Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 12 tháng 5 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 10 tháng 9 năm 2021 | 20:50

Tập trung chỉ đạo phòng, chống sâu bệnh hại lúa Mùa năm 2021

Bộ NN-PTNT vừa có văn bản đề nghị Sở NN-PTNT các tỉnh, thành phía Bắc chỉ đạo thực hiện nghiêm việc phòng chống sinh vật gây hại vụ lúa mùa cuối vụ.

Qua báo cáo của các địa phương, lúa vụ Mùa 2021 tại các tỉnh phía Bắc sinh trưởng và phát triển tốt, trà sớm giai đoạn trỗ chín - sáp, trà chính vụ đòng già - trỗ, trà muộn đứng cái - làm đòng. Điều kiện thời tiết trong thời gian vừa qua liên tục nắng mưa xen kẻ, kết hợp với mưa giông, đây là điều kiện thuận lợi cho một số đối tượng sinh vật gây hại, đặc biệt là sâu đục thân 2 chấm, rầy, sâu cuốn lá nhỏ, bệnh bạc lá, đen lép hạt,…
 
Cục Bảo vệ thực vật cho biết, hiện nay, trên lúa tại các tỉnh phía Bắc, sâu đục thân 2 chấm lứa 5 trưởng thành tiếp tục vũ hóa và đẻ trứng, mật độ trứng 02,- 0,5 ổ/m2 , cục bộ 1-5 ổ/m2; rầy nâu, rầy lưng trắng mật độ nơi cao 1.000 - 2.000 con/m2 và sẽ gia tăng mật độ trong thời gian tới; sâu cuốn lá nhỏ lứa 6 phát dục tuổi 3-5 trên đồng ruộng; điều kiện thời tiết rất thuận lợi cho bệnh bạc lá, đen lép hạt gây hại nặng cho trà lúa trỗ - phơi màu trở đi.
 
Để bảo vệ an toàn vụ Mùa 2021 từ nay đến cuối vụ trong thời điểm một số tỉnh thực hiện các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phía Bắc chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện nghiêm túc phòng chống sinh vật gây hại vụ lúa mùa cuối vụ.
 
Cụ thể, Phân công cán bộ kỹ thuật bám sát đồng ruộng, thực hiện công tác điều tra phát hiện và dự tính, dự báo chính xác thời điểm phát sinh, gây hại của các sinh vật gây hại chính để chủ động hướng dẫn, chỉ đạo phòng chống. Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương hướng dẫn nông dân tăng cường kiểm tra đồng ruộng, phát hiện và phòng chống kịp thời một số sinh vật gây hại chính trên lúa.
 
benh-dich1.jpg
Rầy nâu hại lúa

 

 
Đối với sâu đục thân 2 chấm: Tiếp tục theo dõi chặt chẽ mật độ ổ trứng trên lúa giai đoạn đòng già - trỗ, nhất là trà muộn trỗ sau 15/9 để chủ động trong công tác chỉ đạo phun trừ. 
 
Đối với sâu cuốn lá nhỏ: Tập trung giám sát trên trà lúa muộn, các giống lúa thơm, lúa đặc sản, diện tích xanh tốt bón thừa đạm, hướng dẫn phòng chống sâu cuốn lá nhỏ lứa 7, bảo vệ an toàn bộ lá đòng để đảm bảo năng suất lúa.
 
Đối với rầy nâu, rầy lưng trắng: Theo dõi diễn biến phát sinh của rầy lứa 7 trên các trà lúa giai đoạn từ chín sữa - chín; tổ chức phòng chống kịp thời những diện tích có mật độ cao ngay từ khi rầy tuổi 2-3 bằng các loại thuốc đặc hiệu để hạn chế cháy rầy cuối vụ. Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, đặc biệt, mưa và bão để kịp thời hướng dẫn nông dân biện pháp phòng chống bệnh bạc lá, đạo ôn cổ bông, đen lép hạt kịp thời.
 
Bên cạnh đó, lãnh đạo các tỉnh cần hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”; thu gom và xử lý an toàn, đúng quy định với vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng. Chủ động phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng để tuyên truyền về tình hình sinh vật gây hại cây trồng và phương án phòng chống. Tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật ở địa phương, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ, báo cáo đột xuất tình hình sinh vật gây hại, kết quả công tác phòng chống và đánh giá thiệt hại (nếu có) về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Cục Bảo vệ thực vật).
 
 
Thanh Xuân
Ý kiến bạn đọc
Top