Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 10 tháng 5 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 24 tháng 12 năm 2023 | 9:35

Xuất khẩu nông sản bứt tốc về đích

Năm 2023 là năm nhiều khó khăn, thách thức với nền kinh tế, trong đó có ngành Nông nghiệp. Thế nhưng, bằng những quyết sách đúng đắn của Chính phủ, sự sát sao của ngành Nông nghiệp, sự nỗ lực, sáng tạo của nhà nông, doanh nghiệp, xuất khẩu nông sản vẫn vươn lên mạnh mẽ, xứng đáng là trụ đỡ của nền kinh tế.

Theo đó, ngành vẫn kiên trì mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm 54 tỷ USD.

Gạo và rau quả tiếp tục là mũi nhọn

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và PTNT, 11 tháng năm 2023, xuất khẩu nông, lâm sản đạt 47,8 tỷ USD. Với kết quả này, ngành Nông nghiệp đã thực hiện được 89% mục tiêu năm 2023 xuất khẩu đạt 54 tỷ USD.

Đến nay, có 6 sản phẩm/nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu trên 3 tỉ USD gồm cà phê (3,5 tỉ USD), gạo (4,41 tỉ USD), rau quả (5,3 tỉ USD, trong đó sầu riêng đóng góp hơn 2 tỉ USD), hạt điều (3,3 tỉ USD), tôm (3,4 tỉ USD), gỗ và sản phẩm gỗ (12 tỉ USD).

Xuất khẩu sầu riêng vượt 2 tỷ USD.

Bên cạnh đó, giá xuất khẩu bình quân một số nông sản chính tăng mạnh: cà phê đạt 2.570 USD/tấn (tăng 12%), gạo 568 USD/tấn (tăng 17%), riêng tháng 11, giá gạo đạt mức 659 USD/tấn.

Đáng chú ý, theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến, mặt hàng lúa gạo trong 11 tháng của năm 2023 xuất khẩu 7,75 triệu tấn gạo, giá trị 4,41 tỷ USD, tăng 36,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là con số cao nhất từ trước tới nay. Nước ta đã có 85% giống lúa mới, 89% gạo chất lượng cao, đây chính là ưu thế. Việt Nam đã và đang xây dựng chuỗi lúa gạo.

Trước đó, gạo ST 25 được Hội nghị Thượng đỉnh lúa gạo toàn cầu công nhận là gạo ngon nhất thế giới, một lần nữa khẳng định giá trị, thương hiệu gạo Việt Nam trên trường quốc tế.

Nêu những con số trên để thấy, trong khi nhiều ngành hàng xuất khẩu được dự báo khó hoàn thành kế hoạch cả năm, rau quả và gạo liên tục ghi nhận những kỷ lục bất ngờ. 

Để đạt được kết quả trên là do ngành  Nông nghiệp đã nỗ lực đàm phán để tháo gỡ rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại và mở cửa thị trường xuất khẩu chính ngạch thêm nhiều nông sản vào các thị trường lớn và tiềm năng. Đó là lý do rau quả Việt Nam được xuất khẩu đến trên 85 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có các thị trường đòi hỏi chất lượng cao như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho hay, năm 2023 là năm rất khó khăn trong xuất khẩu. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp vẫn bám đuổi mục tiêu 54 tỷ USD. Đến nay, giá trị xuất khẩu toàn ngành vẫn thấp hơn so với năm ngoái 2,7%. Với những lợi thế của rau quả, lúa gạo, hạt điều… và sự ổn định trở lại trong xuất khẩu lâm sản, thủy sản, ngành phấn đấu đạt mục tiêu   54 tỷ USD như đã đề ra cho năm 2023.

Đơn cử, tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có 14 mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, gồm: tổ yến và sản phẩm từ tổ yến, khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, thạch đen, vải, chanh dây và sầu riêng. Các mặt hàng này đã giúp mang về doanh thu hàng tỷ USD, trong đó sầu riêng mang về tới 2,2 tỷ USD.

Các cơ quan chuyên môn của Bộ Nông nghiệp và PTNT đang phối hợp với Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) gấp rút hoàn thiện hồ sơ mở cửa thị trường đối với 6 sản phẩm là trái cây có múi (bưởi, cam, quýt…), dừa, sầu riêng cấp đông, ớt, dược liệu và thủy sản đánh bắt tự nhiên. Khi 6 mặt hàng này được xuất khẩu chính ngạch, sẽ tạo dư địa tăng trưởng doanh thu hàng tỷ USD cho ngành Nông nghiệp trong những năm tới.

Nâng cao chất lượng để xuất khẩu bền vững

Mặc dù đạt được nhiều kết quả nổi bật, tuy nhiên, thời gian qua, ngành Nông nghiệp Việt Nam vẫn nhận được những cảnh báo SPS (Hiệp định An toàn thực phẩm và An toàn bệnh dịch động, thực vật) từ các thị trường xuất khẩu. 

Đơn cử, trong 10 tháng của năm 2023, EU đưa ra 3.865 cảnh báo về an toàn thực phẩm đối với hàng nông sản, thực phẩm nhập khẩu trên toàn thế giới. Trong đó,  có 55 cảnh báo đối với nông sản, thực phẩm từ Việt Nam nhập khẩu vào EU, chiếm 1,4%.

