Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 19 tháng 5 năm 2024  
Thứ năm, ngày 20 tháng 10 năm 2022 | 10:55

Tham gia chuỗi liên kết trồng dưa, người dân Tuyên Quang hưởng lợi

Ngày 20/10, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang phối hợp tổ chức Hội nghị Tổng hết đánh giá kết quả thực hiện chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dưa chuột trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2020 - 2022.

Năm 2020, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện; Hợp tác xã Chăn nuôi và Sản xuất giống gia cầm Minh Tâm (Hợp tác xã Minh Tâm - Sơn Dương, Tuyên Quang); Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Kinh doanh hàng nông sản An Hoà (Tam Dương, Vĩnh Phúc) triển khai thực hiện chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dưa chuột.

Toàn cảnh hội nghị.

Trước khi gieo trồng, Trung tâm Khuyến nông đã chủ trì phối hợp với các đơn vị tổ chức 36 lớp tập huấn cho 1.720 lượt người tham gia là cán bộ khuyến nông và các hộ tham gia trồng dưa. Nội dung về xây dựng hệ thống PGS, thanh tra, kiểm tra giám sát, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng, ghi chép nhật ký và kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái sản phẩm. Đồng thời, cử cán bộ kỹ thuật phối hợp hướng dẫn các hộ trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh để cây dưa sinh trưởng, phát triển tốt, sản phẩm đạt tiêu chuẩn, chất lượng theo yêu cầu.

Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang đánh giá tại hội nghị.

Hàng năm, Trung tâm Khuyến nông phối hợp với Hợp tác xã Minh Tâm xây dựng kế hoạch mở rộng diện tích trồng; thẩm định các hộ tham gia và hướng dẫn các hộ ký hợp đồng liên kết. Phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố hướng dẫn các hộ trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại và thu hái sản phẩm đúng thời điểm để sản phẩm đạt tiêu chuẩn, chất lượng.

Kết quả, trong giai đoạn 2020-2022, Trung tâm Khuyến nông đã phối hợp với các đơn vị liên quan, Hợp tác xã Minh Tâm ký hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dưa chuột với trên 50 nhóm hộ, hợp tác xã, tổ hợp tác tại 28 xã trên địa bàn tỉnh, với quy mô 315 ha/2.239 hộ tham gia. Năng suất bình quân đạt 49 tạ/ha, sản lượng đạt trên 15.500 tấn; giá bán bình quân là 5.500 đồng/kg, doanh thu bình quân đạt trên 87 tỷ đồng.

Hội nghị thu hút đông đảo người sản xuất, hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia liên kết về dự.

Điển hình có một số xã trồng dưa đạt năng suất, sản lượng cao như: Xã Kim Phú (TP. Tuyên Quang) trồng 3,5 ha, năng suất đạt 54 tạ/ha, sản lượng đạt 189 tấn giá bán 8.000 đồng/kg thu được trên 1,5 tỷ đồng/vụ; xã Kiến Thiết (Yên Sơn), năng suất đạt 52 tạ/ha, sản lượng đạt trên 1.235 tấn; xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa), năng suất đạt 52 tạ/ha, sản lượng 1.560 tấn. Trồng dưa chuột cho thu nhập 9.977.000 đồng/sào/vụ, sau khi trừ chi phí còn lãi 4.874.000 đồng/sào/vụ. Tùy từng điều kiện cụ thể người sản xuất mà trồng từ 2-3 vụ dưa/năm.

Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang cho biết, thông qua chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dưa chuột, người nông dân từng bước làm quen với phương thức trồng thâm canh cây dưa chuột, để nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế tăng thu nhập, sản xuất hàng hoá theo chuỗi giá trị gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm. Mặt khác, tạo được công ăn việc làm ổn định cho người dân địa phương, góp phần thiết thực phát triển kinh tế khu vực nông thôn.

Trong lúc giải lao nhiều người dân tìm hiểu giống dưa.

Theo ông Tuấn, thời gian tới Trung tâm tiếp tục hỗ trợ các Hợp tác xã, Tổ hợp tác xây dựng bao bì, nhãn mác, tem truy suất nguồn gốc sản phẩm, đảm bảo sản phẩm dưa chuột khi đưa ra thị trường đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hướng dẫn nhân dân tham gia chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dưa chuột với Hợp tác xã Minh Tâm đảm bảo diện tích trồng dưa chuột hàng năm đạt trên 170 ha/năm trở lên.

Tại hội nghị, lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang, lãnh đạo Hợp tác xã Minh Tâm trao đổi, giải đáp về chính sách, kỹ thuật cho người trồng dưa.

Đặc biệt, phối hợp với cơ quan chức năng tư vấn cho các nhóm hộ tham gia chuỗi liên kết được tiếp cận các nguồn vốn vay có hỗ trợ lãi suất. Cùng với đó, tăng cường công tác tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và công nghệ cho cán bộ khuyến nông và người trồng dưa nhất là tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch và bảo quản sản phẩm; sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn PGS, VietGAP, hữu cơ... để sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.

Tăng cường theo dõi, kiểm tra giám sát việc thực hiện chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dưa chuột tại các hộ và đề xuất chế tài xử lý nghiêm đối với những hộ bán sản phẩm dưa chuột ra ngoài thị trường, không tuân thủ đúng hợp đồng đã ký với Hợp tác xã. Thường xuyên cập nhật, cung cấp thông tin thị trường về giống, vật tư đầu vào, thị trường tiêu thụ và giá bán sản phẩm,… Duy trì, phát triển mở rộng các mối liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dưa chuột; đẩy mạnh kết nối “4 nhà”.

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
Top