Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 11 tháng 5 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 15 tháng 8 năm 2020 | 10:31

Tin NN: Lợn hơi và lợn thịt giảm giá nhưng vẫn ở mức cao

Từ đầu tháng 8 đến nay, sức mua mặt hàng thịt lợn tươi yếu đi rõ rệt nên các nhà bán lẻ phải đua nhau bán giá vốn, khuyến mãi. Song giá thịt lợn hơi và lợn thành phẩm vẫn ở mức cao hơn so với nhiều loại thực phẩm khác.

photo-1-15973050632171560793821.jpg
Big C đang thực hiện chương trình bán thịt heo tươi không lợi nhuận - Ảnh: BigC

 

Theo một thương lái tại Đồng Nai chuyên cung cấp thịt lợn cho thị trường TP HCM, đợt Covid-19 mới tuy không phải giãn cách xã hội như đợt cũ nhưng sức mua thịt lợn yếu đi rõ rệt. "Mấy hôm nay, giá lợn hơi trang trại ngoài đã rẻ hơn giá các công ty chăn nuôi thị phần lớn, không còn cảnh tranh nhau mua như trước. Các chợ bán rất chậm nên thương lái cũng không mặn mà bắt lợn để chờ giá xuống" – thương lái này tiết lộ.

Ông Lê Xuân Huy, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam (Công ty C.P), xác nhận giảm giá lợn hơi C.P 500 đồng/kg từ ngày 13-8, về mức 80.500 đồng/kg. Trước đó, ngày 12-8, Công ty C.P bán sỉ lợn mảnh còn 102.000 đồng/kg, giảm 2.500 đồng/kg so với hồi tháng 6. Lý do công ty đưa ra là để phù hợp với thị trường giữa lúc sức mua giảm sút thấy rõ.

Trong khi đó, thông tin từ Công ty Quản lý chợ đầu mối Hóc Môn (TP HCM), chợ sỉ thịt lợn lớn nhất TP HCM, cho hay lượng thịt lợn về chợ từ đầu tháng 8 đến nay ổn định ở mức trên 300 tấn/ngày (4.000 – 4.400 con), tương đương cuối tháng 7. Tuy nhiên, giá bán thịt lợn tại chợ lại giảm khoảng 10.000 đồng/kg (ngày 12-8 heo mảnh loại 1 là 100.000 đồng/kg trong khi 22-7 là 110.000 đồng/kg) do sức mua yếu.

Ở thị trường lẻ, các hệ thống bán lẻ đang đua nhau khuyến mãi thịt lợn. Cụ thể, hệ thống siêu thị GO! Và Big C trên toàn quốc triển khai chương trình bán thịt lợn tươi không lợi nhuận, áp dụng đến 31-8. Theo đó, hệ thống này bán lẻ thịt lợn dựa vào giá mua vào (tùy thời điểm), cộng chi phí logistic,… rồi bán bằng giá cho người tiêu dùng, không tính lợi nhuận. Khảo sát tại Big C Nguyễn Thị Thập (quận 7), thịt nạc dăm hiện có giá 164.500 đồng/kg, ba rọi 179.000 đồng/kg, móng 112.000 đồng/kg, bắp giò 100.000 đồng/kg, thịt nạc xay 152.000 đồng/kg…

Tương tự, siêu thị Co.opMart cho biết sẽ tập trung giảm giá liên tục vào 3 ngày cuối tuần trong suốt tháng 8 gồm: bắp giò lợn, sườn non, ba rọi, cốt lết, nạc dăm, nạc đùi, nạc vai,… từ 10% đến 20% giá bán thông thường.

Hệ thống bán lẻ MM Mega Market cũng không đứng ngoài cuộc khi tung ra chương trình "cam kết giữ giá thịt heo bình ổn cho khách hàng". Ghi nhận giá ngày 13-8, hệ thống này đang bán thịt xay giá 138.000 đồng/kg, thịt vai VietGap 127.900 đồng/kg, thịt đùi 173.900 đồng/kg,…

So với mức giá kỷ lục 100.000 đồng/kg thì hiện nay giá lợn hơi đã giảm 20.000 đồng/kg, thịt lợn cũng giảm từ 10.000 – 20.000 đồng/kg tùy loại nhưng so với các loại thực phẩm khác (nhóm cung cấp đạm) thì thịt lợn vẫn đang ở mức cao. Do đó, các bà nội trợ đã chủ động chuyển sang dùng những loại thực phẩm khác như: tôm cá, gà vịt hoặc chấp nhận dùng thịt lợn đông lạnh nhập khẩu có giá thấp hơn.

