Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 18 tháng 5 năm 2024  
Thứ hai, ngày 18 tháng 7 năm 2022 | 15:42

Giải pháp "tăng lực" cho sản xuất và xuất khẩu hàng nông sản

Việc hình thành mạng lưới tiêu thụ và đẩy mạnh xuất khẩu nông sản đã gắn kết người nông dân với doanh nghiệp, chuyển hướng sản xuất theo nhu cầu thị trường, qua đó nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp.

 

kiem-tra-chat-luong-rau-tai.jpg
Kiểm tra chất lượng rau tại Hợp tác xã Rau an toàn Quốc Oai (huyện Quốc Oai). 

 

Hà Nội: Hình thành mạng lưới tiêu thụ các sản phẩm chủ lực

Để phát triển một nền nông nghiệp bền vững, đáp ứng nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, Hà Nội đã tập trung xây dựng các mô hình liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Việc hình thành mạng lưới tiêu thụ nông sản đã gắn kết người nông dân với doanh nghiệp, chuyển hướng sản xuất theo nhu cầu thị trường, qua đó nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp.

Giám đốc Hợp tác xã Rau an toàn Quốc Oai (huyện Quốc Oai) Vương Sỹ Thành cho biết, với diện tích hơn 2ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, mỗi tháng Hợp tác xã thu hoạch 10-12 tấn rau an toàn. Cùng với việc xây dựng thương hiệu, hợp tác xã đã đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi liên kết với các doanh nghiệp, bếp ăn tập thể... Hiện tại, sản phẩm rau an toàn của hợp tác xã tiêu thụ ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.

Còn theo ông Nguyễn Văn Chữ - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch Organic Green (huyện Thường Tín), được thành lập từ năm 2017 với sự hỗ trợ của Sở NN&PTNT hiện nay, chuỗi Thực phẩm sạch Organic Green đang có các sản phẩm thịt gà, thịt lợn, thịt vịt và các sản phẩm chế biến từ thịt lợn như xúc xích, chân giò xông khói, giò, chả. Nhờ vào chất lượng sản phẩm, mỗi tháng chuỗi có thể cung ứng ra thị trường hơn 150 tấn thành phẩm lợn, gà, vịt và các sản phẩm chế biến. Sản phẩm của chuỗi đang được bán qua các kênh như cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm sạch các sàn thương mại điện tử, các kênh phân phối trực tuyến...

Nhận định việc xây dựng chuỗi cung ứng và tiêu thụ nông sản có vai trò đặc biệt quan trọng đối với phát triển sản xuất nông nghiệp, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, liên kết sản xuất theo chuỗi góp phần ổn định sản lượng, thích ứng với diễn biến nhu cầu thị trường, giảm tình trạng cung vượt cầu, hạn chế tổn thất cho nông dân...; đồng thời góp phần hỗ trợ các đơn vị sản xuất quảng bá thương hiệu sản phẩm đến người tiêu dùng và các nhà phân phối lựa chọn sản phẩm có chất lượng, ưu thế cạnh tranh…

Mặt khác, từ việc đẩy mạnh tiêu thụ xuất khẩu những mặt hàng nông sản đặc trưng của Hà Nội qua các kênh phân phối như Central Group, Aeon, Lotte..., lượng nông sản an toàn được tiêu thụ trên thị trường trong nước và quốc tế ngày càng tăng, góp phần nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm nông nghiệp Thủ đô.

Gần đây, dù ngành Nông nghiệp thành phố đã triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy việc kết nối tiêu thụ nông sản theo chuỗi, nhưng thực tế vẫn có không ít chuỗi liên kết chưa hoàn chỉnh, quy mô nhỏ và còn xảy ra tình trạng đứt gãy, gián đoạn...

Để các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm phát huy hiệu quả và mang lại giá trị gia tăng cao, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Lan, xã Duyên Hà (huyện Thanh Trì) Đặng Bá Thắng cho biết, thời gian tới, hợp tác xã sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về sản xuất an toàn để đáp ứng tiêu chí về an toàn thực phẩm và xây dựng mã QR để truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Bên cạnh đó, Hợp tác xã cũng đề xuất thành phố và các địa phương tạo điều kiện cho các hợp tác xã vay vốn với lãi suất ưu đãi để mở rộng quy mô sản xuất; tham gia hội chợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm, ký kết hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp…

Còn theo Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội Nguyễn Thị Hảo, để đẩy mạnh việc hỗ trợ kết nối cung ứng, tiêu thụ nông sản, trung tâm sẽ phối hợp với Sở NN&PTNT Hà Nội xây dựng mạng lưới kết nối hỗ trợ tiêu thụ nông sản thông qua các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm an toàn, hỗ trợ phụ nữ sản xuất, chế biến nông sản, thực phẩm ứng dụng chuyển đổi số và thương mại điện tử.

