Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 20 tháng 5 năm 2024  
Thứ năm, ngày 23 tháng 6 năm 2022 | 19:57

Cà Mau tăng tốc đưa thủy sản thành ngành kinh tế thương mại hiện đại

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Cà Mau Nguyễn Đức Thánh nhận định, khả năng năm nay xuất khẩu tôm của Cà Mau sẽ vượt xa kế hoạch.

Từ đó, tự tin tầm nhìn đến năm 2045, đưa thuỷ sản Cà Mau trở thành ngành kinh tế thương mại hiện đại, bền vững, có trình độ quản lý, khoa học công nghệ tiên tiến; giữ vị trí mũi nhọn, chủ lực.Các mô hình sản xuất hiệu quả

 

f38e692f5621957fcc30.jpg
Với hơn 40 nhà máy chế biến, cùng công nghệ tiên tiến, hiện đại, Cà Mau luôn dẫn đầu cả nước về năng lực cũng như sản xuất hàng giá trị gia tăng, đưa con tôm địa phương xuất hiện ở 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, thu về trên 1 tỷ USD/năm.

 

Theo ông Thánh, lợi thế từ các Hiệp định Thương mại tự do được các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản khai thác khá tốt nên kim ngạch xuất khẩu vào một số thị trường tăng mạnh, như: Mỹ tăng 85,5%, EU 59%, Australia 165,4%, Canada  87,9%, Hàn Quốc 14,5%, Nhật  2,6%... Xuất khẩu tôm tăng mạnh kéo theo giá tôm nguyên liệu tăng theo, tạo phấn khởi cho người sản xuất. Hiện, tôm loại 20 con/kg thu mua tại đầm có giá 225.000-235.000 đồng/kg; loại 30 con/kg 185.000-195.000 đồng/kg; loại 40 con/kg 160.000-170.000 đồng/kg.

“Tôm nuôi khi thu hoạch đạt kích cỡ càng lớn thì giá trị càng cao và có chiều hướng tăng giá  5.000-10.000 đồng/kg so với tháng 5”, ông Trần Thanh Tùng,  thương lái thu mua tôm nguyên liệu ở xã Lý Văn Lâm (TP. Cà Mau), thông tin.

Ông Tùng cho biết, hiện các nhà máy chuộng tôm kích cỡ lớn, chủ yếu xuất nguyên con hoặc chế biến hàng gia tăng, xuất sang thị trường Mỹ, châu Âu.

Hiện, nguồn nguyên liệu đầu vào khá ổn định, đáp ứng được nhu cầu hoạt động sản xuất tại các nhà máy. Đây là kết quả thể hiện khả năng sản xuất trên lĩnh vực nuôi tôm của Cà Mau đang phát triển khá tốt. Điều này được thể hiện thông qua việc chuyển dần hình thức nuôi thâm canh sang siêu thâm canh, nhất là khi Cà Mau kiểm soát được dịch Covid-19.

 

8e88bd2f8221417f1830.jpg
Nông dân Cà Mau thu hoạch tôm. Ảnh Công Trí.

 

Từ đầu năm đến nay,  Cà Mau có thêm 154 hộ với 109,5 ha chuyển đổi hình thức sản xuất, đưa tổng diện tích nuôi theo hình thức siêu lợi nhuận này hiện là 3.861,4 ha/3.934 hộ, tăng 4,9% so với kế hoạch, tăng 20,2% so cùng kỳ; bình quân đạt  40-45 tấn/ha/năm.

Sau nhiều vụ nuôi thành công và từng bước cải tiến thông qua các mô hình sản xuất có hiệu quả, ông Lý Thường Kiệt (ấp Rạch Muỗi, xã Phú Hưng, huyện Cái Nước) nâng hình thức nuôi tôm từ thâm canh sang siêu thâm canh theo 2 giai đoạn trên diện tích hơn 1ha của gia đình.

“Nuôi tôm siêu thâm canh giờ đã chủ động về mọi mặt nhằm đảm bảo tính hiệu quả của nghề nuôi, cùng với việc áp dụng nuôi theo hình thức 2 giai đoạn thì hiệu quả luôn mang tính ổn định, phát triển nhanh, bền vững hơn”, ông Kiệt chia sẻ.

