Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 11 tháng 5 năm 2024  
Thứ tư, ngày 6 tháng 3 năm 2024 | 10:1

Trồng cây gia vị cho thu nhập cao

Với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu thuận lợi, hành tăm và tỏi tía được bà con nông dân ở các tỉnh miền Trung trồng, không những phát triển tốt mà còn cho thu nhập cao khi sản phẩm được mùa và giá cao.

Bội thu vì giá hành tăm đầu mùa tăng cao

Nghi Lộc (Nghệ An) được cho là “thủ phủ” trồng hành tăm ở tỉnh này, bà con nông dân trồng nhiều. Năm nay hành tăm được mùa lại cho giá cao nên bà con nông dân ở đây rất phấn khởi.

Mặc dù chưa đến chính vụ nhưng giá hành tăm tăng cao nên người dân huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An đang tranh thủ ra đồng thu hoạch sớm. Hành tăm lớn nhất xứ Nghệ, được phân phối cho tất cả các tỉnh thành trong nước. Đến thời điểm hiện tại, giá hành củ đang được các thương lái đến tận ruộng thu mua với giá cao gấp 3 lần so với ngày thường.

Bà con nông dân ở Nghi Lộc đang thu hoạch hành tăm.

Anh Nguyễn Đình Hồng, trú xã Nghi Thuận cho biết. “Đầu vụ hành tăm thường có giá cao hơn so với chính vụ. Trước Tết vừa rồi, hành có giá trên 100.000 đồng/kg. Sau Tết, hành giảm giá xuống nhưng vẫn ở mức giá cao. Bởi như chính vụ năm ngoái giá hành tăm khoảng 20.000đồng – 30.000đồng nhưng cũng kén người mua. Giờ giá đang cao chúng tôi phải tranh thủ thu hoạch để bán chứ ít hôm nữa sợ lạ rớt giá”.

Bà Nguyễn Thị Hoan, trú xã Nghi Thuận cho biết. Sở dĩ giá hành tăng cao là do chỉ có một số gia đình có hành tăm thu hoạch được. Khi người dân thu hoạch đại trà, lượng hành tăm cung cấp ra thị trường lớn nên giá sẽ giảm. “Gia đình tôi năm nay trồng 3 sào hành tăm. Năm nay, hành tăm được mùa, đạt hơn 1 tấn. Với giá bán hiện tại, gia đình dự tính sẽ thu về khoảng 50 triệu đồng. Tuy nhiên, giá có thể xuống thấp hơn nữa nhưng so với các loại hoa màu khác thì hành tăm cho thu nhập cao”.

Trồng hành tăm chi phí không cao nhưng mất nhiều thời gian, đặc biệt là việc thu hoạch củ đòi hỏi sự kiên nhẫn, chịu khó. Sau khi đưa hành về nhà, người dân dùng dao nhỏ cắt củ ra để nhập cho các thương lái. Công việc không vất vả nhưng đòi hỏi sự tỷ mẫn.

Giá hành tăm hiện tại đang ở mức 50.000 - 70.000đồng, cao hơn chính vụ găp 3 lần.

Theo người dân nơi đây, hành tăm được bón các loại phân chuồng đã được ủ hoai mục, trồng hoàn toàn bằng phương pháp hữu cơ. Bên cạnh đó, người dân còn phủ rơm khô, lá thông, trấu che phủ lên các luống hành tăm, việc này giúp giữ cho đất tơi xốp và năng suất hơn.

Ông Trần Nguyên Hòa - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Nghi Lộc cho biêt, hiện toàn huyện hiện có gần 300ha trồng hành tăm, năng suất đạt 5 tấn/ha. Xã Nghi Thuận có diện tích trồng hành tăm nhiều nhất với hơn 80ha. Hành tăm hiện đang là cây trồng chủ lực, mang lại thu nhập ổn định cho người dân ở một số địa phương. Đến nay sản phẩm hành tăm của cơ sở sản xuất tổ hợp tác hành tăm xã Nghi Thuận đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, sản phẩm OCOP 3 sao.

Tỏi tía phát triển trên vùng cồn bãi

Quảng Bình là địa phương có điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng khắc nghiệt, tuy nhiên một só loại cây trồng lại rất phù hợp khi được trồng ở đây.

Việc chuyển đổi cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng từng vùng, từng địa phương nhằm nâng cao thu nhập, tạo công ăn việc làm cho người lao động là chủ trương đúng đắn được TX. Ba Đồn triển khai thực hiện. Một trong những loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cao đó là cây tỏi tía trồng tại các vùng cồn bãi xã Quảng Minh.

Nhận thấy cây tỏi tía được một số hộ dân trồng rải rác nhưng lại cho năng suất tốt, chất lượng cao nên Phòng Kinh tế TX. Ba Đồn đã hướng dẫn bà con chuyển đổi cây trồng trên các vùng đất trồng lúa kém hiệu quả, biến cây tỏi tía thành cây chủ lực của địa phương. Giống tỏi được bà con trồng là giống tỏi tía, lớp phía trong củ tỏi có màu tím nhạt, vị cay nồng, mùi thơm dễ chịu.

Bà Hoàng Thị Thức, thôn Cồn Nâm, xã Quảng Minh chia sẻ, trước đây chỉ được một vài hộ trong thôn trồng tỏi, nhưng khi cán bộ của thị xã về hướng dẫn và tuyên truyền bà con trồng và nhân rộng cây tỏi tía thì bà con ở đây phấn khởi và làm theo. Nhà tôi có 5 sào đất, trồng lúa thì không có năng suất, bỏ hoang thì phí, nên toàn bộ diện tích đất đó tôi đầu tư trồng tỏi. Nhờ tuân thủ theo sự hướng dẫn của cán bộ Phòng Kinh tế và chăm sóc chu đáo nên vụ mùa đầu tiên năm 2019, gia đình chúng tôi đã thành công và cho thu nhập khá cao, gấp 2-3 lần so với trồng lúa.

