Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 10 tháng 5 năm 2024  
Thứ năm, ngày 15 tháng 9 năm 2022 | 10:25

Đẩy mạnh phát triển nông thôn vì sự thịnh vượng chung và bao trùm của ASEAN

Việt Nam sẵn sàng hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm lĩnh vực chuyển đổi số cũng như công nghệ tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp với các nước thành viên ASEAN.

Hợp tác công tư vì ASEAN không đói nghèo

Diễn đàn hợp tác công tư (PPPP Forum) về Phát triển nông thôn và xóa đói giảm nghèo lần thứ 11 vừa được tổ chức Hà Nội. PGS.TS. Nguyễn Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam (VACVINA), Chủ tịch Mạng lưới Hợp tác phát triển nguồn nhân lực nông thôn châu Á (AsiaDHRRA) được mời đồng chủ trì Diễn đàn cùng Lãnh đạo Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Nông nghiệp và PTNT).

 

z3722972435588_36a6d9f6954a647beac85bcc7eaf9cbd.jpg
Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam Nguyễn Xuân Hồng phát biểu tại diễn đàn.

   

Ông Nguyễn Hà Huế, Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và PTNT), lãnh đạo của Việt Nam tại Hội nghị các Quan chức Cao cấp ASEAN về Phát triển Nông thôn và xóa đói, giảm nghèo (SOMRDPE), cho biết, công cuộc phát triển nông thôn và xóa đói giảm nghèo hiện nay vẫn còn nhiều thách thức. Bên cạnh đó, các vấn đề biến đổi khí hậu, đại dịch Covid-19 đang có ảnh hưởng sâu rộng đến an ninh xã hội, đời sống nhân dân, sự ổn định của quốc gia và toàn khu vực cũng như cản trở việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hợp quốc.

Trong khuôn khổ khu vực ASEAN, để vượt qua những thách thức này, đoàn kết, hợp tác, chung sức, đồng lòng giữa các nước thành viên và các tổ chức quốc tế (Chính phủ và phi chính phủ) là một trong những nhân tố quyết định giải quyết các vấn đề trên.

“Hơn 10 năm kể từ khi Diễn đàn hợp tác công tư ASEAN lần đầu tiên được tổ chức vào tháng 6/2012, nhiều hoạt động trong lĩnh vực phát triển nông thôn, xóa đói giảm nghèo được triển khai hiệu quả trong khuôn khổ hợp tác ASEAN, với sự hỗ trợ từ các tổ chức chính phủ và phi chính phủ. Các hoạt động hợp tác này đã giúp khu vực nông thôn ASEAN dần khởi sắc và nguồn nhân lực khu vực nông thôn được nâng cao”, ông Huế nhận định.  

Đồng chủ trì diễn đàn, PGS.TS. Nguyễn Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, chia sẻ, trong hơn 36 năm qua, kể từ ngày thành lập, Hội Làm vườn Việt Nam luôn phối hợp chặt chẽ với ngành Nông nghiệp và PTNT đồng hành cùng nông dân và hội viên trong phát triển nông nghiệp, nông thôn và xóa đói giảm nghèo. Các mô hình phát triển kinh tế vườn, kinh tế VAC do Hội xây dựng, khuyến cáo và nhân rộng đã góp phần quan trọng giúp nông dân và hội viên thoát nghèo, từng bước vươn lên làm giàu, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững theo hướng nông nghiệp đa chức năng và nông nghiệp tuần hoàn tại Việt Nam. Nội dung hoạt động của Hội phù hợp với định hướng chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn của Việt Nam và ASEAN.

Theo ông Hồng, Việt Nam là nơi khởi xướng sáng kiến đưa đại diện của tổ chức xã hội dân sự (CSO) trở thành đồng chủ trì tại diễn đàn kể từ Diễn đàn Chính phủ và phi chính phủ về phát triển nông thôn được tổ chức tại Đà Nẵng vào tháng 6/2012. Diễn đàn do Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN về phát triển nông thôn và xóa đói giảm nghèo (SOMRDPE), Hội nghị quan chức cao cấp nông - lâm nghiệp ASEAN (SOM-AMAF), Ban Thư ký ASEAN với sự hỗ trợ của Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực nông thôn châu Á (ASIADHRRA) đồng tổ chức.

