Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 8 tháng 5 năm 2024  
Thứ hai, ngày 7 tháng 8 năm 2023 | 14:56

Thừa Thiên - Huế nhân rộng mô hình khuyến nông hiệu quả cao

Qua thăm và kiểm tra một số mô hình khuyến nông triển khai ở tỉnh Thừa Thiên-Huế, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh đề nghị nhân rộng ở địa phương.

Nhiều mô hình nuôi hiệu quả

Tại Thừa Thiên-Huế, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đang đồng hành triển khai thực hiện 6 dự án khuyến nông trung ương gồm: mô hình ứng dụng công nghệ vi sinh xử lý phế phụ phẩm trong trồng trọt và chăn nuôi, thúc đẩy tăng trưởng xanh; mô hình chăn nuôi lợn thịt theo hướng hữu cơ; mô hình nuôi cua gạch trong ao đầm gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm; mô hình ứng dụng công nghệ CPF (Composite - polyurethane foam) trong bảo quản sản phẩm trên tàu khai thác hải sản xa bờ; mô hình vườn ươm sản xuất cây giống lâm nghiệp phục vụ trồng rừng vùng nguyên liệu và mô hình trồng thâm canh tràm năm gân (Melaleuca quinqenervia) làm nguyên liệu chưng cất tinh dầu.

Thăm quan mô hình chăn nuôi lợn thịt theo hướng hữu cơ tại xã Quảng Nhâm, huyện A Lưới.

Qua triển khai, các dự án đã giúp người dân nâng cao hiệu quả sản xuất, đồng thời góp phần chuyển đổi nền nông nghiệp từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế, lấy hiệu quả gắn với bảo vệ môi trường, hướng đến nền nông nghiệp xanh, sạch.

Tiêu biểu như mô hình nuôi cua gạch trong ao đầm gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm được triển khai tại  xã Phú Gia (huyện Phú Vang), giúp người dân tiếp cận  tiến bộ kỹ thuật , đảm bảo đầu ra. Kết quả bước đầu cho thấy, mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Dự kiến, đến khi thu hoạch, năng suất đạt hơn 1,5 tấn/ha, lợi nhuận 100-120 triệu đồng/ha, giá bán cua gạch cao gấp 1,5 - 2 lần so với nuôi cua thịt. Ngoài ra, việc thực hiện mô hình này còn giúp nông dân chủ động nguồn giống do sử dụng nguồn giống cua tự ương từ cua khay; phân loại và lựa chọn cua cái đủ số lượng ngay từ giai đoạn ương chuyển qua nuôi; tạo ra sản phẩm cua gạch chất lượng, có giá bán cao, mang lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi.

Thăm và kiểm tra mô hình nuôi cua gạch trong ao đầm.

Thực hiện Dự án xây dựng mô hình nuôi cua gạch trong ao đầm gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm của Khuyến nông Quốc gia năm 2021-2023,  năm 2023, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thừa Thiên-Huế triển khai mô hình nuôi cua gạch trong ao đầm gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại các xã Quảng An (huyện Quảng Điền); Phú Gia,  Vinh An (huyện Phú Vang), Vinh Hiền (huyện Phú Lộc) với quy mô 4 ha/8 hộ. Cùng với đó, Trung tâm Khuyến nông thực hiện mô hình nuôi xen tôm, cua, cá đối sinh thái trong rừng ngập mặn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại xã Quảng Lợi (Quảng Điền)…

Nhân rộng mô hình để khẳng định thương hiệu

Sau khi đi thăm và kiểm tra các mô hình khuyến nông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh đánh giá, các mô hình mà Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thừa Thiên Huế đồng hành triển khai thực hiện trên địa bàn đã phát huy hiệu quả với việc tạo ra các sản phẩm cụ thể và mang tính riêng biệt, góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương, phù hợp với chiến lược phát triển nông nghiệp hướng đến sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn.

