Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 9 tháng 12 năm 2018 | 19:51

Thủ tướng chỉ thị tăng cường PCCC tại khu dân cư

Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ thị yêu cầu tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tại khu dân cư.

5 năm xảy ra 15.000 vụ cháy 

Theo thống kê, trong 5 năm gần đây cả nước xảy ra khoảng 15.000 vụ cháy; trong đó, trên 50% số vụ xảy ra tại khu dân cư, hộ gia đình; đặc biệt nhiều vụ cháy gây thiệt hại lớn về người, tài sản, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và đời sống an sinh của người dân.

Để phòng ngừa, ngăn chặn tình hình cháy, nổ, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy, nổ gây ra tại khu dân cư, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCCC và cứu nạn, cứu hộ cho người dân để từ đó nâng cao tinh thần trách nhiệm tham gia vào công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ.

 

thu-tuong-chi-thi-tang-cuong-pccc-tai-khu-dan-cu-45-4688.jpg
Vu chạy tại 68 Trần Thái Tông

 

Thực hiện nghiêm quy chế dân chủ theo đúng phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" trong công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Gắn phong trào toàn dân tham gia PCCC với phong trào xây dựng khu dân cư, gia đình văn hóa; nhân rộng điển hình tiên tiến, kịp thời khen thưởng những tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, phát hiện và có biện pháp giải quyết, khắc phục kịp thời sơ hở, bất cập trong công tác PCCC nhằm phòng ngừa, ngăn chặn triệt để các nguyên nhân, điều kiện dẫn đến cháy, nổ trong khu dân cư. Bố trí nguồn kinh phí trong dự toán ngân sách hằng năm để bảo đảm cho công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ.

Tổng rà soát khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao

UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về PCCC đối với khu dân cư, cơ sở thuộc phạm vi, thẩm quyền quản lý.

Khi xảy ra cháy, nổ tại khu dân cư phải tập trung các lực lượng tổ chức chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ kịp thời, nhanh chóng khắc phục hậu quả do cháy, nổ gây ra. Chỉ đạo tổng rà soát, đánh giá, phân loại địa bàn trọng điểm, khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao cần tăng cường quản lý nhà nước về PCCC.

Xây dựng quy định, biện pháp cụ thể xử lý đối với các nhà chuyển đổi công năng vừa ở, vừa sản xuất, kinh doanh, làm kho tàng, thu mua phế liệu..., nhưng không bảo đảm các điều kiện an toàn PCCC.

Củng cố, xây dựng mới, duy trì hoạt động lực lượng dân phòng bảo đảm chế độ phụ cấp, phương tiện, dụng cụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ theo đúng quy định của pháp luật. Xác định đây là lực lượng nòng cốt trong công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ tại chỗ. Giao nhiệm vụ cụ thể cho lực lượng bảo vệ dân phố, dân quân tự vệ... trong việc phối hợp với lực lượng dân phòng bảo đảm an toàn PCCC tại địa phương.

Hàng năm, 100% khu dân cư phải tổ chức thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ có sử dụng lực lượng chữa cháy tại chỗ. Đối với những khu dân cư có nguy hiểm cháy, nổ cao phải tổ chức thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ có huy động nhiều lực lượng, phương tiện ít nhất mỗi năm 1 lần.

UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương rà soát quy hoạch khu dân cư, quy hoạch chỉnh trang đô thị, quy hoạch giải tỏa để có biện pháp hạn chế nguy cơ cháy, nổ; đặc biệt chú ý các điều kiện về giao thông, nguồn nước phục vụ công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

Chỉ đạo giải quyết dứt điểm việc cơi nới chiếm dụng lối đi chung; câu, mắc đường dây dẫn điện, viễn thông không bảo đảm theo quy định. Tích cực vận động nhân dân tự nguyện di dời các cơ sở sản xuất nhỏ, lẻ có nguy hiểm cháy, nổ cao ra khỏi khu dân cư và đầu tư, mua sắm thiết bị, phương tiện PCCC và cứu nạn, cứu hộ tại chỗ.

Trong quá trình cấp phép xây dựng, cải tạo đối với nhà ở riêng lẻ, nhà ở liên kế, nhà ở liên kế mặt phố... cần chú ý đến các điều kiện bảo đảm an toàn PCCC theo quy định. Rà soát quy hoạch đối với các làng nghề truyền thống hướng tới mục tiêu mỗi làng nghề, mỗi gia đình, hộ kinh doanh sản xuất đạt chuẩn về PCCC, bảo vệ môi trường.

Tăng cường quản lý vũ khí, vật liệu nổ

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an chủ động điều tra cơ bản nắm tình hình, đánh giá, phân tích mức độ nguy hiểm của từng khu dân cư để hướng dẫn, áp dụng các biện pháp phòng ngừa cháy, nổ phù hợp, hiệu quả.

Tăng cường công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, nhất là vận động thu hồi vũ khí, vật liệu nổ trong nhân dân, quản lý các cơ sở kinh doanh phế liệu liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ.

Bộ Công an thường xuyên tổ chức, đổi mới phương pháp tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp PCCC bằng các hình thức phù hợp với thực tế từng địa bàn, khu dân cư; tăng cường hướng dẫn các kỹ năng thoát hiểm, thoát nạn cho người dân khi có cháy nổ, tai nạn, sự cố xảy ra, nhất là tại khu dân cư, chung cư lâu năm tồn tại nhiều nguy cơ cháy, nổ, sập, đổ công trình.

Tổ chức tốt lực lượng, phương tiện thường trực để kịp thời xử lý các vụ cháy, nổ, sự cố, tai nạn, không để xảy ra cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng, nhất là thiệt hại về người.

Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn có liên quan về PCCC cho nhà và công trình chưa phù hợp và có vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu xây dựng nội dung, thời lượng bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về PCCC để lồng ghép vào các hoạt động ngoại khóa trong nhà trường phù hợp với từng cấp học, bậc học.

Định kỳ, tổ chức các hoạt động thực hành, diễn tập để hình thành kỹ năng ứng phó với các tình huống cháy, nổ, tai nạn, sự cố cho học sinh, sinh viên.

Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị điện lực tiến hành tổng kiểm tra hệ thống, mạng lưới điện tại khu dân cư để phòng ngừa nguy cơ mất an toàn PCCC từ hệ thống, thiết bị điện. Hướng dẫn người dân các biện pháp sử dụng điện an toàn.

TP.HCM: Nâng cao công tác thẩm duyệt PCCC, đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ

Được sự đồng ý của lãnh đạo Bộ Công an Việt Nam, vừa qua Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) phối hợp cùng Tập đoàn UL Hoa Kỳ tổ chức lớp tập huấn về thẩm duyệt PCCC đối với các công trình công nghiệp cho lực lượng Cảnh sát PCCC. Đợt tập huấn đầu tiên được thực hiện tại TP.HCM; tiếp đến là khu vực miền Trung vào ngày 10 - 11.12.2108; khu vực miền Bắc vào ngày 13 - 14.12.2018.

Tham dự và chỉ đạo tại buổi tập huấn có lãnh đạo Cục Cảnh sát PCCC và CNCH. Bên cạnh đó có sự tham gia của đại diện lãnh đạo Ban Giám đốc Công an TP.HCM, Hà Nội, Khánh Hòa, Trường Đại học PCCC, các đơn vị trực thuộc Bộ Công an và nhiều doanh nghiệp quan tâm đến công tác PCCC.

Phát biểu khai mạc buổi tập huấn tại TP.HCM, Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh - Cục trưởng C07 nói: “Thực hiện đường lối đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước Việt Nam, từ khi khu công nghiệp đầu tiên được xây dựng vào năm 1991, đến nay sau gần 28 năm cả nước đã có 328 khu công nghiệp. Với tốc độ công nghiệp hóa ngày càng nhanh cũng đồng nghĩa với việc có nhiều dự án, công trình công nghiệp có đặc thù tính chất nguy hiểm cháy, nổ phức tạp. Điển hình như nhà máy lọc hóa dầu, kho chứa LPG, luyện gang thép, sản xuất lắp ráp linh kiện điện tử, ô tô xe máy,… được xây dựng với quy mô lớn, phức tạp, nhiều hạng mục có tính chất nguy hiểm cháy nổ cao, do đó áp lực trong công tác PCCC mà Cảnh sát PCCC phải đối mặt là không nhỏ.

 

su1hxzk5ntc.jpg
Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh - Cục trưởng C07 phát biểu tại buổi tập huấn

 

Điển hình là vụ cháy nhà xưởng tại KCN Hải Yên (TP.Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) làm sập hoàn toàn 8.500m2 nhà xưởng, thiệt hại về tài sản khoảng 350 tỉ đồng. Vụ cháy tại KCN Long Giang (tỉnh Tiền Giang) gây thiệt hại khoảng 223 tỉ đồng, vụ cháy tại KCN Hòa Cầm (Đà Nẵng) buộc lực lượng PCCC huy động gần 30 xe chữa cháy, 200 cán bộ chiến sĩ và liên tục chữa cháy trong nhiều giờ…

Do đó, việc áp dụng tối đa các biện pháp, giải pháp an toàn về PCCC ngày từ khâu xây dựng ban đầu, đặc biệt là việc áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC để thực hiện công tác thẩm duyệt thiết kế về PCCC là hết sức quan trọng nhằm hạn chế tối đa các sự cố cháy nổ có thể xảy ra để gây nên những hậu quả đáng tiếc như trong quá khứ”.

Đợt tập huấn nâng cao trình độ, chuyên môn trong công tác thẩm duyệt PCCC đã đặt ra giải pháp mang tính khoa học kỹ thuật cao, các tiến bộ khoa học của thế giới qua các trao đổi thực tế về kinh nghiệm trong công tác thẩm duyệt về PCCC đối với khu công nghiệp của các nước tiên tiến như Hoa Kỳ, Nhật Bản… và đây là một giải pháp hết sức cần thiết để vận dụng vào điều kiện thực tế như hiện nay của Việt Nam.

Lớp tập huấn năm 2018 là hoạt động thường niên, nhằm thực hiện biên bản ghi nhớ về hợp tác trong xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn PCCC, đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ giữa Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, Bộ Công an Việt Nam và Tập đoàn UL Hoa Kỳ, trong đó có nội dung Tập đoàn UL sẽ tập huấn, đào tạo chuyên sâu cho cán bộ của lực lượng Cảnh sát PCCC Việt Nam.

Đánh giá về công tác tập huấn, Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh nói: “Đây là cơ hội rất tốt để chúng ta trao đổi, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau trong công tác phòng ngừa, áp dụng tiêu chuẩn nước ngoài vào thẩm duyệt và quản lý các nguy cơ cháy để vận dụng vào thực tiễn, góp phần nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn cho cán bộ chiến sĩ khi làm công tác thẩm duyệt về PCCC của lực lượng Cảnh sát PCCC Việt Nam, đồng thời cũng là cơ hội để chúng ta thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực PCCC và CNCH sâu rộng hơn nữa”.

Với đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm của Tập đoàn UL Hoa Kỳ giảng day, các học viên sẽ học hỏi được nhiều kiến thức bổ ích phục vụ cho công tác, ngoài đào tạo nguồn lực Tập đoàn UL Hoa Kỳ cũng chuyển giao công nghệ cao trong công tác PCCC cho Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, Bộ Công an Việt Nam.

 

 

 

PV (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top