Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 6 tháng 5 năm 2024  
Thứ ba, ngày 29 tháng 3 năm 2022 | 10:40

Nghi vấn 4 doanh nghiệp sắn trục lợi chính sách, không đại diện cho toàn ngành

Cơ quan thuế phát hiện 4 DN bán tinh bột sắn cho 20 DN tại Trung Quốc. Khi xác minh với cơ quan thuế Trung Quốc thì phát hiện trong 20 DN mua sắn này có tới 7 DN "ma", nghĩa là không xác định được nhân thân, 13 DN còn lại không thừa nhận mua bán.

Cần có phương thức rà soát
 
Tổng cục Thuế đã phản hồi kiến nghị của Hiệp hội Sắn Việt Nam do gặp vướng mắc liên quan đến hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) với mặt hàng tinh bột sắn. Theo đó, phải dừng việc hoàn thuế giá trị gia tăng vì phát hiện nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu sắn của Việt Nam bán hàng cho các DN "ma" tại Trung Quốc.
 
Cụ thể, cơ quan thuế đã phát hiện 4 DN bán tinh bột sắn cho 20 DN tại Trung Quốc. Tuy nhiên, khi xác minh với cơ quan thuế Trung Quốc thì phát hiện trong 20 DN mua sắn này có tới 7 DN "ma", nghĩa là không xác định được nhân thân, 13 DN còn lại không thừa nhận mua bán với các công ty sắn của Việt Nam.
săn.jpg
4 doanh nghiệp sắn trục lợi chính sách (nếu có), không đại diện cho toàn ngành. Ảnh: Lê Thế Tấn.
Tổng cục Thuế nghi ngờ các DN xuất khẩu sắn đã làm ngụy tạo hồ sơ mua bán để trục lợi tiền hoàn thuế giá trị gia tăng. Hiện Tổng cục Thuế đã chuyển hồ sơ của 4 DN này sang cơ quan công an để tiến hành điều tra, xác minh làm rõ và tiến hành rà soát các công ty xuất khẩu sắn khác có việc mua bán với 20 DN nêu trên của Trung Quốc.
 
Tuy nhiên, dư luận đặt ra câu hỏi, cách giải thích này chưa phù hợp? Khi 4 DN này không thể đại diện cho toàn bộ ngành sắn, bất cứ tác động nào của cơ quan quản lý đều ảnh hưởng trực tiếp đến DN mà cụ thể ở đây là việc xuất khẩu sắn đang được hưởng ưu đãi của Chính phủ trong việc thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo đối với bà con nông dân khu vực trung du miền núi, khu vực đất đai không thể canh tác các loại cây trồng khác ngoài sắn.
 
Việc Tổng cục Thuế nêu ra lý do 4 DN sắn bán hàng cho các DN “ma” tại Trung Quốc để yêu cầu dừng hoàn và truy thu thuế đã ảnh hưởng trực tiếp đến các DN khác đang làm ăn chân chính từ trước đến nay khi vụ thu hoạch sắn đang cận kề.
 
 Tổng cục Thuế cần phải có biện pháp khác xác minh việc có hay không mặt hàng sắn được xuất đi nước ngoài chứ không thể chỉ dựa vào nguồn thông tin từ phía bạn mà áp đặt cho toàn bộ ngành sắn trong nước.
 
Theo thông tin được biết, để xuất khẩu theo Nghị định 14/2018, các DN sắn đều phải có chứng từ kê khai đầy đủ tại Hải quan thì mới có thể xuất hàng sang bên kia biên giới. Vì vậy, việc dựa vào chứng từ Hải quan và chứng từ giao dịch tại ngân hàng vẫn có thể xác minh được DN nào làm ăn chân chính.
 
