Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 11 tháng 5 năm 2024  
Thứ tư, ngày 31 tháng 8 năm 2022 | 16:24

Giá thịt lợn lên xuống thất thường, sức hút của thịt lợn thương hiệu

Giá thịt lợn liên tục lên xuống thất thường gây hại cho cả người chăn nuôi lẫn người tiêu dùng. Điều này bắt nguồn từ việc sản xuất chưa theo tín hiệu thị trường.

 heo-16619243707851369429942-0-0-406-650-crop-16619243748471677653941-6497.jpgGiá thịt lợn đang tăng gần gấp đôi từ cửa chuồng lên bàn nhậu.

 

Sự mất ổn định của giá thịt lợn

Giá thịt lợn đang tăng gần gấp đôi từ cửa chuồng lên bàn nhậu. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT khẳng định thực trạng này, trong bối cảnh giá thịt lợn giảm chậm và bất hợp lý kéo dài, gây khó cho người tiêu dùng.

Trả lời báo chí, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cho biết hồi đầu tháng 8, giá thịt lợn đang rất cao, ở chợ phổ biến mức 110.000 - 170.000 đồng/kg, còn trong siêu thị giá từ 170.000 - 260.000 đồng/kg.

Đặc biệt, ngay cả khi giá lợn hơi hạ nhiệt thì giá ở ngoài chợ vẫn giảm chậm hơn nhiều, khiến cả người nuôi và người tiêu dùng chịu thiệt. Thừa nhận thực trạng này, ông Tiến nhấn mạnh, giá thịt lợn ở cửa chuồng ra đến bàn ăn đang chênh nhau từ 1,5 - 1,7 lần, nhiều lần Thủ tướng đã chỉ đạo các Bộ ngành điều tiết song việc chuyển biến còn chậm.

Tuy nhiên, ông Tiến khẳng định khi giá heo hơi và nguồn cung ổn định thì giá thịt ở chợ sẽ ổn định theo.

Ông Tiến cũng bày tỏ, sẽ cố gắng điều chỉnh sao cho tốc độ tăng trưởng với giá thị trường không quá cao nhưng cũng không quá thấp, do giá lợn hơi đã giảm thời gian dài gần 2 năm, trong khi giá thức ăn chăn nuôi đã tăng từ 30-45%. Như vậy, người tiêu dùng và người chăn nuôi đều được hưởng lợi.

Giá thịt lợn liên tục lên xuống thất thường khiến cả người chăn nuôi lẫn người tiêu dùng chóng mặt. Trên thực tế, có thời điểm khủng hoảng thừa, giá lợn hơi xuất chuồng chỉ đạt hơn 20.000 đồng/kg, nhưng có thời điểm thiếu hụt nguồn cung, đẩy giá lợn hơi tăng lên trên 100.000 đồng/kg. Việc giá lợn tăng quá cao, hay giảm quá thấp đều tác động mạnh tới nền kinh tế. Bởi trong tổng cơ cấu ngành chăn nuôi của nước ta, chăn nuôi lợn chiếm trên 60% giá trị.

Giá lợn hơi nói chung và thịt lợn đang tăng lên mặt bằng mới trước khủng hoảng nguồn cung. Nguyên nhân do trước gặp dịch bệnh, nhiều trại nuôi bán tháo khi heo mới chỉ 60 - 80kg đã bán, dẫn đến nguồn cung thiếu hụt đẩy giá heo hơi tăng cao. Nửa đầu năm nay, giá chăn nuôi tăng cao (do các chi phí thức ăn, vận chuyển… tăng) tiếp tục đẩy giá bán thịt heo tăng theo.

Dù có những biện pháp ổn định, song mặt bằng giá dự theo chuyển động thị trường, và dưới góc nhìn của các chuyên gia vẫn sẽ neo ở mức cao, thậm chí tiếp tục tăng dần đến cuối năm (mùa cao điểm Tết Nguyên Đán).

Tính đến hôm nay ngày 31/8/2022, giá lợn hơi tại miền Bắc dao động trong khoảng 65.000 - 70.000 đồng/kg; tại miền Trung, Tây Nguyên dao động trong khoảng 60.000 - 67.000 đồng/kg và tại miền Nam dao động trong khoảng 60.000 - 70.000 đồng/kg.

Dù giá tăng, song do thức ăn chăn nuôi tăng cao, giống con nuôi đắt nên người chăn nuôi không muốn tái đàn, dẫn đến nguy cơ khủng hoảng lợn hơi trên thị trường. Điều này vừa là cơ hội cũng vừa là thử thách cho các doanh nghiệp chăn nuôi heo có quy mô hiện nay.

Sức hút mảng thịt lợn thương hiệu

Được biết, chăn nuôi lợn là một trong những ngành nghề truyền thống của người dân Việt Nam. Hơn thập kỷ trở lại đây, ngành chăn nuôi ghi nhận những bước tiến mới, cụ thể là chuyển dịch từ chăn nuôi quy mô nhỏ sang chăn nuôi hộ có quy mô lớn hơn, tăng phát triển các mô hình trang trại, tập trung và hình thành các chuỗi giá trị chăn nuôi.

