Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 4 tháng 5 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 26 tháng 8 năm 2016 | 1:54

Nhân rộng mô hình xử lý rác thải công nghệ tiên tiến theo hướng xã hội hóa

Để giảm áp lực cho các khu xử lý rác thải tập trung, khắc phục ô nhiễm môi trường từ lượng rác tồn lưu…, TP. Hà Nội có chủ trương giao các huyện áp dụng công nghệ tiên tiến trong việc xử lý rác tại chỗ.

Băng sàng phân loại rác thải của Công ty Nam Thăng Long.

Ngoài ra, UBND TP. Hà Nội giao Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Nam Thăng Long (Cty Nam Thăng Long) thí điểm đầu tư công trình xử lý rác thải nông thôn tại huyện Thanh Oai, với công suất 100-120 tấn/ngày.

Ông Nguyễn Duy Tuấn, Phó giám đốc Cty Nam Thăng Long, cho biết: “Thay vì đưa thẳng đến các khu xử lý tập trung của thành phố, rác sẽ được đưa về trạm trung chuyển để phân loại trên máy sàng tự động. Nhờ dây chuyền tự động nên giảm được số công nhân phải phân loại rác thải bằng tay. Vì trang bị hệ thống phun sương chế phẩm sinh học khử mùi hoạt động liên tục nên môi trường làm việc của công nhân cũng như xung quanh trạm được cải thiện. Qua băng sàng, rác sẽ được phân ra thành các nhóm: Hữu cơ (rau, củ, quả…); các chất thải nguy hại (bóng đèn, pin, ắc quy…); các chất trơ (chai lọ thủy tinh, mảnh sành sứ, xỉ than…). Sau khi phân loại, các nhóm rác này sẽ được đưa đi đốt, làm vật liệu san lấp hoặc tái chế”.

Vui mừng khi là huyện đầu tiên của Hà Nội có khu xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn khép kín, ông Lê Tuấn Anh, Chủ tịch UBMTTQ huyện Thanh Oai, cho hay, sau khi đưa công trình đi vào hoạt động, năng lực thu gom rác của huyện tăng từ 65% lên 95% nên gần như không còn rác phát sinh tồn đọng như trước đây.

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Hoàng Dương Tùng chia sẻ: Tồn tại lớn nhất của công tác quản lý, xử lý chất thải nói chung và chất thải rắn sinh hoạt nói riêng là chưa áp dụng được phương thức quản lý tổng hợp, chưa chú trọng các giải pháp giảm thiểu, phân loại chất thải tại nguồn; tái sử dụng và tái chế chất thải, nhằm hướng tới giảm thiểu khối lượng chất thải phải chôn lấp.

Nếu làm tốt công tác xử lý rác thải thì cả người dân và đơn vị thu gom rác cùng “nhàn” hơn rất nhiều.

Do vậy, để công tác xử lý rác thải tốt hơn, cần phải xã hội hóa trong thu gom và xử lý rác thải. Trong đó chú trọng tới chính sách “Người gây ô nhiễm phải trả tiền”, đồng thời bỏ bớt gánh nặng bao cấp cho ngân sách.

Ở Việt Nam, công tác xử lý chất thải rắn sinh hoạt và nước thải sinh hoạt vẫn dựa chủ yếu vào ngân sách của Nhà nước. Ở nhiều địa phương, 80% số tiền này chỉ dùng vận chuyển, xử lý rác thải, không còn kinh phí cho các vấn đề môi trường khác. Ở Hà Nội hiện mới thu gom được khoảng 85% rác thải sinh hoạt, còn khu vực nông thôn ngoại thành, thu gom rác thải mới được khoảng 40-50%.

Luật Bảo vệ môi trường 2005 cũng quy định nhiều hình thức trả tiền cho hành vi gây ô nhiễm, tựu chung gắn liền với cách hiểu về chủ thể gây ô nhiễm, đó là tiền phải trả cho việc khai thác tài nguyên hay tiền phải trả cho việc phát thải vào môi trường, sử dụng một số dịch vụ môi trường.

Ví dụ, phí dịch vụ gom chất thải rắn là loại phí dịch vụ môi trường, được áp dụng khi các chủ thể sử dụng dịch vụ môi trường (thu gom chất thải ). Chất thải rắn ở đây được hiểu là rác thải sinh hoạt, rác thải dịch vụ thương mại, kể cả các chất thải đô thị độc hại. Theo ông Hoàng Dương Tùng, cần phải phân loại rác thải tại nguồn, tổ chức hệ thống thu gom vận chuyển cho tốt, tái chế, tái sử dụng nhiều hơn.

“Phân tích kỹ mô hình thu gom, xử lí rác thải nông thôn tại huyện Thanh Oai, chúng tôi đánh giá rất cao vì nó đạt 3 yêu cầu. Thứ nhất, bảo vệ được môi trường vì thu gom triệt để khối lượng rác thải ra. Thứ hai, tiết giảm được chi phí ngân sách Nhà nước vì lượng rác phải vận chuyển đi giảm gần 50% so với lúc chưa phân loại. Thứ 3, hạn chế tối đa nước từ rác chảy ra đường trong quá trình vận chuyển cũng như ngấm xuống nơi chôn lấp vì rác đem đi xử lí chỉ là rác vô cơ. Chính vì vậy, đây là điển hình về xã hội hóa rác thải nông thôn áp dụng công nghệ tiên tiến cần được các đơn vị chuyên môn tuyên dương, khuyến khích, nghiên cứu nhân rộng”, đại diện lãnh đạo TP. Hà Nội cho biết.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh chia sẻ: “Việc thu gom xử lí rác thải sinh hoạt nông thôn hiện nay là nhiệm vụ vô cùng cấp bách, đặc biệt khi đây là một trong những tiêu chí quan trong trong XDNTM. Do đó, từ sự tiên phong trong mô hình tại huyện Thanh Oai, Bộ Xây dựng và các cơ quan hữu quan của thành phố Hà Nội cần nghiên cứu xây dựng các quy trình, định mức, đơn giá để các doanh nghiệp yên tâm tham gia đầu tư bằng hình thức xã hội hóa cũng như là cơ sở để các huyện tính toán, cân đối chi trả kinh phí xử lí cho doanh nghiệp”.

Để đạt mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 Hà Nội trở thành Thủ đô xanh - sạch, thì lượng chất thải, đặc biệt là chất thải rắn, rác thải sinh hoạt cần được phân loại, tận thu tối đa và xử lý bằng công nghệ tiên tiến. Muốn làm được điều này, trước hết, Hà Nội phải hoàn thiện cơ chế, chính sách kêu gọi đầu tư, khuyến khích xã hội hóa và có kế hoạch thực hiện với lộ trình cụ thể.

Nhất Nam

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top