Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 18 tháng 2 năm 2022 | 14:38

Các tỉnh, thành phố ĐBSCL cần có phương án chủ động phòng chống hạn mặn

Năm 2022, tình hình xâm nhập mặn ở ĐBSCL được nhận định sẽ phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Kông; biến động xâm nhập mặn sẽ ở mức cao hơn trung bình nhiều năm… Các tỉnh, thành phố cần sớm triển khai phòng chống hạn mặn, hạn chế thiệt hại.

Thủy điện Trung Quốc giảm xả nước ĐBSCL sẽ ra sao?
 
Dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho thấy, mực nước các trạm trên sông Mê Kông xuống dần và ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN) từ 0,1-1,06m. Theo đó, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có xu thế tăng dần.
 
Dự báo, từ ngày 11-20/2, ở thượng nguồn sông Mê Kông và khu vực Nam bộ sẽ phổ biến ít mưa, vào ban ngày trời nắng, nắng nóng bắt đầu xuất hiện trên khu vực. Mực nước các trạm trên dòng chính sông Mê Kông biến đổi chậm và ở mức thấp hơn TBNN từ 0,1-1,0m.
 
Xâm nhập mặn vùng ĐBSCL mùa khô năm 2021-2022 ở mức cao hơn TBNN, nhưng không nghiêm trọng như mùa khô năm 2019- 2020.
mực-nước-sông-mê-kông-xuống-thấp-hạn-mặn-sớm-ở-đồng-bằng-sông-cửu-long.jpg
Mực nước sông Mê Kông xuống thấp, hạn mặn sớm ở đồng bằng sông Cửu Long
Các đợt xâm nhập mặn cao nhất ở cửa sông Cửu Long khả năng tập trung trong tháng tháng 2,3 (từ 26/2-5/3, từ 14-19/3); các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn vào tháng 3,4 (từ 14-19/3, từ 28/3-3/4, từ 12-17/4).
 
Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia nhận định, tình hình xâm nhập mặn ở ĐBSCL phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Kông, triều cường và còn biến động trong thời gian tới.
 
Trong khi đó, theo báo cáo của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, các hồ chứa thuộc Trung Quốc xả nước hạn chế, có thể làm mặn xâm nhập sớm ở ĐBSCL. Ông Hoàng Văn Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam cho hay, theo báo cáo của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, các hồ chứa thuộc Trung Quốc xả nước hạn chế và lợi dụng cột nước cao để phát điện, tại thủy điện Cảnh Hồng lưu lượng xả về hạ lưu từ 23/1 đến nay trên dưới 700 m3/s, tương đương với 1 tổ máy phát điện.
 
Hiện, các hồ chứa thượng nguồn sông Mê Kông thuộc Trung Quốc còn dung tích khoảng 78%, tương đương với tổng dung tích 19,7 tỷ m3.
 
Thời gian tới các hồ trên lưu vực sẽ còn tiếp tục xả nước hạn chế do đó dòng chảy còn giảm nhanh là nguyên nhân có thể làm mặn xâm nhập sớm đầu mùa kiệt 2021-2022.
 
Ông Thắng cho rằng, những năm gần đây (giai đoạn 2015 - 2020) là những năm hạn, mặn trầm trọng do ảnh hưởng của El Nino vào năm 2016 với tần suất 60 năm xuất hiện một lần. Do tác động của El Nino không những hệ thống sông Cửu Long mà cả sông Hồng cũng hạn, tích nước thấp.
 
Bên cạnh đó, trong khi ở ĐBSCL là đầu mùa khô thì phía Trung Quốc lại tích nước nên xâm nhập mặn lấn sâu hơn.
 
Tuy vậy, ông Thắng nhận định, hạn mặn không phải là vấn đề nghiêm trọng ở ĐBSCL, mà tác động lớn nhất của các đập thủy điện trên lưu vực sông Mê Kong chính là trữ lại phù sa bùn cát, góp phần gây nên hiện tượng sạt lở bờ sông, bờ biển vùng hạ lưu.
 
Sụt lún đất, ngoài nguyên nhân do hiện tượng khai thác cát ngầm ngày càng phức tạp còn do lượng phù sa về đồng bằng giảm, gây mất cân bằng cho đồng bằng. Đây mới là vấn đề khó khắc phục.
 
