Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 4 tháng 5 năm 2024  
Thứ năm, ngày 28 tháng 9 năm 2023 | 16:42

Sông Sa Lung bị ô nhiễm do doanh nghiệp xả thải

Sau đợt mưa lớn, nước từ phía thượng nguồn sông Sa Lung (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) chảy về có màu đen, bốc mùi hôi, sau đó xảy ra trình trạng cá chết hàng loạt. Trước đó, cơ quan chức năng phát hiện 2 doanh nghiệp ở phía thượng nguồn sông Sa Lung lén lút xả thải ra môi trường.

Cá chết hàng loạt

Ông Trần Tủ (trú tại thôn Xuân Hòa, xã Trung Hải, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) cho hay, sau đợt mưa lớn ngày 26.9, nước từ phía nhánh sông Sa Lung chảy về có màu đen và mùi hôi bất thường. Khi nước của nhánh sông hòa với sông Bến Hải thì cá ở khu vực này bị chết.

“Hôm qua và hôm nay, cá chết nổi lên rất nhiều. Các loại cá mòi, cá đối, thát lát sống rất dai nhưng vẫn chết là rất vô lý” – ông Trần Tủ cho hay.

Cũng theo ông Tủ, những năm trước, đánh bắt được cá trên sông là có người hỏi mua ngay, vì cá tươi ngon. Nhưng năm nay, do sông Sa Lung thường xuyên bị ô nhiễm nên người dân không dám ăn cá ở sông, sợ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Ông Trần Tủ bức xúc khi chứng kiến cảnh cá chết, nổi trắng bụng trên sông. Ảnh: Hưng Thơ.

“Các nhà máy ở thượng nguồn xả chất thải chưa qua xử lý ra sông mới có thể gây nên tình trạng ô nhiễm thế này. Người dân than phiền, cầu cứu nhiều lần, nhưng ô nhiễm vẫn cứ tiếp diễn” – ông Trần Tủ bức xúc.

Theo UBND huyện Vĩnh Linh, việc xả thải trái phép của các nhà máy, cơ sở sản xuất, chăn nuôi dọc lưu vực sông là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước. Đặc biệt, sau đợt áp thấp nhiệt đới mưa nhiều, nước sông lên cao cá trên sông Sa Lung chết hàng loạt vào ngày 27.9.

Gần đây nhất, vào ngày 26.9, cơ quan chức năng huyện Vĩnh Linh đã tiến hành kiểm tra đột xuất việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường đối với Công ty Cổ phần Bắc Trung Bộ (thôn Tân Lập, xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Linh) và phát hiện một đường ống dẫn nước thải từ hồ chứa xả ra sông Sa Lung.

Trước đó, vào 19.9, UBND huyện Vĩnh Linh đã kiểm tra đột xuất việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường đối với Công ty TNHH MTV Đức Hiền Quảng Trị và phát hiện có cống ngầm nối từ trong khu vực nhà máy xả nước thải ra sông Sa Lung.

Hiện, cơ quan chức năng đã lấy mẫu nước thải để kiểm tra, chưa có kết quả xử lý.

Ông Thái Văn Thành – Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh cho biết, trong ngày 27/9, UBND huyện đã đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị chỉ đạo các sở, ban ngành kiểm tra toàn diện các nhà máy, cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện có nguồn xả thải ra môi trường, để có biện pháp xử lý hiệu quả và kịp thời vừa đảm bảo sản xuất, đồng thời phải đảm bảo môi trường trên địa bàn huyện.

UBND huyện Vĩnh Linh cũng đề nghị tỉnh giao Công an tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác kiểm tra nắm tình hình, phát hiện các nguồn xả thải trái pháp luật đổ ra môi trường để ngăn chặn và xử lý kịp thời.

Liên quan đến ô nhiễm nguồn nước sông Sa Lung, Lao Động đã có nhiều bài viết, phản ánh tình trạng hàng trăm ha tôm nuôi của người dân lấy nước từ sông Sa Lung đã bị chết, thiệt hại nặng. Người dân nghi ngờ sông Sa Lung bị ô nhiễm do các nhà máy xả thải, nhưng cơ quan chức năng không phát hiện, xử lý.

Đến khi người dân đi dọc sông lên phía thượng nguồn, phát hiện nước từ công trình thủy lợi Sa Lung đổ ra sông có màu đen, bốc mùi hôi thì các doanh nghiệp lén lút xả thải ra sông mới dần lộ diện.

Chăn nuôi lợn gây ô nhiễm môi trường, hai cá nhân bị xử phạt gần 300 triệu đồng

Ngày 25/9, thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh vừa ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hai cá nhân về hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường. Tổng số tiền phạt gần 300 triệu đồng.

Theo đó, ông Vũ Thái An (43 tuổi, trú tại xã Nam Bình, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông) bị xử phạt 210 triệu đồng về hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường. Ông An là chủ trại chăn nuôi lợn gia công tại thôn 7 cùng xã. Trang trại của ông An bị nhiều hộ dân phản ánh xả thải gây ô nhiễm. Kết quả lấy mẫu, phân tích của ngành chức năng vào ngày 11/9/2023 đã xác định, nhiều thông số quan trọng trong mẫu nước thải từ trang trại của ông An vượt nhiều lần quy chuẩn cho phép. Điển hình như: Coliforms vượt 44 lần, TSS vượt hơn 100 lần, COD vượt hơn 40 lần… Hành vi của ông An bị xác định đã vi phạm Nghị định số 45/2022/NĐ-CP, ngày 7/7/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Với hành vi vi phạm tương tự nhưng các thông số môi trường từ mẫu nước thải ở mức thấp hơn, ông Trần Xuân Nguyên (69 tuổi, trú cùng xã) bị xử phạt tổng số tiền 88 triệu đồng.