Với mục tiêu nhân rộng mô hình, thời gian tới, Hà Nội tập trung phát triển chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp đối với các sản phẩm chủ lực của thành phố. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn nhấn mạnh, Sở sẽ tập trung rà soát các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nhằm định hướng xây dựng chuỗi liên kết đáp ứng yêu cầu mới; tham mưu cho thành phố có cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị, nhà xưởng chế biến... Bên cạnh đó là mở các lớp tập huấn cho chủ thể tham gia liên kết chuỗi nâng cao nghiệp vụ; thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin truy xuất nguồn gốc, sử dụng mã QR để minh bạch thông tin sản phẩm trên thị trường.

Hà Nội hiện có 39 trung tâm thương mại, 141 siêu thị, 454 chợ, hơn 2.000 cửa hàng tiện lợi, có 1.872 cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn, trên 128 chuỗi kinh doanh các mặt hàng nông sản, thực phẩm... Hà Nội đã xây dựng và duy trì 141 chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản; hơn 7.000 sản phẩm nông nghiệp đã gắn mã truy xuất nguồn gốc và đã có hơn 1.600 sản phẩm tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Thanh Hóa: Mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 40 doanh nghiệp xuất khẩu (XK) sản phẩm nông, lâm, thủy sản sang thị trường khoảng 30 nước, vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 52% giá trị XK, Đài Loan chiếm khoảng 10%, Hàn Quốc chiếm 6,5%, thị trường EU chiếm 10%... với các mặt hàng chủ yếu là tinh bột sắn, dưa chuột đóng hộp, dứa đóng hộp, dăm gỗ, bột cá, ngao đông lạnh.

 

245d5201513t33984l0.jpg
Sản phẩm ngao đông lạnh xuất khẩu của Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Thanh Hóa.

 

Theo đánh giá của Phòng Quản lý xuất nhập khẩu (Sở Công Thương), hiện nay, nhiều mặt hàng nông sản của tỉnh đã đủ sức cạnh tranh và có mặt tại nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, các nước EU... Do đó, việc mở rộng thị trường XK nông sản là hoàn toàn đủ khả năng. Hơn nữa các hiệp định mà Việt Nam tham gia đã có hiệu lực, như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh và các nước trong khối ASEAN... đã và đang tạo nhiều cơ hội, tiềm năng cho XK hàng hóa của Việt Nam, trong đó có hàng hóa của tỉnh Thanh Hóa vào các nước đối tác. Nắm bắt cơ hội này, nhiều doanh nghiệp XK, trong đó XK các mặt hàng nông sản đã xây dựng và triển khai chiến lược mở rộng thị trường "tăng lực" cho các mặt hàng nông sản.

Sản phẩm dứa đóng hộp của Công ty CP Chế biến và XK nông sản Việt, phường Long Anh (TP Thanh Hóa) hiện đã có mặt tại 20 quốc gia trên thế giới, trong đó có những nước được xem là thị trường khó tính, như Anh, Pháp, Đức... Tuy nhiên, công ty vẫn muốn tìm kiếm và mở rộng thị trường XK ra các nước có tiềm năng. Được biết, thị trường hiện tại mà công ty đang hướng tới là Hàn Quốc. Đây được đánh giá là thị trường ổn định, ít có sự thay đổi về các quy chuẩn kỹ thuật, kiểm dịch về an toàn thực phẩm, chất lượng, nên là thị trường an toàn, mang tính bền vững đối với doanh nghiệp xuất XK. Vì vậy, để sản phẩm dứa đóng hộp và các mặt hàng nông sản thâm nhập được vào thị trường này, công ty đang tích cực xúc tiến thương mại, tìm kiếm đối tác để XK hàng hóa nông sản sang thị trường Hàn Quốc. Để các đối tác Hàn Quốc tiếp cận được các sản phẩm, công ty đầu tư hình ảnh sản phẩm, thông số và các tiêu chuẩn kỹ thuật, tham gia giao dịch trên các sàn thương mại điện tử để bạn hàng dễ dàng tìm kiếm. Đang sở hữu nhiều mặt hàng nông sản đạt tiêu chuẩn GAP, HACCP, cùng với các chiến lược maketting phù hợp, công ty kỳ vọng các sản phẩm sẽ sớm có mặt tại thị trường Hàn Quốc.

