Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 5 tháng 5 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 8 tháng 12 năm 2023 | 9:1

Thủ phủ cam Hà Tĩnh vào vụ thu hoạch, nông dân “đếm quả tính tiền”

Người trồng cam ở Hà Tĩnh đang hối hả vào vụ thu hoạch. Năm nay, dù sản lượng thấp hơn so với những năm trước nhưng nhà vườn phấn khởi vì giá bán cao.

Ghi nhận tại các chợ truyền thống, các cửa hàng hoa quả, hàng nông sản ở TP Hà Tĩnh, thời điểm này, cam “made in Hà Tĩnh” đã có mặt trên sạp hàng và được nhiều khách hàng chọn mua.

Theo các tiểu thương ở đây, cam đã vào vụ thu hoạch hơn một tháng nay. Cam được  tuyển chọn, cắt từ các nhà vườn ở Vũ Quang, Hương Khê, Can Lộc, Hương Sơn; sau đó được đưa về các sạp tại chợ và các cửa hàng trên nhiều tuyến phố. Giá cam ở chợ truyền thống từ 20.000 - 30.000 đồng/kg. Còn tại nhiều cửa hàng nông sản sạch, cam của nhà vườn trồng theo quy trình VietGAP, trồng theo phương thức hữu cơ, có dán tem OCOP giá từ 40.000-50.000 đồng/kg.

Cam Hà Tĩnh vào mùa.

Tại các vùng trồng cam, nhà vườn bắt đầu thu hoạch cam từ đầu tháng 11/2023. Cam đa số được trồng theo phương thức hữu cơ, đảm bảo chất lượng nên được nhiều khách hàng tin tưởng lựa chọn.

Vũ Quang được xem là thủ phủ trồng cam của Hà Tĩnh. Toàn huyện có gần 2.300ha cam, trong đó gần 1.700ha đang cho thu hoạch. Năm nay, diện tích cam cho thu hoạch giảm hơn 500 ha do bà con trồng mới diện tích bị thoái hoá, bị sâu bệnh, trái không đảm bảo chất lượng quả. Ước tính đến cuối vụ, nhà vườn thu về khoảng 20 nghìn tấn quả, thấp hơn năm 2022 khoảng 5 nghìn tấn.

Ông Đoàn Quốc Hoài, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Cam Hoài Luân, xã Quang Thọ (Vũ Quang), cho biết: “Với diện tích 10 ha, năm nay, chúng tôi ước thu hoạch khoảng 100 tấn cam. Hiện đã cắt bán khoảng 3 tấn với giá 50.000 đồng/kg. Cam được trồng theo phương thức hữu cơ, đảm bảo chất lượng nên được nhiều khách hàng tin tưởng lựa chọn. Chúng tôi chủ yếu đóng hàng gửi cho khách ở các tỉnh và nhập bán cho các cửa hàng thực phẩm sạch ở Nghệ An, Hà Tĩnh”.

Năm nay, cam được giá, được thương lái thu mua ngay tại vườn nên nông dân rất phấn khởi.

Vườn cam hơn 3 ha của ông Thái Đình Vạn, thôn 5 (Quang Thọ) những ngày này tấp nập thương lái vào thu mua. Ông Vạn phấn khởi chia sẻ: “Năm nay, thời tiết nắng mưa thất thường nên cam rụng khá nhiều, vườn của gia đình ước thu hơn 20 tấn quả, thấp hơn năm ngoái khoảng 3 tấn. Nhờ xây dựng được thương hiệu, chất lượng cam đạt chuẩn nên gia đình đang bán với giá 33.000 đồng/kg. Nếu thời tiết những ngày tới nắng ấm thì giá cam sẽ còn tăng cao”.

Cũng theo ông Vạn, theo xu hướng hằng năm, cam sẽ tăng giá vào thời điểm cuối năm nên gia đình chưa thu hoạch ồ ạt mà tập trung chọn tỉa quả chín sớm. Theo tính toán, nếu thời tiết và thị trường tiêu thụ thuận lợi, gia đình ông sẽ thu về hơn 600 triệu đồng.

Ở vùng trồng Hương Khê, với thương hiệu cam Khe Mây nức tiếng, nhà vườn cũng đã vào mùa thu hoạch. Theo số liệu của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hương Khê, năm nay, toàn huyện có hơn 1.700 ha cam cho thu hoạch, ước sản lượng đạt trên 16.600 tấn, tăng hơn 100 tấn so với năm ngoái.

Theo các hộ trồng cam ở Hà Tĩnh, những năm gần đây, nhờ chú trọng áp dụng kỹ thuật vào sản xuất nên chất lượng cam của địa phương ngày càng được nâng lên. Nông dân chủ động dùng bao bọc quả nhằm chống  côn trùng chích hút làm hư cam, như: ruồi vàng, bướm, ốc sên...; hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật  hóa học; dùng phân chuồng thay phân hóa học để nâng cao năng suất, chất lượng của cam.

Hà Tĩnh hiện có 7.237ha cam, trong đó 6.234 ha cho thu hoạch. Sản lượng cam năm nay ước đạt  68.538 tấn. Các tiểu thương và nhà vườn cho biết, mùa cam chanh cho thu hoạch đến khoảng dịp Tết Nguyên đán. Những ngày tới, vào chính vụ, cam chín đại trà, dự kiến sức tiêu thụ sẽ đạt cao hơn.

Sở Công Thương và các địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến để nâng cao giá trị thương hiệu cam Hà Tĩnh.

Được biết, để hỗ trợ người dân quảng bá, nâng cao giá trị thương hiệu cam Hà Tĩnh, ngành Công Thương và các cơ quan liên quan, các địa phương đã tổ chức Lễ hội Cam và sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu Hà Tĩnh lần thứ 6 nhằm kết nối các đơn vị phân phối lớn để đưa cam Hà Tĩnh vào các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch; hỗ trợ các nhà vườn, hợp tác xã trong áp dụng chuyển đổi số, bán hàng qua thương mại điện tử...

Trà Giang
Ý kiến bạn đọc
Top