Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 22 tháng 6 năm 2018 | 13:35

Chưa bồi thường đã thu hồi đất!

Dự án Khu công viên VH-DL-TT phường 4 (quận 8, TP. Hồ Chí Minh) chậm tiến độ do chủ đầu tư chưa thương lượng xong giá đền bù chuyển nhượng đất với người dân trong  8 năm qua.

Không những thế, Công ty Vạn Thái (chủ đầu tư) còn tự ý san lấp trái phép và chôn trụ điện trên phần đất do người dân đang quản lý.

bds-t.jpg
Dự án Khu công viên VH-DL-TT phường 4 chưa bồi thường đã tự ý thu hồi đất.

 

Khuất tất trong thu hồi đất

Nhiều cư dân bị ảnh hưởng bởi Dự án Khu công viên Văn hóa-Du lịch-Thể thao phía Nam đường Tạ Quang Bửu (phường 4, quận 8) phản ánh tới cơ quan báo chí về những khuất tất trong việc UBND quận 8 tiến hành thu hồi đất để giao cho Công ty Vạn Thái kinh doanh với mức bồi thường quá thấp.

Từ khi triển khai dự án, hàng trăm hộ dân tại đây sống trong tình trạng “đi không được, ở cũng không xong” do chậm tiến độ. Việc này, một phần bởi chủ đầu tư dự án chưa thương lượng xong giá đền bù chuyển nhượng đất. Nghịch lý là, người dân có đất phải bỏ hoang không được chuyển đổi, nhà cửa xuống cấp không được sửa chữa, nâng cấp, hoạt động kinh doanh buôn bán bị ảnh hưởng nặng nề, con em phải đi học trái tuyến...

Cụ thể, gia đình ông Đinh Quang Bình có mảnh đất hơn 600m2  nằm trong khu quy hoạch dự án, do Công ty TNHH Thương mại-Dịch vụ-Xây dựng-Kinh doanh nhà Vạn Thái (gọi tắt là Công ty Vạn Thái) làm chủ đầu tư.

Suốt 8 năm triển khai dự án, Công ty Vạn Thái không tiến hành bồi thường hỗ trợ, mà tự ý san lấp trái phép và chôn trụ điện trên phần đất do gia đình ông Đinh Quang Bình quản lý. Bức xúc chồng bức xúc, khi chính quyền quận 8 ban hành quyết định duyệt chi phí bồi thường một phần diện tích 491,5m2 với giá quá thấp, chỉ 168 triệu đồng và được nhận thêm phần “hỗ trợ đất nông nghiệp” 1,7 tỷ đồng.

Trong khi đơn giá mỗi mét vuông đất tại khu vực này hơn 20 triệu đồng trở lên. Đơn cử, khi người dân mua căn hộ tại dự án Topaz (do Công ty Vạn Thái xây dựng trong dự án), đơn giá từ 26 triệu đồng/m2 trở lên. Tuy nhiên, phần diện tích đất trên của ông lại bị áp giá chỉ 342.000 đồng/m2.

Lý giải từ UBND quận 8, mức giá đền bù như trên do dự án là dự án công ích. Tuy nhiên, theo tìm hiểu, đây là dự án kinh doanh nhà thương mại, Công ty Vạn Thái phải trực tiếp thương lượng chuyển nhượng đất của người dân. Do đó, không thể nhập nhèm để chính quyền áp giá thu hồi đất thấp như vậy.

Phần thịt xơi xong, phần xương bỏ lại!?

Dự án khu công viên VH-DL-TT được UBND TP. Hồ Chí Minh đồng ý chấp thuận địa điểm đầu tư cho Công ty Vạn Thái đối với khu đất diện tích 15,7ha tại phường 4, quận 8 qua Công văn 178/UBND- ĐTMT. Trong đó, khoảng 9,6ha xây dựng công viên VH-DL-TT dạng mở, khoảng 4ha xây dựng trung tâm thương mại, văn phòng làm việc, trụ sở quản lý công viên, khách sạn, căn hộ cao cấp để kinh doanh thu hồi vốn và khoảng 2ha xây dựng chung cư tái định cư phục vụ nhu cầu của người dân bị ảnh hưởng giải tỏa bởi dự án. 

Nội dung công văn cũng thể hiện rõ việc, chủ đầu tư là Công ty Vạn Thái tự thỏa thuận với người sử dụng đất để nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất, bồi thường cho chủ sử dụng đất.