Ông Thanh mong muốn, ngành Nông nghiệp tỉnh Thừa Thiên-Huế tạo điều kiện, tăng cường truyền thông, tổ chức các đợt tham quan nhằm phổ biến quy trình kỹ thuật chăn nuôi và trồng trọt để nhân rộng những mô hình khuyến nông hiệu quả; hình thành các tổ hợp tác để chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cũng như phát triển thương hiệu sản phẩm gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cũng như thay đổi tư duy sản xuất cho nông dân.

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia mong muốn ngành Nông nghiệp tỉnh Thừa Thiên-Huế tăng cường truyền thông, tổ chức các đợt tham quan nhằm phổ biến quy trình kỹ thuật chăn nuôi và trồng trọt để nhân rộng những mô hình khuyến nông hiệu quả.

“Hiện, về mặt quy trình công nghệ, các mô hình đã hoàn thiện, kinh nghiệm sản xuất của bà con đi trước, của những người đang thực hiện mô hình đã sẵn có nên cần triển khai nhân rộng. Phương pháp là đưa người nông dân tiếp tục trao đổi với nhau, người có kinh nghiệm chia sẻ với người ít có kinh nghiệm. Chính quyền địa phương tập hợp họ lại thành nhóm hợp tác, tổ hợp tác hoặc hợp tác xã để lan rộng kinh nghiệm. Khi chúng ta cùng xây dựng thương hiệu chắc chắn hiệu quả sẽ tăng lên nhiều lần”, ông Thanh cho biết.

Ông Châu Ngọc Phi, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho hay, thời gian tới, Trung tâm tiếp tục theo dõi và hỗ trợ các hộ nuôi thực hiện đúng quy trình nuôi và áp dụng các biện pháp kỹ thuật, từ đó nâng cao hơn nữa hiệu quả của các đối tượng nuôi.

Nhằm trang bị các kiến thức, kỹ năng cho người dân, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tổ chức nhiều lớp tập huấn ngoài mô hình như: “Kỹ thuật nuôi cua gạch trong ao đầm gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm”, “Kỹ thuật nuôi tôm cua liên kết tiêu thụ sản phẩm”... Thông qua đó, học viên tiếp thu kiến thức áp dụng vào thực tế sản xuất.

Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2023, sản xuất nông nghiệp của Thừa Thiên- Huế tăng trưởng 9,48%, tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế địa phương. Trong đó, diện tích lúa sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn đạt 4.827ha. Diện tích gieo trồng các loại cây hàng năm khác tương đối ổn định, trong đó: sắn 3.831 ha, lạc 2.148 ha sản lượng 4.249 tấn, rau các loại 2.813 ha, sản lượng 27.000 tấn… Diện tích cây ăn quả có sự phát triển ổn định, đạt 3.420 ha, hồ tiêu 236 ha, cao su 5.970 ha...

Ngành chăn nuôi tiếp tục có sự chuyển dịch từ phân tán, nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung, theo hướng công nghiệp, trang trại; chất lượng con giống, kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng ngày được nâng cao; phát triển các mô hình chăn nuôi công nghệ cao, VietGAP, hữu cơ, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Toàn tỉnh hiện có 401 trang trại chăn nuôi đạt quy mô trang trại từ 10 con nuôi trở lên. Tổng đàn lợn ước đạt 146.720 con, trong đó đàn lợn nái khoảng 20.000 con; đàn trâu 15.140 con, đàn bò 28.733 con, trong đó bò cái sinh sản khoảng 15.000 con, đàn gia cầm 4.704 nghìn con. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại ước đạt 12.660 tấn, sản lượng trứng gia cầm đạt 19,4 triệu quả.

Diện tích nuôi trồng thủy sản ước đạt 2.800 ha, trong đó, nuôi nước lợ 1.650 ha (nuôi tôm thẻ chân trắng 350 ha), nuôi nước ngọt 1.160 ha. Sản xuất giống ước đạt 145 triệu con tôm, cua cá các loại. Tổng sản lượng thủy sản ước đạt 31.000 tấn, trong đó, sản lượng khai thác đạt 23.000 tấn, sản lượng nuôi trồng đạt 8.000 tấn.

 

 

T. Thành
Ý kiến bạn đọc
Top