Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 20 tháng 5 năm 2024  
Thứ hai, ngày 22 tháng 2 năm 2016 | 1:24

Sẵn sàng cho vụ xuân 2016

Vụ xuân năm 2016 được dự báo có nền nhiệt độ ấm, rét đậm và rét hại có khả năng xảy ra một số đợt nhưng không kéo dài. Đ­ể bảo đảm mục tiêu kế hoạch, thời điểm này ngành nông nghiệp các địa phương và nông dân đang tích cực chuẩn bị các phương án và giải pháp để giành vụ xuân thắng lợi.

Nam Định: Mở rộng diện tích  lúa chất lượng cao

Vụ xuân năm 2016, tỉnh Nam Định phấn đấu gieo cấy 75.500ha lúa, năng suất bình quân đạt 69 tạ/ha trở lên. Để đạt được mục tiêu đề ra, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh đã xây dựng cơ cấu giống theo hướng sản xuất hàng hóa có chất lượng, giá trị cao và thị trường tiêu thụ tốt, phù hợp với từng vùng. Các vùng có điều kiện thâm canh tăng năng suất và các vùng nhiễm mặn, nhiễm chua phèn, chân ruộng trũng tăng cường sử dụng giống lúa lai. Các huyện phía Nam cơ cấu lúa lai chiếm 30% diện tích, còn lại là lúa thuần. Các xã ven biển nên tập trung cấy lúa lai với giống chịu mặn và chất lượng cao. Các huyện phía Bắc lúa lai chiếm 20% diện tích, lúa thuần chiếm 80% diện tích, với các giống: Nhị ưu 838, CT16, TX111, D.ưu 527, TH3-3... Lúa thuần chủ yếu sử dụng các giống: BT7, Nếp 87, Nếp 97, TBR225, Nam Định 5, Hương biển 3, Thiên ưu 8, DQ11, QR1, GS333…; trong đó, giống chủ lực là BT7. Mở rộng diện tích các giống lúa mới năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh khá như: CS6, TEJ vàng, Hương biển 5, M1,…

Các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Nam Định đã chuẩn bị 450 tấn giống lúa lai và trên 2.500 tấn các giống lúa thuần nằm trong cơ cấu của tỉnh. Nhiều hợp tác xã, đại lý, cửa hàng vật tư nông nghiệp trên địa bàn đã chủ động tìm các nguồn hàng bảo đảm uy tín, chất lượng để cung ứng, giúp nông dân lựa chọn những loại giống phù hợp với đồng đất, đem lại giá trị kinh tế cao.

Ông Vũ Văn Thanh ở thôn Vân Đồn, xã Nghĩa An (Nam Trực) cho biết: “Vụ xuân năm nay, gia đình tôi cấy gần 1,5 mẫu lúa BT7, trong đó có trên 5 sào gieo sạ nên tôi đã chuẩn bị giống từ sớm. Kinh nghiệm nhiều năm cho thấy, nếu mua được giống nguyên chủng và xác nhận đạt chất lượng thì việc gieo sạ mới bảo đảm năng suất cao”.

Để bảo đảm đủ nước cho vụ xuân và thực hiện tốt công tác phòng chống hạn, các địa phương và các công ty khai thác công trình thủy lợi đã tập trung kiểm tra và đầu tư cải tạo, nâng cấp, sửa chữa các công trình, mua sắm thêm máy bơm dã chiến, chủ động lấy nước sớm, khai thác hiệu quả 3 đợt xả nước hồ thủy điện. Trong thời gian tới, các công ty sẽ phối hợp chặt chẽ với các xã, thị trấn bám sát diễn biến thời tiết, thủy văn, lịch xả nước và lịch gieo cấy của địa phương để khai thác đủ, kịp thời nguồn nước, phục vụ đổ ải, gieo cấy và chăm sóc lúa.

Chợ Mới: Đảm bảo gieo cấy đúng khung thời vụ

Nông dân Bắc Kạn gieo mạ chuẩn bị cho vụ lúa Xuân.

Theo kế hoạch, vụ xuân năm nay huyện Chợ Mới (Bắc Kạn) sẽ gieo trồng hơn 2.000ha cây lương thực có hạt. Trong đó, cây lúa 950ha, ngô 1.200ha. Hiện người dân trên địa bàn đang tích cực làm đất để kịp thời vụ gieo trồng…

Gia đình bà Hoàng Thị Nhàn ở thôn Bản Tèng, xã Yên Đĩnh có 8.000m2 đất nông nghiệp. Trong đó, đất trồng ngô 5.000m2; đất trồng lúa 3.000m2, vụ xuân này bà có kế hoạch trồng hết diện tích. Tranh thủ thời tiết ấm dần lên, mấy ngày nay gia đình đang tích cực cày ải để trồng ngô xuân.

