Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 2 tháng 5 năm 2024  
Thứ tư, ngày 30 tháng 3 năm 2022 | 9:23

Tạo sinh kế cho người dân và bảo vệ rừng bền vững

Những năm qua, bà con dân tộc thiểu số ở vùng “đệm” thuộc Vườn quốc gia Pù Mát (Tương Dương, Nghệ An) đã được Nhà nước và các chương trình, dự án hỗ trợ, tạo sinh kế nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo, qua đó rừng được bảo vệ.

Tuy nhiên, để công tác bảo vệ rừng đạt yêu cầu, vẫn cần nhiều giải pháp tổng thể và đồng bộ.

Cải thiện cuộc sống người dân để giữ rừng

Tam Quang (Tương Dương) là vùng đệm của Vườn quốc gia Pù Mát. Những năm qua, bằng các nguồn vốn vay ưu đãi, hỗ trợ từ các chương trình dự án, địa phương đã phát triển mang tính bền vững.

Ông Kha Văn Toàn (bản Bãi Sở, xã Tam Quang) cho biết: Trước đây, chúng tôi thường vào rừng để kiếm lâm sản phụ. Được vay vốn ưu đãi từ các chương trình, dự án, gia đình tôi đã mạnh dạn phát triển trang trại tổng hợp. Hiện tôi nuôi hơn 10 con trâu, bò, kết hợp trồng xoan, tre và cây nguyên liệu, mỗi năm doanh thu hàng trăm triệu đồng.

 

2.JPG
Mô hình nuôi cá lồng bè xã Tam Đình, Tương Dương, Nghệ An.

 

Bà Kha Thị Hiền, Chủ tịch UBND xã Tam Quang, cho biết: Tam Quang là xã biên giới, còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, những năm qua, được các chương trình, dự án đầu tư hỗ trợ, cuộc sống của bà con ngày càng cải thiện.  Tam Quang xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế giỏi, như trồng thanh long ruột đỏ ở Bãi Sở, mây tre đan của ông Kha Văn Thương ở Tam Bông,  nuôi dế, chim cút của ông Lương Văn Sa ở Tam Bông… Hiện Tam Quang có gần 5.000 con trâu, bò, là xã có diện tích rừng nguyên liệu lớn nhất huyện (trên 1.000ha). Kinh tế phát triển ổn định nên người dân không vào rừng tìm lâm sản phụ, xâm hại rừng …

Ông Lô Khăm Kha, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tương Dương, cho biết thêm: Huyện có 4 xã thuộc vùng đệm Vườn quốc gia Pù Mát, bao gồm các xã Tam Đình, Tam Thái, Tam Quang, Tam Hợp. Từ năm 2000 về trước, do khó khăn, nhiều bà con thường hay vào rừng tìm lâm sản phụ, đốt nương làm rẫy. Những năm qua, nhờ các dự án lồng ghép phát triển kinh tế của Nhà nước, cụ thể là bà con được vay vốn phát triển các mô hình, huyện đã chỉ đạo các phòng chuyên môn như nông nghiệp, khuyến nông… hướng dẫn kỹ thuật xây dựng các mô hình hiệu quả. Các xã vùng đệm đều phát huy được thế mạnh phát triển kinh tế từ các nguồn vốn vay như phát triển trồng rừng, chăn nuôi, trồng rau sạch, nuôi cá lồng bè… Nhờ vậy, bà con đã giảm áp lực từ nghề rừng.

Tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt (thuộc huyện Quế Phong), trước đây người dân vùng đệm các xã Thông Thụ, Đồng Văn… sản xuất nông nghiệp vẫn còn khá lạc hậu, canh tác nương rẫy là phổ biến, đồng bào chưa biết cách đầu tư thâm canh cho các loại cây trồng, chăn nuôi nhỏ lẻ. Từ năm 2018 đến nay, Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt  đã phối hợp với huyện Quế Phong và UBND các xã vùng đệm xây dựng các mô hình sinh kế bền vững.

Từ năm 2018 đến nay, hàng trăm hecta rừng trồng gỗ lớn đã được đơn vị hỗ trợ cho người dân trồng trên diện tích đất được giao cho gia đình tại các xã: Đồng Văn, Thông Thụ, Tiền Phong, Hạnh Dịch và Nậm Giải. Năm 2020, Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt đã giúp người dân xây dựng 3 mô hình “Cải tạo vườn tạp” ở xã Thông Thụ, hỗ trợ bản Piêng Lâng (xã Nậm Giải) phát triển mô hình “trồng khoai sọ”... Đến nay, Nậm Giải có trên 45 hộ trồng hơn 5ha khoai sọ.

Những năm qua, huyện Quế Phong còn xây dựng vườn ươm các cây dược liệu nhằm phục hồi một số giống quế để nhân rộng trên địa bàn. Hàng năm, vườn ươm Na Chạng (xã Đồng Văn) cung ứng trên 3 vạn cây giống phục vụ cho bà con Quế Phong trồng 50 - 60ha. Tính đến thời điểm này, toàn huyện có trên 300ha quế, nhờ cây quế mà nhiều gia đình có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống.

