Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 30 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 18 tháng 7 năm 2023 | 12:52

Tập đoàn Điện lực Việt Nam tập trung ứng phó bão số 1

Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã ban hành các công điện chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị trực thuộc triển khai các nhiệm vụ tập trung ứng phó với bão số 1 (tên Quốc tế TALIM) năm 2023 và mưa lũ sau bão.

Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia và Đài khí tượng thủy văn Trung ương (Bộ TN-MT), từ gần sáng ngày 18/7, vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Nam Định gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão cấp 9-10, giật cấp 13; khu vực sâu trong đất liền phía Đông Bắc Bộ cấp 6-7, giật cấp 9.

Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã ban hành các công điện về ứng phó với bão số 1. Các bộ, ngành, địa phương cũng đã chủ động phương án ứng phó như: kiểm đếm, thông báo, hướng dẫn, kêu gọi tàu thuyền di chuyển vòng tránh, thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú; rà soát phương án sơ tán dân tại các khu vực nguy hiểm và trên các lồng bè…

Với tinh thần nghiêm túc triển khai các biện pháp ứng phó cơn bão số 1 (TALIM), Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã ban hành các Công điện số 4067, 4068, 4083 chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị trực thuộc triển khai các nhiệm vụ tập trung ứng phó với bão số 1 năm 2023 và mưa lũ sau bão. Trong đó, EVN yêu cầu tạm dừng các hoạt động chưa cần thiết; tập trung chỉ đạo, kiểm tra, triển khai thực hiện các nội dung công việc liên quan đến ứng phó, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.

Các đơn vị tổ chức trực ban 24/24h, tuyệt đối không được chủ quan và cần tăng cường kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó, khắc phục ảnh hưởng của thiên tai. Phối hợp với các cơ quan truyền thông báo chí để cung cấp, đăng tải thông tin đầy đủ, chính xác. Chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực, trang thiết bị, phương tiện, vật tư để khắc phục kịp thời sự cố, thiệt hại do thiên tai gây ra trong thời gian nhanh nhất. Tăng cường, chủ động phương án thông tin liên lạc, chỉ đạo trực tuyến và ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ công tác kiểm tra, diễn tập, chỉ đạo, chỉ huy điều hành ứng phó.

Các Công ty thủy điện trực thuộc, các Tổng công ty Phát điện/ Công ty thuỷ điện: (i) Tổ chức quan trắc, thu thập thông tin về khí tượng thủy văn, chủ động phối hợp với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai &TKCN tỉnh để tuyên truyền, vận hành đảm bảo an toàn, hiệu quả; (ii) Tham gia cắt/giảm/làm chậm lũ, đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du; (iii) Triển khai thực hiện các phương án đảm bảo an toàn công trình hồ đập, vùng hạ du hồ chứa, đặc biệt là các điểm xung yếu; (iv) Bố trí lực lượng để chủ động xử lý kịp thời các tình huống mất an toàn có thể xảy ra, đặc biệt là tình huống xả lũ khẩn cấp.

Các Công ty/ Nhà máy nhiệt điện trực thuộc, các Tổng công ty Phát điện/ Công ty nhiệt điện tăng cường kiểm tra hệ thống mái che, hệ thống thoát nước mặt, kho nhiên liệu, bãi thải xỉ đảm bảo vận hành an toàn, tin cậy, không làm ảnh hưởng đến môi trường. Lưu ý dự phòng nhiên liệu cho sản xuất điện khi các địa phương thực hiện lệnh cấm biển.

Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia/ Công ty Truyền tải điện: (i) Tăng cường kiểm tra để sớm phát hiện khu vực có khả năng sạt lở đất, ảnh hưởng đến cột, đường dây, trạm điện và có phương án xử lý kịp thời; đối với các trạm điện có nguy cơ bị ngập úng cần có phương án trực vận hành và phòng chống phù hợp, đảm bảo vận hành an toàn, liên tục; (ii) Các đơn vị trong vùng bị ảnh hưởng tổ chức tái lập ca trực đối với trạm biến áp không người trực vận hành tại chỗ; (iii) Khẩn trương gia cố các điểm sạt lở, nguy cơ sạt lở của các đợt mưa bão trước; khắc phục những tồn tại khiếm khuyết của lưới điện tại khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng.

Các Tổng công ty Điện lực: (i) Tiếp tục chỉ đạo củng cố lưới điện, xử lý các tồn tại, gia cố các điểm xung yếu có nguy cơ bị sự cố; đối với các trạm điện có nguy cơ bị ngập úng cần có phương án trực vận hành và phòng chống phù hợp để đảm bảo an toàn, sẵn sàng ứng phó kịp thời với các tình huống có thể xảy ra; (ii) Khi có ảnh hưởng của thiên tai gây sự cố mất điện cần nhanh chóng tổ chức xử lý, khắc phục, sớm khôi phục điện đảm bảo an toàn cho các khách hàng đặc biệt là các phụ tải quan trọng, các công trình phòng chống thiên tai trên địa bàn; (iii) Khẩn trương phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, tổ chức cắt tỉa cây xanh, bảo vệ hành lang an toàn lưới điện; (iv) Chỉ đạo các đơn vị thủy điện/ thủy điện nhỏ (nếu có) thực hiện theo đúng yêu cầu chung; (v) Các đơn vị trong vùng bị ảnh hưởng tổ chức tái lập ca trực đối với trạm biến áp không người trực vận hành tại chỗ.