Cũng theo Tổng cục Thuế, "nếu doanh nghiệp đáp ứng được đầy đủ các điều kiện, thủ tục về hoàn thuế thì được hoàn thuế theo quy định của pháp luật". Theo đó, Luật Thuế VAT và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định để được hoàn thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, DN phải đáp ứng điều kiện gồm hợp đồng mua bán hàng hóa, tờ khai hải quan, hóa đơn, chứng từ thanh toán qua ngân hàng…
 
Theo ông Nghiêm Minh Tiến, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội sắn Việt Nam, thời điểm chưa có dịch, các đơn vị thu mua của phía bạn thường sang tận nơi làm việc với Hiệp hội và các DN sắn trong nước. Họ ký hợp đồng, thỏa thuận mua hàng xong thì chuyển tiền thanh toán và chúng tôi giao hàng lên biên giới. Vì vậy, cơ quan thuế nếu thống nhất, làm việc với cơ quan hải quan, ngân hàng thì có thể xác định được những DN nào thực chất xuất khẩu sắn, những DN nào “gian dối”, trục lợi chính sách để có biện pháp xử lý và không ảnh hưởng toàn bộ ngành sắn.
 
Việc ban hành Công văn 632 ngày 07/03/2022 về việc dừng hoàn và truy thu thuế VAT của Tổng cục Thuế đã khiến 42 doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Sắn Việt Nam, chiếm hơn 80% sản lượng, toàn ngành đồng loạt gửi đơn kêu cứu tới Thủ tướng Chính phủ.
 
Cần đẩy nhanh việc điều tra, tránh để nông dân bị ảnh hưởng
 
Thông tin báo chí, luật sư Trần Hữu Huỳnh, nguyên Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) nhận định: “Việc xuất trình bộ Tờ khai Hải quan kèm chứng từ không phải khi nào cũng đồng nghĩa với việc hàng hóa đã được xuất khẩu qua biên giới mà cơ quan thuế cần làm việc với hải quan để xem xét các thương vụ xuất khẩu cụ thể này”.
 
Như vậy, Tổng cục Thuế cần làm việc, xác minh một cách rõ ràng với cơ quan Hải quan để nắm bắt được các thương vụ xuất khẩu sắn bởi đây là trách nhiệm của cơ quan thuế để xác định những DN nào đang trục lợi chính sách. Chứ không thể sử dụng mệnh lệnh hành chính mà ở đây là Công văn 632 ngày 7/3/2022 để áp đặt cho toàn bộ ngành sắn khiến các DN làm ăn chân chính cũng như 1,2 triệu nông dân trồng sắn bị ảnh hưởng.
 
Mặt khác, cũng theo luật sư Huỳnh, “bất kỳ một tác động quản lý nào cũng ảnh hưởng cả mặt tốt lẫn mặt xấu đến nông sản nói chung và nông sản biên mậu nói riêng. Do đó, cần phải đẩy nhanh việc tìm hiểu, điều tra này để nông dân trồng sắn ít bị ảnh hưởng nhất, bảo vệ các nhà xuất khẩu tuân thủ pháp luật, nghiêm trị các trường hợp xuất khống và những cán bộ tiếp tay cho việc lợi dụng chính sách thuế để bảo vệ môi trường cạnh tranh và chống thất thu thuế”.
sắn-21.jpg
Cần đẩy nhanh việc điều tra DN sắn trục lợi chính sách, tránh để nông dân trồng sắn bị ảnh hưởng. Ảnh: Võ Dũng.
Do đó, việc kiểm tra, điều tra của Tổng cục Thuế là việc thực hiện theo đúng chức năng nhiệm vụ khi phát hiện ra sai phạm mà cụ thể ở đây là 4 DN đã được Tổng cục Thuế chuyển hồ sơ sang cho cơ quan cảnh sát điều tra.
 
Hiện nay, pháp luật đã có những quy định cụ thể về việc xử lý những trường hợp lợi dụng chính sách thuế của Nhà nước để trục lợi. Cho nên, Tổng cục Thuế không thể vì một số trường hợp cá biệt mà áp dụng cho các DN ngành sắn, điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến bà con nông dân trồng sắn và ảnh hưởng đến mục tiêu xóa đói giảm nghèo mà Chính phủ đề ra.
 
 
Hữu Thắng
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top