Cần nhiều giải pháp

 Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An được UNESCO chính thức công nhận  ngày 18/9/2007, là khu sinh quyển thứ 6 của Việt Nam và là khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) lớn nhất khu vực Đông Nam Á được công nhận các giá trị về đa dạng sinh học, đa dạng về bản sắc văn hoá các dân tộc miền Tây Nghệ An. Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An nằm trên địa bàn 9 huyện miền núi tỉnh Nghệ An, trong đó có Vườn quốc gia Pù Mát và Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, Pù Hoạt. Những năm qua, người dân bản địa đã được hưởng lợi từ các giá trị, tài nguyên thiên nhiên, văn hoá của Khu DTSQ.

Các hoạt động bảo tồn và phát triển tại Khu DTSQ đã tạo các sinh kế mới duy trì theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường, đóng góp vào cải thiện thu nhập và mức sống cho hộ dân.  Một số địa phương đã phục hồi và phát triển các nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, mây tre đan; phát triển chăn nuôi, trồng trọt các loài cây, con đặc sản của địa phương như vịt bầu quỳ, lợn nít, trồng cây bon bo, quế quỳ, chè hoa vàng…

 

1-copy.JPG
Mô hình chăn nuôi lợn siêu nạc của bà con dân tộc thiểu số ở Tương Dương, Nghệ An.

 

Tuy nhiên, việc tạo sinh kế cho bà con vùng đệm vẫn đang còn những hạn chế, mặc dù hằng năm Trung ương và địa phương đã có nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ cho người dân có sinh kế làm ăn vươn lên thoát nghèo nhưng do điều kiện tự nhiên khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, nhiều thiên tai, bão lũ; phong tục và trình độ dân trí chưa cao nên quá trình thực hiện công tác giảm nghèo ở một số địa phương gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng vùng miền núi còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Hiện vẫn còn một số thôn bản chưa được sử dụng điện lưới quốc gia, chưa có đường ô tô vào trung tâm.

Xác định vùng đệm là  yếu tố quan trọng trong công tác bảo tồn vùng lõi của Vườn quốc gia, các Khu bảo tồn thiên nhiên, theo đại diện của Sở Nông nghiệp và PTNT Nghệ An, để bảo vệ khu dự trữ sinh quyển, cần sớm có cơ chế, chính sách phù hợp  hỗ trợ người dân vùng đệm  phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp giá trị cao và lâm sản ngoài gỗ gắn với doanh nghiệp và thị trường đầu ra. Với việc lựa chọn các sản phẩm tiềm năng, công ty thương mại, cộng đồng và các tổ chức phi chính phủ, các chuỗi giá trị này có thể có tác động đáng kể về kinh tế và môi trường. Một số sản phẩm hiện nay tại các huyện đã được một số chương trình, dự án hỗ trợ để phát triển như: chè, quế, dược liệu, trồng rừng nguyên liệu …

Phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, đào tạo kỹ năng nghề cho thanh niên và người dân địa phương, gắn với giới thiệu việc làm trong các công ty ở khu vực và địa phương.

Nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế cho người dân vùng đệm, có sự tham gia của Ban quản lý rừng, doanh nghiệp và cộng đồng.

Có thể hướng tới việc xã hội hóa bảo vệ, phát triển rừng đặc dụng, huy động các nguồn lực ngoài nhà nước cho phát triển rừng và bảo tồn đa dạng sinh học. Xem lại vấn đề đất sản xuất, đào tạo giải quyết việc làm cho lao động. Bên cạnh đó, phải tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm đảm bảo nhu cầu đi lại và giao thương giữa các địa phương và vùng miền, từ đó từng bước làm thay đổi tư duy sản xuất để người dân vươn lên thoát nghèo bền vững...

 

Văn Thành - Ngọc Lan
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

  • Thanh Hoá “bội thu” trong 5 ngày nghỉ lễ

    Thanh Hoá “bội thu” trong 5 ngày nghỉ lễ

    Trong 5 ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5, các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đón hơn 1,5 triệu lượt khách, doanh thu đạt hơn 3,8 nghìn tỷ đồng.

  • Du lịch Nghệ An ước đạt doanh thu 1.700 tỷ đồng dịp nghỉ lễ

    Du lịch Nghệ An ước đạt doanh thu 1.700 tỷ đồng dịp nghỉ lễ

    Trong 5 ngày nghỉ lễ (từ 27/4 - 01/5), toàn tỉnh Nghệ An đón và phục vụ 950.000 lượt khách du lịch (bằng 122% so với năm 2023).

  • Du lịch “miền Trung” bội thu

    Du lịch “miền Trung” bội thu

    Dịp lễ 30/4 và 1/5 được nghỉ liên tục 5 ngày là điều kiện để nhiều người lên kế hoạch đi tham quan, du lịch cùng gia đình và bè bạn. Chính vì thế, các địa điểm du lịch ở các tỉnh miền Trung du khách đổ về tăng đột biến, nhờ có sự chuẩn bị chu đáo cơ sở, vật chất nên đã đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch đến đây

Top