Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 12 tháng 5 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 18 tháng 11 năm 2023 | 14:0

Thương mại điện tử xuyên biên giới: Đưa nông sản Việt hòa vào dòng chảy toàn cầu

Trong thế giới chuyển đổi số, hoạt động kinh doanh dần được chuyển đổi lên môi trường mạng, trở thành xu thế lớn trên thế giới. Nông dân và doanh nghiệp kinh doanh nông sản Việt cần thích nghi nhanh hơn với sự chuyển dịch này.

Chỉ có tận dụng được giải pháp này, giá trị và lượng tiêu thụ các sản phẩm nông sản mới gia tăng,  nông dân mới được hưởng lợi cao nhất.

Cơ hội và thách thức

Theo  báo cáo mới đây của Amazon Global Selling, giá trị xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam thông qua nền tảng này tăng 50% trong năm qua. Số lượng doanh nghiệp Việt bán hàng online trên Amazon 10 tháng năm 2023 tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đây là con số cho thấy, xuất khẩu qua kênh thương mại điện tử (TMĐT) của Việt Nam đang tăng cả về lượng và chất. Doanh nghiệp Việt Nam đã dần biết cách xây dựng thương hiệu và áp dụng tốt hơn các quy chuẩn chung của sàn, nhờ đó tăng dần mức độ chuyển đổi hành vi từ quan tâm sang mua hàng và tái mua hàng của người tiêu dùng quốc tế.  Doanh nghiệp Việt ngày càng thích nghi tốt hơn với xuất khẩu online qua kênh TMĐT.

Sân chơi TMĐT sẽ chia đều cơ hội và tạo sự bình đẳng cho các bên. Nếu "biết người biết ta" doanh nghiệp Việt sẽ không bị rớt lại phía sau.

Thế nhưng, có một điều đáng buồn là, trong top 5 ngành hàng có tổng giá trị xuất khẩu online cao nhất của Việt Nam trên Amazon vắng bóng sự hiện diện của ngành nông sản. Trong khi Việt Nam có thế mạnh về nông nghiệp với nhiều sản phẩm đã được biết đến trên thị trường quốc tế.

Thông qua TMĐT xuyên biên giới, doanh nghiệp tận dụng được 2 lợi thế quan trọng. Thứ nhất, doanh nghiệp nắm được xu hướng tiêu dùng để đáp ứng tốt nhu cầu, tăng sức cạnh tranh. Thứ hai, doanh nghiệp thúc đẩy toàn cầu hóa nhanh từ sản phẩm đến thương hiệu.

Theo thông tin từ sàn TMĐT quốc tế Alibaba, hiện có khoảng 2.000 doanh nghiệp Việt tham gia bán hàng trên sàn Alibaba.com. Giám đốc phát triển kinh doanh của Alibaba.com Việt Nam Vũ Thế Tùng cho biết: “Bình quân mỗi ngày, một nhà cung cấp Việt Nam trong nhóm hàng nông - thủy sản có cơ hội tiếp xúc khoảng 15 người mua hàng tiềm năng, tức hơn 450 người mua mới mỗi tháng. Điều này cho thấy, thông qua TMĐT, các nhà cung cấp trong lĩnh vực nông sản có cơ hội kết nối với khách hàng quốc tế, xuất khẩu sang nhiều thị trường mới”.

Tuy vậy, nông sản có đặc thù là trọng lượng và kích thước lớn, thời hạn sử dụng ngắn nên không có nhiều lợi thế ở mảng xuất khẩu bán lẻ từ doanh nghiệp tới người tiêu dùng (B2C) online. Bài toán chi phí lưu kho, thời hạn sử dụng, hiểu thời tiết nơi cần đến… là điều doanh nghiệp phải khảo sát kỹ. Các sản phẩm nông sản chế biến hoặc sấy khô như các loại hạt, trái cây sấy khô, bánh tráng, snack làm từ gạo, rong nho sấy khô, cà phê… sẽ là những mặt hàng dễ bán hơn trên TMĐT xuyên biên giới. Nông sản chế biến là mặt hàng được EU, Hoa Kỳ,... ưa chuộng.

