Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 31 tháng 5 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 15 tháng 10 năm 2021 | 10:26

Thượng Lộc, khát vọng “chuyển mình”

Thượng Lộc là xã thuộc vùng Trà Sơn của huyện Can Lộc (Hà Tĩnh).

Sau 10 năm miệt mài với công cuộc xây dựng NTM, với sự đồng lòng, nhất trí, dám nghĩ, dám làm, Thượng Lộc đã từng bước biến vùng đất quê hương nghèo đói lạc hậu trước đây thành miền quê đáng sống trù phú, ngọt lành; cảnh quan sáng - xanh - sạch - đẹp.

Bài 1: Từ phát triển kinh tế vườn đồi đến những mô hình tiền tỷ

Khác với những địa phương khác là tập trung phát triển các làng nghề, dịch vụ, Thượng Lộc lại chọn cho mình hướng đi riêng: phát triển kinh tế vườn đồi.

Từ xác định đó, trong nhiều năm qua, chính quyền và nhân dân Thượng Lộc đồng lòng biến những vùng đất cằn khô, đồi núi hoang hóa thành vùng sản xuất tập trung với những mô hình trang trại cho doanh thu tiền tỷ.

 

4.jpg
Vườn hộ tổng hợp của hộ gia đình chị Bùi Thị Uyên thôn Sơn Bình đổi mới thành công với mô hình trồng dưa lưới và các loại dưa khác.

 

Nhiều điểm sáng

Những trang trại quy mô từ 500m2 trở lên với cây ăn quả sum suê, các giống cam, bưởi, hồng… dần khẳng định được thương hiệu và chất lượng vượt trội. Ngoài thế mạnh cây ăn quả, Thượng Lộc còn phát triển nhanh, mạnh, hiệu quả những trại gà đồi, gà liên kết lên đến hàng nghìn con, những mô hình bò nuôi nhốt với quy mô 20 - 30 con/lứa, mô hình nuôi ong lấy mật tự nhiên.

Phát huy lợi thế về địa hình đồi núi, khơi dậy được sự đồng thuận của nhân dân, xã Thượng Lộc dần biến khó khăn thành thuận lợi, đưa địa phương trở thành điểm sáng về xây dựng nông thôn mới (NTM) của huyện Can Lộc.

Trao đổi với phóng viên Kinh tế nông thôn, ông Nguyễn Xuân Diệu, Chủ tịch UBND xã, cho biết: “Thượng Lộc là xã có địa bàn rộng lớn với diện tích đất tự nhiên gần 2.800ha, dân cư thưa thớt, điều kiện kinh tế còn gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, không phải thấy khó mà nản, bằng bản tính cần cù, chịu thương chịu khó và  nghị lực vươn lên, từ năm 2010, chính quyền và nhân dân xã Thượng Lộc đã cùng nhau quyết tâm đổi mới quê hương bằng phong trào xây dựng NTM”.

Nhận thấy việc phát triển kinh tế vườn đồi theo quy mô trang trại, gia trại tổng hợp thật sự phát huy được thế mạnh của địa phương, hàng năm, trên cơ sở đề án phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân đã được huyện, tỉnh phê duyệt, xã mạnh dạn xây dựng đề án phát triển sản xuất theo từng vụ; vận động người dân tăng cường thành lập các mô hình kinh tế vườn đồi. Tập trung chuyển đổi mô hình từ sản xuất theo hướng quảng canh, manh mún, nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa, chuyên canh.

Là một trong những hộ dân làm kinh tế giỏi của địa phương, vợ chồng anh Nguyễn Văn Trạch (trú tại thôn Anh Hùng)  đã biến vùng đất đồi hơn 4ha với nhiều loại cây tạp thành vườn cây  rộng lớn, chuyên canh cam, bưởi mỗi năm cho thu 600-800 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình anh còn tăng gia thêm 30 con bò, đàn ong lấy mật, 200 con gà thả vườn.

Gia đình anh Nguyễn Huy Phố (SN 1983, thôn Thanh Mỹ) đã mạnh dạn vay vốn hơn 3,5 tỷ đồng đầu tư phát triển vườn đồi. Đến nay, mô hình đã có 13.000 con gà, 2.000 gốc cam, bưởi cùng các loại cây khác.

Theo anh Phố, mỗi năm gia đình anh có thể nuôi  3-3,5 lứa gà, mỗi lứa khoảng 3 tháng (tùy thị trường). Mỗi lứa xuất 13.000 con, thu lãi 500-600 triệu đồng/năm. Cộng với cam, bưởi, trung bình mỗi năm gia đình anh thu lãi 1,2-1,3 tỷ đồng.

Anh Phố vui vẻ nói: “Đầu tư kinh tế trang trại vườn đồi là hướng đi đúng của 2 vợ chồng. Từ khi đầu tư vào mô hình này, vợ chồng tôi không còn cảnh chạy ăn từng bữa, gia đình có của ăn của để, vừa không phải tha phương cầu thực lại vừa có thể làm giàu trên quê hương”.