Theo số liệu Ủy hội sông Mê Kông đã công bố, lượng phù sa ở sông Mê Kông đã giảm 6 - 7%, theo 2 kịch bản đến năm 2040, kịch bản xấu lượng phù sa trên các lưu vực sông Mê Kông giảm đến 97%, kịch bản tốt cũng giảm 85 - 86%.
 
Trong khi đó, tình trạng khai thác cát đang diễn ra bừa bãi, quá mức cho phép, lên đến 30 - 40 triệu tấn cát/năm, phù sa về bao nhiêu khai thác hết bấy nhiêu, dẫn đến suy thoái đồng bằng.
 
Ngày xưa đồng bằng tiến ra biển thì nay biển lại xâm lấn ngược lại. Do vậy, phải có biện pháp hạn chế khai thác cát ở hạ nguồn, nếu không sẽ rất khó kiểm soát tình trạng sạt lở, ngập úng.

Xâm nhập mặn năm 2022, rủi ro thiên tai ở cấp 1-2

Thông tin cụ thể hơn về nhận định trên, ông Phùng Tiến Dũng, Trưởng phòng dự báo thủy văn Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia) cho biết trước mắt, từ nay đến 20/2/2022, ở thượng nguồn sông Mekong và khu vực Nam Bộ sẽ phổ biến ít mưa, ban ngày trời nắng.

Nhiệt độ thấp nhất ban đêm ở Đồng bằng sông Cửu Long phổ biến từ 22-25 độ C; nhiệt độ cao nhất dao động trong khoảng từ 31-34 độ C.

Mực nước các trạm trên dòng chính sông Mekong biến đổi chậm và ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 0,1-1m. Mực nước trên sông Tiền, sông Hậu cũng được dự báo sẽ biến đổi chậm, cao nhất tuần tại Tân Châu là 1,55m; tại Châu Đốc 1,70m, ở mức cao hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 0,2-0,3m.

 

63e4c2675825b17be834.jpg
Hạn, mặn nghiêm trọng khiến nhiều đầm nuôi tôm công nghiệp ở Cà Mau bị bỏ hoang. (Ảnh: Kim Há/TTXVN)

Tại trạm Vũng Tàu, mực nước thủy triều trong khoảng thời gian từ nay đến ngày 20/2 có xu hướng tăng dần, với đỉnh triều lớn nhất xuất hiện trong ngày 19/2 đạt 3,81m (thời gian xuất hiện khoảng từ 2-4 giờ).

Trong khi đó, mực nước thủy triều phía Biển Tây (Trạm Phú Quốc) có xu thế tăng dần, mực nước triều cao nhất dao động ở khoảng 1,30-1,31m trong các ngày 19-20/2, với đỉnh triều 1,31m trong ngày 20/2 (thời gian xuất hiện từ 20-22 giờ).

Với diễn biến trên, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia dự báo xâm nhập mặn từ nay đến ngày 20/2, có xu thế tăng dần vào những ngày cuối tuần. Độ mặn tại các trạm phổ biến ở mức thấp hơn độ mặn cao nhất tháng 2/2021.

Cụ thể, chiều sâu ranh mặn 1g/l trong thời kỳ này tại các sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, có phạm vi xâm nhập mặn 65-82km; sông Cửa Tiểu, Cửa Đại 45-52km; sông Hàm Luông, Cổ Chiên 55-60km; sông Hậu 42-45km; sông Cái Lớn 50-60km.

Tương tự, chiều sâu ranh mặn 4g/l trong thời kỳ này tại sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, có phạm vi xâm nhập mặn 45-65km; sông Cửa Tiểu, Cửa Đại 35-45km; sông Hàm Luông, Cổ Chiên 40-50km; sông Hậu 35-42km; sông Cái Lớn 40-50km. Cấp độ rủi ro thiên tai ở Đồng bằng sông Cửu Long ở cấp 1-2.

Về xu thế xâm nhập mặn trong mùa khô năm nay, ông Phùng Tiến Dũng, Trưởng phòng Dự báo Thủy văn Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ nhận định sẽ ở mức cao hơn trung bình nhiều năm nhưng không nghiêm trọng như mùa khô năm trước.