“Vai trò lãnh đạo bền bỉ của SOMRDPE đã tạo ra một không gian gắn kết các lĩnh vực khác nhau cùng chia sẻ hoạt động, mục tiêu phát triển nông thôn và xóa đói giảm nghèo, từ đó hình thành khái niệm đối tác công tư năm 2015, đánh dấu sự tham gia của khối tư nhân trong công tác phát triển nông thôn, xóa đói giảm nghèo”, ông Hồng nhấn mạnh.

Lập kế hoạch đầu tư phát triển nông thôn hiệu quả

Phát biểu khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN về phát triển nông thôn và xóa đói, giảm nghèo lần thứ 19 (SOMRDPE 19),  ông Nguyễn Hà Huế, Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, thông tin: “Hội nghị nhằm nhìn lại thực trạng phát triển nông thôn – xóa đói giảm nghèo khu vực ASEAN hiện nay để xác định các vấn đề cần thúc đẩy trong hợp tác với mục tiêu thích ứng với biến đổi khí hậu và phục hồi sau đại dịch Covid-19”.

 

z3722972446924_b8d06ead58ec143e56913b4b25fdb990.jpg

Kể từ năm 2015, khoảng 75% dân số Đông Nam Á sống tại vùng nông thôn và kiếm sống từ ngành nông nghiệp.

 

Ông Huế cũng nhấn mạnh rằng, các hoạt động hợp tác cụ thể sẽ được thể hiện thông qua thực hiện Khung kế hoạch hành động của ASEAN về phát triển nông thôn và xóa đói giảm nghèo giai đoạn 2021 - 2025.

Theo Khung kế hoạch hành động, khu vực Đông Nam Á đang phải đối mặt với những thách thức lớn về phát triển nông thôn và tỷ lệ đói nghèo ở nông thôn cao. Do đó, cần phải xem xét lại các phương pháp tiếp cận phát triển nông thôn tại khu vực này. ASEAN đóng góp 50% vào lương thực thế giới, song cũng là nơi ở của 1/3 số người nghèo trên thế giới.

Kể từ năm 2015, khoảng 75% dân số Đông Nam Á sống tại vùng nông thôn và kiếm sống từ ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, các hộ sản xuất quy mô nhỏ tại khu vực đang bị đe dọa bởi nhiều thách thức như mất an ninh lương thực và sinh kế, tác động từ biến đổi khí hậu, các cú sốc kinh tế, suy giảm nguồn tài nguyên đất và nước…

Theo đó, việc lập kế hoạch để các khoản đầu tư phát triển nông thôn đi vào hiệu quả quan trọng hơn cả giá trị và con số đầu tư. Đô thị hóa, với sự phát triển của các thành phố vệ tinh đang giúp rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị cũng như tạo ra nhiều cơ hội lớn hơn trong tương lai. Những thay đổi này có thể mang lại những cách thức và cơ hội mới cho thế hệ trẻ tại nông thôn tham gia vào quá trình phát triển nông thôn và chuyển đổi nông thôn một cách toàn diện.

Hợp tác về chuyển đổi số nông nghiệp

Theo Khung kế hoạch hành động, trong vòng 5 năm tới, SOMRDPE đặt mục tiêu tổng thể vào cải thiện tình hình kinh tế và đời sống xã hội cho người nghèo tại khu vực nông thôn, hỗ trợ những nhóm nghèo nhất trong cộng đồng nông thôn được hưởng lợi từ phát triển nông thôn. SOMRDPE xác định 5 khu vực và 5 mục tiêu chiến lược đi kèm.

Đối với khu vực kinh tế, xác định chuyển đổi nông thôn nhanh chóng, tạo điều kiện để khu vực này tham gia vào các cơ hội kinh tế - xã hội.

Đối với yếu tố con người, đảm bảo người dân ở khu vực nông thôn được tiếp cận giáo dục, dịch vụ xã hội và chăm sóc sức khỏe hướng tới cải thiện phúc lợi và đới sống lành mạnh tại các cộng đồng nông thôn.

Về yếu tố bảo hộ, đặt mục tiêu thể chế hóa các chương trình ứng phó với thiên tai đối với rủi ro môi trường và biến đổi khí hậu hướng tới khả năng phục hồi nhanh chóng của cộng đồng và hộ gia đình.

