Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 1 tháng 6 năm 2024  
Thứ năm, ngày 17 tháng 6 năm 2021 | 13:43

HTX trồng cây ăn quả và dịch vụ tổng hợp Văn Tiến: Nơi mang đến niềm vui

Những năm trước đây, nhiều giống cây ăn quả được người dân xã Văn Phú (TP. Yên Bái, tỉnh Yên Bái) đưa vào trồng thử nghiệm và mang lại hiệu quả, trong đó nổi bật là cây chanh tứ thời của HTX Trồng cây ăn quả và Dịch vụ tổng hợp Văn Tiến.

chanh_ybai.jpg
Tham gia dự án, người trồng chanh đã có thêm nhiều kiến thức KHKT để áp dụng vào sản xuất.

 

Sau 2 năm đã đạt diện tích 33ha, năng suất bình quân khoảng 30 tấn/ha/năm, cho thu nhập rất cao, tới gần 500 triệu đồng/ha.

Để giúp người dân làm giàu, UBND TP. Yên Bái đã phê duyệt dự án “Phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm chanh tứ thời Văn Tiến” thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2018 - 2020 tỉnh Yên Bái.

Dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm chanh tứ thời Văn Tiến (xã Văn Phú) được xây dựng trên cơ sở thực tế sản xuất chanh ở địa phương. Thành viên tham gia  là những hộ dân có kinh nghiệm trồng chanh ít nhất 3 năm trở lên, tiếp thu nhanh tiến bộ kỹ thuật; xây dựng được hệ thống tiêu thụ sản phẩm chanh thông qua HTX ký kết hợp đồng với  trường học, nhà hàng, bếp ăn, doanh nghiệp, siêu thị, cửa hàng bán lẻ trên địa bàn. Nét nổi bật của dự án là xây dựng quy trình từ khâu sản xuất (làm đất, xử lý cành giống, trồng, chăm sóc và kết hợp kiểm tra phòng trừ sâu bệnh) đến thu hoạch, sơ chế và cuối cùng là tiêu thụ sản phẩm.

Năm 2019, chanh tứ thời được trồng tại 3 thôn Văn Quỳ, Ngòi Sen và Bình Sơn với 15 hộ tham gia (10ha). Mục tiêu của dự án là đến năm 2020 hình thành vùng diện tích trồng chanh tập trung với năng suất 30 - 35 tấn/ha, sản lượng  300 - 350 tấn/năm. Tổ chức, đầu tư hỗ trợ sản xuất theo chuỗi, hình thành liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất, thu hoạch, sơ chế đến tiêu thụ sản phẩm. Để thực hiện thành công, dự án tập trung giải quyết việc lựa chọn các hộ nằm trong vùng trồng, đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, đồng thời chú trọng đến khâu quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm.

Bà Trần Thị Châm, Phó giám đốc HTX trồng cây ăn quả và dịch vụ tổng hợp Văn Tiến, cho biết: “Từ nhu cầu của thị trường, chúng tôi luôn hướng đến chất lượng sản phẩm chanh tứ thời. Trong đó, xây dựng vùng quy hoạch và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các thành viên là yếu tố quan trọng. Đây là tiền đề để người dân sản xuất theo hướng hàng hoá, sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, để dễ dàng mở rộng ra thị trường ngoài tỉnh, đảm bảo đầu ra cho các thành viên, giúp các hộ yên tâm sản xuất”.

Là người có hơn 20 năm trồng chanh tứ thời, ông Phạm Thế Cầu (thôn Bình Sơn, xã Văn Phú) hiện có hơn 2ha cho biết: Mặc dù có kinh nghiệm chăm sóc, song việc tham gia vào dự án  giúp tôi có thêm kiến thức mới để áp dụng trực tiếp vào  sản xuất, nhờ đó, năng suất, sản lượng của cây chanh được nâng cao hơn.

Ông Cầu chia sẻ thêm: “Ở vùng này, trồng chanh mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn  2 - 3 lần cấy lúa. Tham gia vào HTX, chúng tôi thấy rằng, để trồng chanh có hiệu quả bền vững thì không chỉ quan tâm đến sản lượng mà còn đòi hỏi phải chú ý đến nhiều yếu tố khác như bảo vệ đất, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ giống cây; quả chanh khi thu hái phải sơ chế đóng gói, sao cho vừa bắt mắt lại vừa đảm bảo chất lượng”.

Đến nay, sau hơn một năm triển khai, năng suất chanh tứ thời đạt 30 - 32 tấn/ha, doanh thu 450 - 480 triệu đồng/ha/năm. Hiện nay, sản phẩm chanh tứ thời đã được HTX ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với Công ty CP Natupro, các siêu thị, cửa hàng sạch trên địa bàn Hà Nội và một số tỉnh lân cận; số còn lại được các hộ kinh doanh cá thể thu mua và tiêu thụ trong tỉnh.

Bước đầu dự án đã góp phần gia tăng giá trị của chuỗi sản phẩm, gia tăng liên kết giữa các khâu sản xuất, sơ chế, tiêu thụ, từng bước đưa chanh trở thành sản phẩm đặc trưng của xã Văn Phú.

 

 

Minh Phượng
Ý kiến bạn đọc
Top