Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 18 tháng 5 năm 2024  
Thứ hai, ngày 30 tháng 8 năm 2021 | 16:22

Thay đổi tư duy sản xuất để mỗi người dân là một thương nhân kinh tế số

Chuyển đổi số (CĐS) trong sản xuất (SX) nông nghiệp được xác định là lĩnh vực ưu tiên hiện nay. Cần có những giải pháp căn cơ làm thay đổi tư duy sản xuất để mỗi người dân là một thương nhân kinh tế số, mỗi cơ sở sản xuất là một đơn vị CĐS.

vna_potal_dai_hoi_xiii_cua_dang_xuat_nhap_khau_cua_viet_nam_vuot_500_ty_usd__5247109.jpg
Chế biến ngao tại Công ty Lenger Việt Nam (Lenger Seafoods Vietnam) xuất khẩu sang EU, Anh, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc.

 

Nam Định: Chuyển đổi số “chìa khóa” phát triển nông nghiệp

Kế hoạch CĐS của tỉnh đến giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, nhằm tạo bước đột phá trong quản lý, sản xuất và tiếp cận thị trường. Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), các địa phương và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất quy mô lớn đang tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế.

Bên cạnh đầu tư công nghệ chế biến, chú trọng thị trường tiêu thụ, CĐS được xem là “chìa khóa” phát triển nông nghiệp thông minh, công nghiệp công nghệ cao. Thời gian qua, thực hiện lộ trình CĐS ngành NN và PTNT đã cụ thể hóa bằng việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu nông, lâm nghiệp, thủy sản theo biểu thống kê và bản đồ trên nền tảng số; ứng dụng công nghệ Web-GIS trong xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về đất đai, tài nguyên, đê điều; dữ liệu chăn nuôi, dữ liệu xây dựng NTM và đang triển khai Đề án CĐS trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh trong giai đoạn 2021-2025…

Trong đó, tại xóm 4 xã Hải Bắc (Hải Hậu) đang từng bước triển khai thí điểm mô hình CĐS nhằm xây dựng khu dân cư thông minh với các tiêu chuẩn như: hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu đồng bộ, phục vụ cho quá trình ứng dụng công nghệ số và CĐS; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu kết nối đồng bộ và liên thông dữ liệu thông tin về dân cư, đất đai, sản xuất; triển khai các ứng dụng trực tuyến về: lập kế hoạch và báo cáo kết quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, giám sát đánh giá sự hài lòng của người dân và cộng đồng trong xây dựng NTM, thẩm định, xét công nhận địa phương đạt chuẩn NTM, quản lý giám sát và đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP, phát triển thương mại điện tử đối với sản phẩm OCOP của địa phương. Phấn đấu đảm bảo đạt được mức độ CĐS toàn diện trong xây dựng NTM ở tất cả các khâu, từ sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống nông thôn, xây dựng cơ sở hạ tầng, giáo dục và đào tạo, y tế, an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường, phát triển văn hóa xã hội.

Trong phát triển sản xuất, ngành NN và PTNT quan tâm thúc đẩy ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất và phát triển nông nghiệp, nông thôn, kịp thời tham mưu cho lãnh đạo tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ hàng trăm doanh nghiệp nông nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến; xây dựng thương hiệu; bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, cấp chứng chỉ quản lý chất lượng và các công cụ cải tiến năng suất, chất lượng sản phẩm, hỗ trợ truy xuất nguồn gốc sản phẩm, phát triển thương mại điện tử…

Đến nay đã có 52 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh ứng dụng tem điện tử thông minh (QR code) để truy xuất nguồn gốc thực phẩm cho gần 150 dòng sản phẩm, phục vụ hiệu quả cho công tác quản lý sản xuất, truy xuất nguồn gốc thực phẩm và chống gian lận thương mại cho các sản phẩm nông sản thực phẩm. Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào các khâu không chỉ ở các doanh nghiệp lớn mà hàng trăm trang trại, cơ sở sản xuất, chế biến tư nhân cũng thực hiện như sử dụng phần mềm nhật ký điện tử để theo dõi nhật ký sản xuất phục vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Anh Trần Văn Phong, chủ trang trại nuôi thủy sản nước ngọt tại xã Giao Long (Giao Thủy) thường bắt đầu công việc sản xuất hàng ngày bằng việc cầm điện thoại kiểm tra các thông số về lượng thức ăn, chế độ dinh dưỡng trong nước, nhiệt độ ao nuôi và thông tin dự báo thời tiết… để quyết định nhập số liệu lượng thức ăn, thời gian cho ăn đối với từng loại cá trong ao nuôi của mình. Sau bước đó, anh chỉ việc bổ sung cám vào các buồng chứa thức ăn ở các ao, mọi công đoạn còn lại từ cho ăn theo định lượng, thời điểm cho ăn, thời điểm bật quạt khí, chế độ tạo ô-xy, độ PH trong ao nuôi… đều được lập trình sẵn cho thiết bị tự động thực hiện.