Mặc dù đi thuê đất của người khác để canh tác nhưng gia đình bà Ma Thị Cương (thôn Bản Tèng, xã Yên Đĩnh) cũng đang chủ động cày ải 2.000m2 đất soi bãi để kịp thời vụ trồng ngô xuân.

Để chủ động và đảm bảo khung thời vụ, hiện nay huyện Chợ Mới đang chỉ đạo các địa phương tuyên truyền người dân chuẩn bị các điều kiện, phương tiện làm đất, gieo trồng cây lương thực vụ xuân theo đúng kế hoạch. Về cơ cấu giống, đối với cây lúa, ngô bố trí bộ giống phù hợp theo từng vùng sản xuất, tăng cường mở rộng diện tích gieo trồng các giống lúa thuần, giống tiến bộ kỹ thuật có năng suất, chất lượng, có khả năng chống chịu sâu bệnh phù hợp với khả năng đầu tư thâm canh của người dân, như: PC6, Khang dân, DV108, Tạp giao I, Syn 6… Đối với cây ngô, trồng các bộ giống, như: CP999, CP333, NK4300, NK66, NK54…  Huyện yêu cầu các địa phương  tăng cường tuyên truyền và khuyến cáo người dân tuyệt đối không trồng ngô hoặc gieo mạ khi nhiệt độ trung bình ngày đêm dưới 15 độ C.

Ông Bế Ngọc Hùng, Phó chủ tịch UBND huyện Chợ Mới, cho biết: Để chủ động sản xuất vụ xuân năm 2016, huyện Chợ Mới đã ban hành Quyết định 3222/QĐ-UBND ngày 31/12/2015 về việc ban hành phương án sản xuất vụ đông xuân 2015-2016. Trong đó, đối với sản xuất vụ xuân, huyện yêu cầu tập trung sản xuất cây lúa, ngô, đảm bảo gieo cấy đúng khung thời vụ. Các ngành liên quan, các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền người dân cày ải đất sớm, tập trung gieo mạ xung quanh tiết lập xuân, phấn đấu gieo cấy tập trung trong tháng 2, đầu tháng 3, kết thúc gieo cấy lúa trước ngày 10/3.  Đối với cây ngô xuân, tập trung trồng trước 15/3 đối với đất ruộng và soi bãi, trước ngày 30/4 đối với đất đồi.

Chiêm Hóa rộn ràng vào vụ

Tranh thủ thời tiết ấm áp trở lại, ngay sau những những ngày đón Tết Bính Thân 2016, nông dân huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) khẩn trương bắt tay vào gieo cấy lúa xuân.

Xác định việc thực hiện đúng khung lịch thời vụ ngay từ vụ xuân là tiền đề quan trọng cho các vụ sản xuất tiếp theo trong năm, khi thời tiết ấm áp trở lại, thuận lợi cho việc gieo trồng, ngay từ ngày mùng 4 Tết, nông dân xã Hòa Phú đã tập trung ra đồng để gieo cấy lúa xuân. Nhờ thực hiện tốt các biện pháp bảo vệ mạ giống vượt qua đợt rét đậm, rét hại dịp trước Tết Nguyên đán nên đến thời điểm này, toàn bộ diện tích gieo cấy lúa vụ xuân trên địa bàn xã đều đảm bảo đủ mạ cung ứng, phục vụ tiến độ sản xuất của bà con. Hiện, nông dân xã Hòa Phú đã cấy được trên 70% diện tích lúa xuân và sẽ cố gắng hoàn thành trong khung thời vụ tốt nhất.

Ông Ma Văn Long, Phó chủ tịch UBND huyện Chiêm Hóa, cho biết: Ngay từ đầu vụ, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo UBND các xã, thị trấn vận động bà con gieo cấy đúng lịch chỉ đạo của tỉnh. Theo kế hoạch, vụ xuân năm 2016, huyện Chiêm Hóa gieo cấy trên 4.070ha lúa. Trong điều kiện thời tiết ấm áp trở lại, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo các ngành chức năng trực tiếp bám sát địa bàn, thường xuyên đôn đốc các xã và thị trấn đẩy nhanh tiến độ gieo cấy lúa xuân. Đối với những diện tích không chủ động nguồn nước tưới phải chuyển đổi sang trồng các loại cây màu để đảm bảo thu nhập cho nông dân.

Cùng với hơn 4.000ha lúa, vụ xuân năm nay huyện Chiêm Hóa cũng phấn đấu hoàn thành gieo trồng thêm 1.900ha lạc và trên 1.080ha ngô. Bằng các biện pháp chỉ đạo tích cực, đồng bộ và tập trung, Chiêm Hóa đang phấn đấu có vụ sản xuất thắng lợi.