Các Ban Quản lý dự án kiểm tra công trường, theo dõi sát diễn biến của thiên tai, tổ chức ứng phó, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người, thiết bị trên công trường.

Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia/ các Trung tâm điều độ miền theo dõi sát diễn biến của thiên tai. Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị để đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện, nhanh chóng chỉ huy khắc phục khi sự cố xảy ra.

Công ty Viễn thông Điện lực và Công nghệ Thông tin đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt phục vụ điều hành.

Đối với đơn vị bị ảnh hưởng, thiệt hại do thiên tai phải báo cáo cập nhật thông tin, số liệu hàng ngày. Trường hợp xảy ra sự cố, thiệt hại lớn do thiên tai gây ra, đơn vị cần khẩn trương báo cáo nhanh về Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai & Tìm kiếm cứu nạn EVN.

EVN sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến của cơn bão số 1 (TALIM) và cập nhật thường xuyên về tình hình ảnh hưởng tới việc vận hành nguồn và lưới điện cũng như ảnh hưởng đến cung cấp điện cho khách hàng sử dụng điện.

* Bão số 1 có diễn biến phức tạp và phạm vi ảnh hưởng rộng đến khu vực đất liền phía Bắc. Hiện các công ty điện lực thành viên của Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) đã và đang nhanh chóng, khẩn trương triển khai công tác ứng phó với bão.

Tại Quảng Ninh, ông Phạm Đình Chấn – Phó Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Ninh (PC Quảng Ninh) thông tin, đến nay công tác ứng phó với cơn bão số 1 cơ bản đã hoàn thành. PC Quảng Ninh huy động 100% CBCNV các đơn vị trực thuộc tăng cường trực vận hành; bố trí phân công trực theo phương châm “4 tại chỗ” tại các huyện, xã đảo; đồng thời chuẩn bị vật tư thiết bị và các phương tiện sẵn sàng xử lý sự cố do bão gây ra.

Công nhân TBA 110kV Vân Đồn 2 (PC Quảng Ninh) che chắn thiết bị phòng chống cơn bão số 1. Ảnh: ĐVCC

Những vị trí xung yếu, nguy cơ bị ảnh hưởng nặng với lưới điện trung hạ áp, trạm 110kV và các kho tàng, nhà làm việc đã được rà soát, gia cố. Các điện lực cũng phối hợp với công ty cây xanh tiếp tục phát quang hành lang tuyến để tránh cây gẫy, đổ vào đường dây, trạm biến áp.

Hiện nay, công ty đang tập trung theo dõi chặt chẽ diễn biến, đường đi của bão, tình hình mưa lớn, ngập lụt để chủ động trong vận hành các đường dây trung áp và các TBA phụ tải, đảm bảo an toàn cho nhân dân và hạn chế thấp nhất hư hỏng lưới điện do bão, lụt gây ra. Bên cạnh đó, Công ty Điện lực Quảng Ninh cũng chủ động phối hợp chặt chẽ với chính quyền tỉnh và địa phương trong công tác chuẩn bị ứng phó, phối hợp khắc phục xử lý sự cố do thiên tai.

Tại Ninh Bình, với nguyên tắc thực hiện chủ động phòng ngừa, ứng phó linh hoạt kịp thời, khắc phục nhanh hậu quả, Công ty Điện lực Ninh Bình (PC Ninh Bình) đã tổ chức gia cố các vị trí xung yếu, sạt lở; chặt tỉa cây có nguy cơ đổ vào các tuyến đường dây; kiểm tra, khơi thông hệ thống thoát nước…; đặc biệt áp dụng kịp thời biện pháp chống ngập nước tại các hầm cáp của các TBA 110kV như Nho Quan, Ninh Bình; tổ chức kiểm tra, xử lý kịp thời các vị trí cột, đường dây xung yếu có nguy cơ đổ, nghiêng để có phương án di chuyển, phòng ngừa hư hỏng thiết bị và an toàn điện cho nhân dân.

PC Ninh Bình khẩn trương chặt, tỉa các cành cây có nguy cơ đổ, gãy vào hành lang lưới điện

Công ty cũng tổ chức bố trí lực lượng ứng trực phù hợp, sẵn sàng ứng cứu với tình hình diễn biến cụ thể của cơn bão; đồng thời quán triệt đến tất cả CBCNV thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn khi làm việc trong điều kiện mưa lũ, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho con người và thiết bị. Trong ngày 17/7, công ty đã tổ chức đoàn công tác đi kiểm tra công tác phòng, chống bão tại các điện lực.

Còn tại Thái Bình, Công ty Điện lực Thái Bình yêu cầu các điện lực vùng ven biển phối hợp với các đơn vị quản lý trạm bơm tiêu úng thực hiện chạy thử bơm tiêu úng và kiểm tra tình trạng hoạt động của các bộ đo đếm điện năng lắp cho các trạm bơm do điện lực quản lý, nhằm đảm bảo cấp điện liên tục cho các trạm bơm ở khu vực ngập úng khi xảy ra mưa lũ. Hiện Ban chỉ huy PCTT&TKCN PC Thái Bình cùng các lực lượng vận hành, xung kích cũng đã ứng trực 24/24 để sẵn sàng ứng phó với các tình huống do mưa bão gây ra.

 

Hữu Thắng
Ý kiến bạn đọc
Top