Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 20 tháng 5 năm 2024  
Thứ tư, ngày 29 tháng 11 năm 2023 | 10:40

Trồng mắc ca, hướng đi mới của người dân ở Phú Yên

Những năm gần đây, người dân ở xã Ea Ly, huyện miền núi Sông Hinh, tỉnh Phú Yên đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng Macadamia (mắc ca). Cách làm này, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế, gợi mở hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp.

Hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp

Ea Ly là xã miền núi phía tây của huyện Sông Hinh, giáp với  tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk, có hơn 58% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số Tày, Nùng, Ê Đê… Người dân chủ yếu trồng cây sầu riêng, cà phê, bơ và các loại cây nông nghiệp ngắn ngày để phát triển kinh tế gia đình. Vài năm trở lại đây, họ trồng thêm cây mắc ca, bởi không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn có thể thay thế các loại cây trồng kém hiệu quả, mở ra hướng đi mới giúp nâng cao đời sống cho người dân tại nơi này.

Tham quan vườn cây mắc ca của người dân ở xã Ea Ly.

Ông Bàng Văn Thành ở thôn Tân Bình (xã Ea Ly) cho biết: Ngày trước tôi có 1 ha đất trồng cây cà phê và các loại cây nông nghiệp ngắn ngày, nhưng sau nhiều năm đất bị bạc màu nên sản lượng không cao; cùng với đó là giá cả lên xuống thất thường, nên hiệu quả kinh tế thấp. Được bạn bè giới thiệu, năm 2018, tôi mua 100 cây mắc ca giống về trồng thử nghiệm thay thế cây cà phê xen với các loại cây dược liệu. Trong quá trình trồng và tìm hiểu, tôi nhận thấy mắc ca là loại cây dễ trồng, phù hợp với đất đai, khí hậu ở nơi này với lại chi phí chăm sóc không nhiều, mang lại kinh tế cao. 

Vì vậy, ông Thành đã chủ động liên hệ với các chủ vườn trồng cây mắc ca ở tỉnh Đắk Lắk để học hỏi kinh nghiệm. Sau đó, ông mua thêm 300 cây mắc ca về trồng hết 1ha đất canh tác. Đến đầu năm nay, mắc ca cho thu hoạch gần 4 tấn quả; với giá bán hạt mắc ca hiện nay trừ hết các chi phí ra thì mỗi năm gia đình ông lãi tầm 150 triệu/ha. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tận dụng những đồi đất trống, mở rộng diện tích trồng mắc ca để tăng thu nhập”, ông Thành nói.

Theo ông Triệu Văn Tân trú tại thôn Tân Sơn (xã Ea Ly), mắc ca có chiều cao và tán dày nên có thể che bóng và chắn gió, trong 3 năm đầu trồng xen với cây cà phê hoặc các cây dược liệu khác. Vì hợp khí hậu tại vùng đất đồi này nên mắc ca trồng lớn nhanh, ít sâu bệnh. Đến năm thứ 5 trở đi, cây trổ hoa rất dày, đậu nhiều trái. Trong quá trình trồng, người dân nên chú trọng đến việc làm cỏ, tưới nước và bón phân theo định kỳ cho cây sẽ phát triển tốt và cho sản lượng cao. 

Ông Tân cho hay: Gia đình tôi đang có 2 ha đất trồng mắc ca trồng từ năm 2019 đến nay cây mắc ca đã bắt đầu cho lứa quả đầu tiên, năng suất đạt 15-20kg hạt/cây, tương đương gần 4 tấn quả/ha, mang lại thu nhập gần 150 triệu đồng. Qua năm sau, gia đình sẽ tiếp tục thu hoạch thêm 1 ha còn lại. Khi mắc ca bắt đầu ra quả, thương lái sẽ tới đặt cọc tiền trước nên đầu ra ổn định, không phải lo lắng đi kiếm người thu mua.