 

9ae73d64a7264e781737.jpg
Cống ngăn mặn Kênh Năm, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)

Theo nhận định ban đầu, các đợt xâm nhập mặn cao nhất ở cửa sông Cửu Long có khả năng sẽ tập trung vào tháng tháng 2 và tháng 3 (từ ngày 26/2-5/3, 14-19/3); các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn vào tháng 3,4 (từ ngày 14-19/3, 28/3-3/4 và 12-17/4).

Ngay trong tuần này, ranh mặn 4g/l có thể sẽ xâm nhập sâu vào hệ thống sông ở Đồng bằng sông Cửu Long từ 55-85km.

Sang tháng Ba, ranh mặn sẽ tiếp tục vào sâu thêm từ 10-20km, lên tới 57-110km ở trên các nhánh sông. Dù xâm nhập mặn năm nay không gay gắt như mùa khô các năm 2015-2016 và 2019-2020 nhưng vẫn có thể cao hơn trung bình nhiều năm.

Vì vậy, cơ quan khí tượng quốc gia khuyến cáo bà con không được chủ quan. Đặc biệt, khi nước nhiễm mặn lên tới 4g/l, bà con sẽ không thể lấy được nước để sinh hoạt hay tưới tiêu. Do vậy, bà con cần kiểm tra độ mặn thường xuyên trước khi lấy nước và tranh thủ những cơn mưa trái mùa, để tích trữ nước ngọt.

Ngoài ra, đại diện cơ quan khí tượng thủy văn quốc gia cũng nhận định rằng tình hình xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mekong, triều cường và còn biến động trong thời gian tới.

Do vậy, các địa phương ở Nam Bộ cần cập nhật kịp thời các thông tin dự báo khí tượng thủy văn và có các biện pháp chủ động phòng chống xâm nhập mặn.

Chủ động phòng chống xâm nhập mặn

Ngay từ đầu năm 2022, ngành chức năng tỉnh Tiền Giang khẩn trương triển khai các công trình phòng chống hạn mặn nhằm bảo vệ sản xuất và nguồn nước sinh hoạt. Theo dự báo, đến cuối tháng 2 đầu tháng 3/2022, độ mặn 1g/lít sẽ xâm nhập kênh Nguyễn Tấn Thành. Vì vậy, UBND tỉnh Tiền Giang quyết định đắp đập thép nhằm bảo vệ nước sinh hoạt cho khoảng 1,1 triệu dân của hai tỉnh Tiền Giang và Long An, đồng thời bảo vệ khoảng 128.000ha diện tích sản xuất nông nghiệp.

Cụ thể, đập thép ngăn mặn trữ ngọt trên kênh Nguyễn Tấn Thành (thuộc huyện Châu Thành) là công trình ngăn mặn dã chiến có quy mô lớn tại địa phương. Đập thép này được xây dựng với các trụ, khung bằng vật liệu thép đảm bảo an toàn dưới tác động của thủy triều. Đập dài gần 80m, nối liền 2 bờ kênh nhằm ngăn không cho nước mặn xâm nhập từ sông Tiền vào kênh và dự trữ nguồn nước ngọt để cung cấp tưới tiêu và sinh hoạt. Dự kiến công trình hoàn thành trước ngày 25/2, tổng chi phí hơn 10 tỷ đồng.

Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang cho biết, hiện nay, xâm nhập mặn trên sông Tiền đến sớm hơn so trung bình nhiều năm. Để ứng phó, ngành nông nghiệp tỉnh đã đề xuất chi khoảng 29 tỷ đồng nạo vét 16 tuyến kênh ở vùng dự án ngọt hóa Gò Công đang bị bồi lắng, với chiều dài 135.000m; nạo vét nhiều tuyến kênh ở các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước, Châu Thành, Gò Công Tây, Chợ Gạo, Tân Phú Đông… phục vụ phòng chống hạn mặn mùa khô năm nay, cũng như các năm tiếp theo.

