Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 5 tháng 2 năm 2018 | 15:16

Thị trường BĐS 2018 dưới góc nhìn chuyên gia: Nhiều hy vọng

Năm 2017, thị trường bất động sản (BĐS) được đánh giá tăng trưởng trở lại so với năm 2016. Phân khúc nhà ở vừa túi tiền đáp ứng với nhu cầu thực của người dân tiếp tục là phân khúc chủ đạo trên thị trường.

Nhân dịp năm mới, phóng viên Báo Kinh tế nông thôn có cuộc trò chuyện cùng nhiều chuyên gia đầu ngành, đại diện nhiều doanh nghiệp lớn. Và đa số góc nhìn đều hướng về năm 2018 với nhiều hy vọng.

Chuyên gia tài chính, Tiến sĩ Đinh Thế Hiển: Nguồn vốn đổ vào thị trường vẫn ở mức cao

tr63.jpg

Năm 2017, thị trường chứng khoán đã có một năm thành công, BĐS là kênh đầu tư có mức sinh lời khá trong khi vàng và USD lại kém hiệu quả. Theo đó, mức sinh lợi căn hộ cho thuê khoảng 3%, nhà phố nội thành 15%, đất nền vùng ven 20% và đất nền dự án khoảng 8%. Tuy tín dụng BĐS giảm nhưng tín dụng tiêu dùng tăng mạnh, đạt mức tăng 65%, trong đó phần lớn đưa vào BĐS. Điều này đã góp phần hỗ trợ cho thị trường BĐS trong năm 2017.

Dự báo, nguồn vốn đổ vào thị trường BĐS năm 2018 vẫn ở mức cao. Cụ thể, bốn nguồn chính đổ vào thị trường như: Tín dụng ngân hàng ổn định khi tiếp tục cho vay BĐS. Nhà đầu tư cá nhân vẫn có niềm tin vào thị trường BĐS nên vẫn giải ngân để đầu tư. Các công ty nước ngoài đầu tư vào BĐS thông qua hợp tác và M&A. Cùng với đó, các công ty BĐS niêm yết tăng vốn khá lớn từ thị trường chứng khoán để đầu tư vào dự án. Do đó, thị trường BĐS năm 2018 sẽ tiếp tục được hỗ trợ từ tăng trưởng kinh tế và vốn nước ngoài. BĐS vẫn là kênh chọn lựa của nhà đầu tư nhưng sẽ phân hóa, sự lựa chọn dựa trên nhu cầu và năng lực tài chính cá nhân. Đồng thời, mức độ tiêu thụ năm 2018 cũng ổn định nhưng giá sẽ đi ngang, khó tăng như năm 2017.

Tuy nhiên, theo tôi, thị trường BĐS năm 2018 vẫn còn một số quan ngại. Cụ thể, tỷ lệ cho vay tiêu dùng cá nhân khá lớn chiếm 19%/tổng tín dụng và 10% GDP. Nếu xem xét thói quen tiêu dùng thì Việt Nam không bằng các nước châu Âu. Do đó, quan ngại tín dụng tăng mạnh, nhiều trường hợp vay mua BĐS. Ngoài ra, báo cáo của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia công bố, tỷ lệ nợ xấu của ngành ngân hàng là 9,5%, cao hơn so với mức 3% báo cáo của Ngân hàng Nhà nước. Như vậy, với việc tăng tổng dư nợ hàng năm khoảng 18% thì sau nhiều năm xử lý, nợ xấu ngân hàng gần như không giảm.

Ông Trần Văn Dũng, TGĐ Công ty TNHH Quản lý BĐS Trường Phát: Vốn FDI tiếp tục chảy mạnh vào BĐS

tr631.jpg

Dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và tỷ lệ giải ngân vốn FDI đang tăng cao nhất trong 10 năm qua. Trong đó, FDI vào thị trường BĐS đứng thứ 3 trong toàn quốc và đứng thứ 2 tại TP. Hồ Chí Minh. Những thay đổi về chính sách giúp thị trường BĐS Việt Nam ngày càng hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Năm qua cũng chứng kiến dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp vào thị trường BĐS thông qua kênh M&A. Bên cạnh đó, nguồn vốn của nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực BĐS cũng đạt 2,5 tỷ USD, chiếm 7,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Trên thực tế, nhiều thương vụ M&A thành công trên thị trường BĐS TP. Hồ Chí Minh đến từ các nhà đầu tư nước ngoài như Warburg Pincus (Mỹ) hợp tác với VinaCapital liên doanh đầu tư khách sạn trị giá 300 triệu USD; Mapletree (Singapore) mua lại Kumho Asiana Plaza Saigon; Keppel Land (Singapore) liên doanh để phát triển khu đất trung tâm cạnh bờ sông tại KĐT mới Thủ Thiêm…

