏ chai, bao bì thuốc BVTV sau sử dụng và 7 kho chứa tập trung tại 7 xã, thị trấn. Năm 2022, Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng và Công trình công cộng huyện, UBND các xã, thị trấn tiến hành thu gom bao bì thuốc BVTV từ bể chứa về kho lưu chứa và chuyển giao cho đơn vị có chức năng vận chuyển, xử lý 7,9 tấn.

Việc xử lý mùi hôi và các chất thải từ hoạt động chăn nuôi ở một số cơ sở nhỏ lẻ chưa đảm bảo an toàn với môi trường

Tổng diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn huyện là 20.300,32 ha, trong đó diện tích đất trồng cây hàng năm là 16.469,32 ha; diện tích đất trồng cây lâu năm 3.831,01 ha. Do chưa có hệ thống thu gom và xử lý nên hiện nay phụ phẩm và phế phẩm nông nghiệp phần lớn được lưu trữ tại nguồn và được xử lý thông qua các hoạt động như: chôn lấp trên đồng ruộng, thải bỏ xuống các dòng sông suối hoặc đốt bỏ, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Một phần nhỏ chất thải nông nghiệp được thu gom, vận chuyển và xử lý chung với chất thải rắn sinh hoạt. Chất thải rau, củ, quả hiện đã được nhiều hộ chăn nuôi xin về làm thức ăn gia súc, tuy nhiên, hiệu quả chưa cao, mang tính tự phát, chưa được đầu tư hiệu quả. 

Cùng với sự phát triển của trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng là vấn đề đáng quan tâm. Hoạt động chăn nuôi làm phát sinh Nitơ oxit (N2O), cùng với các loại khí khác như CO2, CH4,… gây nên hiệu ứng nhà kính làm trái đất nóng lên. Tuy nhiên, chăn nuôi trên địa bàn huyện chủ yếu là các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, chăn nuôi hộ gia đình. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đơn Dương, trong năm 2022, số lượng hộ gia đình có chăn nuôi gia súc, gia cầm (trang trại quy mô vừa và nhỏ) trên địa bàn huyện là 78 cơ sở. Phần lớn các cơ sở chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ đã có công trình xử lý môi trường, 80% cơ sở chăn nuôi gia súc tập trung có hầm biogas, nhưng một số vẫn chưa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật theo quy định.

Dựa trên cơ sở dữ liệu đã phân tích về thực trạng ô nhiễm do tác động từ sản xuất nông nghiệp, UBND huyện Đơn Dương xác định cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường theo thẩm quyền.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục vận động nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng đối với công tác bảo vệ môi trường, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến chính sách, chủ trương, pháp luật về bảo vệ môi trường cho mọi tổ chức, cá nhân nhằm nâng cao nhận thức trách nhiệm của toàn xã hội trong công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là công tác thu gom, xử lý rác thải tại các địa phương, xử lý chất thải trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Là địa phương có nhiều tiềm năng về phát triển trồng trọt, huyện Đơn Dương luôn chú trọng tuyên truyền, khuyến khích người dân không lạm dụng việc sử dụng các hóa chất BVTV, phân bón vô cơ gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, các hợp tác xã nông nghiệp tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về sử dụng, thu gom và xử lý thuốc và vỏ thuốc BVTV, xây dựng các bể chứa thu gom vỏ chai, bao bì hóa chất bảo vệ thực vật sau sử dụng, tránh tình trạng vứt bỏ bừa bãi tại các bờ ruộng, sông, suối, ao, hồ gây ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm đất, không khí... Hướng dẫn người dân tận thu phế phụ phẩm trồng trọt chế biến làm thức ăn cho gia súc, chất độn trong chăn nuôi,... để nâng cao hiệu quả kinh tế, đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

 

Thanh Xuân (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top