 

23506856f114184a4105.jpg
Thi công đập thép ngăn mặn trên kênh Nguyễn Tấn Thành (Tiền Giang) với kinh phí 10 tỷ đồng. Ảnh: NGỌC PHÚC

Theo ông Đoàn Văn Đảnh, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre, để hạn chế mặn xâm nhập nội đồng làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân, tỉnh huy động nguồn vốn để gia cố đê, đắp đập tạm ngăn mặn. Bến Tre nỗ lực gia cố khoảng 60km bờ bao, xây dựng 27 đập để bảo vệ 32.000ha đất sản xuất.

Hiện nay, các ngành chức năng Bến Tre đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình nhằm phòng chống hạn mặn như xây dựng cống Sa Kê, Giồng Võ (huyện Mỏ Cày Nam); cửa cống Thành Triệu (huyện Châu Thành); dự án xây dựng tuyến ống cấp nước khu vực cù lao Long Thành, xã Sơn Phú và xã Hưng Phong (huyện Giồng Trôm); dự án hệ thống thủy lợi Nam Bến Tre (có 11 cống thuộc 2 huyện Mỏ Cày Nam và Thạnh Phú); đê bao ngăn mặn đoạn từ cống Cái Mít, đê bao ngăn mặn từ xã Hưng Lễ đến xã Thạnh Phú Đông (huyện Giồng Trôm)…

Ông Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Long An, nhìn nhận: “Qua các đợt hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn xảy ra liên tiếp trong mùa khô các năm 2015-2016, 2019-2020 và 2020-2021, tỉnh Long An xác định phương châm hàng năm sẽ phải sống chung với hạn mặn và có kế hoạch ứng phó để không bị lúng túng”. Theo đó, Sở NN-PTNT tỉnh Long An đã rà soát, ưu tiên đầu tư các công trình phòng chống hạn mặn và đôn đốc thi công để hoàn thành sớm. Sở cũng phối hợp cùng chính quyền địa phương vận động người dân sản xuất đúng lịch, tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tiết kiệm nước; thường xuyên liên hệ với các ngành chức năng để nắm diễn biến thời tiết nhằm chủ động trong sản xuất và sinh hoạt.

Tại Bạc Liêu, dự báo mùa khô năm 2021-2022 có nguy cơ xảy ra hạn mặn khá gay gắt. Cụ thể, đối với vụ lúa đông xuân 2022, do nguồn nước ngọt bổ sung từ sông Hậu về Bạc Liêu qua trục Quản Lộ Phụng Hiệp dự báo sẽ thiếu hụt, xâm nhập mặn sớm gây khó khăn cho việc tiếp nước từ Sóc Trăng về Bạc Liêu.

Trước diễn biến trên, tỉnh Bạc Liêu yêu cầu cơ quan liên quan chuẩn bị ứng phó tình huống mùa khô năm nay tương đương mùa khô năm 2019-2020. Với kịch bản này, Bạc Liêu sẽ phải giảm 3.400ha lúa đông xuân ở các nơi có nguy cơ thiếu nước ngọt. Ngoài ra, tỉnh phải chi hơn 18 tỷ đồng để đắp 89 đập của vụ lúa - tôm, 448 đập bảo vệ lúa đông xuân; cùng hỗ trợ bơm tát nước và kéo dài đường ống nước sạch…

Cà Mau, một trong những địa phương chịu nhiều tác động bởi hạn mặn, thường xuyên thiếu nước ngọt để sản xuất và sinh hoạt. Trước thực tế này, Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau triển khai xây dựng công trình hồ chứa nước ngọt diện tích hơn 100ha, với dung tích hồ chứa 3,85 triệu m3 tại xã Khánh An (huyện U Minh). Khi hoàn thành sẽ giúp cho khoảng 113.780 dân của huyện U Minh “giải khát” vào mùa khô.

Theo ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, công trình này là cấp thiết bởi công năng đa mục tiêu, như cung cấp nước sinh hoạt, phòng cháy chữa cháy rừng… “Trong tương lai, nếu được tiếp nguồn nước ngọt từ sông Hậu về thì hồ này có khả năng trữ nước phục vụ thêm cho các huyện Trần Văn Thời, Thới Bình và khu công nghiệp Khánh An”, ông Nam chia sẻ.

Hữu Thắng (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top