Dự báo, trong năm 2018, dòng vốn FDI của nhà đầu tư nước ngoài và dòng kiều hối đổ vào BĐS sẽ tăng lên cùng với sự thông thoáng của môi trường đầu tư.

 Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân: Giảm thiểu thủ tục rườm rà gây khó doanh nghiệp

Thị trường BĐS tuy có phần nào giảm sút ở một số phân khúc so với năm 2016 nhưng nhìn chung vẫn giữ ổn định và tiếp tục đà tăng trưởng. Đối với phân khúc nhà phố, đất nền, nhà liên kế, hiện sôi động tại các khu vực như quận 2, quận 9, huyện Nhà Bè, Bình Chánh (TP.HCM).

tr632.jpg

Số lượng căn hộ của năm 2017 nếu so với kế hoạch đề ra vẫn chưa đạt, tồn dư của năm 2016 và năm 2017 sẽ dồn lại sang năm 2018. Năm 2018, thị trường BĐS cần cẩn trọng bởi số lượng căn hộ dư thừa trên thị trường, do đó, chủ đầu tư cần nhìn nhận một cách tổng quan để đưa ra thị trường những sản phẩm mà khách hàng cần chứ không đưa ra những gì mà mình có.

Xét ở khía cạnh kinh tế vĩ mô và thủ tục hành chính, Chính phủ đang quyết liệt điều hành nền kinh tế để đạt được những kỳ vọng của Quốc hội đã đề ra. Tuy nhiên, cần giảm thiểu những thủ tục còn rườm rà gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Vũ Bảo Hoàng, TGĐ Thủ Đức House: Thị trường tiếp tục ổn định

tr633.JPG

Nền kinh tế Việt Nam đang trên đà tăng trưởng tốt, tính đến tháng 11/2017, Việt Nam thu hút được 33 tỷ USD vốn FDI từ giới đầu tư nước ngoài. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới là 116.000 doanh nghiệp, trên 24.000 doanh nghiệp trở lại hoạt động. Theo World Bank, GDP Việt Nam đạt 6,7% năm 2017, lạm phát ở mức thấp nhờ chính sách tiền tệ hiệu quả và ổn định, nợ công giảm, môi trường đầu tư được cải thiện, năng lực cạnh tranh tăng,… do vậy, thị trường BĐS Việt Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng cũng sẽ có những bước phát triển ổn định theo đà của sự phát triển kinh tế.

Theo tôi, trong năm 2018, thị trường BĐS sẽ tiếp tục phát triển theo hướng ổn định, bền vững. Đặc biệt là những dự án được hưởng lợi từ sự phát triển cơ sở hạ tầng, các dịch vụ tiện ích hỗ trợ sẽ có nhiều điểm sáng trong thời gian tới. Vốn đã từng trải qua một giai đoạn khó khăn của thị trường, các doanh nghiệp BĐS đều rút cho mình bài học kinh nghiệm quý giá trong quá trình hoạt động kinh doanh. Do vậy, các doanh nghiệp sẽ chú trọng hơn đến việc thăm dò thị trường và đưa ra những sản phẩm chất lượng, phù hợp nhu cầu và giá cả nằm trong khoảng mà khả năng thanh toán của khách hàng có thể chấp nhận được.