Cùng với những chuyển biến trong nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh, diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến đến nay đã đạt 165.760ha và điều đáng mừng là, diện tích đang thả nuôi đạt trên 99%. Đây là nguồn lực không nhỏ cung ứng lượng tôm có kích cỡ lớn cho chế biến xuất khẩu. Theo đó, đã góp phần đưa sản lượng tôm tăng 10,4% so cùng kỳ, dự báo đến cuối tháng 6 đạt 118.245 tấn.

Thêm vào đó, sản lượng tôm từ nghề khai thác cũng đạt 4.085 tấn, tăng 24% so cùng kỳ, góp phần không nhỏ vào tổng sản lượng thuỷ sản xuất khẩu với cột mốc cuối năm đạt trên 1 tỷ USD.

Ngành kinh tế thương mại hiện đại

Ngành tôm Cà Mau càng thêm vững niềm tin phát triển, khi từ đề xuất của tỉnh, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án “Phát triển thuỷ sản bền vững tỉnh Cà Mau” tại Công văn số 879/TTg-QHQT ngày 29/6/2021.

Theo đó, hướng mục tiêu theo 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm vào phát triển ngành thuỷ sản bền vững, trong đó tập trung cho hội nhập quốc tế sâu rộng, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường thông qua xây dựng và nâng cấp kết cấu hạ tầng; đổi mới công nghệ, tăng cường năng lực quản lý và tổ chức sản xuất; phát triển liên kết chuỗi giá trị, tổ chức sản xuất khai thác, nuôi trồng, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm thuỷ sản xuất khẩu chủ lực…

Tổng mức đầu tư cho dự án này dự kiến khoảng 23,1 triệu USD (tương đương 536 tỷ đồng), trong đó nguồn vay từ Ngân hàng Thế giới (WB) 19,5 triệu USD (tương đương 452 tỷ đồng) và nguồn đối ứng 84 tỷ đồng. Dự án ưu tiên tập trung vào 2 hợp phần chính, gồm phát triển kết cấu hạ tầng khai thác hải sản và nuôi trồng thuỷ sản; nâng cao năng lực quản lý, nâng cao giá trị sản phẩm thuỷ sản và được triển khai trên vùng thuộc các huyện: Cái Nước, Đầm Dơi, Phú Tân, Năm Căn, Ngọc Hiển và Trần Văn Thời giai đoạn 2022-2025.

Với hướng đi này, việc hiện thực hoá mục tiêu đến năm 2030, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản trên địa bàn đạt 1,65 tỷ USD là hoàn toàn trong tầm tay. Từ đó, tự tin tầm nhìn đến năm 2045, đưa thuỷ sản Cà Mau trở thành ngành kinh tế thương mại hiện đại, bền vững, có trình độ quản lý, khoa học công nghệ tiên tiến; giữ vị trí mũi nhọn, chủ lực; góp phần đảm bảo an ninh lương thực, an sinh xã hội; xây dựng làng cá xanh, sạch, đẹp, văn minh; lao động thuỷ sản có mức thu nhập ngang bằng mức bình quân chung cả nước; góp phần bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền biển, đảo.


Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Cà Mau Dương Vũ Nam cho biết, giải pháp trọng tâm trong trong thời gian tới là, tỉnh tiếp tục quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu mở rộng và phát triển thị trường mới; tận dụng thật tốt cơ hội của các Hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết như EVFTA, CPTPP, UKVFTA, RCEP để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ lĩnh vực xuất khẩu. Cùng với đó, tỉnh tăng cường cung cấp kịp thời đến doanh nghiệp xuất khẩu thông tin về thị trường, cửa khẩu, các rào cản kỹ thuật trong thương mại để chủ động ứng phó, hạn chế những rủi ro.

Cà Mau chú trọng đổi mới và nâng cao chất lượng công tác xúc tiến thương mại, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại và đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử phục vụ xuất khẩu; tích cực hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến theo tiêu chuẩn ISO, HACCP, BRC nhằm đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định của Việt Nam và quốc tế trong hoạt động xuất khẩu.

 

 

 

Trần Nguyên
Ý kiến bạn đọc
  • Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Sát cánh cùng người dân phát triển kinh tế, đồng vốn từ NHCSXH huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã góp phần làm sống lại nghề trồng dâu nuôi tằm tưởng như đã “lụi” lại vươn mình phát triển mạnh mẽ, tạo phong trào thi đua làm kinh tế sôi nổi tại địa phương.

  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

Top