Được xem là đơn vị nhiều kinh nghiệp trong lĩnh vực XK các mặt hàng thủy sản, hiện nay, các sản phẩm ngao đông lạnh, bột cá, chả cá Surimi của Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Thanh Hóa đã có mặt tại nhiều thị trường lớn, như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và một số nước châu Âu. Ông Lê Quý Hiệp, Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Thanh Hóa, cho biết: Với các thị trường hiện có, 6 tháng đầu năm 2022, công ty đã XK được 7.000 tấn ngao đông lạnh, 6.000 tấn chả cá Surimi và 16.000 tấn bột cá; tổng giá trị XK 6 tháng đạt 50 triệu USD. Hiện công ty đang xây dựng kế hoạch, chiến lược đẩy mạnh XK các mặt hàng vào các thị trường tiềm năng nói chung và khu vực châu Âu nói riêng. Để thực hiện mục tiêu này, công ty đang nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng quy định, tiêu chuẩn của các nước đối tác. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ trong sản xuất, chế biến và bảo quản để “chinh phục” được các thị trường khó tính nhằm đa dạng hóa thị trường XK.

Việc tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường đã và đang giúp các doanh nghiệp XK nói chung và XK nông sản nói riêng ổn định, phát triển sản xuất. Theo tổng hợp của Phòng Quản lý xuất nhập khẩu (Sở Công Thương), 6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh đã XK được 5.540 tấn dưa chuột đóng hộp, dứa đóng hộp; hơn 515 tấn quại cói; gần 564 tấn thịt lợn; 27,2 tấn củ cải, cà chua; 48.000 tấn tinh bột sắn; gần 13.800 tấn ngao đông lạnh; 16.772 tấn bột cá.

Ông Nguyễn Xuân Thắng, Trưởng Phòng Quản lý xuất nhập khẩu cho rằng: Để mở rộng thị trường XK nói chung và các mặt hàng nông sản nói riêng, trên cơ sở những thị trường sẵn có, các doanh nghiệp cần tiếp tục củng cố, mở rộng và đa dạng hóa thị trường XK, nhất là thị trường các nước tham gia các FTA; chủ động, tích cực tham gia vào chuỗi giá trị hàng hóa toàn cầu nhằm tăng năng lực sản xuất và XK hàng hóa. Tận dụng tối đa các ưu đãi, lợi thế của các nước nằm trong khối ASEAN và các nước nằm trong các FTA.

Vĩnh Phúc: Đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại

Sự linh hoạt thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19 hiệu quả… đã giúp các hoạt động thương mại, dịch vụ trên cả nước phục hồi, dần đi vào ổn định. Các hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) được các ngành chức năng đẩy mạnh nhằm tăng cường hỗ trợ các tổ chức, các hộ cá thể, cơ sở sản xuất kinh doanh (SXKD), doanh nghiệp (DN), đặc biệt là DNNVV quảng bá hình ảnh, giới thiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa tới người tiêu dùng trong và ngoài nước, nâng cao sức cạnh tranh, đứng vững trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.

 

2_10.jpg
Các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn trên địa bàn huyện Sông Lô thu hút nhiều người dân đến thăm quan và mua sắm.

 

Tại “Phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn" do Công ty TNHH Thương mại và Truyền thông Quốc tế Giang Anh phối hợp với Trung tâm Phát triển Công thương (Sở Công thương) và huyện Sông Lô tổ chức ở xã Hải Lựu, các mặt hàng được giới thiệu, trưng bày khá phong phú, đa dạng, phản ánh sinh động thành tựu phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) của các DN trong và ngoài tỉnh như nông sản, lương thực, thực phẩm, đồ uống, hàng gia dụng, quần áo thời trang, đồ thủ công mỹ nghệ..., thu hút đông đảo người dân đến tham quan và mua sắm.

