Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 9 tháng 5 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 12 tháng 1 năm 2024 | 20:52

Thị trường số 1 xuất khẩu nông sản, nhiều tín hiệu đáng mừng

Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông sản Việt Nam. Các chuyên gia, nhà quản lý dự báo quy mô và giá trị xuất khẩu nông sản sang quốc gia 1,4 tỷ dân này trong năm 2024 sẽ tăng trưởng mạnh mẽ với nhiều tín hiệu đáng mừng.

Năm 2023, riêng xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc đạt 2,3 tỷ USD.

Thị trường số 1 xuất khẩu nông sản

Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và PTNT, thị trường Trung Quốc dẫn đầu trong tổng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam, với giá trị 12,2 tỷ USD trong năm 2023, chiếm tỷ trọng 23,2%.

Lý giải về nguyên nhân, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến phân tích: sở dĩ xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc tăng trưởng mạnh trong năm 2023 với mức tăng trưởng 18% so với cùng kỳ năm trước là nhờ nhiều Nghị định thư giữa Việt Nam và Trung Quốc đã được ký kết trong năm 2022, giúp nhiều loại nông sản đã được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường này.

Mặt khác, Trung Quốc bãi bỏ chính sách Zero Covid, giảm bớt và đi đến bãi bỏ các biện pháp kiểm soát dịch chặt chẽ, giúp giải phóng nhu cầu tiêu dùng khổng lồ của thị trường; đồng thời giúp quá trình thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa, nhanh chóng, thuận lợi hơn.

Nổi bật nhất là nhóm mặt hàng rau quả, Trung Quốc hiện chiếm gần 54% tổng giá trị xuất khẩu rau quả của Việt Nam; trong đó có tới 90% sản lượng trái vải xuất khẩu, 80% sản lượng thanh long xuất khẩu. Năm 2023, riêng xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc đạt tới 2,3 tỷ USD. Ngoài ra, Trung Quốc cũng là thị trường tiêu thụ hơn 90% sản lượng sắn và sản phẩm chế biến từ sắn của Việt Nam; hơn 70% sản lượng cao su xuất khẩu và là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ 3 của Việt Nam.

Dự báo về thị trường Trung Quốc năm 2024, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) Tô Ngọc Sơn nhận định: đối với mặt hàng cao su, nhu cầu nhập khẩu cao su của Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng nhờ có trợ lực từ chính sách kích thích kinh tế và các gói hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô của Trung Quốc.

Do đó, thời gian tới, Trung Quốc đẩy mạnh nhập khẩu nguyên liệu cao su để phục vụ sản xuất ô tô trong kế hoạch dài hạn. Nhu cầu nhập cao su cho sản xuất lốp xe của nước bạn cũng đang lên cao. Ðây là cơ hội để các doanh nghiệp cao su Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu tới thị trường này.

Một tín hiệu đáng mừng nữa là, hiện các cơ quan chuyên môn của Bộ Nông nghiệp và PTNT đang phối hợp với Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) gấp rút hoàn thiện hồ sơ mở cửa thị trường đối với 6 sản phẩm là trái cây có múi (bưởi, cam, quýt…), dừa, sầu riêng cấp đông, ớt, dược liệu và thủy sản đánh bắt tự nhiên. Khi 6 mặt hàng này được xuất khẩu chính ngạch, sẽ tạo dư địa tăng trưởng doanh thu hàng tỷ USD cho ngành nông nghiệp.

Giữ uy tín để đi đường dài

Dù Trung Quốc đã và sắp ký thêm Nghị định thư cho nhiều mặt hàng nông sản Việt, nhưng thách thức đặt ra cho doanh nghiệp, nông dân trong nước là phải tuân thủ về vùng trồng, cơ sở đóng gói, vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật, đáp ứng toàn bộ hàng rào kỹ thuật. Chỉ một trong những tiêu chuẩn này chưa đạt, hàng hóa sẽ không được thông quan, khi đó sẽ là điểm trừ cho nông sản Việt.

Lô tổ yến sào chất lượng cao đầu tiên của Công ty TNHH MTV Thương mại Hải Yến Nha Trang vừa được xuất khẩu chính ngạch bằng đường hàng không sang thị trường Trung Quốc.

Nhiều chuyên gia cũng nhận định, chỉ có tổ chức sản xuất bài bản mới có thể đi đường dài, không chỉ sang Trung Quốc, mà với nhiều thị trường trên toàn cầu. Vì vậy, để giữ uy tín, thị trường cho nông sản xuất khẩu Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và PTNT cần quyết liệt chỉ đạo các đơn vị chuyên ngành trong việc giám sát mã số sau vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói đều phải đáp ứng được những yêu cầu về kiểm dịch thực vật cũng như an toàn thực phẩm quy định trong các Nghị định thư.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, với dân số hơn 1,4 tỷ người, tầng lớp trung lưu ngày càng lớn, Trung Quốc là thị trường lớn cho nhiều loại mặt hàng nông lâm thủy sản chất lượng cao của Việt Nam. Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội tăng tốc xuất khẩu nông sản vào Trung Quốc, cần phải chứng minh cho người tiêu dùng Trung Quốc thấy được chất lượng vượt trội của nông sản Việt Nam, cùng với đó là độ tin cậy trong buôn bán.

"Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Bộ Công Thương triển khai nhiều biện pháp nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng các yêu cầu nhập khẩu, từ đó giữ vững và từng bước mở rộng thị phần xuất khẩu tại thị trường này. Cụ thể, thường xuyên cập nhật thông tin về nhu cầu thị trường và các quy định của phía Trung Quốc về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh" – Thứ trưởng Phùng Đức Tiến thông tin.

