Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 12 tháng 5 năm 2024  
Thứ ba, ngày 18 tháng 10 năm 2022 | 10:33

Tỷ phú từ ươm quế giống

Từ ý định ươm giống để mở rộng diện tích rừng quế của gia đình, cơ sở quế giống của anh Hoàng Văn Trưởng, dân tộc Tày ở bản Pác Mạc, xã Vĩnh Yên (Bảo Yên - Lào Cai) đã trở thành nơi cung cấp quế giống cho bà con trong vùng và nhiều địa phương lân cận, mang lại doanh thu vài tỷ đồng mỗi năm.

Chủ động trong sản xuất

Thật thú vị khi được nghe anh Hoàng Văn Trưởng trải lòng về những ngày đầu khởi nghiệp làm quế giống năm 2011. Lúc khoảnh rừng vài nghìn gốc quế nhà anh bắt đầu cho thu hoạch, anh Hoàng bảo muốn mở rộng diện tích trồng nhưng nguồn cây giống phải phụ thuộc vào thương lái dưới xuôi lên. Do giao thông đi lại khó khăn nên chờ mãi chả gặp. Người Tày vốn chịu khó, có nhiều sáng tạo trong sản xuất nên anh bắt đầu mày mò tìm cách tự ươm giống.

“Không có mặt bằng, tôi gieo quế ở bãi ruộng, cây con vẫn phát triển nhưng do thiếu kiến thức, kinh nghiệm nên cây bị  nhiều sâu bệnh gây hại như: nấm hồng, nấm phấn trắng, sâu ăn mặt lá, sâu cuốn lá..., chưa đáp ứng được chất lượng cây giống tốt”, anh Trưởng kể. Nhưng đã bắt tay vào làm thì phải làm bằng được, anh quyết định đi đến nhiều vùng trồng quế ở Yên Bái, Phú Thọ để học hỏi từ mặt bằng, nguồn nước, chọn giống, các loại thuốc phòng bệnh..., thậm chí còn nhờ cả người lên Lào Cai hướng dẫn cách đóng bầu cho cây.

Anh Hoàng Văn Trưởng (thứ 4 từ trái sang) tiếp đoàn lãnh đạo UBND và các sở, ban, ngành tỉnh Lào Cai đến tham quan.

Anh vẫn nhớ như in những ngày vác ống đi khắp nơi tìm nguồn nước tưới, lang thang các cửa hàng thuốc bảo vệ thực vật ở Phú Thọ để tìm thuốc trị bệnh cho quế. Sau hơn 3 năm vừa làm vừa cất công đi giao lưu, học hỏi thì chục vạn cây giống đã chen nhau xanh tốt ở 2 thửa ruộng của gia đình. Thấy những diện tích trồng mới của gia đình, anh em, họ hàng mà anh Trưởng cung cấp giống lớn đều và nhanh, bà con trong thôn, xã hỏi thăm tìm đến mua giống.

Anh Trưởng chia sẻ: “Lúc đầu chủ yếu là phục vụ gia đình, sau đấy phong trào trồng quế của huyện được phát động rộng rãi thì mình lại muốn giúp bà con. Thời điểm đó, đồng bào còn nghèo, kinh tế chưa phát triển như hiện nay nên ai có nhu cầu cung cấp giống thì cứ 1.000 cây quế đổi 1 tạ thóc, nợ đến mùa gặt mới trả”. Nhờ vậy mà diện tích quế ở xã Vĩnh Yên cũng phát triển nhanh về số lượng, sau vài năm bà con có thể tỉa cành, lá bán lấy tiền, nâng cao thu nhập và anh Hoàng Văn Trưởng cũng tạo cho mình chỗ đứng trên thị trường cây quế giống. Từ 10 vạn cây quế giống ban đầu, anh phát triển lên 50 vạn, rồi 100 vạn.

