Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 19 tháng 5 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 7 tháng 7 năm 2023 | 11:12

Sản xuất nông nghiệp và đánh bắt cá ở khu vực Mỹ Latinh sẽ tăng 12%

Các chuyên gia của FAO và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (ECDE) ước tính rằng ngành trồng trọt sẽ tăng trưởng 17% và đóng góp tới 70% cho tăng trưởng kinh tế khu vực Mỹ Latinh.

Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ Latinh, ngày 6/7, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) dự báo sản xuất nông nghiệp và đánh bắt cá ở khu vực Mỹ Latinh và Caribe sẽ tăng 12% vào năm 2032, nhưng với tốc độ chậm hơn so với trước đây, đồng thời phải đối mặt với nhiều thách thức.

Hàng hóa tập kết tại cảng Manzanillo thuộc bang Colima, Mexico. (Nguồn: Reuters)

Các chuyên gia của FAO và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (ECDE) ước tính rằng ngành trồng trọt sẽ tăng trưởng 17% và đóng góp tới 70% cho tăng trưởng chung. Trong khi đó, ngành chăn nuôi và đánh bắt cá sẽ phát triển ở mức độ “vừa phải hơn”, với các mức tăng trưởng lần lượt là 11% và 10% trong 10 năm tới.

Sản xuất nông nghiệp và thủy sản trong khu vực dự kiến sẽ tăng 12% vào năm 2032, chậm hơn rõ rệt so với trước đây.

Báo cáo do FAO và ECDE cùng thực hiện, nêu rõ xuất khẩu là chìa khóa để tăng trưởng nông nghiệp bền vững. Mặc dù có tới 2 tỷ ha đất canh tác và nguồn tài nguyên nông nghiệp dồi dào, song khu vực Mỹ Latinh và Caribe vẫn sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức giống như các khu vực còn lại của thế giới.

Báo cáo nhấn mạnh đến năm 2032, Mỹ Latinh dự kiến sẽ chiếm hơn 30% thị phần xuất khẩu toàn cầu đối với các sản phẩm ngô, đậu nành, đường, thịt bò, thịt gia cầm và bột mì, tuy nhiên sự tăng trưởng bền vững của cây trồng ở Mỹ Latinh và Caribe sẽ phụ thuộc vào việc thế giới duy trì định hướng hướng tới một thị trường toàn cầu mở.

Nói cách khác, sự thịnh vượng của ngành nông nghiệp trong khu vực này cũng sẽ phụ thuộc vào người mua nước ngoài, vào xuất khẩu. Vì lý do này, trong thập niên tới, sự phát triển của quan hệ thương mại ở nhiều nơi trên thế giới sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến các nhà sản xuất, tạo ra cơ hội và thách thức mới.

FAO và ECDE nhận định thị trường toàn cầu ngày càng biến động và hoạt động thương mại quốc tế “mong manh hơn” trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị. Một yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến sản xuất là khủng hoảng khí hậu.

Mỹ Latinh và Caribe, đặc biệt là Brazil, đã chiếm hơn một nửa sản lượng đậu tương của thế giới và thị phần của khu vực trên dự kiến sẽ đạt 54% vào năm 2032, thế nhưng hạn hán năm 2021 đã khiến giá mặt hàng này trở nên đắt đỏ.

Trong điều kiện khí hậu bình thường, Mỹ Latinh có khả năng lấp đầy "khoảng trống" về sản lượng do ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga-Ukraine./. 

Theo Mai Phương (TTXVN/Vietnam+)

 

Ý kiến bạn đọc
Top