Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 11 tháng 5 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 25 tháng 8 năm 2023 | 14:38

Vấn nạn rác thải trên toàn cầu

Nếu lượng rác quá lớn hoặc khâu xử lý, phân loại rác không được thực hiện tốt, thì sớm hay muộn, sự quá tải sẽ xảy ra.

Lãng phí thực phẩm là một vấn đề lớn trên toàn thế giới. Tại Mỹ, rác thải thực phẩm ước tính gây thiệt hại hàng tỷ USD mỗi năm.

Những “bãi rác” lớn nhất thế giới

Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), lượng rác thải hàng năm đã tăng lên con số 2 tỷ tấn chất thải rắn đô thị (MSW) mỗi năm, và dự kiến đạt 3,4 tỷ tấn vào năm 2050.

Những người nhặt rác tìm kiếm những món đồ có thể tái sử dụng tại bãi rác Sevapura ở Jaipur, Rajasthan, Ấn Độ. Ảnh: CNBC

Trong đó, các quốc gia có thu nhập cao sẽ ghi nhận mức tăng chất thải bình quân trên đầu người mỗi ngày là 19%. Con số tương tự ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình sẽ là 40% trở lên.

Với khoảng 18% dân số thế giới, Trung Quốc là nơi tạo ra MSW lớn nhất trên toàn cầu, chiếm hơn 15% tổng số.

Tuy nhiên, nếu nói về lượng chất thải trên đầu người, thật đáng ngạc nhiên khi Mỹ là quốc gia đứng đầu, với 2,58kg/người. Tiếp theo là Canada (2,33 kg/người) và Úc (2,23 kg/người).

Bãi rác nằm ở khu vực Apex (gần thành phố Las Vegas, Mỹ), thậm chí nắm giữ kỷ lục Guinness Thế giới trong suốt nhiều năm về bãi rác lớn nhất thế giới.

Theo thống kê, bãi rác này rộng khoảng 890ha, tương đương với 1.250 sân bóng đá. Mỗi ngày, bãi rác tiếp nhận trung bình 8.000 - 9.000 tấn rác. Và đó chỉ là một trong rất nhiều bãi rác ở Mỹ.

Tính từ khi thành lập (năm 1993), bãi rác Apex tiếp nhận hơn 50 triệu tấn rác. Kích thước của nó dự kiến còn tiếp tục tăng.

Là một trong những khu vực chứng kiến sự bùng nổ về tốc độ đô thị hóa, Đông Nam Á cũng đồng thời ghi nhận lượng rác thải tăng lên chóng mặt.

Trong đó, điển hình là Indonesia, khi quốc gia này đã đối mặt với vấn đề nghiêm trọng về rác trong suốt nhiều năm. Trung bình, người Indonesia thải ra hàng triệu tấn rác mỗi ngày.

Việc có quá nhiều rác khiến hệ thống phân loại và xử lý rác ở Indonesia trở nên quá tải.

Theo Business Insiders, rác thải nhiều tới mức hàng nghìn nông dân Indonesia đã và đang chuyển sang làm nghề bới nhặt rác, đơn giản vì điều này giúp họ kiếm được nhiều tiền hơn.

Theo Ngân hàng Nhựa Indonesia, hàng năm, trong số 7,8 triệu tấn rác thải nhựa, có 4,9 triệu tấn không được quản lý đúng cách, với 83% tìm đường vào đại dương, từ đó đe dọa hệ sinh thái biển.

Các quốc gia xử lý rác thế nào?

Ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, kể cả những khu vực phát triển như châu Âu hay Bắc Mỹ, đều làm 1 trong 2 cách để xử lý với rác thông thường. Đó là đốt hoặc chôn.

Điều đáng tiếc là, cả 2 cách này đều gây hại cho môi trường và chính chúng ta. Do đó, nếu lượng rác quá lớn hoặc khâu xử lý, phân loại rác không được thực hiện tốt, thì sự quá tải sẽ xảy ra, dù sớm hay muộn.

Dựa theo Chỉ số Chất thải Toàn cầu 2022 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Hàn Quốc, Đan Mạch và Đức là 3 quốc gia đứng đầu thế giới về xử lý rác thải.

Điểm chung của họ là tập trung vào phân loại, tái chế rác. Tiêu biểu là Hàn Quốc có tỷ lệ tái chế chất thải thực phẩm đạt gần như 100% mỗi năm, và mô hình của nước này được nhiều quốc gia học tập.

Tính dễ sử dụng và khả năng tiếp cận là 2 điểm nhấn rất quan trọng đối với sự thành công của mô hình tái chế rác ở Hàn Quốc.

