Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 13 tháng 5 năm 2024  
Thứ hai, ngày 29 tháng 11 năm 2021 | 21:2

Bắc Giang chuyển đổi 6.519 ha đất trồng lúa

Trong năm 2021-2022, tỉnh Bắc Giang sẽ chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa với diện tích 6.519 ha. Trong đó, chuyển đổi sang cây lâu năm là 6.033 ha, chuyển đổi sang trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản là 486 ha.

Việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa  nhằm tiếp tục xây dựng và mở rộng các các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn gắn với dồn điền, đổi thửa, liên kết sản xuất theo chuỗi, tạo thành các vùng hàng hóa hiệu quả cao, phục vụ tái cơ cấu lĩnh vực nông nghiệp tại các địa phương trong tỉnh.

Từ đó, khai thác tốt hơn lợi thế về đất đai, điều kiện tự nhiên của từng địa phương, tạo thuận lợi để phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, đa dạng hóa các sản phẩm nông sản đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế, ổn định sản xuất và đời sống cho người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới.

 

 Trong 6.519 ha đất lúa chuyển đổi, có 6.033 ha sẽ chuyển sang trồng cây lâu năm.

 

Theo đó, huyện Lục Ngạn thực hiện chuyển đổi 2.607 ha, Lục Nam 1.470 ha, Tân Yên 1.273 ha, Yên Thế 252 ha, Hiệp Hòa 239 ha, Sơn Động 188 ha,Việt Yên 183 ha, Yên Dũng 167 ha, Lạng Giang 140 ha.

UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu UBND các huyện, thành phố căn cứ vào nhu cầu chuyển đổi của tổ chức, cá nhân trên địa bàn và kế hoạch chuyển đổi của cấp huyện xây dựng kế hoạch chuyển đổi, chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn ban hành kế hoạch chuyển đổi thực hiện đảm bảo hiệu quả và phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.

Tuyên truyền, phổ biến rộng rãi kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng của tỉnh; hướng dẫn các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình về trình tự, thủ tục đăng ký khi thực hiện chuyển đổi; các chính sách, quy hoạch, đề án liên quan đến kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng tới các hộ nông dân để biết và tổ chức thực hiện.

Vận động các tổ chức nghiên cứu, chuyển giao khoa học kỹ thuật, các doanh nghiệp tham gia thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, gắn với liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao giá trị, hiệu quả và ổn định sản xuất.

Vận động khuyến khích nông dân tham gia Tổ hợp tác, Hợp tác xã, liên kết sản xuất nhằm tích tụ ruộng đất sản xuất tập trung, thuận lợi trong tiếp cận khoa học kỹ thuật mới, tiếp cận nguồn vốn vay, thị trường tiêu thụ, giảm rủi ro, tăng lợi nhuận trên một đơn vị diện tích đất canh tác.

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
Top