Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 19 tháng 5 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 7 tháng 10 năm 2016 | 3:2

Kinh tế vườn ở Quảng Trị: Đề kháng cao với biến đổi khí hậu

Nằm trong khu vực Bắc Trung Bộ, tỉnh Quảng Trị được xác định là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu (BĐKH) bởi địa hình đa dạng, có vùng đồi núi, đồng bằng, bờ biển, thời tiết khí hậu khắc nghiệt, thiên tai thường xuyên xảy ra. Vì vậy, việc tìm mô hình vườn có thể thích ứng với tình hình mới là đòi hỏi bức thiết.

Vườn cam trĩu quả của gia đình ông Trần Ngọc Nhơn.

Theo dự báo của ngành Tài nguyên - Môi trường, từ nay đến năm 2050, 2100, Quảng Trị sẽ bị ảnh hưởng nặng nề của BĐKH, nhiệt độ trung bình, lượng mưa trung bình sẽ tăng lên; mực nước biển dâng lên gây ngập một số diện tích vùng đồng bằng ven biển; thiên tai, khí hậu cực đoan sẽ xảy ra nhiều hơn, tác động xấu đến sản xuất và đời sống của nhân dân.

Một thực tế đáng ghi nhận là, trong những năm qua, với sự hỗ trợ của các dự án trong và ngoài nước, sự nỗ lực của người dân và chính quyền nhiều địa phương trong tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình, cách làm phù hợp thích ứng với BĐKH. Đó là mô hình kinh tế vườn để cải tạo vùng cát, vùng đồi ở nhiều địa phương đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân và có tác dụng bảo vệ môi trường... Kinh tế vườn đã chiếm một vị trí quan trọng trong nền kinh tế, mang lại hiệu quả rất lớn đối với người nông dân. Tùy theo quy mô, diện tích đất vườn và khả năng đồng vốn, kỹ thuật, địa hình canh tác mà tại các địa phương, nông dân đã xây dựng được những mô hình phát triển phù hợp.

Điển hình như mô hình trồng cam ở vùng “đất chết” của ông Trần Ngọc Nhơn (vùng K4, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng). Đây là mô hình chuyên canh cây cam “sạch” đầu tiên ở tỉnh Quảng Trị vì hoàn toàn không sử dụng hóa chất trong chăm bón, thu hoạch, bảo quản. Công tác chăm sóc, làm cỏ cũng không làm cỏ trắng mà chỉ dùng rựa phát cỏ và máy cắt cỏ để hạn chế xói mòn rửa trôi nhưng vẫn đảm bảo giữ ẩm cho đất.

Cây  giống được lấy từ Nghệ An thể hiện khả năng thích nghi tốt nhất, phát triển xanh tươi trên vùng đất K4, hai giống cam phù hợp nhất là Vân Du và Xã Đoài, cho trái còn ngọt hơn cả cam ở vùng bản địa. Năng suất bình quân đạt 10-12 tấn/ha, với giá cam năm 2015 đạt 20.000 đồng/kg bán tại vườn, trừ chi phí, ông Nhơn thu lãi 130-150 triệu đồng/ha. Từ mô hình này, đến nay đã có nhiều hộ lên vùng K4 lập vườn canh tác và đã phát triển hơn 15ha cam.

Mạnh dạn trồng thanh long ruột đỏ trên đất thường xuyên có nguy cơ ngập lụt, ông Đỗ Đức Duệ (thôn Bích Khê, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong) đã thu được những mùa quả ngọt.

Vùng đất ông Duệ sinh sống trồng loại cây gì cũng không hiệu quả, chỉ một trận mưa là đất có nguy cơ ngập lụt, cây bị ngập úng. Quyết tâm cải tạo đất, ông dành nhiều thời gian nghiên cứu và quyết định trồng thanh long ruột đỏ và không ngờ đã thành công. Chỉ sang năm thứ 2, cây đã ra hoa và đậu quả, bình quân đạt từ 5-6 kg/trụ, từ năm thứ 3 đạt khoảng 10 kg/trụ. Ông Duệ chia sẻ: “Nếu thời tiết thuận lợi, vườn thanh long cho thu hoạch từ tháng 4-10 âm lịch, tổng thu khoảng 3 tấn quả, giá bán tại vườn 25.000 đồng/kg, mang về cho gia đình nguồn thu nhập khoảng 75 triệu đồng/năm”.

Bên cạnh thanh long ruột đỏ, ông Duệ còn làm 3 sào ruộng, trồng bưởi, chè, trồng xen canh khoảng đất trồng giữa những trụ thanh long với các loại cây như: ớt, nghệ, rau màu…; đầu tư chăn nuôi lợn, ngan, gà, tổng thu nhập của gia đình đạt từ 100 - 120 triệu đồng/năm.

Làm vườn trên vùng đất cát, bà Nguyễn Thị Tuyền (xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong) đã “bắt” vùng “đất chết” nở hoa. Bà cho biết, trước đây vùng đất này chỉ trồng độc canh cây khoai lang nhưng do hạn hán nên hiệu quả kinh tế không cao. Từ khi chuyển đổi sang trồng cây ném, kiệu, lạc..., kinh tế vững vàng hơn trước. Đây là những loại cây ngắn ngày, có khả năng chịu hạn và kháng bệnh. Nhờ đó, thu nhập của gia đình bà đã được cải thiện đáng kể. Đây là những giống cây vừa phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng vùng cát, vừa đáp ứng nhu cầu thị trường. Bà Tuyền nhẩm tính, cây ném, kiệu cho thu nhập 130 triệu đồng/ha; mướp đắng 100 - 120 triệu đồng/ha; đậu đen xanh lòng 50 triệu đồng/ha.

Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị, các mô hình kinh tế vườn trên địa bàn đã góp phần sử dụng đất đai thêm hiệu quả và sử dụng được lao động nông nhàn trong các hộ và nhóm hộ; tạo ra sức đề kháng cao khi có những tác động của BĐKH, hoặc những thăng trầm của giá cả thị trường. Vì vậy, các cấp ngành cần có thêm những chính sách thích hợp, như trợ cấp giống cây, con, đào tạo và tập huấn về phương pháp, về kỹ thuật và thông tin thị trường; mở rộng cơ chế vay vốn ưu đãi cho các vùng có tiềm năng chuyển dịch cơ cấu sản xuất dựa vào hộ, nhóm hộ hay hợp tác xã nông nghiệp.

Khánh Nguyên

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Thử thách đặt ra khi theo nghề Freelancer

    Thử thách đặt ra khi theo nghề Freelancer

    Nhiều người thường nghĩ công việc của một Freelancer khá thoải mái khi họ được tự chủ về mặt thời gian làm việc. Thực tế, công việc này cũng có những thử thách và áp lực riêng mà không phải ai cũng biết.

  • Nuôi thành công cá Koi ở vùng chiêm trũng

    Nuôi thành công cá Koi ở vùng chiêm trũng

    Nhiều lần thất bại trong việc đầu tư nuôi các loại cá cảnh khác nhau, nhưng với niềm đam mê của mình, anh Vũ Văn Tăng đã vượt qua mọi khó khăn để thực hiện thành công mô hình nuôi cá Koi.

  • Hứa hẹn đem lại thu nhập cao với mận hồng

    Hứa hẹn đem lại thu nhập cao với mận hồng

    Giống mận hồng mới trái to, thịt chắc, ăn giòn, ngọt được anh Trần Ngọc Quận (44 tuổi, ngụ ấp Thành Lộc, xã Thành Trung, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) trồng thành công và cho trái đạt trọng lượng lên đến 5 trái/kg.

Top