Từ năm 2013, người dân Hàn Quốc đã được làm quen với những chiếc túi nhựa màu vàng đặc biệt, có thể dễ dàng mua tại các cửa hàng tiện lợi, siêu thị. Trên chiếc túi là dòng chữ: “Túi đựng rác thực phẩm được chỉ định”.

Chính phủ Hàn Quốc yêu cầu người dân phải sử dụng những chiếc túi này để vứt bỏ thức ăn thừa của họ vào bên trong, trước khi cho vào thùng rác riêng biệt, đặt ở vệ đường.

Những chiếc túi sẽ được chuyển đến một nhà máy tái chế để loại bỏ nhựa, đồng thời biến rác thành khí sinh học, thức ăn chăn nuôi hoặc phân bón.

Hệ thống tưởng như đơn giản này có mức độ hiệu quả vô cùng đáng kinh ngạc. Năm 1996, Hàn Quốc chỉ tái chế được 2,6% chất thải thực phẩm. Giờ đây, họ đạt con số xấp xỉ 100% mỗi năm.

Người dân Đan Mạch nghiêm chỉnh bỏ rác vào hàng chục các thùng khác nhau (Ảnh CD)

Ở Đan Mạch, rác thậm chí được phân thành 12 loại riêng biệt, và mỗi hộ dân phải có ít nhất 4 chiếc thùng rác trong nhà. Nếu bỏ rác sai quy định, người dân sẽ bị phạt.

Thậm chí, xe chở rác cũng được chế tạo đặc biệt để không vô tình trộn lẫn các loại rác với nhau trong lúc đi thu gom. Đây là một trong những yêu cầu quan trọng để duy trì hệ thống tái chế rác bền vững ở quốc gia này.

Có thể nói, Đan Mạch thực sự coi rác là một tài nguyên, khi có nhiều quy định về thu gom, quản lý và tái chế chất thải. Tất cả đều được làm một cách chỉn chu, đồng bộ.

Tùy mỗi loại rác thải, sẽ có những cách xử lý khác nhau. Một số được đốt để tạo hơi nhiệt cho hệ thống sưởi ấm vào mùa đông; một số được tái chế thành đồ dùng. Các loại chất thải có thể gây nguy hiểm như pin và hóa chất thì được xử lý riêng.

Trong bảng xếp hạng Chỉ số Chất thải Toàn cầu 2022, Đan Mạch tăng 11 bậc, để vươn lên vị trí thứ 2. Cùng với đó, thủ đô Copenhagen của Đan Mạch đặt mục tiêu tái chế 70% rác thải vào năm 2024.

Đức thì tập trung vào giảm thiểu rác thải, đến nỗi đây đã trở thành một trong những nét đặc trưng của quốc gia này. Theo thống kê, ngày nay, người Đức chỉ thải ra 10kg rác thải mỗi tháng, ít hơn 50% so với mức trung bình của thế giới.

Không chỉ vậy, Đức còn thành công trong việc khuyến khích người dân tự tham gia vào quá trình tái chế nhựa và phục hồi vật liệu.

“Pfand” là một khái niệm tiếng Đức, dùng để chỉ khoản tiền đặt cọc được cộng vào giá hàng hóa khi mua các chai nhựa.

Nói đơn giản, người dân Đức sẽ phải trả thêm tiền khi họ mua hàng. Nhưng họ có thể nhận lại số tiền này bằng cách đưa vỏ chai nhựa vào các máy tái chế tự động, được đặt ở siêu thị, trung tâm mua sắm.

Theo các con số thống kê, lượng tái chế nhựa tại Đức đã tăng 14% từ năm 2021, khi họ áp dụng mô hình trên. Để làm được điều này, có 2 yếu tố giúp Đức thành công, là những quy định chặt chẽ từ chính phủ và  sự nghiêm túc tuân thủ từ người dân.

Đức cũng liên tục đầu tư vào hạ tầng xử lý chất thải tiên tiến, áp dụng công nghệ cao, với tiêu chí hàng đầu là giảm tác động đến môi trường. Song song với đó, quốc gia này đã địa phương hóa các nhà máy xử lý chất thải thành năng lượng, từ đó giúp giảm thiểu khoảng cách vận chuyển chất thải.

Đối với việc chôn lấp rác thải, Đức cũng làm khá tốt. Vào năm 2017, Đức đã đạt thành công khi chỉ 1% rác thải đô thị được đưa đến các bãi chôn lấp. Để so sánh, mục tiêu của nhiều nước EU hướng đến vẫn là tỷ lệ chôn lấp rác phải dưới 10% vào năm 2035.