Cán bộ Phòng Kinh tế TX. Ba Đồn hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây tỏi tía cho người dân vùng cồn bãi xã Quảng Minh.

Thành công từ vụ mùa đầu tiên đã minh chứng cho chủ trương chuyển đổi cây trồng từ cây lúa sang cây tỏi là đúng đắn nên các hộ trong thôn đã lần lượt chuyển đổi theo. Từ 20 hộ trồng thử nghiệm, đến nay toàn thôn Cồn Nâm đã có 93 hộ tham gia trồng tỏi tía với diện tích hơn 20ha.

Những ngày này, người trồng tỏi ở thôn Cồn Nâm đang tất bật xuống đồng làm cỏ, xới đất, vun gốc cho cây tỏi để chuẩn bị cho vụ thu hoạch giữa tháng 3 tới đây. Bà Trần Thị Bích, thôn Cồn Nâm, xã Quảng Minh cho biết, năm nay thời tiết khá thuận lợi cộng với chăm sóc đúng quy trình nên 4 sào tỏi của bà phát triển tốt, cho củ chắc, to và đều. Những năm trước, với giá bán bình quân 45.000-50.000 đồng/kg thì mỗi sào tỏi bà thu về được 5 triệu đồng. Không chỉ trồng cây tỏi, gia đình bà còn trồng xen cây cà, ớt, đậu…thu hoạch quanh năm nên thu nhập cũng khá ổn định.

Ông Nguyễn Văn Ninh, Phó Chủ tịch UBND TX. Ba Đồn cho biết thêm, để người dân chuyển đổi sang trồng tỏi cho năng suất và chất lượng cao, trước đó địa phương đã tổ chức lấy mẫu đất để phân tích các thành phần và độ mặn để xem phù hợp trồng cây gì. Sau khi thấy phù hợp với trồng cây tỏi, tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn chăm bón đúng cách để cho hiệu quả cao nhất. Thời gian tới, để sản phẩm tỏi tía phát triển, TX. Ba Đồn sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ, đầu tư xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm để tỏi tía Quảng Minh vươn xa hơn, tìm được chỗ đứng trên thị trường.

Lựa chọn loại cây phù hợp với điều kiện của thổ nhưỡng và khí hậu trồng trên vùng đất của mình, đang là một hướng đi đúng của bà con nông dân. Việc lựa chọn cây trồng phù hợp ngoài việc nông dân tự tìm hiểu còn cần phải có sự giúp đỡ của các cơ quan nghiên cứu khoa học về giống và cây trồng. Đồng thời còn là trách nhiệm của các cơ quan và chính quyền địa phương, để giúp bà con nông dân phát triển được kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống.

 

Theo Báo Nghệ An, báo Quảng Bình, TC Người đưa tin

 

 

Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Tìm giải pháp để phát triển nông nghiệp trong kỷ nguyên khô hạn

    Tìm giải pháp để phát triển nông nghiệp trong kỷ nguyên khô hạn

    Trong kỷ nguyên khô hạn, thế giới đang đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nước. Trước tình hình biến đổi khí hậu khắc nghiệt, Việt Nam cần những giải pháp về công nghệ sản xuất nông nghiệp trong điều kiện thiếu nước.

  • Nuôi tôm càng xanh kết hợp ốc đặc sản

    Nuôi tôm càng xanh kết hợp ốc đặc sản

    Tìm hướng đi mới trong phát triển kinh tế, anh Nguyễn Văn Giáp ở thôn 7, xã Đắk Búk So (Tuy Đức - Đắk Nông) đã chọn mô hình nuôi tôm càng xanh kết hợp ốc đặc sản để khởi nghiệp.

  • Thoát nghèo nhờ nuôi dế mèn dưới tán xoài

    Thoát nghèo nhờ nuôi dế mèn dưới tán xoài

    Thuộc hộ nghèo của xã Mỹ Xương (Cao Lãnh - Đồng Tháp), song với tinh thần cầu thị, quyết chí vươn lên, năm 2022, gia đình anh Nguyễn Phước Trung và chị Lê Thị Hiếu Hoa Lá Liễu đã chính thức thoát nghèo nhờ gắn bó với mô hình nuôi dế mèn Thái dưới tán xoài.

  • Thử thách đặt ra khi theo nghề Freelancer

    Thử thách đặt ra khi theo nghề Freelancer

    Nhiều người thường nghĩ công việc của một Freelancer khá thoải mái khi họ được tự chủ về mặt thời gian làm việc. Thực tế, công việc này cũng có những thử thách và áp lực riêng mà không phải ai cũng biết.

  • Nuôi thành công cá Koi ở vùng chiêm trũng

    Nuôi thành công cá Koi ở vùng chiêm trũng

    Nhiều lần thất bại trong việc đầu tư nuôi các loại cá cảnh khác nhau, nhưng với niềm đam mê của mình, anh Vũ Văn Tăng đã vượt qua mọi khó khăn để thực hiện thành công mô hình nuôi cá Koi.

  • Hứa hẹn đem lại thu nhập cao với mận hồng

    Hứa hẹn đem lại thu nhập cao với mận hồng

    Giống mận hồng mới trái to, thịt chắc, ăn giòn, ngọt được anh Trần Ngọc Quận (44 tuổi, ngụ ấp Thành Lộc, xã Thành Trung, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) trồng thành công và cho trái đạt trọng lượng lên đến 5 trái/kg.

Top