Với cách làm đó, trang trại nuôi cá nước ngọt của gia đình anh rộng trên 1ha nhưng chỉ cần duy nhất 1 lao động chính; anh vừa quản lý trang trại vừa có thời gian lo công việc xã hội khác. Mỗi năm trang trại thu hoạch từ 20-30 tấn cá, cao hơn trung bình những trang trại khác trong khu vực từ 5-10 tấn. Đồng thời giảm tối đa chi phí do lãng phí thức ăn, làm sạch môi trường và điều trị bệnh. Hầu hết các trang trại trong vùng đã học tập, áp dụng cách làm của anh Phong.

Công cuộc CĐS ở ngành NN và PTNT đã được khởi động tích cực và mang lại hiệu quả thiết thực trong cả khâu quản lý, điều hành và sản xuất. Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở NN và PTNT, việc ứng dụng công nghệ, CĐS trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn còn mới mẻ và chưa đồng bộ. Ở lĩnh vực trồng trọt, phương thức sản xuất truyền thống chủ yếu dựa vào sức lao động của con người vẫn rất phổ biến. Số lượng các mô hình nhà màng, nhà lưới, ứng dụng công nghệ chăm sóc, tưới tự động vẫn chỉ “đếm trên đầu ngón tay” và đa số mới chỉ ứng dụng công nghệ số, kỹ thuật hiện đại ở một số khâu nhất định. Việc sử dụng mạng xã hội để kết nối thị trường, tiêu thụ nông sản thời gian gần đây đang được nhiều tổ chức, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh cá thể khai thác nhưng cũng chỉ dừng ở khâu chào hàng, giới thiệu sản phẩm. Bên cạnh đó thách thức lớn nữa mà ngành Nông nghiệp đang đối mặt trong tiến trình CĐS đó là diện tích đất manh mún, nhỏ lẻ; thói quen sản xuất tự do, thiếu liên kết, trong khi trình độ ứng dụng công nghệ của đa phần nông dân hiện nay thấp, nguồn lực đầu tư của Nhà nước và người dân để CĐS còn hạn chế.

Đích hướng đến của CĐS trong nông nghiệp, nông thôn chính là người dân bởi người dân vừa là đối tượng thụ hưởng vừa là chủ thể thực hiện nên ngành NN và PTNT rất cần cơ chế, chính sách, nguồn lực và sự đồng hành của các cấp, ngành chức năng, cộng đồng doanh nghiệp để phát triển đồng bộ, toàn diện nông nghiệp thông minh 4.0. Cần có những giải pháp căn cơ làm thay đổi tư duy sản xuất để mỗi người dân là một thương nhân kinh tế số, mỗi cơ sở sản xuất là một đơn vị CĐS.

Bắc Ninh: Ưu tiên thúc đẩy chuyển đổi số trong các HTX

Trước tình hình dịch bệnh dự báo còn kéo dài, khu vực kinh tế tập thể đang tìm cách ứng phó và thay đổi cho phù hợp, trong đó tăng cường ứng dụng chuyển đổi số được cho là giải pháp cần thiết. Tuy nhiên, việc triển khai áp dụng công nghệ số trong các hợp tác xã (HTX) ở Bắc Ninh còn tồn tại nhiều khó khăn, rất cần những giải pháp mang tính đột phá.

 

2.jpg
HTX nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao Liêm Anh (Tiên Du) tích cực ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất và kinh doanh nông sản (ảnh chụp trước tháng 5-2021).

