Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 17 tháng 5 năm 2024  
Thứ tư, ngày 30 tháng 3 năm 2016 | 10:32

Phú Yên: Cá bớp chết hàng loạt, người nuôi lỗ nặng

Sau thất bại từ những mùa vụ trước, nông dân nuôi trồng thủy sản trên địa bàn TX. Sông Cầu (Phú Yên) lại tiếp tục thua lỗ khi cá bớp chết hàng loạt.

Ông Phạm Tuấn Mạnh, ở TX. Sông Cầu, không giấu được nỗi lo khi 13 ô nuôi cá bớp với mỗi ô hơn 100 con thả được 6 tháng, giờ cá chỉ còn sống chưa được một nửa. Ông Mạnh cho biết, cá bắt đầu chết từ lúc gần đến thời kỳ thu hoạch (khi cá dài khoảng 25 - 30cm), mà chúng tôi chưa rõ nguyên nhân. Chỉ còn khoảng một tháng nữa tôi sẽ xuất bán, nhưng giờ đây cá lại chết hàng loạt. Điều này khiến cho tôi không những không thu lại được vốn mà còn phải đối mặt với số nợ ngân hàng cả 100 triệu đồng. “Tình hình này, số cá còn lại có sống sót thì khi đến kỳ thu hoạch cũng sẽ bị thương lái ép giá. Cuối cùng, người chịu thiệt là dân thôi”. Ông Mạnh trả lời nhát gừng rồi lặng đi, chừng như cố ngăn những giọt nước mắt chực trào ra trên gương mặt sạm đen, phờ phạc. Nói xong, ông đứng dậy bỏ đi ra ô cá vớt cá chết. Tại ô cá, ông vớt vài con cá chết nằm nghiêng, vây nổi một phần lên mặt nước.

Cá bớp chết nằm nghiêng, vây nổi một phần lên mặt nước trong ô nuôi

Anh Nguyễn Văn Bình ở phường Xuân Yên cũng là người có nhiều năm kinh nghiệm trong nuôi cá bớp. Đầu năm, anh đã đầu tư hơn 60 triệu đồng thả nuôi gần 2.000 con cá bớp giống. Bình quân mỗi ô cá bớp (cỡ 1kg/con) sẽ tiêu tốn khoảng 15kg thức ăn/ngày. Với giá thức ăn hiện hành là 16.000 đồng/kg, qua gần 4 tháng nuôi, chi phí thức ăn cho cá là hàng chục triệu đồng. Cách đây gần 1 tuần, cá đã đạt trọng lượng từ 0,5 - 1kg mỗi con, nhưng bỗng nhiên thi nhau lăn ra chết như rạ. Có ngày, cá chết gần cả chục con. Tình trạng cá bị bệnh rồi chết hàng loạt làm anh Bình như ngồi trên đống lửa. “Ban đầu, tôi phát hiện trong mang, mắt cá có những con bọ nhỏ li ti bằng hạt cát bò cắn cá. Vài ngày sau, mắt cá chuyển sang màu đỏ và mù, làm cá không ăn được. Đây là lần đầu tiên tôi thấy loại bệnh này nên chưa có kinh nghiệm xử lý. Thấy cá chết nhiều mà không biết nguyên nhân nên gia đình rất hoang mang. Tôi đã làm đủ cách như: tắm cho cá, trộn thuốc bổ cho cá ăn để tăng sức đề kháng nhưng tình trạng cá chết vẫn không giảm mà ngày một tăng. Chỉ tính từ đầu tháng 1 đến nay, trong tổng số 2.000 con cá giống thả nuôi thì đã có gần 50% bị chết, nhưng số cá còn lại hầu như đều bị hỏng mắt, ước thiệt hại gần 100 triệu đồng. Toàn phường có khoảng 83 hộ dân nuôi cá bớp với tổng số 285 ô nuôi, mỗi ô có khoảng 100 - 150 con còn chết lác đác”, anh Bình than thở.

Theo nhiều người nuôi cá, từ trước Tết đến nay, tình trạng cá chết xảy ra hầu hết ở các hộ nuôi cá bớp trên địa bàn, chủ yếu là ở các xã Xuân Cảnh, Xuân Hòa, Xuân Phương và các phường Xuân Thành, Xuân Đài, Xuân Yên. Tỉ lệ cá bị bệnh và chết chiếm khoảng 50%. Đến nay đã có khoảng 500 lồng nuôi cá bị bệnh. Chưa năm nào hiện tượng cá chết xảy ra nhiều và gây thiệt hại lớn cho bà con như năm nay.

