Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 18 tháng 5 năm 2024  
Thứ tư, ngày 26 tháng 5 năm 2021 | 13:57

Giảm thiệt hại cho chăn nuôi lợn thời dịch chồng dịch: Liên kết theo nhóm

Là khu chăn nuôi quy mô, cung cấp lợn thịt lớn nhất tỉnh Lào Cai với tổng đàn lên đến 17.000 con, người chăn nuôi ở xã Xuân Quang (Bảo Thắng) như ngồi trên lửa khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở nhiều địa bàn giáp ranh.

anh-2.JPG
Các hộ chăn nuôi ở xã Xuân Quang xây dựng chuồng trại quy mô theo mô hình phòng tránh dịch bệnh.

 

Khó khăn chồng chất

Chúng tôi đến thăm khu chuồng trại rộng gần 1.000m2 của gia đình bà Phạm Thị Tho (thôn Nậm Dù), vừa được đầu tư xây mới với các khu chăn nuôi riêng cho lợn nái, lợn thịt, lợn con… quy mô 180 con lợn, có thời điểm đàn lợn lên đến hơn 200 con.

Khu lợn nái của gia đình bà quy mô 30 con nhưng hiện giờ mới chỉ nuôi 10 con. Trung bình, mỗi con lợn nái đẻ 2 lứa/năm, mỗi lứa 10 lợn con, cứ 6 tháng, 10 lợn nái lại cho ra 100 đầu lợn con. Thu nhập từ 2 lứa lợn xuất bán với giá 90.000 đồng/kg, trừ chi phí, gia đình bà thu lãi được khoảng 700 triệu đồng/năm.

Nhưng những năm gần đây, đặc biệt là năm 2019, khi dịch tả lợn châu Phi hoành hành ở 15/15 xã, thị trấn của huyện Bảo Thắng, nhiều người chăn nuôi lao đao, mất trắng tiền tỷ. Cuối năm 2020, các hộ mới dám tái đàn thì đầu năm 2021, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến người nông dân, trong khi giá thức ăn chăn nuôi, con giống… liên tục tăng.

Bà Tho chia sẻ: “Trước đây một bao cám có giá 230.000 đồng, nay là 270.000 đồng. Giá 1kg ngô chỉ có 5.000 đồng, giờ là 9.000 đồng. Trong khi đó, giá lợn trung bình từ 80.000 đồng/kg thì xuống còn trên dưới 60.000 đồng/kg. Lợn giống trước đây chỉ mua vào gần 2 triệu đồng/con, hiện nhiều hộ phải mua với giá 3 triệu đồng/con”.

 

anh-1sss.jpg
Để tránh dịch tả lợn châu Phi, gia đình bà Phạm Thị Tho trang bị camera giám sát khu chuồng trại 24/24h, hạn chế người ra - vào khu chuồng trại.

 

Chưa kể, dịch tả lợn châu Phi  tái xuất hiện tại 12 xã, phường thuộc các huyện Văn Bàn, Bảo Yên, Mường Khương, thành phố Lào Cai và nhiều địa bàn giáp ranh khiến nỗi lo dịch bệnh luôn thường trực đối với người chăn nuôi ở Xuân Quang (Bảo Thắng). Nhiều hộ chăn nuôi khi lợn vừa có dấu hiệu bỏ ăn đã bán đổ bán tháo cả đàn lợn. Bà Tho tâm sự: “Hồi tháng 2, thấy lợn nái có dấu hiệu chán ăn, đẻ non, gia đình lập tức bán hết số lợn thịt 42 con với giá 2 triệu đồng/con, tiêu huỷ 9 con lợn nái và đàn lợn 70 con, lỗ 500 triệu đồng”.

Cùng thôn Nậm Dù, hộ chăn nuôi lợn có quy mô đàn lợn trên 100 con còn có gia đình bà Đỗ Thị Hoà, gia đình bà Hoàng Thị Mai, gia đình ông Nguyễn Văn Ất,... tuy chưa bán đổ bán tháo nhưng cũng đang lâm vào cảnh khó khăn. Bà Hoà ngao ngán: “Hiện, 90 con lợn nhà tôi đến lúc xuất chuồng, nhưng bán thì giá chỉ được 62.000 đồng/kg, để lại thì chi phí tăng giá mỗi bao cám tăng đến 50.000-60.000 đồng, từ lúc nuôi đến lúc xuất phải mua khoảng 14 bao cám/con và còn bao nhiêu chi phí cho thuốc men, chuồng trại mà giá thì có ai biết,… thì cầm chắc lỗ”.

Ở thôn Hang Đá, các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ cũng không ngoài sức ảnh hưởng của dịch bệnh. Ông Tải Văn Quang cho biết: “Đàn lợn của gia đình tôi chỉ có hơn chục con, đã đến lúc xuất chuồng nhưng giá lợn giờ xuống thấp quá, tôi cũng không muốn bán mà để lâu thì chi phí các loại lại tăng cao và ngày nào cũng nơm nớp lo dịch tả lợn châu Phi”.