Năm 2021, theo tổng hợp báo cáo của các địa phương, cả nước có 20.843 cơ sở chăn nuôi lợn từ 10 con trở lên với tổng đầu con 11,7 triệu con, chiếm tỷ lệ 41,6% so với tổng đàn lợn của cả nước. Tổng đàn lợn thuộc 16 doanh nghiệp và đơn vị chăn nuôi lợn quy mô lớn, đạt 5,8 triệu con, chiếm 20,7% tổng đàn.

Theo một khảo sát mới đây, mức tiêu thụ của người Việt hàng năm theo lên đến 35 triệu con. Không dừng lại trong nước, Việt Nam còn xuất khẩu các sản phẩm thịt lợn đi thị trường nước ngoài.

 

masan-dau-tu-du-an-to-hop-che-bien-thit-1300-ty-dong-tai-long-an-meatdeli-1573032224-width650height450.jpg
Xu hướng lựa chọn thịt lợn thương hiệu.

 

Tương ứng, thị trường thịt lợn cũng có giá trị hơn 10 tỷ USD là mảng lớn nhất trong ngành F&B (báo cáo của Masan MEATLife đầu năm 2022). Với dân số gần 100 triệu người, thu nhập bình quân liên tục cải thiện khiến nhu cầu tiêu thụ thịt sạch, truy xuất được nguồn gốc tại Việt Nam tăng cao. Tuy nhiên, đây là thị trường chưa được chuẩn hóa khi hơn 90% sản phẩm thịt heo trên thị trường không có thương hiệu. Trong khi đó, người tiêu dùng ngày càng chú trọng đến các sản phẩm có thể truy xuất được nguồn gốc.

Bên cạnh việc kinh doanh thịt tươi, Masan MEATLife cũng thấy có nhiều cơ hội để tham gia vào lĩnh vực thịt chế biến. Ngày nay, các sản phẩm thịt có giá trị gia tăng và thịt chế biến đóng góp dưới 1% vào thị trường thịt tại Việt Nam. Các sản phẩm đột phá sẽ góp phần thúc đẩy sản lượng tiêu thụ, đặc biệt là ở các vùng nông thôn - nơi có hơn 70% dân số sinh sống. Đây cũng là động lực thúc đẩy tăng trưởng tiêu thụ thịt ở Trung Quốc, khi mà các nhà sản xuất có thể cung cấp các sản phẩm thịt chế biến có giá trị gia tăng, phục vụ cho nhu cầu hàng ngày của người tiêu dùng với mức giá thấp hơn nhiều so với thịt tươi.

Theo thống kê của Frost & Sullivan, thịt chế biến chiếm 25% tổng lượng tiêu thụ thịt heo tại Trung Quốc, và đang tăng nhanh gấp đôi so với thịt tươi. Người trong cuộc cho rằng, xu hướng này sẽ diễn ra tương tự ở Việt Nam.

Điều này cũng minh chứng cho những tham vọng của Masan, CP, GreenFeed… những năm trở lại đây. Trong động thái mới nhất, bầu Đức cũng cho ra mắt thương hiệu thịt mới Heo ăn chuối Bapi HAGL, mục tiêu trở thành thế lực trên thị trường sau 2-3 năm.

Nhiều chính sách điều tiết thị trường, song chuyển biến còn chậm

Sở dĩ thị trường thịt lợn thiếu ổn định là do sản xuất chưa theo tín hiệu thị trường. Hiện tỉ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ ở nước ta vẫn đang khá cao (chiếm 60%). Một bất cập nữa của ngành chăn nuôi lợn đó là quá phụ thuộc vào nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu.

Hơn 1 năm nay, giá lợn chịu áp lực lớn từ giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng. Đây là lý do khiến giá lợn tăng cao nhưng người chăn nuôi lại không mừng và lo sợ tái đàn thời gian qua.

 

thit-lon.jpg
Người tiêu dùng lựa chọn thịt lợn tại chợ.

 

Không chủ động được nguồn cung và thức ăn chăn nuôi, nên việc bình ổn giá thịt lợn là bài toán khó, làm đau đầu nhiều bộ, ngành liên quan. Trong khi đó, thị trường thịt lợn lại diễn ra một nghịch lý giữa giá lợn hơi xuất chuồng và giá thịt bán ngoài chợ.

Trên thực tế, vấn đề này nhiều lần Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành điều tiết, song việc chuyển biến còn chậm. Từ nay tới cuối năm, dự báo giá thịt lợn còn tiếp tục tăng cao, do nhu cầu tăng và nguồn cung giảm.

Theo chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045, định hướng phát triển chăn nuôi của nước ta đến năm 2030 với tổng đàn lợn có mặt thường xuyên quy mô từ 29 - 30 triệu con, trong đó đàn lợn được nuôi trang trại, công nghiệp chiếm trên 70%.

Ngành chăn nuôi lợn cần tổ chức sản xuất chăn nuôi, tăng tỷ lệ trang trại quy mô lớn, áp dụng chăn nuôi khép kín, an toàn dịch bệnh, chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Mặt khác, tái đàn dựa theo tín hiệu thị trường. Chú trọng củng cố và phát triển mô hình chăn nuôi theo chuỗi liên kết.