Cá chết hàng loạt, giờ trong các ô nuôi cá bớp chỉ còn lớt thớt vài con

Nhận được thông tin, cơ quan chức năng TX. Sông Cầu đã phối hợp với Chi cục Thú Y tỉnh Phú Yên kiểm tra nhận thấy hầu hết cá bớp bị chết, mắt cá đều chuyển màu đỏ, cầu mắt lồi ra ngoài, sau đó cá mù hẳn, mang cá nhợt nhạt. Cơ quan chức năng đã hướng dẫn những hộ nuôi cá bớp cách ngăn chặn cá phát bệnh bằng cách khử trùng thức ăn cho cá bằng hóa chất sát khuẩn trước khi cho ăn và sử dụng thức ăn còn tươi, không bị ươn, thối; điều chỉnh lượng thức ăn hợp lý, không để dư thừa làm ô nhiễm nguồn nước… Đồng thời lấy mẫu cá bệnh đưa đi xét nghiệm. Mới đây, kết quả xét nghiệm của Cơ quan Thú y vùng VI cho thấy, cá bớp chết là do nhiễm vi khuẩn Photobacterium damselae.

Trước tình hình trên, để phòng ngừa và ngăn chặn tổn thất, đối với những ô cá bị nhiễm bệnh, đại diện lãnh đạo Chi cục Thú y Phú Yên cho biết, đơn vị đã hướng dẫn cho người dân phác đồ điều trị bệnh theo 3 bước. Bước 1: tắm cá bị bệnh bằng các loại hóa chất sát trùng như thuốc tím (KMnO4) trong 15-20 phút, liều sử dụng 7-10g/m3 nước hoặc iốt (Iodine) trong 15-20 phút, liều sử dụng 10-15 g/m3 nước; cải thiện môi trường nước nuôi (nếu có thể). Bước 2: trộn vào thức ăn thuốc kháng sinh Sulfamethoxazole hoặc Trimethoprime với liều 50-70mg/kg cá/ngày và cho cá ăn liên tục trong 5-7 ngày. Bước 3: trộn vào thức ăn vitamin tổng hợp, đặc biệt là vitamin C với liều 50mg/kg cá/ngày.

Còn đối với những ô cá chưa nhiễm bệnh, Chi cục yêu cầu người dân thả cá với mật độ nuôi vừa phải, thường xuyên kiểm tra, vệ sinh lồng nuôi, định kỳ tắm cho cá bằng nước ngọt; đồng thời bổ sung vitamin tổng hợp và các khoáng chất, đặc biệt là vitamin C hoặc beta-1,3-1,6-glucan với liều lượng 500-1000mg/kg thức ăn nhằm tăng cường sức kháng bệnh cho cá.

Anh Thi

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Sát cánh cùng người dân phát triển kinh tế, đồng vốn từ NHCSXH huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã góp phần làm sống lại nghề trồng dâu nuôi tằm tưởng như đã “lụi” lại vươn mình phát triển mạnh mẽ, tạo phong trào thi đua làm kinh tế sôi nổi tại địa phương.

  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • Hà Nội: Canh tác lúa theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao chất lượng sản phẩm

    Hà Nội: Canh tác lúa theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao chất lượng sản phẩm

    Để có sản phẩm lúa, gạo ngon được thị trường tiêu dùng lựa chọn, bà con nông dân phải thay đổi phương pháp canh tác, áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật để tạo ra sản phẩm chất lượng. Có như vậy, người nông dân mới tiêu thụ được sản phẩm và có lợi nhuận cao, trong đó áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là một lựa chọn.

  • Trưng bày sản phẩm OCOP chào mừng Lễ hội Hoa Phượng đỏ

    Trưng bày sản phẩm OCOP chào mừng Lễ hội Hoa Phượng đỏ

    120 gian hàng là những sản phẩm OCOP và thủ công mỹ nghệ được giới thiệu, trưng bày tại vườn hoa Tố Hữu thuộc Dải trung tâm TP. Hải Phòng.

  • Được trao sinh kế, người dân Lang Chánh thoát nghèo

    Được trao sinh kế, người dân Lang Chánh thoát nghèo

    Với phương châm “trao cần câu, không trao con cá”, thời gian qua, hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Lang Chánh (Thanh Hóa) được Nhà nước hỗ trợ sinh kế, đã nỗ lực sản xuất kinh doanh, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Top