 

Toàn tỉnh hiện có 674 HTX với hơn 91.000 thành viên, trong đó 79,2% số HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Qua đánh giá, doanh thu bình quân  của các HTX chuyên ngành nông nghiệp đạt 800 triệu đồng/HTX,  doanh thu bình quân của HTX phi nông nghiệp đạt 1,8 tỷ đồng/năm, thu nhập bình quân của thành viên đạt hơn 5 triệu đồng/người/tháng. Với sự trợ lực của khoa học công nghệ, khu vực kinh tế tập thể đã có sự bứt phá rõ rệt, thu hút ngày càng nhiều lao động, tạo lợi nhuận cho các thành viên. Một số HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiệu quả như HTX nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao Liêm Anh, HTX nông nghiệp xanh Quế Võ, HTX dịch vụ nông nghiệp Ngăm Mạc,… Một số HTX xây dựng được các sản phẩm có truy xuất nguồn gốc gắn với bảo hộ sở hữu trí tuệ hoặc Chương trình OCOP của tỉnh như HTX mây tre đan Ngọc Quyết, HTX đầu tư và phát triển Nông nghiệp Khương Huy…

Tuy nhiên, theo ông Phạm Minh Hiền, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, mặc dù nhận thức và cách tiếp cận khoa học công nghệ hiện đại của các HTX đã cải thiện hơn nhưng chưa đi vào hệ thống bài bản. Các HTX hiện đang ứng dụng công nghệ tưới tiêu, hệ thống nhà lưới, dán tem truy xuất nguồn gốc. Một số HTX sử dụng máy tính, điện thoại để quảng bá sản phẩm thông qua các trang mạng xã hội. Còn ứng dụng chuyển đổi số vào khâu chế biến, quản lý HTX, kinh doanh sản phẩm chưa được quan tâm… Đặc biệt, hệ thống kết nối dữ liệu lớn (Big Data) về sản xuất, giới thiệu sản phẩm giữa chính các HTX trên địa bàn hay mở rộng quy mô toàn quốc chưa được hình thành. 

Nguyên nhân được cho là năng lực, trình độ về số hóa hoặc công nghệ thông tin của cán bộ quản lý HTX, đặc biệt là các HTX nông nghiệp còn hạn chế. Độ tuổi của Hội đồng quản trị HTX chủ yếu là 55-60 tuổi nên khả năng khai thác thông tin còn chậm hoặc không tiếp cận được. Một số ít các HTX có đội ngũ cán bộ trẻ, có kỹ năng sử dụng công nghệ số chỉ chiếm một tỷ lệ không đáng kể. Cùng với đó, hạ tầng công nghệ thông tin của các HTX còn lạc hậu, nhiều HTX nông nghiệp chưa có máy tính, thiết bị kết nối mạng internet và xa lạ với các phần mềm kế toán, quản lý sản xuất, quản lý bán hàng,…. Nguồn lực đầu tư cho chuyển đổi số chưa đáp ứng được nhu cầu do các HTX không có tài sản thế chấp, khả năng huy động vốn không cao...

Trong khi đó, Kế hoạch Chuyển đổi số tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030 đặt mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GDP của tỉnh. Nông nghiệp là một trong 6 lĩnh vực được ưu tiên chuyển đổi số với các nội dung: Phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác; Tập trung xây dựng các hệ thống dữ liệu lớn của ngành như về đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản; Thúc đẩy cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai, hỗ trợ chia sẻ các thiết bị nông nghiệp qua nền tảng số; Ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn, vệ sinh thực phẩm; Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử trong nông nghiệp; Thực hiện chuyển đổi số trong công tác quản lý để có các chính sách, điều hành kịp thời phát triển nông nghiệp như dự báo, cảnh báo thị trường, quản lý quy hoạch.

Đây được coi là những định hướng quan trọng cho hoạt động chuyển đổi số của khu vực kinh tế tập thể, nhất là đối với các HTX nông nghiệp. Trên cơ sở đó, Liên minh HTX tỉnh sẽ phối hợp với các cấp, ngành tư vấn, khuyến khích HTX lựa chọn phương thức chuyển đổi số phù hợp với từng HTX (cơ sở hạ tầng, trình độ nhân lực…). Lồng ghép các nội dung đào tạo nâng cao trình độ công nghệ thông tin và kỹ năng chuyển đổi số cho cán bộ quản lý HTX, trong đó cập nhật, phổ biến những xu thế ứng dụng công nghệ mới. Triển khai thí điểm mô hình HTX ứng dụng công nghệ số gắn với các sản phẩm chủ lực để rút kinh nghiệm, nhân ra diện rộng. Hỗ trợ các HTX huy động nguồn lực cho chuyển đổi số như trang thiết bị, công cụ; Tham mưu, đề xuất các cơ chế chính sách khuyến khích nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong phát triển HTX theo hướng hiện đại, bền vững.