Chỉ tay sang phía nhà ông Lù Văn Séng cùng thôn, ông Quang kể: “Nhà ông Séng nuôi lợn 18 năm nay, rất có kinh nghiệm trong chăn nuôi, vậy mà cuối năm 2020, đàn lợn nái 10 con nhà ông ấy chết sạch, thiệt hại gần 30 triệu đồng nên năm nay ông ý bỏ chuồng, chưa dám nuôi lại”.

Tìm hiểu nguyên nhân của việc giá lợn xuống thấp, bà Nguyễn Thị Thời, thương lái quen thuộc của vùng này cho biết: “Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên hệ thống các nhà hàng, khách sạn, trường học có trẻ ăn bán trú đóng cửa, thị trường tiêu thụ thu hẹp. Bên cạnh đó, dịch tả lợn châu Phi cũng khiến việc vận chuyển lợn sang các tỉnh khác rất khó khăn. Trước đây, mỗi ngày tôi thu mua 3-4 tấn lợn, với giá 80.000 đồng/kg. Nhưng đợt này, chúng tôi chỉ thu mua khoảng 1 tấn, mà phải tìm nguồn lợn khoẻ, không bị bệnh”.

Liên kết để cùng thắng

Trước  khó khăn bủa vây, hiện nông dân đã đoàn kết để phát triển sản xuất. Thay vì chăn nuôi nhỏ lẻ, nhà nào biết nhà nấy thì các hộ chăn nuôi đã liên kết, chia sẻ thông tin với nhau.

Khi biết khu vực nào có dịch tả lợn châu Phi, lợn của hộ chăn nuôi nào nghi nhiễm dịch bệnh, bà con bảo nhau không đi qua lại vùng dịch, không mua thịt lợn ở những nơi không rõ nguồn gốc. “Gia đình tôi còn phân công hẳn việc rửa chuồng trại, cho lợn ăn… cho cậu con trai. Ngoài con trai tôi, không ai ra vào khu chuồng trại, vì chỉ cần người hoặc phương tiện ở khu vực có dịch bệnh đi vào khu vực chăn nuôi là mầm bệnh sẽ lây lan, gây thiệt hại kinh tế nặng nề mà vẫn chưa có vắc xin phòng chống”, bà Tho cho biết.

Thôn Nậm Dù có khoảng 90 hộ chăn nuôi với tổng đàn lợn 3.640 con.  Người dân liên kết thành nhiều tổ nhóm (18 hộ chăn nuôi/mỗi tổ nhóm). Bằng cách người thừa vốn giúp người thiếu vốn, tổ nhóm 13 thành viên mà bà Tho tham gia đã cùng nhau phát triển sản xuất. Hộ nhiều nhất nuôi khoảng 180 con lợn, hộ ít nhất cũng khoảng 70-80 con. Các hộ còn mua chung thức ăn chăn nuôi. Bà con cho biết, mỗi bao cám nếu mua ở đại lý sẽ đắt hơn 10.000 đồng, nhưng nếu chung nhau mua với số lượng lớn từ nhà máy sẽ rẻ hơn được 10.000 đồng và lựa chọn được những công ty thức ăn chăn nuôi uy tín.

Các hộ trong tổ nhóm chăn nuôi còn thường xuyên chia sẻ thông tin dịch bệnh, kinh nghiệm, cách chăm sóc đàn lợn, bảo nhau xây dựng chuồng trại theo mô hình tránh dịch bệnh, có hàng rào xung quanh để bảo vệ, không cho chó, mèo, gà vào chuồng. Toàn bộ chuồng trại thường xuyên được rắc vôi bột 2 lần/tháng và khử trùng chuồng trại theo định kỳ mỗi tuần 1 lần. Việc thực hiện tiêm phòng cho lợn vừa đẻ chuẩn bị tách sữa (tiêm phòng phôi thai) và sau khi đẻ xong lại tiêm lần nữa, đã giúp lợn khoẻ mạnh trong nhiều năm. Lợn con vừa sinh ra được nhỏ luôn kháng thể vào miệng, sau 3 ngày tiếp tục tiêm phòng đầy đủ nên tránh được  nhiều dịch bệnh.

Ông Đỗ Hồng Quân, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Bảo Thắng, cho biết: “Việc tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19 cũng như dịch tả lợn châu Phi đến bà con nông dân được các cấp từ tỉnh, huyện, xã rất chú trọng. Chính quyền xã phối hợp rất chặt chẽ với cán bộ y tế, thú y đến từng hộ hướng dẫn người dân thực hiện biện pháp 5K trong phòng dịch Covid-19; các phương pháp phòng dịch cho vật nuôi và các biện pháp xử lý khi có dịch bệnh xảy ra. Bảo Thắng là huyện trọng điểm về chăn nuôi lợn của Lào Cai nên cũng là huyện đầu tiên đưa ra các biện pháp, hàng rào kỹ thuật phòng chống dịch.

Chính quyền cũng có nhiều chính sách ưu đãi để tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế như: giảm - giãn thuế, cho vay  vốn chính sách và nhiều hỗ trợ khác. Có năm giá lợn xuống thấp, chính quyền và các cơ quan đoàn thể đã đứng ra kết nối, kêu gọi, vận động các nhà hàng, bếp ăn tập thể… tiêu thụ sản phẩm cho bà con”.

 

(Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

 

 

Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc
Top