Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 20 tháng 5 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 12 tháng 8 năm 2023 | 13:5

Tạo giá trị thương hiệu sản phẩm cá chình bông Phú Yên

Viện Thổ nhưỡng Nông hóa, thuộc Viện Khoa học nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Sở KH&CN Phú Yên đang phối hợp với một số cơ quan liên quan triển khai nhiệm vụ “Đăng ký bảo hộ và quản lý chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cá chình bông của tỉnh Phú Yên”.

Mục tiêu của nhiệm vụ khoa học này là bảo hộ theo chỉ dẫn địa lý cho cá chình bông giống tự nhiên và cá chình bông thương phẩm tươi sống nuôi tại các ao, hồ, đầm, lồng bè nhằm bảo hộ quyền và lợi ích chính đáng cho người tiêu dùng và sản xuất; góp phần nâng cao vị thế sản phẩm trên thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cho các hộ nuôi cá chình bông và các cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh Phú Yên nói riêng và các cơ sở kinh doanh cá chình bông Phú Yên ở các địa phương khác nói chung.

Ông Dương Bình Phú, Giám đốc Sở KH&CN Phú Yên cho biết, việc xây dựng, triển khai các hoạt động của nhiệm vụ khoa học này sẽ tạo điều kiện để xây dựng đồng bộ chuỗi hoạt động sản xuất kinh doanh sản phẩm cá chình bông Phú Yên mang chỉ dẫn địa lý trên địa bàn; xây dựng mô hình quản lý và kiểm soát quy trình nuôi nhằm đảm bảo chất lượng đặc thù của sản phẩm; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất; tổ chức mạng lưới tiêu thụ sản phẩm…

Người dân Phú Yên nuôi cá chình bông tại lồng bè

Cá chình bông (Anguilla marmorata) là một loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng, thịt thơm ngon, được nhiều người ưa thích. Thịt cá chình có vị ngọt, tính bình với các tác dụng bổ hư luy, khư phong thấp, sát trùng nên còn được dùng để làm thuốc. Hiện giá thu cá chình bông mua trên thị trường trong nước là 400.000 - 700.000 đồng/kg.

Phú Yên là tỉnh dẫn đầu trong cả nước về nguồn giống cá chình bông. Nguồn cá chình giống chủ yếu thu vớt từ tự nhiên tại địa phương, với ngư cụ khai thác là lưới mành kết hợp với ánh sáng.

Ở Phú Yên có nhiều vị trí đánh bắt cá chình rất thuận lợi cho công tác làm giống như ở sông Ba (TP. Tuy Hòa), sông Bàn Thạch (Đông Hòa), đập Tam Giang (Tuy An). Một số ngư dân dùng vợt mùng trong 1 đêm có thể bắt được 1.000 - 5.000 con cá chình con cỡ 45 - 55 mm, số lượng 5.500 - 6.000 con/kg. Sự phân bố cá chình bông ở Phú Yên tương đối rộng, chúng có mặt hầu hết các thủy vực nước ngọt và đầm phá Phú Yên.

Hội thảo đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cá chình bông Phú Yên

Theo ThS. Hoàng Văn Duật, Trung tâm Tư vấn, sản xuất, dịch vụ và chuyển giao công nghệ thủy sản - Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III, từ những lợi thế của nghề nuôi cá chình bông ở vùng đất Phú Yên, việc sớm xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cá chình bông Phú Yên hiện nay là rất cần thiết. Bởi cá chình bông Phú Yên có chất lượng đặc trưng, có mối liên hệ với điều kiện tự nhiên, sinh thái của khu vực nuôi trồng. Đây chính là cơ sở khoa học để xây dựng chỉ dẫn địa lý cho cá chình bông Phú Yên. Qua đó giúp người nuôi, người kinh doanh sản phẩm đạt hiệu quả kinh tế cao, đồng thời tăng khả năng nhận biết bảo vệ danh tiếng cho sản phẩm. Vì vậy, việc tiến hành thực hiện nhiệm vụ “Đăng ký bảo hộ và quản lý chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cá chình bông của tỉnh Phú Yên” là hoàn toàn phù hợp và hết sức có ý nghĩa trong giai đoạn hiện nay.

Cá chình bông thương phẩm

Ông Dương Bình Phú, Giám đốc Sở KH-CN Phú Yên cho biết: Việc sớm xây dựng chỉ dẫn địa lý cho cá chình bông Phú Yên sẽ góp phần nâng cao chuỗi giá trị của sản phẩm cá chình bông từ con giống, chế độ thức ăn, chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc. Hơn nữa, xu hướng của thị trường hiện nay luôn đòi hỏi những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nhãn hiệu hàng hóa được bảo hộ. Vì vậy, chỉ dẫn địa lý cho cá chình bông Phú Yên không chỉ mang đến ý nghĩa về xuất xứ hàng hóa, mà quan trọng hơn mang lại giá trị gia tăng cho nhà sản xuất và góp phần quảng bá sản phẩm địa phương.

Các sản phẩm cá chình bông Phú Yên sau khi được bảo hộ, người tiêu dùng sẽ dễ nhận biết và lựa chọn sản phẩm. Sản phẩm sẽ góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ trong tương lai, có sức cạnh tranh hơn so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường, củng cố lòng tin của người tiêu dùng, từ đó gia tăng giá trị, thúc đẩy sản phẩm tham gia tốt hơn vào thị trường. Bên cạnh đó bảo vệ uy tín, danh tiếng sản phẩm các làng nghề nuôi cá chình bông Phú Yên, cũng như tạo thêm và giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động địa phương; nâng cao công tác quản lý chất lượng sản phẩm cho người tiêu dùng.

 

Dương Hùng
Ý kiến bạn đọc
  • Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Sát cánh cùng người dân phát triển kinh tế, đồng vốn từ NHCSXH huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã góp phần làm sống lại nghề trồng dâu nuôi tằm tưởng như đã “lụi” lại vươn mình phát triển mạnh mẽ, tạo phong trào thi đua làm kinh tế sôi nổi tại địa phương.

  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

Top