Hà Nội: Nông sản đồng loạt “nhảy” lên sàn thương mại điện tử

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) phối hợp với sàn thương mại điện tử Vỏ Sò, Sen Đỏ, Postmart tiếp tục đưa các sản phẩm nông sản vào mùa thu hoạch tiêu thụ lên sàn thương mại điện tử.

Nhằm mở rộng kênh tiêu thụ mới tại thị trường nội địa, ngoài kênh bán hàng truyền thống, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn và tỉnh Hà Tĩnh hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm na Chi Lăng (Lạng Sơn) và bưởi Phúc Trạch (Hà Tĩnh) trên sàn thương mại điện tử Vỏ Sò, Postmart, Sen Đỏ.

 

thumb_660_a387f383-3ced-44e5-af00-bced25f48f22.jpg
Ảnh minh họa.

 

Bưởi Phúc Trạch và na Chi Lăng khi đưa lên các sàn thương mại điện tử đều được kiểm soát về chất lượng và có xuất xứ rõ ràng, đồng thời được bảo quản tốt trong quá trình vận chuyển, nhằm bảo đảm hương vị tươi ngon của trái cây. Các sàn thương mại điện tử cũng cam kết bảo đảm an toàn khi giao hàng, đáp ứng đủ các quy tắc phòng, chống dịch khi vận chuyển giữa các tỉnh, thành.

Trước đó, sàn thương mại điện tử Vỏ Sò đã triển khai chương trình hướng dẫn các hộ gia đình kinh doanh na Chi Lăng và bưởi Phúc Trạch tạo gian hàng trực tuyến, mở tài khoản thanh toán điện tử và cung cấp các kỹ năng khi tự tổ chức bán hàng trên thương mại điện tử. Nhờ đó, người mua hàng cả nước có thể tiếp cận hai loại đặc sản này thông qua người nông dân ngay tại vườn trồng.

 

ns.jpg
Sàn thương mại điện tử hướng dẫn nông dân đưa đặc sản bưởi Phúc Trạch lên chợ trực tuyến.

 

Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, ngay trong những ngày thành phố thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội vẫn tổ chức rất nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, đào tạo, tập huấn cho các chủ thể bán hàng bằng hình thức trực tuyến… Hiện đơn vị đang chuẩn bị cho việc tổ chức “Diễn đàn trực tuyến Hà Nội năm 2021 kết nối cung cầu sản phẩm OCOP và nông sản, thực phẩm an toàn” diễn ra vào đầu tháng 9/2021.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh Phạm Thành Đô cho biết, thời gian tới, huyện sẽ tập trung hỗ trợ các hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi để sản xuất bền vững; hỗ trợ các hợp tác xã lựa chọn và hoàn thiện các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP phù hợp với xu thế phát triển nông nghiệp chuyển đổi số hiện nay.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết: Cùng với việc kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động, phát triển các hợp tác xã nông nghiệp theo hướng hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm…, thành phố sẽ thúc đẩy phát triển hợp tác xã dịch vụ tổng hợp kết hợp với hoạt động du lịch...; giúp các hợp tác xã có thêm nhiều sản phẩm được đánh giá, phân hạng OCOP trong năm 2021 và các năm tiếp theo.

Ủng hộ việc đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử, bà Vũ Thị Hậu - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết: “Hướng đi của các doanh nghiệp lên sàn thương mại điện tử là rất đúng. Nhờ đó, chúng ta có thể đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng, không chỉ trong nước mà còn vươn tầm ra quốc tế. Hy vọng các sàn thương mại điện tử sẽ hỗ trợ cho các nhà sản xuất, không chỉ trong dịch mà còn sau này nữa”./.

 

Thanh Tâm (T/h)
Ý kiến bạn đọc
  • Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Sát cánh cùng người dân phát triển kinh tế, đồng vốn từ NHCSXH huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã góp phần làm sống lại nghề trồng dâu nuôi tằm tưởng như đã “lụi” lại vươn mình phát triển mạnh mẽ, tạo phong trào thi đua làm kinh tế sôi nổi tại địa phương.

  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

Top