Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 22 tháng 5 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 25 tháng 7 năm 2021 | 21:31

Cảm xúc về tháng Bảy tưởng nhớ và tri ân

Trải qua nhiều cuộc kháng chiến và chiến tranh chính nghĩa kéo dài hơn 30 năm, biết bao thế hệ cha anh đã anh dũng hy sinh cho đất nước, để giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân.

Thấu hiểu và tự hào về quá khứ hào hùng đó là trách nhiệm của mỗi chúng ta, nhất là thế hệ trẻ .

Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn là nơi yên nghỉ của hàng ngàn Anh hùng liệt sĩ.
Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn là nơi yên nghỉ của hàng ngàn Anh hùng liệt sĩ.

 

Tôi còn nhớ, ngày bé vẫn thường thấy và khó hiểu mỗi khi bà ngoại và mẹ tôi xem những thước phim lịch sử về chiến tranh, đôi mắt bà ngoại lại buồn vời vợi nhìn xa xăm, còn mẹ tôi lại len lén lau những dòng nước mắt. Là sự hiếu kỳ của bọn trẻ chúng tôi mỗi khi chú bưu tá với một cánh tay bị thiếu và đôi chân trần đi bộ qua các xóm làng phát thư, và sự ngưỡng mộ mơ hồ mỗi khi nhìn vào bức ảnh với đầy các huân chương sao vàng trên ngực trái của ông tôi...

Hàng ngàn thương bệnh binh đang hàng ngày phải chịu những thương tật hành hạ vì một phần cơ thể các anh đã để lại nơi tiền tuyến.
Hàng ngàn thương, bệnh binh đang hàng ngày phải chịu những thương tật hành hạ vì một phần cơ thể các anh để lại nơi tiền tuyến.

 

Khi chúng tôi lớn lên một chút, được học, được nghe kể về lịch sử hào hùng của dân tộc, sự thảm khốc của chiến tranh, sự hy sinh của các thế hệ cha anh đi trước cho độc lập hôm nay. Tôi mới thấm thía và hiểu rằng, nỗi buồn vời vợi, xa xăm trong mắt bà tôi, những giọt nước mắt của mẹ tôi, đó là khi nhớ về cậu tôi - người chiến sỹ hy sinh trong cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, mãi mãi ra đi không một bức ảnh hay kỷ vật để lại khi tuổi xuân mới tròn đôi mươi. Hơn 40 năm trôi qua, hài cốt của cậu tôi vẫn mãi nằm lại nơi chiến trường dù biết bao lần gia đình đã tìm nhưng đều trong vô vọng. Trong tâm khảm chúng tôi sẽ không bao giờ quên hình ảnh những giây phút cuối đời của bà tôi vẫn đau đáu một nỗi niềm khi chưa thể tìm được hài cốt của con.

Là một phần cơ thể của chú bưu tá đã nằm lại nơi chiến trường để rồi khi hòa bình chú trở về với cuộc sống đời thường với một phần cơ thể không còn nguyên vẹn. Và chắc hẳn trong những đêm trở trời chú sẽ chịu dày vò bởi nhưng cơn đau do vết thương cũ tái phát... Và biết bao sự hy sinh mà không bút nào kể xiết, chẳng thể nói đủ thành lời về những mất mát, đau thương. Mỗi nấm mồ, mỗi số phận, mỗi cuộc đời nhưng đã vì độc lập, tự do, vì toàn vẹn lãnh thổ quốc gia mà dâng hiến tuổi xuân xanh.

Trong hai cuộc kháng chiến, đã có hơn 1 triệu liệt sĩ ngã xuống - một nỗi đau quá lớn, một con số quá khủng khiếp. Hơn 200 ngàn liệt sĩ chưa được tìm thấy sau hàng chục năm đất nước im tiếng súng nhưng chưa ai dám khẳng định, đâu là cuộc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ cuối cùng. Gần 1 triệu thương - bệnh binh, người bị ảnh hưởng chất độc hóa học …

Triệu nén tâm hương thành kính dâng lên các nghĩa trang liệt sỹ là tấm lòng tri ân cháy đỏ của thế hệ trẻ hôm nay.
Triệu nén tâm hương thành kính dâng lên các nghĩa trang liệt sỹ là tấm lòng tri ân cháy đỏ của thế hệ trẻ hôm nay.