Thu lợi nhuận “khủng” từ rác

Một nghiên cứu mới từ Đại học Illinois Urbana-Champaign cho thấy, biến đổi rác thải thực phẩm thành năng lượng sinh học có thể trở thành một hoạt động mang lại lợi nhuận.

Hiện Đại học Illinois Urbana-Champaign đang nghiên cứu tính khả thi của việc thực hiện sản xuất năng lượng từ chất thải thực phẩm ở bang Illinois của Mỹ.

Ông Jason Uen, Nghiên cứu sinh Tiến sỹ tại Khoa Kỹ thuật Nông nghiệp và Sinh học (ABE) thuộc Trường Cao đẳng Khoa học Nông nghiệp, Người tiêu dùng và Môi trường và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Grainger tại Illinois, cho biết: “Chúng ta có một lượng lớn rác thải hữu cơ ở Mỹ, cuối cùng sẽ đi vào các bãi chôn lấp và thải ra khí nhà kính. Tuy nhiên, lượng rác thải này có thể được chuyển đổi thành nguồn năng lượng tái tạo bằng cách sử dụng quá trình phân hủy kỵ khí”.

“Giải pháp sẽ giải quyết vấn đề lượng thức ăn dư thừa, đồng thời góp phần sản xuất năng lượng bền vững”, ông Jason Uen nói.

Phó Giáo sư Luis F. Rodriguez tại ABE cho biết: “Phân hủy kỵ khí không phải là một công nghệ mới, nhưng nếu phương pháp này mang lại lợi nhuận, tôi rất mong sẽ được triển khai rộng rãi. Đó là lý do tại sao nghiên cứu của chúng tôi cho thấy những kết quả đầy hứa hẹn, bất chấp những giả định rất thận trọng mà chúng tôi đưa vào phân tích. Thực sự nên coi đây là một công nghệ có tiềm năng đem lại lợi nhuận hấp dẫn”.

Khí sinh học thu được có thể được sử dụng để sản xuất điện và sau đó phân phối đến người tiêu dùng thông qua lưới điện. Quá trình này cũng tạo ra các sản phẩm sinh học bổ sung, bao gồm phân bón sinh học và vật liệu lót chuồng cho động vật, có thể bán cho các nhà sản xuất nông nghiệp.

Phó Giáo sư Luis F. Rodriguez nói: “Đây là cơ hội cho các nhà máy xử lý rác thải, nhưng đồng thời cũng mang tới tiềm năng kinh doanh cho các cơ sở cung cấp dịch vụ liên quan, đồng thời giải quyết mối lo ngại về môi trường hiện chưa được xử lý”.

Ông Rodriguez nhận định lạc quan hơn rằng, một ngành công nghiệp mới có thể hình thành.

Nghiên cứu cho thấy, việc lắp đặt các bể đồng phân hủy kỵ khí tại các nhà máy xử lý rác hoặc nước thải với tổng công suất hàng năm là 9,3 triệu tấn có thể tạo ra lợi tức lên tới 8,3% trên số tiền đầu tư, trong khi giảm lượng khí CO2 đi vào bầu khí quyển, với số lượng khoảng một triệu tấn mỗi năm. Các yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến kết quả là vốn đầu tư, chi phí vận hành và mức giá trần, bao gồm phí dịch vụ xử lý chất thải.

 

Đăng Quang
Ý kiến bạn đọc
  • Được trao sinh kế, người dân Lang Chánh thoát nghèo

    Được trao sinh kế, người dân Lang Chánh thoát nghèo

    Với phương châm “trao cần câu, không trao con cá”, thời gian qua, hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Lang Chánh (Thanh Hóa) được Nhà nước hỗ trợ sinh kế, đã nỗ lực sản xuất kinh doanh, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

  • Tấm chân tình người dân quê Bác với du khách

    Tấm chân tình người dân quê Bác với du khách

    Về làng Sen, xã Kim Liên (Nam Đàn - Nghệ An) mùa này, du khách không chỉ thưởng ngoạn sắc hồng của sen. Vẫn lối cũ ấy, nhưng lại được ấp ôm bởi những vườn mẫu, vườn chuẩn NTM, những homestay với mục tiêu chính không phải để kinh doanh mà cốt yếu để tỏ tấm chân tình người dân quê Bác với du khách thập phương...

  • Để OCOP trở thành động lực phát triển kinh tế nông thôn

    Để OCOP trở thành động lực phát triển kinh tế nông thôn

    OCOP thực sự trở thành phong trào thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo ở nông thôn, là hướng đi đúng, kịp thời và nhận được hưởng ứng tích cực từ người dân.

Top