Phải chạm tới khách hàng toàn cầu

Ông Gijae Seong, Giám đốc Điều hành Amazon Global Selling Việt Nam, cho rằng, với những thế mạnh sẵn có, các sản phẩm nông sản Việt Nam hoàn toàn có thể xuất khẩu online ra thị trường quốc tế.

Theo ông Gijae Seong, doanh nghiệp Việt có thể đẩy mạnh việc bán online các mặt hàng như trà, cà phê, hạt điều trên Amazon. Đặc điểm chung của nhóm sản phẩm này đều là những mặt hàng nông sản khô, đã qua chế biến và để được lâu, do vậy phù hợp với các hành trình vận chuyển dài ngày khi bán nông sản ra thị trường quốc tế.

Đối với việc xuất khẩu online các mặt hàng nông sản, doanh nghiệp kinh doanh nông sản Việt cần nhận thức đúng đắn và đầy đủ về TMĐT xuyên biên giới. Bên cạnh đó là cách thức làm thế nào để cụ thể hóa được điều này.

Để thành công, người nông dân và các doanh nghiệp nông sản Việt Nam có thể tham khảo mô hình của những nước xung quanh. “Đầu tiên, cần hiểu được nhu cầu của thị trường để đáp ứng. Thay vì bán cái mình có, phải bán cái họ cần. Thứ hai là câu chuyện xây dựng thương hiệu. Hàng nông sản phải có thương hiệu mới giải được bài toán tăng trưởng bền vững và cách kể câu chuyện để chạm tới khách hàng toàn cầu”, vị chuyên gia đưa ra nhận định.

Ông Gijae Seong chia sẻ: Thay vì ưu tiên hàng đầu việc nói về những thứ chúng ta có như gạo, cà phê Made in Vietnam, hãy ưu tiên nói với khách hàng về những gì họ đang tìm kiếm. Chúng ta hãy mở rộng hơn ngoài những câu chuyện truyền thống, nói những câu chuyện mang tính toàn cầu. Đây là cách để nông sản Việt  hòa vào dòng chảy TMĐT xuyên biên giới hiện nay, từng bước toàn cầu hóa, để rộng mở hơn các cơ hội cho nông sản và các sản phẩm tiêu dùng nói chung ở sân chơi mới mẻ này - TMĐT xuyên biên giới.

Trang bị kỹ năng về TMĐT xuyên biên giới

Chính phủ với vai trò đồng hành trên hành trình vươn ra thị trường quốc tế đã có nhiều chính sách  hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp.

Bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Việt Nam (iDEA), cho biết, iDEA có cổng thông tin VietnamExport.com là nơi cung cấp cho doanh nghiệp thông tin về cơ hội giao thương, thông tin về thị trường xuất khẩu cùng một số nền tảng TMĐT để hỗ trợ doanh nghiệp có thể triển khai trực tiếp các hoạt động kết nối với đối tác nước ngoài, triển lãm trực tuyến… iDEA cũng cùng với Amazon Global Selling khởi xướng sáng kiến “Thương mại điện tử Xuyên biên giới: Kỷ nguyên Đột phá” trong giai đoạn 2021 - 2026 với mục tiêu đào tạo được 10.000 lượt doanh nghiệp, trang bị những kỹ năng về TMĐT xuyên biên giới.

Chương trình đã diễn ra những sự kiện theo ngành hàng, địa phương để hỗ trợ một cách thiết thực cho các doanh nghiệp nghiên cứu khả năng ứng dụng TMĐT và đưa những thương hiệu của Việt Nam, trong đó có nông sản Việt ra thị trường quốc tế.

Để gia tăng tính cạnh tranh của nông sản Việt trên thị trường toàn cầu, theo ông Gijea Seong, có 3 khía cạnh cần chú ý:  hiểu khách hàng quốc tế, đổi mới sản phẩm theo nhu cầu khách hàng và biết cách kể câu chuyện sản phẩm bằng câu chuyện thương hiệu.

Việt Nam đang ở giai đoạn đầu chuyển  từ xuất khẩu truyền thống sang xuất khẩu qua TMĐT. Sẽ cần thêm thời gian cùng với nỗ lực từ nhiều bên để hoàn thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp khai thác cơ hội và biến xuất khẩu qua TMĐT dần trở thành mũi nhọn xuất khẩu mới cho đất nước.

Hữu Thắng
Ý kiến bạn đọc
Top