Trên thực tế, Công ty Vạn Thái ban đầu có thương lượng, chuyển nhượng đất của 17 trường hợp (trong tổng số 504 trường hợp) với diện tích 5,8ha. Sau đó, việc thương lượng thoả thuận chuyển nhượng bị ngưng lại. Câu hỏi đặt ra, nếu theo Công văn 178/UBND- ĐTMT, chủ đầu tư tự thoả thuận với người dân thì lại có sự can thiệp của chính quyền thành phố khi nguyên Phó chủ tịch Thường trực UBND  thành phố Nguyễn Thành Tài ký văn bản chấp thuận gia hạn dự án và yêu cầu UBND quận 8 ban hành quyết định thu hồi đất của từng hộ gia đình, cá nhân người sử dụng đất không đồng thuận với Công ty Vạn Thái vào cuối năm 2010.

Theo tìm hiểu, dự án công ích với tên gọi “Khu công viên VH-DL-TT” đã được chủ đầu tư tập trung phát triển xây dựng 12 block căn hộ thương mại Topaz City, Topaz Elite, với số lượng gần 4.000 căn hộ, đã bán hết với giá từ 26 triệu đồng/m2 trở lên, tuỳ vị trí.

Đối với các hạng mục công viên, công trình thể thao sân đa năng, nhà thi đấu, triển lãm, quảng trường, hồ cảnh quan phục vụ cộng đồng vẫn còn trên giấy và không biết đến bao giờ mới triển khai. Riêng khu tái định cư, chủ đầu tư cũng mới ì ạch triển khai 1 block.

Trước đó, trao đổi với báo chí, ông Kiều Thanh Quang, Phó trưởng Ban bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) quận 8, cho biết, việc ban hành quyết định về việc bồi thường đối với người dân bị ảnh hưởng được căn cứ theo phương án số 533/PA-UBND-HĐ ngày 28/2/2014 của Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án, đã được UBND quận 8 phê duyệt tại Quyết định 2960/QĐ-UBND ngày 4/3/2014. Trong đó, quy định lấy giá đất ở trung bình khu vực để tính hỗ trợ được UBND thành phố phê duyệt tại Công văn 192/UBND-ĐTMT ngày 14/1/2014 là 7,06 triệu đồng/m2. Đối với đất nông nghiệp, có vị trí không mặt tiền đường thì giá đất tính bồi thường 342.000 đồng/m2.

Thông tin liên quan đến dự án, Ban bồi thường GPMB quận 8 đang phối hợp với UBND phường 4, Phòng Tài nguyên và Môi trường quận 8 và chủ đầu tư tiến hành lập biên bản điều tra hiện trạng, đo vẽ và hiệp thương bản vẽ hiện trạng, thu thập hồ sơ pháp lý, lập phiếu chiết tính, tham mưu UBND quận 8 ban hành quyết định bồi thường, hỗ trợ, lập thủ tục cưỡng chế từ ngày 1/6/2018 đến 30/12/2019.


 

 

Lại Hùng - Thái An
Ý kiến bạn đọc
  • Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hướng đến phát triển bền vững

    Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hướng đến phát triển bền vững

    Tại Hội nghị Meet The Experts lần thứ 15 với chủ đề “Phát triển bền vững và yếu tố wellness” diễn ra mới đây, các đơn vị, nhân sự, chủ đầu tư đã cùng trau dồi kiến thức chuyên môn, cập nhật thông tin thị trường và xu hướng mới nhất trong ngành bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng vốn gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua.

  • Phân khúc văn phòng hạng A được ưa chuộng tại Việt Nam

    Phân khúc văn phòng hạng A được ưa chuộng tại Việt Nam

    Theo báo cáo của Savills, phân khúc văn phòng hạng A trên toàn cầu ghi nhận mức tăng. Tại Việt Nam, phân khúc này tiếp tục là phân khúc được ưa chuộng.

  • TP. Hồ Chí Minh vận dụng cơ chế đặc thù để phát triển nhà ở xã hội

    TP. Hồ Chí Minh vận dụng cơ chế đặc thù để phát triển nhà ở xã hội

    Thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh, lãnh đạo thành phố vừa giao Sở Xây dựng rà soát, hệ thống lại nhiệm vụ được giao, tham mưu UBND thành phố ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành và đơn vị có liên quan thực hiện các nội dung về đầu tư xây dựng nhà ở xã hội quy định tại khoản 3, Điều 6 của Nghị quyết.

Top