 

Dù chiến tranh đã đi qua nhưng những vết thương mà chiến tranh để lại vẫn còn đó. Những hy sinh mất mát của các anh hùng liệt sỹ đã vĩnh viễn nằm xuống nơi chiến trường xa; thân xác các anh đã không còn nguyên vẹn, từng mảnh, từng mảnh đã hòa cùng cây cỏ, đất trời; là những thương tật hành hạ vì một phần cơ thể các anh đã để lại nơi tiền tuyến; và hơn hết nỗi đau mất mát tột cùng, cần nơi nương tựa của những người cha, người mẹ mất con, những người vợ mất chồng và cả những đứa trẻ không bao giờ được gọi bố. Và biết bao nhiêu người lính đã nằm xuống nhưng chẳng để lại một tấm hình, một phong thư mà chỉ để lại những khoảng trống mãi không thể lấp đầy trong lòng người ở lại. Là nỗi đau khi hàng ngày chứng kiến những đứa con của mình sinh ra mang trên mình di chứng chiến tranh... Tất cả là minh chứng hùng hồn tố cáo tội ác khôn cùng của chiến tranh. Biết đến bao giờ những nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần khi tuổi xuân đã hiến dâng trọn vẹn cho đất nước, cho dân tộc mới có thể hàn gắn được.

Triệu ngọn nến cháy đỏ như trái tim nhiệt tình của các đoàn viên thanh niên.
Triệu ngọn nến cháy đỏ như trái tim nhiệt tình của các đoàn viên thanh niên.

 

Hiếm có đất nước nào mà mỗi tấc đất, thước biển đều thấm đẫm máu xương của các anh hùng liệt sĩ; của thương, bệnh binh, của lực lượng thanh niên xung phong, của quân, dân ta. Và cũng hiếm có đất nước nào, mà mỗi miền quê, mỗi xã phường, mỗi làng mạc, khu phố đều có nghĩa trang liệt sĩ. 

Chúng tôi là những người may mắn và hạnh phúc sinh ra trong thời bình nhưng qua những nhân chứng lịch sử, qua trang sử hào hùng chúng tôi luôn tự hào về các anh. Các anh hy sinh để mang lại sự hòa bình cho Tổ quốc. Những lần đến viếng đền thờ các anh hùng liệt sỹ hay các địa danh là những chứng tích chiến tranh là từng ấy lần tôi không thể không rơi lệ để tưởng nhớ về những người đã quên mình bảo vệ cho Tổ quốc. Tôi cũng nhận ra rằng, nghĩa trang liệt sỹ đâu phải là nơi chết chóc mà chính những cái chết hóa thành bất tử của lớp lớp ông cha. Là nhân chứng đầy đau thương, tàn khốc của chiến tranh nhưng rất đỗi tự hào dân tộc, niềm tự tôn đất nước...

Trong hơn triệu người lính đã ngã xuống, có người tuổi đôi mươi trẻ trung phơi phới, gửi lại nơi chiến trường bao ước mộng dở dang. Có những cánh thư viết vội cho người thân của các anh chưa tìm được địa chỉ. Có dòng nhật ký với nét chữ vội vàng cùng thổn thức một tình yêu tuổi trẻ. Có miền ao ước được một lần ôm con thơ vào lòng. Có những dự định mãi không thể hoàn thành, dẫu chỉ giản đơn: Hết chiến tranh con về với mẹ... Ra chiến trường, hầu hết các anh đã tiên đoán được cái chết sẽ đến với mình bất cứ lúc nào, nhưng các anh vẫn tràn đầy niềm lạc quan, yêu đời vì các anh biết rằng mình đã góp được phần nhỏ bé để bảo vệ cho Tổ quốc thân yêu, cho người thân được bình yên.

Chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng, chúng ta hôm nay đang sống trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Với quan điểm của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong phát triển quan hệ ngoại giao với các nước là "khép lại quá khứ, hướng tới tương lai". Nhưng "khép lại quá khứ" không có nghĩa là "quên quá khứ đi". Trong mỗi chúng ta lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước vẫn luôn chảy trong máu của mỗi người. Mỗi khi đất nước gặp khó khăn, thiên tai, bão lũ, dịch bệnh... truyền thống ấy lại càng tỏa sáng.

Bữa cơm tri ân hàng năm với thân nhân liệt sĩ là tấm lòng biết ơn của thế hệ trẻ.
Bữa cơm tri ân hàng năm với thân nhân liệt sĩ là tấm lòng biết ơn của thế hệ trẻ.

