Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 28 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 30 tháng 9 năm 2021 | 15:26

Lãng phí gần 3 tỷ USD/năm vì không tái chế rác thải nhựa

Một nghiên cứu mới của IFC – Ngân hàng Thế giới cho thấy cơ hội và rào cản đối với tuần hoàn nhựa mỗi năm, khoảng 3,9 triệu tấn nhựa PET, LDPE, HDPE và PP được tiêu thụ tại Việt Nam.

2,62 triệu tấn nhựa bị thải bỏ

Theo báo cáo "Nghiên cứu Thị trường cho Việt Nam - Cơ hội và rào cản đối với tuần hoàn nhựa" do IFC vừa công bố, mỗi năm, khoảng 3,9 triệu tấn nhựa PET, LDPE, HDPE và PP được tiêu thụ tại Việt Nam. Trong số này, chỉ 1,28 triệu tấn (33%) được thu gom tái chế (CFR).

Do vậy, có tới 2,62 triệu tấn nhựa bị thải bỏ, dẫn đến mất 75% giá trị vật liệu của nhựa, tương đương từ 2,2 - 2,9 tỷ USD mỗi năm. Nếu tất cả được thu gom và tái chế thành các sản phẩm có giá trị nhất, về lý thuyết tổng giá trị vật liệu giải phóng được nhờ tái chế sẽ tương đương 3,4 tỷ USD mỗi năm.

 

r1.jpg
Rác thải điện tử thường được các làng nghề thu mua nhưng tái chế bằng công nghệ lạc hậu. Ảnh sưu tầm.

 

Các nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ tái chế nhựa thấp ở Việt Nam như thiếu nhu cầu bền vững đối với nhựa tái chế tại địa phương, khả năng tiếp cận tài chính của đơn vị tái chế, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngoài ra, còn do nguồn cung không đều và có rủi ro từ khu vực phi chính thức, phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu phế liệu nhựa, không có tiêu chuẩn thiết kế để tái chế, và hệ thống quản lý chất thải ưu tiên thu gom và xử lý hơn so với tái chế.

Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đánh giá, đầu tư vào hạ tầng quản lý rác thải vẫn chưa bắt kịp tốc độ xả thải. "Khu vực nhà nước và tư nhân cần hợp tác để giải quyết vấn đề kinh tế, môi trường và xã hội phức tạp này, đồng thời thúc đẩy các chính sách và tăng cường đầu tư để giúp tận dụng triệt để giá trị của vật liệu nhựa", vị này nói.

Nghiên cứu đã đề xuất 8 giải pháp và 29 hành động để Việt Nam giải phóng thêm giá trị vật liệu thông qua tái chế nhựa. Một số khuyến nghị đáng chú ý như mở rộng quy mô ngành công nghiệp tái chế nội địa bằng cách cải thiện môi trường thuận lợi cho đầu tư của khu vực tư nhân.

Cùng với đó, cần tăng cường năng lực quản lý rác thải, thiết lập "mục tiêu về hàm lượng tái chế" đối với các sản phẩm phổ biến đến tay người sử dụng, và yêu cầu bắt buộc phải thực hiện các tiêu chuẩn "thiết kế để tái chế" đối với các sản phẩm nhựa, đặc biệt đối với bao bì, cùng nhiều kiến nghị khác.

"Nâng cao lợi ích kinh tế của việc tái chế nhựa sẽ giúp huy động đầu tư nhiều hơn của khu vực tư nhân để giải quyết hiểm họa ô nhiễm nhựa, đồng thời hỗ trợ các ngành quan trọng như du lịch, vận tải biển và thủy sản, vốn đang bị ảnh hưởng nặng nề", ông Kyle Kelhofer, Giám đốc Quốc gia IFC phụ trách Việt Nam, Campuchia, và Lào, đánh giá.

Kinh tế tuần hoàn - xu thế tất yếu

Theo Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà, kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu thế tất yếu nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong bối cảnh tài nguyên ngày càng suy thoái, cạn kiệt, môi trường bị ô nhiễm, biến đổi khí hậu diễn biến khốc liệt. "Kinh tế tuần hoàn không chỉ là tái sử dụng chất thải, coi chất thải là tài nguyên mà còn là sự kết nối giữa các hoạt động kinh tế một cách có tính toán từ trước, tạo thành các vòng tuần hoàn trong nền kinh tế" - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, một số cơ chế, chính sách thúc đẩy kinh tế tuần hoàn đã được thể chế hóa trong Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020, như: phân loại chất thải tại nguồn, thu phí chất thải dựa trên khối lượng; tái chế, tái sử dụng chất thải; trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất; các công cụ, chính sách kinh tế như thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường; phát triển công nghiệp môi trường, dịch vụ môi trường...