Gia đình chị Bùi Thị Uyên (46 tuổi, thôn Sơn Bình) cũng thành công với mô hình trang trại tổng hợp. Chị Uyên cho biết: “Gần 5 năm nay, gia đình tập trung chuyển đổi mục đích sử dụng trên đất nông nghiệp. Hiện gia đình  có hệ thống nhà màng rộng 1.500m2 chuyên trồng dưa lưới, dưa hấu và dưa chuột bao tử các loại.

Những năm trước, tôi trồng dưa lưới, mỗi năm đều đặn 3 vụ,  mỗi vụ từ lúc thu hoạch đến lúc gieo giống mới cách nhau 15 ngày. Trừ chi phí, gia đình thu lãi 80-90 triệu đồng/vụ ( 250 - 300 triệu đồng/năm”.

Năm nay, 2 vụ đầu gia đình tập trung làm dưa lưới, tuy nhiên kinh nghiệm cho thấy, đến vụ thứ 3 dưa lưới thường không được ngọt đậm đà như 2 vụ trước vì mưa nhiều. Do đó, chị mạnh dạn chuyển sang trồng xen dưa chuột bao tử và dưa hấu. Đến nay, sau 1 tháng trồng thử nghiệm, cây ra hoa, đậu quả với tỷ lệ khá cao.

Vườn dưa của chị không chỉ cho thu hoạch mỗi quả mà tất cả lá, cành,… tỉa từ cây dưa còn được gia đình dùng để nấu cháo cho đàn lợn 30-40 con. Với hình thức nuôi tận dụng này, đàn lợn của gia đình mang lại nguồn thu rất lớn. Hiện tại, trong khi tình hình dịch Covid-19 kéo dài, nhiều hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh nói riêng và cả nước nói chung rơi vào tình trạng lỗ nặng do giá thức ăn chăn nuôi tăng quá cao, từ 80.000- 120.000 đồng/bao, giá thịt lợn hơi sụt giảm mạnh chỉ còn 40.000-42.000 đồng/kg; thì gia đình chị vẫn xuất đều đặn 6-7con/lứa, trọng lượng 80-90kg/con với mức giá 60.000-70.000 đồng/kg.

Ngoài dưa, lợn, gia đình chị  còn mạnh dạn mở thêm vườn ươm cây giống 500m2 với nhiều loại giống cây đa dạng như cam, bưởi, hồng, ổi…, vừa phục vụ gia đình sản xuất, vừa kinh doanh mang lại nguồn thu hàng trăm triệu đồng/năm. Với cách làm này, không chỉ thoát nghèo, làm giàu cho gia đình, mà còn tạo thêm công ăn việc làm cho nhiều lao động với mức thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng.

 

2.jpg
Anh Nguyễn Huy Phố (thôn Thanh Mỹ )thành công với mô hình nuôi gà màu liên kết, trồng cam, bưởi cho thu nhập cao.

 

“Chuyển mình” giàu đẹp

Bằng sự đổi mới trong tư duy, sáng tạo trong suy nghĩ, việc làm cùng sự nỗ lực và cố gắng, người dân nơi đây được đền đáp xứng đáng khi lần lượt những mô hình trang trại với những giống cây, con của quê hương Thượng Lộc dần khẳng định thương hiệu và giá trị riêng trên thị trường.

Cùng chia sẻ niềm vui này, ông Nguyễn Xuân Diệu phấn khởi nói: “Để có được bộ mặt khởi sắc như hôm nay, chính quyền, ban ngành các cấp và nhân dân xã Thượng Lộc phải cố gắng và cố gắng rất nhiều. Cần tập trung đẩy mạnh đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển các sản phẩm hàng hóa chủ lực, đẩy mạnh liên kết trong sản xuất, kinh doanh, ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP, từng bước thực hiện thành công Nghị quyết 01 của Huyện ủy về tích tụ và tập trung ruộng đất.

Đầu tư sản xuất mô hình kinh tế trang trại vườn đồi, ngoài việc nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống gia đình còn là một trong những sinh kế làm giàu bền vững của người dân vùng Trà Sơn. Đến nay, sau hơn 10 năm tập trung phát triển, Thượng Lộc đã có gần 400 mô hình gia trại và trang trại, trong đó có 8 mô hình lớn, 19 mô hình vừa sản xuất theo hướng tập trung chuyên canh, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, nông nghiệp hữu cơ, hàng hóa liên kết. Thu nhập của người dân khá cao, ổn định với mức bình quân 44 triệu đồng/ người/ năm.

Tỷ lệ hộ nghèo toàn xã chỉ còn 27 hộ/1.436 hộ, chiếm 1,89%, phấn đấu đến năm 2023, giảm còn dưới 1%”.

Về Thượng Lộc hôm nay, cảnh đói nghèo, xập xệ đã không còn, thay vào đó là một Thượng Lộc giàu đẹp, trù phú, xanh tươi. Với những sản phẩm nổi bật như cam giòn, bưởi Trà Sơn, cà dừa… đã dần chinh phục người tiêu dùng bằng chất lượng và giá trị thương hiệu có một không hai của mình. Đó là những gì tinh túy, đặc sắc nhất mang dấu ấn riêng của vùng đất và con người Thượng Lộc.

Bài 2: Đồng lòng vượt khó, xây dựng NTM thành công

 

(Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Hoàng Hằng
Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top