Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 12 tháng 5 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 26 tháng 11 năm 2021 | 10:34

Cách làm sáng tạo của tỷ phú sầu riêng

Từ thương lái thu mua sầu riêng ở Bình Phước về các tỉnh miền Tây tiêu thụ, ông Trần Văn Bé Sáu và bà Triệu Thị Bé Bảy đã “bén duyên” với vùng đất xã Lộc Khánh (Lộc Ninh - Bình Phước) để phát triển cây sầu riêng và trở thành tỷ phú miệt vườn.

Tỷ phú từ sầu riêng

Đến xã Lộc Khánh,  hỏi thăm gia đình “ông, bà Sáu sầu riêng”, hầu như ai cũng biết. Gia đình ông Sáu từ tỉnh Tiền Giang đến định cư tại ấp Quyết Thành, xã Lộc Khánh phát triển kinh tế vườn từ hơn 10 năm trước. Nhận thấy vùng đất đỏ bazan nơi đây phù hợp cho cây sầu riêng phát triển, ông quyết định chuyển vườn tiêu già cỗi, năng suất thấp sang trồng sầu riêng làm kinh tế chủ lực của gia đình.

Ban đầu, với hơn 8 sào đất trồng sầu riêng, đến nay gia đình ông Sáu phát triển lên đến 12ha, trong đó có 8,5ha đang cho thu hoạch, chủ yếu là giống Ri6 và sầu riêng Thái. Gia đình ông còn được xem là hộ tiên phong trồng sầu riêng thành công trên vùng đất giáp biên này.

Ngoài tuân thủ nghiêm quy trình, các công đoạn chăm sóc, từ khâu chọn giống, làm đất, bón phân… đến khi thu hoạch và chăm sóc cây sau thu hoạch cũng được gia đình ông thực hiện bài bản, khoa học, từ đó cây ra hoa, đậu trái đúng thời vụ và đạt năng suất cao. Vụ mùa năm 2021, gia đình ông thu hoạch 130 tấn trái. Với giá bán 40-56 ngàn đồng/kg,  trừ chi phí, gia đình thu hơn 5 tỷ đồng.

 

sr.jpg
Bà Triệu Thị Bé Bảy (ngoài cùng bên trái) giới thiệu về sản phẩm sầu riêng cấp đông.

 

Không chỉ chăm sóc vườn cây phát triển tốt, vợ chồng ông Sáu còn thường xuyên hướng dẫn người dân nơi đây cùng phát triển kinh tế từ cây sầu riêng. Bà Triệu Thị Bé Bảy cho biết: Ban đầu mình chỉ là thương lái thu mua sầu riêng ở đây về miền Tây bán kiếm lời. Sau khi lên đây thấy đất tốt, phù hợp với cây sầu riêng, nên vợ chồng mình dừng chân tại đây để làm kinh tế. Lúc đầu chỉ có gia đình mình nhưng rồi sau thấy hiệu quả, bà con chòm xóm ở đây cũng học hỏi làm theo. Mình cũng chỉ cho mọi người làm để cùng phát triển kinh tế gia đình.

Bà Trương Thị Đèm (ấp Quyết Thành) bộc bạch: “Gia đình tui nhờ vợ chồng anh Sáu giúp đỡ, hướng dẫn kỹ thuật chọn giống, rồi trồng, chăm sóc cây sầu riêng thay thế vườn tiêu già cỗi nên giờ kinh tế cũng khá hơn rồi”.

Để đảm bảo đầu ra sản phẩm cho bà con, mỗi năm đến thời điểm thu hoạch, vợ chồng ông Sáu lại vận động các hộ vần đổi công thu hoạch. Gia đình ông Sáu cũng đứng ra thu mua trái sầu riêng cho bà con, rồi chuyển về các tỉnh miền Tây tiêu thụ.

Sáng tạo đầu ra cho sản phẩm

Năm nay, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, có thời điểm giá hạ dưới 20 ngàn đồng/kg, sau nhiều đêm lo lắng, suy nghĩ tìm đầu ra cho sản phẩm và để gỡ khó cho nhà vườn trồng sầu riêng, gia đình ông Sáu quyết định mua 4 tủ lạnh để cấp đông múi sầu riêng. Trung bình 10kg trái, sau khi bóc tách múi được 3kg cơm, gia đình ông  thu mua và để vào tủ đông, đợi khi giá cao hơn mới bán. Chị Lê Thị Thu Hiền (ấp Quyết Thành) nói: Lúc đầu trái chín mới khui ra thì mùi thơm đặc biệt, để qua tủ đông, mùi thơm giảm một chút nhưng chất lượng vẫn y vậy; độ béo, thơm cũng ngon như lúc đầu. Em thích ăn loại này hơn vì nó dẻo dẻo, giống ăn kem.

Vì là năm đầu thực hiện cấp đông múi sầu riêng nên gia đình ông Sáu chỉ cấp đông  7 tấn múi. Từ tháng 7 đến nay, ông đã bán 6 tấn, với giá  70.000-120.000 đồng/kg, lợi nhuận hơn 300 triệu đồng.

Ông Sáu chia sẻ: Với phương pháp thủ công là bóc cơm sầu riêng đưa vào tủ đông, mình thấy chưa đạt chất lượng như mong muốn. Vì vậy, tới đây, gia đình đề xuất với địa phương xây dựng kho lạnh để chủ động bóc cơm sầu riêng đưa vào đông lạnh chờ thời điểm được giá thì bán.

Những năm gần đây, thị trường sầu riêng tương đối ổn định, vì vậy, diện tích sầu riêng trên địa bàn xã Lộc Khánh không ngừng tăng, chủ yếu là chuyển đổi cây trồng từ hồ tiêu già cỗi và một số loại cây trồng không có giá trị trên thị trường. Hiện, trên địa bàn xã có hàng chục hộ dân đầu tư trồng cây sầu riêng, tổng diện tích trên 50ha, trong đó có khoảng 20ha cho thu hoạch, sản lượng trên 300 tấn trái.

“Để phát triển bền vững cây sầu riêng, UBND xã Lộc Khánh đã khảo sát địa điểm cũng như lên kế hoạch tiến tới xây dựng kho đông lạnh quy mô 30 tấn cơm sầu riêng, nhằm ổn định giá cho bà con trong những lúc khó khăn”, Chủ tịch UBND xã Lộc Khánh Trần Quang Vinh cho hay.

Có thể thấy, đầu tư kho lạnh mở ra cơ hội mới để phát triển sầu riêng. Lợi thế của hệ thống kho lạnh không chỉ giúp nhà nông chủ động giải quyết đầu ra cho nông sản, tránh tình trạng “được mùa, mất giá” mà còn góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho người trồng sầu riêng.

Hoàng Mỹ - Đức Chuẩn
Ý kiến bạn đọc
Top