 

r2.jpg
Việt Nam đang đối mặt với nhiều nguy cơ từ rác thải nhựa

 

Để thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, Bộ trưởng TN-MT cho rằng cần thực hiện đồng bộ các giải pháp từ nâng cao nhận thức đến hoàn thiện thể chế và tổ chức thực hiện. Trong đó, nhà nước cần thực hiện tốt vai trò kiến tạo để doanh nghiệp, người dân phát huy vai trò trung tâm trong xây dựng, phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

Trong một nghiên cứu vừa được Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam công bố, kết quả khảo sát chỉ ra rằng các hộ gia đình có nhận thức về các vấn đề ô nhiễm nhựa tốt hơn nhóm doanh nghiệp và các công nhân thu gom rác thải. Công nhân thu gom rác còn có bày tỏ lo ngại về tác động của rác thải nhựa, trong khi doanh nghiệp dường như ít quan tâm đến thực trạng và tác động của ô nhiễm nhựa lên môi trường và sức khỏe. Sự khác nhau trong nhận thức sẽ gây khó khăn cho việc khuyến khích cộng đồng chung tay và có trách nhiệm với các vấn đề rác thải nhựa.

Theo các nhà chuyên môn, Việt Nam cần cụ thể hóa và triển khai các hoạt động liên quan trong phát triển kinh tế tuần hoàn gồm cách thức để gia tăng chuỗi giá trị của các sản phẩm nhựa, cũng như quản lý rác.

Thúc đẩy tái chế rác thải nhựa

Ở Việt Nam, theo thống kê của Viện Công nghệ môi trường (Đại học Bách khoa Hà Nội), mỗi năm nước ta thải ra từ 120.000 đến 150.000 thiết bị điện và điện tử gia dụng (ti - vi, tủ lạnh, máy giặt, điều hòa,…), khoảng từ 200.000 đến 300.000 chiếc máy tính. Chưa kể số lượng điện thoại di động được thải ra khá lớn. Đây là loại rác thải điện tử khá lớn do vòng đời sử dụng ngắn chỉ 1-2 năm. Loại rác này thường được các làng nghề thu mua nhưng tái chế bằng công nghệ lạc hậu, hiệu suất thu hồi thấp đồng thời gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng sức khỏe của người dân làng nghề và các vùng phụ cận.

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, riêng TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, hằng năm có tới 16.000 tấn chất thải phát sinh, bao gồm cả rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp và rác thải y tế. Trong đó từ 50 đến 70% lượng rác thải chứa những hợp chất có thể tái chế và tạo ra nguồn năng lượng mới.

Từ những số liệu nêu trên chúng ta thấy nếu tổ chức tốt việc phân loại rác từ nguồn, và chuyển rác sau khi phân loại về các nhà máy tái chế có công nhệ xử lý hiện đại, hiệu suất thu hồi cao hơn nhiều so với công nghệ ở các làng nghề, chúng ta sẽ thu về một lượng lớn vàng, bạc…

Một trong những giải pháp được nhắc đến lâu nay là thúc đẩy phát triển nền kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, theo ông Trần Việt Anh - Chủ tịch Hiệp hội Nhựa TP. Hồ Chí Minh - để đạt được hiệu quả cần sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường, quy định trách nhiệm cụ thể của nhà sản xuất, nhà phân phối trong việc thu hồi, phân loại và tái chế hoặc chi trả chi phí xử lý các sản phẩm thải bỏ dựa trên số lượng sản phẩm bán ra trên thị trường; quản lý dự án theo vòng đời, thiết lập lộ trình xây dựng và áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường tương đương với nhóm các nước tiên tiến trong khu vực. Song hành cùng với đó, đẩy nhanh việc hoàn thiện và ban hành cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ thúc đẩy công nghiệp môi trường, trong đó có công nghiệp tái chế.

Ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn về công nghệ, thúc đẩy phát triển thị trường trao đổi sản phẩm phụ, sản phẩm thải bỏ để kết nối chuỗi giữa thải bỏ - tái chế - tái sử dụng để rác thải, chất thải trở thành tài nguyên thứ cấp trong hệ thống vòng kín của chu trình sản xuất mới. Đồng thời, xây dựng mô hình tăng trưởng kinh tế chiều sâu, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu vào, áp dụng khoa học - công nghệ vào các ngành, đặc biệt là xử lý rác thải để tái tạo nguyên liệu mới. Đổi mới công nghệ là yếu tố quan trọng quyết định thành công khi áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn. Công nghệ mới sẽ giúp việc thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn hiệu quả, giảm thải ô nhiễm, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, tránh khai thác quá mức tài nguyên, đồng thời tạo được cơ hội việc làm mới.

Bên cạnh đó, cần kêu gọi sự tham gia của các đối tác trong chuỗi giá trị nhựa cùng phối hợp  thiết kế, sử dụng và tái sử dụng nhựa. Từ đó, chúng ta mới có thể cùng giảm rác nhựa vào môi trường và tạo kinh tế tuần hoàn cho ngành nhựa. Song lộ trình cũng cần xác định các cơ hội giảm rác nhựa và chất liệu tạo ra nhựa, tăng cường tái sử dụng, tái chế. Ngoài ra, phát triển công nghệ mới, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ và ngành công nghiệp hỗ trợ trên cơ cở tiếp cận các mô hình kinh doanh kinh tế tuần hoàn.

 

Thanh Xuân (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top