Từ ngày có sơ sở quế giống tại địa phương, bà con ở xã, huyện không còn cảnh mua phải giống trôi nổi trên thị trường, chỉ tính hiệu quả kinh tế khi người dân mua phải giống không đảm bảo, sau vài năm cây không sinh trưởng được phải nhổ bỏ đã mất bao thời gian, công sức. Chưa kể cây có lớn mà giống không phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu, lượng tinh dầu ít người dân cũng bị ảnh hưởng nhiều đến kinh tế gia đình.

Sau 5 năm thì anh Hoàng bắt đầu mạnh dạn vay ngân hàng gần 500 triệu đồng để đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng diện tích trồng 300 vạn quế giống. Nhưng càng làm nhiều anh càng phải chú trọng chất lượng, trực tiếp đi chọn hạt giống. Giống quế chủ yếu được lấy từ những cây quế từ 15 năm tuổi trở lên, tại các khu rừng đã được cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận rừng giống.

Vừa dẫn chúng tôi đi thăm quan vườn cây, anh Hoàng Trưởng vừa vanh vách giới thiệu kỹ thuật tạo luống, làm đất, đóng bầu, chọc lỗ gieo hạt, chăm sóc cây... rất chi tiết, tỉ mỉ, đó cũng là thói quen hình thành bởi quá trình vừa bán giống vừa tư vấn kinh nghiệm cho bà con  khi đến mua cây về trồng.

Vườn quế giống được thường xuyên chăm sóc một cách khoa học, chất lượng tốt.

Thu tiền tỷ

Ổn định sản xuất cũng gần chục năm nay, mỗi năm gia đình anh Trưởng cung cấp  hơn 200 vạn quế giống cho nhiều hộ gia đình ở các địa phương trong và ngoài tỉnh. Năm 2021, hơn 200 vạn cây giống được bán với giá 1.000 đồng/cây, anh thu về hơn 2 tỷ đồng, trừ chi phí, lãi 400 - 500 triệu đồng.

Cơ sở quế giống của gia đình anh Hoàng không chỉ tạo điều kiện cho bà con trồng rừng phát triển sản xuất, mà còn tạo công ăn việc làm cho  nhiều lao động địa phương. Ngoài 8 lao động thường xuyên nhận thù lao 6 -8 triệu đồng/người/tháng thì còn có khoảng 60 lao động thời vụ tham gia sản xuất. Riêng tiền trả thù lao cho bà con mỗi năm cũng vào khoảng 500 triệu đồng.

Nhớ lại cảnh cả gia đình ngày trước chỉ tập trung vào mấy mảnh ruộng trồng ngô, lúa, chăn nuôi vài con trâu, bò, đàn gà, lợn nhỏ lẻ, làm lụng vất vả, tuy không nghèo nhưng chỉ ở mức đủ ăn, anh Trưởng mới thấy được thành quả to lớn từ sản xuất cây giống. Giờ đây, ngoài ngôi nhà bề thế khang trang, sắm sửa đầy đủ đồ gia dụng đắt tiền, xe ô tô con, anh còn trang bị xe tải để tiện vận chuyển cây giống đến tận nhà dân. Cơ sở sản xuất của anh Hoàng Văn Trưởng cũng trở thành mô hình quy mô, bài bản và có hiệu quả nhất vùng, điểm đến của nhiều người dân, đơn vị khác đến học hỏi kinh nghiệm làm theo

“Theo Chương trình phát triển cây quế của tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021 - 2025, tiếp tục mở rộng thêm 12.000ha quế, nâng tổng diện tích trên địa bàn tỉnh đạt trên 52.500ha; giai đoạn 2026 - 2030, tổng diện tích đạt 66.000ha; đến năm 2050 đạt 68.000ha thì thị trường quế giống sẽ rất lớn. Dù thị trường cây quế giống là rất lớn nhưng trước mắt, tôi chưa mở rộng quy mô vườn ươm mà chú trọng nâng cao chất lượng cây giống, tiếp tục đầu tư công sức xây dựng cơ sở giống đạt chất lượng cao hơn”, anh Trưởng nói.

 

 

Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc
Top