Hà Nội: Chủ động nguồn nước

Trong những ngày qua, các hồ thủy điện dừng xả nước đợt 2, nhưng các trạm bơm trên địa bàn TP.Hà Nội vẫn được vận hành liên tục phục vụ nhân dân làm đất.

Trên cánh đồng các xã Tự Lập, Tam Đồng (Mê Linh) những ngày này, người dân đang khẩn trương lấy nước, làm đất đổ ải. Bà Trần Thị Lập (xã Tự Lập) cho biết, gia đình có hơn 4 sào ruộng, đến thời điểm này đã cơ bản đủ nước, tranh thủ thời tiết ấm lên huy động toàn bộ nhân lực ra đồng làm đất đổ ải. Theo bà Lập, năm nay nguồn nước rất thuận lợi nên chỉ sau 3 ngày xả nước, phần lớn diện tích đất nông nghiệp của xã Tự Lập đã đủ nước.

Ông Trần Văn Vững, Phó giám đốc Xí nghiệp Thủy lợi Thanh Điềm cho biết, vụ xuân 2016, xí nghiệp xây dựng phương án chống hạn rất chi tiết và gắn trách nhiệm đến từng công nhân, tổ máy trực dã chiến nên ngay ngày đầu tiên xả nước (21/1/2016) đã phân công 3 ca, ứng trực 24/24 giờ vận hành liên tục 16 tổ máy bơm dã chiến có công suất 1.100m3/giờ/máy để tiếp nước vào kênh mương nội đồng phục vụ nhân dân đổ ải, làm đất.

Tương tự Mê Linh, nhiều địa phương khác trên địa bàn TP.Hà Nội, diện tích đổ ải đạt cao như: Phú Xuyên 8.600ha, đạt 100% diện tích; Thanh Oai hơn 6.300 ha, đạt 98%; Thường Tín hơn 5.000ha, đạt 95%; Ứng Hòa 9.100ha, đạt 91%... Ông Lê Xuân Uyên, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Nội cho biết, năm nay nguồn nước đổ ải rất thuận lợi, không khí lạnh tăng cường đợt cuối tháng 1/2016 đã mang đến những trận mưa rào trên diện rộng, giúp giải hạn cho các địa phương sản xuất.

Bà Nguyễn Thị Thoa, Trưởng phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội), cho biết, vụ xuân 2016, toàn thành phố sẽ gieo cấy hơn 99.700ha lúa, năng suất dự kiến đạt 63 tạ/ha. Thực hiện kế hoạch này, Sở đã chỉ đạo các địa phương tập trung tối đa cấy trà xuân muộn (chiếm 90% diện tích); trong đó tập trung vào một số giống lúa thuần chủ lực như: Khang dân 18, Hương thơm số 1, Bắc thơm số 7, Nàng xuân, Nhị ưu, ĐB6... Sở cũng khuyến cáo, đối với những khu vực đã hoàn thành dồn điền đổi thửa, cánh đồng mẫu lớn tập trung sản xuất cùng một loại giống lúa theo hướng hàng hóa nhằm giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả trồng lúa.

Ngoài ra, để giành vụ xuân thắng lợi, Sở yêu cầu các huyện tuyên truyền cho nhân dân xuống đồng cấy lúa xuân sau tiết lập xuân và không khuyến khích cấy trà xuân sớm. Đối với diện tích mạ, lúa mới cấy bị chết do đợt rét đậm vừa qua, Sở yêu cầu các địa phương chuyển sang cấy trà xuân muộn. Khi thời tiết ấm lên sẽ phát động nhân dân đồng loạt ra quân sản xuất, bảo đảm cấy gọn diện tích lúa xuân trong tháng 2/2016.

Khánh Nguyên (tổng hợp)

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Thử thách đặt ra khi theo nghề Freelancer

    Thử thách đặt ra khi theo nghề Freelancer

    Nhiều người thường nghĩ công việc của một Freelancer khá thoải mái khi họ được tự chủ về mặt thời gian làm việc. Thực tế, công việc này cũng có những thử thách và áp lực riêng mà không phải ai cũng biết.

  • Nuôi thành công cá Koi ở vùng chiêm trũng

    Nuôi thành công cá Koi ở vùng chiêm trũng

    Nhiều lần thất bại trong việc đầu tư nuôi các loại cá cảnh khác nhau, nhưng với niềm đam mê của mình, anh Vũ Văn Tăng đã vượt qua mọi khó khăn để thực hiện thành công mô hình nuôi cá Koi.

  • Hứa hẹn đem lại thu nhập cao với mận hồng

    Hứa hẹn đem lại thu nhập cao với mận hồng

    Giống mận hồng mới trái to, thịt chắc, ăn giòn, ngọt được anh Trần Ngọc Quận (44 tuổi, ngụ ấp Thành Lộc, xã Thành Trung, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) trồng thành công và cho trái đạt trọng lượng lên đến 5 trái/kg.

Top