Về yếu tố chính trị, quản trị hiệu quả, thể chế hóa các quy chế, quy trình nhằm tăng cường sáng kiến phát triển nông thôn và xóa đói giảm nghèo.

Đối với tính bao trùm, thể chế hóa các cơ chế phát triển nông thôn đa bên, đặc biệt, tăng cường sự tham gia của phụ nữ, thanh niên, các lĩnh vực dễ bị tổn thương khác tại khu vực nông thôn.

Bà Phạm Thị Hồng Hạnh, Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia ASEAN chịu tác động nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu, nền nông nghiệp và nông dân Việt Nam dễ bị tổn thương bởi các tác động từ sạt lở đất, xâm nhập mặn, đặc biệt tại vùng ĐBSCL.

Để ứng phó với biến đổi khí hậu, Việt Nam đã xây dựng nhiều chương trình để hỗ trợ nông dân, giúp người dân thích ứng tốt hơn và nâng cao khả năng chống chịu trước các tác động từ thời tiết như tái cơ cấu nền nông nghiệp. Một trong những ưu tiên trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn của Việt Nam là chuyển đổi số, cung cấp cho người dân các thiết bị và ứng dụng đơn giản để quản lý vụ mùa, thu thập dữ liệu cây trồng…

“Việt Nam sẵn sàng hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyển đổi số cũng như chia sẻ những công nghệ tiên tiến trong nông nghiệp với các nước thành viên ASEAN”, bà Hạnh chia sẻ.

 

 

 

Vân Nhi
Ý kiến bạn đọc
  • Nuôi tôm càng xanh kết hợp ốc đặc sản

    Nuôi tôm càng xanh kết hợp ốc đặc sản

    Tìm hướng đi mới trong phát triển kinh tế, anh Nguyễn Văn Giáp ở thôn 7, xã Đắk Búk So (Tuy Đức - Đắk Nông) đã chọn mô hình nuôi tôm càng xanh kết hợp ốc đặc sản để khởi nghiệp.

  • Thoát nghèo nhờ nuôi dế mèn dưới tán xoài

    Thoát nghèo nhờ nuôi dế mèn dưới tán xoài

    Thuộc hộ nghèo của xã Mỹ Xương (Cao Lãnh - Đồng Tháp), song với tinh thần cầu thị, quyết chí vươn lên, năm 2022, gia đình anh Nguyễn Phước Trung và chị Lê Thị Hiếu Hoa Lá Liễu đã chính thức thoát nghèo nhờ gắn bó với mô hình nuôi dế mèn Thái dưới tán xoài.

  • Nuôi cá - vịt trên ruộng lúa hiệu quả ở Đồng Tháp

    Nuôi cá - vịt trên ruộng lúa hiệu quả ở Đồng Tháp

    Mô hình nuôi cá - vịt kết hợp với trồng lúa trên ruộng, tưởng chừng đã quên lãng trong thời gian gần đây. Nhưng, ở huyện Tam Nông (Đồng Tháp) đang được các hộ nông dân và Tổ hợp tác Quyết Tiến ở xã Phú Thành áp dụng mô hình này và cho hiệu quả kinh tế cao.

  • Thử thách đặt ra khi theo nghề Freelancer

    Thử thách đặt ra khi theo nghề Freelancer

    Nhiều người thường nghĩ công việc của một Freelancer khá thoải mái khi họ được tự chủ về mặt thời gian làm việc. Thực tế, công việc này cũng có những thử thách và áp lực riêng mà không phải ai cũng biết.

  • Nuôi thành công cá Koi ở vùng chiêm trũng

    Nuôi thành công cá Koi ở vùng chiêm trũng

    Nhiều lần thất bại trong việc đầu tư nuôi các loại cá cảnh khác nhau, nhưng với niềm đam mê của mình, anh Vũ Văn Tăng đã vượt qua mọi khó khăn để thực hiện thành công mô hình nuôi cá Koi.

  • Hứa hẹn đem lại thu nhập cao với mận hồng

    Hứa hẹn đem lại thu nhập cao với mận hồng

    Giống mận hồng mới trái to, thịt chắc, ăn giòn, ngọt được anh Trần Ngọc Quận (44 tuổi, ngụ ấp Thành Lộc, xã Thành Trung, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) trồng thành công và cho trái đạt trọng lượng lên đến 5 trái/kg.

Top