Trong đó, dư lượng hóa chất là một trong những vi phạm chiếm tỷ lệ cao, rau quả là nhóm hàng bị cảnh báo nhiều nhất với 23 trường hợp, tiếp đó là sản phẩm thủy sản (19), bánh kẹo và các sản phẩm chế biến khác (13). Vi phạm do dư lượng hóa chất chiếm 58%, vi phạm do độc tố nấm mốc chiếm 9% và vi phạm khác chiếm 33%. Còn trong nước, tình trạng giả mạo mã số vùng trồng cũng diễn biến phức tạp.

Có thể nói, nếu việc cảnh báo này kéo dài, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đối với các ngành hàng xuất khẩu, làm mất uy tín của nông sản Việt, thậm chí có thể đánh mất thị trường đã phải mất rất nhiều công sức, thời gian và nguồn lực để mở cửa.

Theo các chuyên gia, để chấm dứt những tồn tại trên, các cơ quan ban nghành cần giám sát, quản lý một cách đồng bộ tất cả các khâu của chuỗi giá trị nông sản.Trong đó, cần tập trung rà soát và bổ sung các quy định về sản xuất và vật tư nông nghiệp. Bởi, dù Luật Trồng trọt, Luật Chăn nuôi đã được thông qua, xây dựng được các tiêu chí rõ ràng về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm cho sản phẩm nông nghiệp, tạo hành lang pháp lý để đưa các ngành sản xuất nông nghiệp vào chuỗi khép kín, nhưng còn thiếu những quy định trong khâu sản xuất và chế biến.

Còn đối với doanh nghiệp, các hợp tác xã cần nâng cao năng lực, nhận thức trong việc nắm bắt các quy định về kỹ thuật, yêu cầu về an toàn thực phẩm, đồng thời chuyển sản xuất từ số lượng sang chất lượng để đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng an toàn thực phẩm của thị trường.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam chia sẻ, để đảm bảo an toàn thực phẩm nông, lâm sản, thủy sản và nâng cao chất lượng các sản phẩm nông, lâm sản, thủy sản, định hướng tới của ngành Nông nghiệp là sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tạo môi trường thuận lợi và động lực cho người dân, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh nông lâm thủy sản chất lượng, an toàn, bền vững.

Cùng với đó, đổi mới công tác phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức và hành động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm trong sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản và truyền thông quảng bá sản phẩm nông, lâm, thủy sản chất lượng, an toàn, truy xuất được nguồn gốc xuất xứ.

Các thị trường đang ấm dần, cộng với nguồn vay 15.000 tỷ đồng được giải ngân thì thủy sản và lâm sản  sẽ vươn lên trong thời gian còn lại của năm để đóng góp tích cực vào giá trị xuất hàng nông, lâm, thủy sản xuất khẩu năm 2023.

Thanh Xuân
Ý kiến bạn đọc
  • Khu Đông Thủ đô dần trở thành tâm điểm của các sự kiện đẳng cấp quốc tế

    Khu Đông Thủ đô dần trở thành tâm điểm của các sự kiện đẳng cấp quốc tế

    Trung tâm thương mại kết hợp Trung tâm hội nghị - tiệc cưới lớn nhất Việt Nam và Nhà hát quy mô “khủng” 10.000 chỗ sẽ sớm hiện diện tại “thành phố điểm đến” phía Đông Hà Nội, hứa hẹn trở thành tâm điểm của các sự kiện đẳng cấp, mang lại những trải nghiệm độc đáo, mới mẻ thu hút du khách đổ về Ocean City.

  • Agribank dành hơn 180.000 tỷ đồng vốn ưu đãi lãi suất thấp hỗ trợ khách hàng sản xuất, kinh doanh

    Agribank dành hơn 180.000 tỷ đồng vốn ưu đãi lãi suất thấp hỗ trợ khách hàng sản xuất, kinh doanh

    Thực hiện Chỉ thị số 14/CT-TTG của Thủ tướng Chính phủ về triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, với vai trò tiên phong trong việc thực thi nghiêm túc, có hiệu quả chính sách tiền tệ và chính sách tín dụng thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô, Agribank đã chủ động, linh hoạt cung ứng hơn 180.000 tỷ đồng vốn ưu đãi triển khai 10 chương trình tín dụng lãi suất thấp dành cho khách hàng, doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

  • BAC A BANK đồng hành cùng chuỗi hoạt động tri ân Điện Biên - Mảnh đất anh hùng

    BAC A BANK đồng hành cùng chuỗi hoạt động tri ân Điện Biên - Mảnh đất anh hùng

    Trong những ngày đầu tháng 5 lịch sử, Ngân hàng TMCP Bắc Á (BAC A BANK) đồng hành cùng chuỗi hoạt động tri ân, hướng về Điện Biên, trong đó nổi bật là đồng hành cùng Cuộc đua xe đạp “Về Điện Biên Phủ 2024 - Cúp Báo Quân đội nhân dân”- gây quỹ xây trường học cho vùng sâu; Trình chiếu 3D mapping bức tranh Panorama 3D “Chiến dịch Điện Biên Phủ”.

Top