Tuy nhiên, để bình ổn thị trường thịt lợn, thiết nghĩ dù vận hành theo cơ chế thị trường, nhưng trong bối cảnh hiện nay, cần có giải pháp điều hành từ các cơ quan Nhà nước.

Việc cần làm ngay đó là các bộ, ngành liên quan cần kiểm tra, rà soát, đánh giá thực trạng hệ thống kênh phân phối, cung ứng. Kiểm soát từ lò mổ và đầu mối bán buôn, bán lẻ đối với mặt hàng thịt lợn tính từ cửa trại, cửa chuồng của DN, người chăn nuôi đến DN, siêu thị, người bán cuối cùng trực tiếp cung ứng cho người tiêu dùng.

Từ đó, làm giảm thiểu khâu trung gian đẩy chi phí lưu thông, tăng giá bán, tiến tới hoàn thiện hệ thống phân phối, bán buôn bán lẻ tinh gọn hiệu quả, có chi phí lưu thông hợp lý trong cơ cấu giá bán.

Chủ động nguồn cung thịt lợn cho cuối năm

Nguồn cung sẽ ảnh hưởng tới giá cả. Tháng cuối năm, đặc biệt là Tết Nguyên đán, nhu cầu về lương thực, thực phẩm thường tăng từ 10 -15% so với những tháng trước đó. Cụ thể, số lượng thịt lợn tiêu thụ trung bình mỗi năm là khoảng 4 triệu tấn; tháng Tết, nhu cầu tăng lên, ở mức khoảng 420.000 tấn.

Theo Bộ Nông nghiệp, nếu giá lợn hơi ở mức 70.000 đồng/kg sẽ là cơ sở để các địa phương đẩy mạnh tái đàn phục vụ cho nhu cầu thực phẩm dịp cuối năm.

Hợp tác xã chăn nuôi Hoàng Long (huyện Thanh Oai, Hà Nội) luôn duy trì trên 400 lợn nái, 4.000 lợn thịt. Trung bình mỗi ngày hợp tác xã cung cấp ra thị trường hơn 2 tấn thịt lợn và các sản phẩm chế biến từ thịt lợn.

Theo đại diện hợp tác xã, do tác động của thị trường, dịch bệnh trên đàn gia súc và giá thức ăn chăn nuôi khiến nhiều trang trại giảm đàn hoặc bỏ trống chuồng trại. Như vậy, số lượng lợn xuất bán ra thị trường của hợp tác xã sẽ cao hơn so với năm 2021.

"Chúng tôi chủ động vừa giữ lợn lại, vừa tăng đàn lên nên năm nay chúng tôi chuẩn bị lượng lợn cho dịp Tết tăng gấp đôi so với mọi năm. Mọi năm từ 800 - 1.000 con lợn, nhưng năm nay chúng tôi chuẩn bị 2.000 con cho dịp Tết Nguyên đán", ông Nguyễn Trọng Long, Giám đốc Hợp tác xã Hoàng Long, huyện Thanh Oai, Hà Nội, thông tin.

Là địa phương có tới 220 trang trại chăn nuôi lợn, tổng đàn khoảng 950.000 con, tỉnh Bắc Giang cung cấp khoảng 60% lượng lợn ra các tỉnh ngoài. Trang trại tại xã Quỳnh Sơn, huyện Yên Dũng, sau khi xuất bán lượng lợn thịt sẽ tiếp tục vào đàn. Tuy nhiên, để đảm đảm bảo tổng đàn không bị hao hụt, trang trại cần chăn nuôi an toàn sinh học.

"Tôi vẫn tiếp tục tái đàn, vào đầy đủ hơn 2.000 con lợn. Chăn nuôi bây giờ chỉ có an toàn sinh học là tốt nhất và đảm bảo. Mình phải đảm bảo cho toàn bộ khu vực trang trại, dùng vôi để giảm kháng sinh", ông Hoàng Đình Quê, xã Quỳnh Sơn, huyện Yên Dũng, Bắc Giang, cho hay.

"Với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, hiện nay giá thức ăn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bắc Giang nói riêng và cả nước nói chung tương đối ổn định. Do vậy, các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn, 220 trang trại đã chủ động tăng đàn cho những tháng cuối năm và dự kiến sẽ cung cấp ra thị trường 80.000 - 90.000 tấn thực phẩm", ông Lê Văn Dương, Chi Cục trưởng Chi Cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Giang cho biết.

Hiện, 16 doanh nghiệp chăn nuôi lớn ở Việt Nam cũng duy trì tổng đàn khoảng 6,5 triệu con lợn để cung cứng thịt lợn cho thời điểm cuối năm với giá bình ổn.

Số liệu của Bộ Nông nghiệp cho thấy, công tác tái đàn của địa phương trên cả nước tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước. Hiện, tổng đàn lợn cả nước đạt trên 28 triệu con./.

 

 

Thanh Tâm (T/h)
Ý kiến bạn đọc
Top