Xuất khẩu nông sản qua cửa khẩu nhộn nhịp đầu năm

Tại các cửa khẩu ở Lào Cai, ngày nào cũng vậy đều đặn những container sầu riêng nối đuôi nhau tiến sang Trung Quốc. Dù mới chính thức thông quan qua cửa khẩu Kim Thành hơn 1 năm qua, nhưng sầu riêng đã sớm vươn lên trở thành nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất đạt 231 triệu USD, chiếm gần 44% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả ở địa phương.

Ông Hàn Đào - Công ty TNHH Tô Đào, huyện Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc cho biết: "Vì thị trường nội địa Trung Quốc có nhiều mặt hàng ăn uống được chế biến trực tiếp từ nguyên liệu ruột sầu riêng. Nếu như sản phẩm này của Việt Nam có thể xuất qua Trung Quốc chắc chắn sẽ được thị trường đón nhận cũng như đáp ứng nhu cầu tiêu dùng".

Ngoài sầu riêng, nhiều mặt hàng nông sản khác của Việt Nam như thanh long, vải thiều, sắn, dưa hấu cũng đi qua Cửa khẩu tỉnh Lào Cai xuất mạnh sang thị trường Trung Quốc. Với đặc thù cần bảo quản cẩn thận, thời gian thông quan nhanh nên để tăng kim ngạch, hải quan tại Lào Cai cũng dành luồng xuất riêng, giảm tối đa thời gian thông quan cho nông sản Việt.

Cùng với hỗ trợ thủ tục, Sở Công Thương tỉnh Lào Cai cũng xúc tiến trực tiếp các mặt hàng trái cây của Việt Nam sang Trung Quốc. Nhiều thoả thuận hợp tác được ký kết, cùng với những mặt hàng như yến hay dưa hấu được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc năm 2023, đã mở ra cơ hội lớn để tăng kim ngạch xuất khẩu nông sản.

Lào Cai cũng đang nỗ lực cải thiện hạ tầng, gia tăng năng lực thông quan, giảm chi phí logistics, để Lào Cai thực sự trở thành điểm kết nối hiệu quả giữa Việt Nam và thị trường Trung Quốc rộng lớn.

Hoạt động xuất nhập khẩu tại Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành. 

Cần quy tụ xử lý thông tin cho xuất khẩu nông sản

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam cho biết, hiện nay những biến động yêu cầu nhập khẩu nông sản của các thị trường trên thế giới diễn ra thường xuyên. Cần một đơn vị đầu mối có chức năng điều phối vả xử lý thông tin kịp thời tới các doanh nghiệp sản xuất và chế biến, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong trong nước để ứng phó kịp thời với tín hiệu thị trường.

Văn phòng SPS Việt Nam là Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp Quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật. Văn phòng SPS Việt Nam là đầu mối thực hiện các nghĩa vụ minh bạch hoá theo yêu cầu của Hiệp định về áp dụng các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (Hiệp định SPS) của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, đã có 3.013 mã số doanh nghiệp xuất khẩu vào Trung Quốc được cấp, tương đương khoảng gần 3.000 cơ sở chế biến nông sản thực phẩm.

Trong số trên, có 1.570 mã số (chiếm 52%) là những nhóm ngành hàng có nguy cơ cao do 5 cơ quan thẩm quyền quản lý. Số còn lại 1.443 mã số (chiếm 48%) do doanh nghiệp tự đăng ký theo Quy định 248. Các nhóm ngành hàng nông sản, thực phẩm được nhiều doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chủ yếu là các sản phẩm thủy sản và sản phẩm có nguồn gốc thực vật.

Theo ông Ngô Xuân Nam, sau 2 năm triển khai đáp ứng Quy định quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu (Quy định 248) và Quy định các biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu (Quy định 249) của Trung Quốc, các doanh nghiệp của Việt Nam quan tâm đến việc đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu nông sản thực phẩm sang Trung Quốc.

Các doanh nghiệp Việt Nam đã sử dụng tốt phần mềm đăng ký online của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC), tận dụng được các ưu điểm về khai báo thông tin mặt hàng của hệ thống quản lý doanh nghiệp. Một cơ sở chế biến có thể đăng ký được nhiều sản phẩm nếu đáp ứng được các yêu cầu của GACC, đây là điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khi đăng ký.

Tuy nhiên, vẫn còn một số lãnh đạo doanh nghiệp chưa quan tâm sâu sát đến việc đăng ký và quản lý mã số dẫn đến việc xảy ra lỗi kỹ thuật trong quá trình xuất khẩu như sai tên doanh nghiệp, sai mã số, thiếu thông tin trên nhãn mác, mất mật khẩu tài khoản…

Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Chủ tịch Câu lạc bộ nông nghiệp công nghệ cao, Chủ tịch HĐQT Cty Cổ phần sản xuất và Xuất nhập khẩu Việt Phúc cho biết doanh nghiệp rất cần thông tin cập nhật yêu cầu từ các thị trường. Nêu câu chuyện thực tế từ doanh nghiệp mình, rất vất vả để có được mã số vùng trồng khoai lang xuất khẩu nhưng có được rồi cũng không dễ dàng xuất khẩu vì các yêu cầu thị trường ngày một khắt khe, khâu chế biến chưa hoàn thiện được như yêu cầu của thị trường nhập khẩu khiến đơn vị của bà phải đền tiền nhiều lô hàng.

Bà Hương đánh giá rất cao vai trò của Văn phòng SPS Việt Nam với những thông tin đơn vị này chia sẻ, bà mong mỏi việc tích hợp thông tin ở một đơn vị như thế này sẽ phát huy sâu rộng hơn nữa để doanh nghiệp tự tin đầu tư cho chế biến xuất khẩu./.

 

Thanh Tâm (t/h theo Kinh tế đô thị, VTV, Chính phủ)
Ý kiến bạn đọc
Top