Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 18 tháng 5 năm 2024  
Thứ hai, ngày 5 tháng 3 năm 2018 | 10:5

Thủy sản Việt Nam sẽ bị EU rút “thẻ đỏ” nếu không đáp ứng tiêu chí

KTNT - Đại diện Tổng cục Thủy sản cho biết: “Việc EC cảnh báo “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam chỉ áp dụng với sản phẩm khai thác trên biển, không áp dụng cho sản phẩm từ nuôi trồng. Trong thời gian này, xuất khẩu hải sản vẫn diễn ra bình thường.

KTNT – Trước việc Liên minh châu Âu (EU) có cảnh báo “thẻ vàng” về chống khai thác bất hợp pháp đối với các mặt hàng hải sản của Việt Nam, đại diện Tổng cục Thủy sản cho biết: “Việc EC cảnh báo “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam chỉ áp dụng với sản phẩm khai thác trên biển, không áp dụng cho sản phẩm từ nuôi trồng. Trong thời gian này, hoạt động xuất khẩu hải sản vẫn diễn ra bình thường. Tuy nhiên, các lô hàng sẽ bị tăng tần suất kiểm tra hồ sơ nguồn gốc sản phẩm khai thác nhập khẩu từ Việt Nam”.

EU cảnh báo “thẻ vàng” với thủy sản đánh bắt trên biển từ Việt Nam

Theo đoàn công tác Tổng vụ các vấn đề về biển và thủy sản của EU (EC DG-MARE), hoạt động quản lý khai thác thuỷ sản của Việt Nam chưa có nhiều tiến bộ trong việc thực hiện các quy định của EU về chống đánh bắt cá bất hợp pháp (IUU) và đưa ra khuyến nghị đối với Việt Nam, bao gồm hoàn thiện hệ thống kiểm tra giám sát tàu cá trên biển và tại cảng; thực hiện xác nhận, chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản; ngăn chặn, chấm dứt việc tàu cá Việt Nam khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; hoàn thiện thể chế; quản lý đội tàu khai thác phù hợp với nguồn lợi...

Tiếp thu những khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC), Việt Nam đã tích cực và có nhiều nỗ lực triển khai. Tuy nhiên, việc áp dụng các biện pháp để đáp ứng khuyến nghị của EC chưa được triệt để, vẫn còn một số nội dung mà theo đánh giá của EC vẫn cần tiếp tục hoàn thiện. Mới đây, EU chính thức tuyên bố rút “thẻ vàng” đối với hoạt động khai thác thủy sản của Việt Nam.

Theo đó, sau 6 tháng (tính đến 23/4/2018), khi có kết quả của đoàn kiểm tra DG-MARE, nếu Việt Nam triển khai đầy đủ, toàn bộ các quy định của EC với các minh chứng cụ thể thì tình trạng cảnh báo “thẻ vàng” sẽ được dỡ bỏ. Nếu việc triển khai có tiến bộ, EC có thể gia hạn để hoàn thiện các nội dung còn thiếu. Trong trường hợp cảnh báo của EC không được thực hiện hoặc triển khai không hiệu quả, không khắc phục được những thiếu sót, tồn tại theo khuyến nghị của châu Âu thì sẽ bị chuyển sang “thẻ đỏ”, đồng nghĩa với việc bị cấm xuất khẩu các mặt hàng hải sản sang thị trường EU.

20170325_193419.jpg
EU có cảnh báo “thẻ vàng” về chống khai thác bất hợp pháp đối với các mặt hàng hải sản của Việt Nam