Được biết, đây là một 3 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi thuộc Chương trình XTTM năm 2022 trên địa bàn tỉnh. Phiên chợ là cơ hội cho các DN trong và ngoài tỉnh tìm kiếm cơ hội đầu tư, liên doanh, liên kết phát triển sản xuất và đẩy mạnh phân phối hàng hóa đến khu vực nông thôn; giúp người tiêu dùng khu vực nông thôn, miền núi có cơ hội tiếp cận nhiều hơn các sản phẩm mang thương hiệu Việt có chất lượng tốt, phong phú về chủng loại với giá cả hợp lý.

Trước đó, tham gia Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ IV (tổ chức vào cuối tháng 3 trên địa bàn tỉnh), Sở Công thương có 5 gian hàng trưng bày các sản phẩm OCOP của tỉnh gồm bột sữa gạo lứt sinh thái của Công ty Cổ phần Thực phẩm Điện Biên (Phúc Yên); mật ong gừng sả của Công ty Cổ phần Ong Tam Đảo (Bình Xuyên); sữa chua và bánh sữa đặc biệt của HTX Chăn nuôi bò sữa Tam Đảo; trà hoa vàng, ba kích, nấm sò, đông trùng hạ thảo (Tam Đảo); rắn và các sản phẩm chế biến từ rắn Vĩnh Sơn (Vĩnh Tường) .... quảng bá, tôn vinh các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và một số đặc sản của tỉnh đến với khách thăm quan.

Nhằm kích cầu tiêu dùng, lưu thông hàng hóa, giúp DN, cơ sở SXKD trên địa bàn tỉnh gặp gỡ giao lưu, giới thiệu quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác phát triển thị trường, khôi phục hoạt động sau thời gian dài ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19, thời gian qua, Sở Công thương đã chỉ đạo Trung tâm Phát triển Công thương kịp thời nắm bắt kế hoạch tổ chức các chương trình, sự kiện, hội chợ, triển lãm ở các tỉnh, thành phố trong cả nước, thông báo rộng rãi đến các DN có nhu cầu tham dự; xây dựng kế hoạch tham gia hội chợ cho các đơn vị đã đăng ký.

Phối hợp với các DN tổ chức các hội chợ, chương trình XTTM trên địa bàn tỉnh. Trong 6 tháng đầu năm 2022, Trung tâm Phát triển Công thương đã tham gia Hội chợ Thương mại và Triển lãm thành tựu KT - XH tỉnh Ninh Bình; Hội nghị trực tuyến XTTM, tiêu thụ xuất khẩu xoài và nông sản tại tỉnh Sơn La năm 2022; Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của học sinh, sinh viên năm 2022: Tuần lễ sản phẩm Hà Nội – Nghệ An 2022...

Đồng chí Phan Việt Anh, Phó trưởng phòng Thương mại, Trung tâm Phát triển Công thương (Sở Công thương) cho biết: Theo Kế hoạch tổ chức các nội dung XTTM ngành Công thương trên địa bàn tỉnh năm 2022, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin về các hoạt động thương mại trên các phương tiện truyền thông đại chúng để mở rộng mạng lưới hợp tác, liên kết trao đổi thông tin đa chiều giữa Trung tâm Phát triển Công thương, hệ thống các cơ quan quản lý, các đơn vị hoạt động XTTM trong và ngoài nước với các DN, từ nay đến cuối năm, Trung tâm sẽ phối hợp với các DN tổ chức một số hội chợ thương mại kích cầu tiêu dùng trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên, huyện Vĩnh Tường; đưa hàng Việt về khu vực miền núi, nông thôn, các KCN, khu đô thị tại các huyện Tam Đảo, Lập Thạch, Yên Lạc, Bình Xuyên, Tam Dương...

Đồng thời, tổ chức các đoàn DN tham gia Hội chợ khu vực các tỉnh: phía Bắc, miền Trung - Tây Nguyên, miền Nam; đoàn giao dịch thương mại tại 4 tỉnh gồm Quảng Nam, Bình Định, Bình Dương, Đồng Nai nhằm trao đổi thông tin thị trường, XTTM, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh của tỉnh như chè, mật ong, đông trùng hạ thảo, mộc gia dụng, mây tre đan, sản phẩm làng nghề, hàng công nghiệp nông thôn.../.

 

 

Thanh Tâm (T/h)
Ý kiến bạn đọc
Top