 

Tháng Bảy về, tháng tri ân, mỗi người dân Việt Nam ai cũng cảm thấy lòng mình bồi hồi bởi những cảm xúc thiêng liêng, muốn nói thật nhiều những lời biết ơn với bao lớp cha anh đã ngã xuống, đóng góp máu xương cho độc lập dân tộc. Các hoạt động tưởng nhớ, tri ân anh hùng liệt sĩ, thương bệnh binh, gia đình người có công được nỗi dài. Những tượng đài liệt sỹ được xây dựng, tu bổ để nhắc nhớ thế hệ hôm nay và mai sau về sự hy sinh xương máu của cha ông; hàng triệu nén tâm hương thành kính dâng lên các nghĩa trang liệt sỹ là tấm lòng tri ân cháy đỏ; những ngọn nến cháy đỏ như trái tim nhiệt tình của các đoàn viên thanh niên; triệu đóa hoa đăng xuôi dòng tưởng nhớ những linh hồn bất diệt là tâm tình của thế hệ hôm nay gửi những người đã ngã xuống; một mái nhà ấm êm, vững chãi, những món quà mang nặng nghĩa tình dành cho người có công từ mọi miền quê; những bữa cơm chan chứa niềm vui, tấm áo cho Mẹ Việt Nam anh hùng...Tất cả đều xuất phát từ tấm lòng tri ân và tưởng nhớ.

Ngày 27/7 trở thành ngày mà những người đang sống mãi mãi không được quên, không thể quên. Không ai lãng quên lịch sử hào hùng của dân tộc. Ai cũng nhớ mỗi tấc đất, ngọn cỏ hôm nay yên lành dưới trời xanh đều có máu và mồ hôi của cha ông và các anh hùng liệt sỹ hòa vào trong đó. Biết bao tượng đài khắp đất nước, quê hương khắc ghi vào lịch sử hàng triệu tên tuổi. Biết bao nghĩa trang yên nghỉ những nấm mồ của anh hùng, liệt sỹ. 

Tấm lòng tri ân, đền đáp của thế hệ hôm nay mong rằng sẽ làm vơi bớt phần nào đau thương, mất mát đối với các thân nhân liệt sỹ, các thương bệnh binh.
Tấm lòng tri ân, đền đáp của thế hệ hôm nay mong rằng sẽ làm vơi bớt phần nào đau thương, mất mát đối với các thân nhân liệt sỹ, các thương bệnh binh.

 

Chúng tôi, thế hệ trẻ hôm nay được sống trong hòa bình, ấm no và hạnh phúc sẽ nguyện bước tiếp con đường mà ông cha đã chọn, sống, lao động và học tập thật tốt để xứng đáng với những hy sinh to lớn của các anh. Mỗi một người trẻ hôm nay, sẽ sống sao cho xứng đáng với sự hi sinh cao cả của những người đã ngã xuống cho sự trường tồn của dân tộc, hãy tự răn mình bằng những việc làm hữu ích cho non sông đất nước. Sẽ dùng tuổi trẻ và lòng nhiệt thành để cảm nhận quá khứ, để tự hào hướng tới tương lai.

 

 

 

Ngọc Lan
Ý kiến bạn đọc
  • Tháng 5, hương sen thơm ngát trên quê Bác

    Tháng 5, hương sen thơm ngát trên quê Bác

    Cứ đến dịp tháng 5 về, những đầm sen trên quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh lại đua nhau nở hoa, tỏa hương thơm ngát.

  • Bế mạc Lễ hội Làng Sen năm 2024

    Bế mạc Lễ hội Làng Sen năm 2024

    Tối 19/5, tại sân vận động Làng Sen (xã Kim Liên, huyện Nam Đàn), tỉnh Nghệ An phối hợp với TP. Hồ Chí Minh tổ chức Chương trình nghệ thuật đặc biệt bế mạc Lễ hội Làng Sen năm 2024 với chủ đề “Từ Làng Sen đến thành phố Hồ Chí Minh” kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

  • Quảng Nam giới thiệu Nhà bảo tàng đa dạng sinh học

    Quảng Nam giới thiệu Nhà bảo tàng đa dạng sinh học

    Bảo tàng đa dạng sinh học tỉnh Quảng Nam – nơi trình diễn, quảng bá các giá trị tài nguyên đa dạng sinh học, sự phong phú của các loài động, thực vật quý hiếm, đặc hữu, đặc trưng mà thiên nhiên ban tặng; đồng thời góp phần thúc đẩy lối sống có trách nhiệm với thiên nhiên, phục hồi đa dạng sinh học.

Top