Theo bà Miriam Garcia Ferrer - Tham tán Thương mại của Phái đoàn EU, hiện nay việc bị cảnh cáo “thẻ vàng” chưa kèm theo các biện pháp trừng phạt về thương mại. Tuy nhiên, nếu Việt Nam không có các biện pháp khắc phục, chống IUU hiệu quả thì không chỉ hải sản Việt Nam bị “thẻ đỏ” cấm xuất khẩu vào EU, mà còn ảnh hưởng rất lớn đến Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA). Nhất là trong bối cảnh EVFTA dự kiến sẽ được Nghị viện châu Âu phê chuẩn thông qua vào thời điểm giữa năm 2018. “Như trường hợp Thái Lan, bị EU cảnh cáo “thẻ vàng” từ tháng 4/2015, mặc dù nước này đã có nhiều nỗ lực và triển khai một số giải pháp khắc phục nhưng vẫn chưa đủ cơ sở để nước này được gỡ bỏ “thẻ vàng”. Hậu quả là đến nay, FTA Thái Lan - EU vẫn chưa được phê chuẩn khiến doanh nghiệp Thái Lan bỏ lỡ nhiều cơ hội phát triển thương mại”, bà Miriam Garcia Ferrer nói.

Tỉnh Khánh Hòa kiểm soát chặt chẽ

Sau khi nhận được thông tin trên, mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa đã phê duyệt kế hoạch thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, khi phát hiện hoặc nghi ngờ nguồn gốc thủy sản có liên quan đến hoạt động khai thác bất hợp pháp, cơ quan chức năng sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, áp dụng các biện pháp quản lý theo quy định của Việt Nam và quốc tế. Để việc kiểm tra, kiểm soát, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác một cách minh bạch, UBND tỉnh Khánh Hòa đã giao cho các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra hồ sơ và kiểm tra thực tế 100% tàu cá trước khi xuất bến; riêng các tàu cá đã từng vi phạm hoặc tàu cá có dấu hiệu đánh bắt thủy sản ở vùng biển nước ngoài sẽ được kiểm soát chặt. Khi tàu cá về cảng, lên cá, 100% tàu phải được kiểm tra, khai báo khi cập cảng, nộp nhật ký khai thác; đối chiếu thực tế về sản lượng, ngư cụ, kích cỡ mắt lưới; có ít nhất 20% sản lượng cá ngừ, 5% sản lượng các loại thủy sản khác khi lên cảng sẽ được kiểm tra theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu.

20170325_193201.jpg
Khi tàu cá về cảng, lên cá, 100% tàu phải được kiểm tra

Theo ngư dân Nguyễn Hoàng Hà (Hòn Rớ, Phước Đồng, TP. Nha Trang), đối với quy định của châu Âu thì các thuyền ở đây không vi phạm vùng đánh bắt hoặc khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. “Lo lắng nhất của ngư dân là thiết bị đánh bắt vẫn còn lạc hậu. Khi đánh bắt khó xác đinh được vùng biển nước ngoài và bị họ bắt đưa về nước họ xử lý”, anh Hà cho biết.

Đại diện lãnh đạo Tổng cục Thủy sản cho biết, một khi bị loại khỏi thị trường châu Âu, hải sản của Việt Nam cũng có nguy cơ bị loại khỏi các thị trường lớn khác như: Mỹ, Nhật... Vì vậy, biện pháp quan trọng hiện nay là phải kiểm soát chặt nghề cá bằng cách tuyên truyền mạnh cho ngư dân hiểu được hệ lụy của việc đánh bắt bất hợp pháp. Đồng thời yêu cầu ngư dân phải khai báo đầy đủ nhật ký đánh bắt, có số liệu chính xác và trang bị thiết bị giám sát cho tàu thuyền. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia nhằm ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác hải sản bất hợp pháp; chấm dứt tàu khai thác hải sản trái phép tại vùng biển các nước; xác nhận, chứng nhận nguồn gốc sản phẩm hải sản; bắt buộc tàu cá phải lắp đặt, vận hành thiết bị giám sát hành trình theo quy định. Bên cạnh đó, thành lập tổ công tác liên ngành điều phối triển khai các biện pháp khắc phục “thẻ vàng” của EU.

Anh Thi - Tố Như
Ý kiến bạn đọc
  • Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Sát cánh cùng người dân phát triển kinh tế, đồng vốn từ NHCSXH huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã góp phần làm sống lại nghề trồng dâu nuôi tằm tưởng như đã “lụi” lại vươn mình phát triển mạnh mẽ, tạo phong trào thi đua làm kinh tế sôi nổi tại địa phương.

  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

Top