Cả hai ông An, Nguyên đều bị buộc phải chi trả chi phí trưng cầu đo đạc và phân tích mẫu nước thải; đồng thời bị buộc ngưng ngay việc xả thải, thu gom nước về hố chống thấm; tiến hành xây dựng, cải tạo hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn và trình cấp có thẩm quyền kiểm tra, cấp giấy phép môi trường theo quy định.

Trước đó, vào đầu tháng 9/2023, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành quyết định xử phạt hành chính hơn 290 triệu đồng đối với 2 cá nhân nuôi lợn cùng ở xã Nam Bình. Đây là xã có số lượng trang trại nuôi heo gia công hàng đầu của Đắk Nông.

Theo một lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Nông, các đơn vị chức năng của Sở đang phối hợp với các ngành liên quan, chính quyền các địa phương kiểm tra, xử lý các cơ sở chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường. Đây là việc làm cần thiết nhằm chấn chỉnh việc tuân thủ các quy định pháp luật liên quan tới ngành nghề này tại các địa phương trong tỉnh.

Trong tình trạng tương tự, nhiều hộ dân tại các bản Cao Đa 1, Cao Đa 2, xã Phiêng Ban, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La về tình trạng ô nhiễm môi trường không khí từ 1 trang trại nuôi lợn trên địa bàn đã ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sức khỏe của họ. Việc này cứ lặp đi, lặp lại nhiều năm nhưng đến nay vẫn không giải quyết được triệt để

Đồng Nai: Vận động người dân đầu tư công nghệ, chuyển đổi mô hình chăn nuôi để giảm ô nhiễm

Tại tỉnh Đồng Nai, thời gian qua tình trạng các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm xả thải ra môi trường làm ô nhiễm nguồn nước sông, suối gây bức xúc cho người dân. Trước thực trạng này để bảo vệ môi trường trong chăn nuôi chính quyền địa phương ngoài việc xử lý nghiêm những trang trại vi phạm, cũng đang vận động các công ty, hộ chăn nuôi gia đình đầu tư công nghệ xử lý nước thải, hoặc chuyển đổi sang mô hình chăn nuôi khác để tránh làm ô nhiễm môi trường.

Trang trại của ông Hoàng Liên Thanh Thanh tại xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất có công suất nuôi gia công 6.000 con heo, nhưng hiện nay anh đã quyết định tận dụng hệ thống chuồng trại nuôi heo sẵn có cải tạo thành gần 100 hồ nuôi lươn.

Ông Hoàng Liên Thanh chia sẻ: "Nuôi heo xử lý môi trường nó rất phức tạp, nuôi lươn thì nó rất sạch, nước sạch mình có thể sử dụng tuần hoàn không ảnh hưởng đến môi trường. Về năng suất lợi nhuận cũng tốt hơn".

Còn ông Phan Tú cũng tại xã Hưng Lộc, từng bị chính quyền xử phạt vì chăn nuôi hệ thống xử lý nước thải không đảm bảo về môi trường, hiện nay ông đang bỏ ra gần 800 triệu đồng để xây các hầm chứa biogas và hệ thống xử lý nước thải để bảo vệ môi trường.

"Lúc trước mình cũng làm theo đề án cũ năm 2014 nên không đạt mấy bị chính quyền xử phạt, nên nay đầu tư kỹ thuật công nghệ cho đạt chuẩn môi trường của nhà nước, bảo vệ môi trường cho xã và môi trường sống của mình nữa" - ông Phan Tú chia sẻ.

Toàn huyện Thống Nhất, hiện có 430 trang trại, với tổng số đàn gia súc, gia cầm là hơn 1,7 triệu con. Trước thực trạng nhiều cơ sở chăn nuôi không đảm bảo về môi trường, từ đầu năm đến nay huyện đã tổng kiểm tra 361 trang trại /430 trang trại, và đã phát hiện 99 trang vi phạm về công tác bảo vệ môi trường trong chăn nuôi. Huyện đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính các cơ sở vi phạm hơn 2 tỷ đồng.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Cương, Phó Chủ tịch UBND huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai cho hay: "Yêu cầu các cơ sở có vi phạm thì phải dừng nuôi, khắc phục ngay, đầu tiên chúng tôi yêu cầu là phải đào thêm các hố lắng, bể lắng, xử lý các hố biogas thu nạp các chất thải, rồi xử lý khắc phục các ống dẫn thẳng ra môi trường không qua bể lắng lọc là yêu cầu xử lý ngay, đồng thời rất nhiều cơ sở chúng tôi yêu cầu dừng luôn đề khắc phục, có cơ sở chúng tôi yêu cầu niêm phong cơ sở thực hiện quyết định vi phạm hành chính...".

Ông Nguyễn Đình Cương cũng cho biết hiện địa phương đang vận động các công ty, hộ chăn nuôi gia đình đầu tư thêm công nghệ, hệ thống xử lý nước thải để bảo vệ môi trường, chăn nuôi bền vững. Huyện sẽ hỗ trợ 46 triệu đồng, 1 trang trại và 6 triệu đồng cho 1 hộ chăn nuôi gia đình để giúp người dân vượt qua khó khăn, tái đàn.

 

Thanh Xuân (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top