Đảm bảo đầu ra 

Theo ông Nguyễn Văn Đức ở thôn Tân Bình, sau khi tìm hiểu, thấy mắc ca mang lại hiệu quả kinh tế tốt, gia đình đã quyết định đi vay vốn và trồng loại cây này. Khi mua cây giống, ông Đức được nhà vườn hỗ trợ, hướng dẫn cách chăm sóc cây trồng đến khi thu hoạch cây đạt năng suất cao. Đến nay, vườn mắc ca rộng 2 ha của gia đình đã được 3 năm tuổi, năm sau bắt đầu ra quả và thu hoạch. Thương lái cũng đã liên hệ đảm bảo việc thu mua với giá theo thị trường.  

Cây mắc ca bắt đầu thu hoạch từ tháng 7 - 9.

Chị Bế Thị Nga, một hộ sản xuất hạt mắc ca tại xã Ea Ly chia sẻ: Ngày trước, gia đình chỉ trồng mắc ca bán cho thương lái. Sau một thời gian nghiên cứu quy trình sản xuất ra các sản phẩm mắc ca cũng như tìm hiểu về thị trường tiêu thụ, tôi quyết định đầu tư mua máy móc thiết bị để sản xuất sản phẩm hạt mắc ca bán ra thị trường. Nhằm đảm bảo đầu ra cho những hộ trồng mắc ca tại địa phương, mỗi khi tới vụ thu hoạch từ tháng 7-9, tôi đến từng nhà vườn trên địa bàn xã để thu mua với giá cam kết dao động từ 30 - 35 nghìn đồng/kg cả vỏ xanh. Chính quyền địa phương cũng tạo điều kiện cho chúng tôi tham gia các hội chợ thương mại quảng bá sản phẩm, hỗ trợ cơ sở đăng ký sản phẩm OCOP để nhiều người biết đến sản phẩm của địa phương mình nhiều hơn. 

Hiện nay, trên địa bàn xã Ea Ly có tổng cộng 95 ha trồng cây mắc ca và các cây dược liệu trồng xen canh với nhau. Bước đầu có thể xác định cây mắc ca mang lại hiệu quả kinh tế cao thay thế các cây nông nghiệp kém hiệu quả trên địa bàn, từ đó mở ra cơ hội để người dân có thêm tư liệu sản xuất, mang lại nguồn thu nhập cao. “Thời gian tới, địa phương sẽ kiến nghị, tổ chức lớp tập huấn. Qua đó, giúp các hộ dân có thêm những thông tin bổ ích từ loài cây này. Xã cũng luôn tạo điều kiện, hỗ trợ cho người dân vay vốn để bà con nhân rộng diện tích trồng cây mắc ca và các cây nông nghiệp khác. Nhờ đó có thể nâng cao kinh tế, đời sống của người dân hơn”, ông Hoàng Đình Năm, Chủ tịch UBND xã Ea Ly cho biết.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, diện tích trồng cây mắc ca toàn tỉnh gần 100 ha, tập trung chủ yếu ở 2 huyện miền núi Sơn Hòa và Sông Hinh. Giai đoạn 2021-2030, dự kiến toàn tỉnh sẽ trồng khoảng 223 ha mắc ca; trong đó có trồng thuần loài tập trung và trồng xen với các loại cây nông nghiệp, cây dược liệu khác. Đến năm 2045, diện tích trồng cây mắc ca có thể mở rộng khoảng 500 - 1.000 ha tại những khu vực có điều kiện phù hợp để phát triển, tiến tới xây dựng cơ sở chế biến, tiêu thụ sản phẩm ngay tại địa phương nhằm giảm công vận chuyển, thời gian bảo quản sản phẩm khi thu hoạch.

 

Dương Hùng - Triều Nguyễn
Ý kiến bạn đọc
  • Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Sát cánh cùng người dân phát triển kinh tế, đồng vốn từ NHCSXH huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã góp phần làm sống lại nghề trồng dâu nuôi tằm tưởng như đã “lụi” lại vươn mình phát triển mạnh mẽ, tạo phong trào thi đua làm kinh tế sôi nổi tại địa phương.

  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

Top