Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 18 tháng 5 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 16 tháng 12 năm 2016 | 2:2

Thấp thỏm vụ hoa Tết

Năm nay thời tiết bất thường, đã sang mùa khô nhưng vẫn còn những trận mưa trái mùa khá lớn khiến nhiều nhà vườn trồng hoa Tết ở Đồng Nai nh­ấp nhổm không yên. Nhiều vườn mai hiện đua nhau nở sớm; còn cúc, mào gà và một số loại hoa khác thì bị sâu bệnh gây hại, sinh trưởng khó khăn.

Vườn mai nở sớm của ông Nguyễn Văn Bắc.

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán 2017 nhưng mai ở nhiều vườn đã “rủ nhau” tung bông vàng rực khiến chủ vườn lo lắng. Có những vườn tỷ lệ mai nở sớm lên đến 50-60% mà không có cách hãm lại. Những vườn giữ được tỷ lệ mai nở bông thấp cũng rất bất an, vì thời gian phải giữ để mai không nở sớm vẫn còn khá dài. Trong khoảng thời gian này, nếu xuất hiện vài cơn mưa lớn thì rất khó canh cho mai nở đúng dịp Tết Nguyên đán.

Ông Nguyễn Văn Bắc, thợ chăm sóc mai tại xã An Phước (huyện Long Thành), cho hay: “Trong vườn tôi chăm sóc có hơn 100 gốc mai lớn, giá từ vài triệu đến vài chục triệu đồng/chậu, dù được chăm sóc kỹ nhưng số cây nở bông vẫn chiếm gần 60%. Có những chậu tỷ lệ nở bông ít còn xử lý được với điều kiện từ nay đến trước Tết Nguyên đán nửa tháng không có mưa. Với những cây hoa nở dày đặc thì đành chấp nhận mất vụ mai Tết”.

“Vườn mai của tôi có khoảng 2.000 chậu mai ghép lớn nhỏ. Dịp này tôi may mắn giữ được một số chậu mai nở bông ít, nhưng vẫn còn hơn 1 tháng nữa nên không biết có giữ được cho mai nở đúng Tết Nguyên đán hay không. Hơn 10 năm trồng và chăm sóc mai, tôi thấy năm nay thời tiết khắc nghiệt nhất”, ông Phạm Tấn Tài, quản lý vườn mai Đồng Khởi ở phường Tân Hiệp (TP.Biên Hòa) chia sẻ. Cũng theo ông Tài, thời gian phải giữ cho mai không ra bông còn khá dài. Trong khoảng thời gian đó, nếu sương muối nhiều và mưa vài trận sẽ rất khó giữ cho mai không nở sớm.

Không chỉ Đồng Nai, các vườn mai lớn ở quận Thủ Đức (TP.Hồ Chí Minh), miền Tây cũng đang lo lắng vì mai nở sớm quá nhiều. Nhiều nhà vườn khẳng định, mai cho Tết Nguyên đán năm nay chắc chắn sẽ ít hơn những năm trước.

Các loại hoa khác như: cúc, vạn thọ, mào gà, phăng-xê, huệ, lay-ơn... cũng đang chịu ảnh hưởng lớn của thời tiết. Hoa cúc Đà Lạt thì phải trồng trước tết hơn 3 tháng. Dịp này cây đã lên cao chừng 20-30cm, song thời tiết mưa nhiều, độ ẩm cao, cộng với nắng nóng làm cây bị sâu bệnh nhiều. Theo ông Đỗ Quốc Việt (ở ấp Lê Lợi 2, xã Quang Trung, huyện Thống Nhất), năm nay hoa cúc Đà Lạt trồng vất vả hơn mọi năm. Thời tiết mưa nhiều, cây bị sâu bệnh nhiều hơn, chi phí phun xịt thuốc phòng trừ bệnh và công chăm sóc cũng cao hơn. Ông Việt hiện trồng hơn 1ha cúc Đà Lạt, ngoài trồng trong các chậu nhựa thì ông còn trồng vào các chậu xi măng lớn để cung cấp cho khách hàng trong và ngoài tỉnh có nhu cầu.

Nhiều nhà vườn trồng mào gà, phăng-xê,... tại huyện Thống Nhất đang lo lắng, nếu từ nay đến cuối tháng 12 còn xuất hiện vài cơn mưa nữa thì số lượng hoa mào gà cung cấp cho thị trường Tết sẽ giảm mạnh. Tương tự, vùng trồng huệ, lay-ơn ở xã Bảo Hòa (huyện Xuân Lộc) cũng chịu chung sự bất thường của thời tiết nên chăm sóc, phòng trị bệnh khá vất vả.

Hương Giang

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Sát cánh cùng người dân phát triển kinh tế, đồng vốn từ NHCSXH huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã góp phần làm sống lại nghề trồng dâu nuôi tằm tưởng như đã “lụi” lại vươn mình phát triển mạnh mẽ, tạo phong trào thi đua làm kinh tế sôi nổi tại địa phương.

  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

Top