Ông Lê Tiến Vũ, Phó TGĐ Công ty BĐS Cát Tường: Đất nền vẫn là kênh đầu tư bền vững

tr634.jpg

Thị trường nhà đất cuối năm 2017 đầu năm 2018 có lượng giao dịch khá ổn định, đơn cử như các dự án do Cát Tường mở bán trong dịp cuối năm vẫn tiếp tục thu hút cả các nhà đầu tư lẫn người mua để ở, điều này cho thấy nhu cầu vẫn đang rất lớn. Hiện tại, các nhà đầu tư chọn BĐS như một kênh đầu tư được đánh giá là ổn định và an toàn. Đặc biệt, đất nền trở thành kênh được nhiều nhà đầu tư lựa chọn nhờ tính ổn định và thanh khoản nhanh. Thị trường đất nền, nhà phố vẫn đang sôi động, tuy nhiên, những dự án được đánh giá là an toàn, pháp lý minh bạch, cơ sở hạ tầng được đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện, tính thanh khoản sẽ cao, lợi nhuận đảm bảo. Vì vậy, khách hàng cần phải tìm hiểu kỹ về uy tín của các đơn vị chủ đầu tư dự án. Khu Đông, khu Tây Bắc, khu Nam hiện nay đang nổi lên như một điểm sáng nhờ cú hích về hạ tầng.

Về dài hạn, BĐS sẽ tiếp tục tăng giá theo đà phát triển cơ sở hạ tầng và giao thông ở các khu vực này, cơ hội cho nhà đầu tư là rất lớn, các dự án có không gian sống xanh, nhiều tiện ích sẽ là điểm thu hút những khách hàng mua để ở.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh (HoREA): Nhiều tin vui từ chính sách

tr635.jpg

Trong năm 2018, nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng dự kiến ban hành, chủ trương của Chính phủ, TP.HCM sẽ tác động tích cực đến thị trường BĐS. Cụ thể, ngay trong năm 2018 có thể trình Quốc hội xem xét 3 nhóm dự luật có liên quan trực tiếp đến thị trường BĐS là Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai; Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị; Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp. Cùng với đó, chỉ tiêu tăng trưởng GDP của Chính phủ đề ra ở mức 7% cao hơn chỉ tiêu của Quốc hội đặt ra 6,5 - 6,7%, với nhiều quyết sách quan trọng đã tạo niềm tin và truyền động lực cho cộng đồng doanh nghiệp BĐS hoạt động và phát triển.

Các công cụ về thuế, tín dụng, quy hoạch, công cụ hành chính để điều chỉnh nhằm mục tiêu phát triển thị trường BĐS lành mạnh và bền vững.

Bên cạnh đó, việc TP. Hồ Chí Minh đang hoàn thiện hệ thống các giải pháp, các chương trình để cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm thực hiện cơ chế đặc thù cho thành phố; thực hiện chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị, chống ngập nước, chống kẹt xe, xây dựng đô thị thông minh, có chất lượng sống tốt theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X, trong đó có chương trình chỉnh trang nhà trên và ven kênh rạch, xây dựng lại các chung cư cũ, hư hỏng nặng sẽ tác động tích cực đến thị trường BĐS của thành phố năm 2018.

Giang Nam - Lại Hùng (ghi)

 

 

 

 

Ý kiến bạn đọc
  • Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hướng đến phát triển bền vững

    Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hướng đến phát triển bền vững

    Tại Hội nghị Meet The Experts lần thứ 15 với chủ đề “Phát triển bền vững và yếu tố wellness” diễn ra mới đây, các đơn vị, nhân sự, chủ đầu tư đã cùng trau dồi kiến thức chuyên môn, cập nhật thông tin thị trường và xu hướng mới nhất trong ngành bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng vốn gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua.

  • Phân khúc văn phòng hạng A được ưa chuộng tại Việt Nam

    Phân khúc văn phòng hạng A được ưa chuộng tại Việt Nam

    Theo báo cáo của Savills, phân khúc văn phòng hạng A trên toàn cầu ghi nhận mức tăng. Tại Việt Nam, phân khúc này tiếp tục là phân khúc được ưa chuộng.

  • TP. Hồ Chí Minh vận dụng cơ chế đặc thù để phát triển nhà ở xã hội

    TP. Hồ Chí Minh vận dụng cơ chế đặc thù để phát triển nhà ở xã hội

    Thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh, lãnh đạo thành phố vừa giao Sở Xây dựng rà soát, hệ thống lại nhiệm vụ được giao, tham mưu UBND thành phố ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành và đơn vị có liên quan thực hiện các nội dung về đầu tư xây dựng nhà ở xã hội quy định tại khoản 3, Điều 6 của Nghị quyết.

Top