Doanh nghiệp xuất khẩu điều thiệt hại kép

Do xuất khẩu điều gặp khó khăn nên nhiều doanh nghiệp (DN) buộc phải sản xuất cầm chừng, thậm chí tạm ngừng hoạt động.

Giá điều thô lẫn điều hạt giảm, trong khi nhu cầu tiêu thụ giảm, yêu cầu xuất khẩu ngày càng khắt khe khiến nhiều DN ngành này lao đao.

qua-trinh-che-bien-hat-dieu.jpg
Chế biến điều phục vụ nhu cầu xuất khẩu.

 

Nhiều DN sản xuất điều cho biết đang bị lỗ nặng do dự trữ nguyên liệu với giá cao nhưng phải xuất khẩu với giá thấp. Ông Hoàng Đức Đạo, Giám đốc Công ty TNHH MTV XNK Nông sản Đạo Hiếu, thừa nhận DN điều chịu nhiều thiệt hại trong thời gian qua: Thông thường, các DN dự trữ nguyên liệu bằng cách nhập khẩu từ cuối năm ngoái để chế biến xuất khẩu cho năm nay. Thời điểm cuối năm ngoái, giá điều thô nhập khẩu khá cao, lên đến 1.200 USD/tấn; một số DN tồn nguyên liệu mua từ trước đó thì giá còn cao hơn, lên đến 1.400-1.500 USD/tấn. Đến đầu năm 2020, giá điều thô nhập khẩu giảm còn 1.000 USD/tấn, có thời điểm xuống khoảng 900 USD/tấn. Cùng với diễn biến giảm giá nguyên liệu điều thô nhập khẩu, từ đầu năm đến nay, giá xuất khẩu điều nhân cũng giảm liên tục khiến nhiều DN thiệt hại nặng.

Ông Hoàng Đức Đạo nêu thực tế giá xuất khẩu giảm nhưng DN khó tìm được khách hàng. Có trường hợp khách hàng đã ký hợp đồng chốt giá 6.000 USD/tấn nhưng sau đó đòi giảm xuống 5.500 USD mới chịu nhận hàng.

Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), tổng sản lượng điều thô nhập khẩu về Việt Nam 6 tháng đầu năm giảm đến 12% so với cùng kỳ, nguyên nhân chính là do những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 dẫn đến thời gian vận chuyển hàng từ Tây Phi về Việt Nam thường xuyên bị gián đoạn, trì hoãn. Các DN nhập khẩu khoảng 635.000 tấn điều thô, giảm 12% so với cùng kỳ. Giá nhập khẩu bình quân 1.287 USD/tấn, giảm gần 12% so với cùng kỳ và là mức giảm mạnh nhất trong vòng 10 năm qua. Ông Đặng Hoàng Giang, Phó Chủ tịch Vinacas, nhận định xu hướng giảm giá điều thô lẫn điều nhân thời gian qua khiến nhiều DN không thể cân đối giá thành sản xuất, chế biến, buộc phải giảm sản lượng hoặc tạm ngừng hoạt động vì càng làm càng lỗ.

Không chỉ DN lỗ lã mà nông dân trồng điều cũng bị thiệt hại theo. Số liệu của Vinacas cho thấy 7 tháng đầu năm, sản lượng điều thô trong nước có tăng nhưng thu nhập của nông dân trồng điều lại giảm đáng kể do biến động thị trường. Tại Bình Phước, giá hạt điều thời gian qua chỉ từ 18.000 đồng - 21.000 đồng/kg, trong khi cùng kỳ năm ngoái lên đến 30.000 đồng - 32.000 đồng/kg.

Thông tin từ Vinacas, mặc dù chịu tác động bởi đại dịch Covid-19 và diễn biến phức tạp tình hình kinh tế - chính trị - xã hội thế giới nhưng xuất khẩu nhân điều 6 tháng đầu năm của Việt Nam đạt 232.000 tấn (tăng trên 16% so với cùng kỳ năm ngoái), giá xuất khẩu bình quân 6.606 USD/tấn (giảm khoảng 14%). Trong 3 thị trường xuất khẩu nhân điều trọng điểm (Mỹ, châu Âu, Trung Quốc), xuất khẩu điều nhân vào Mỹ (chiếm 32% thị phần xuất khẩu nhân điều) tăng gần 25% về lượng và tăng gần 10% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, tiêu thụ của thị trường Trung Quốc lại giảm mạnh trong 6 tháng qua, chỉ chiếm tỉ trọng 8% thị phần xuất khẩu nhân điều của Việt Nam, tức giảm mạnh đến 30% về lượng và giảm 44% về giá trị.

Cho dù xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2020 tăng nhưng theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành, con số này chưa phản ánh đúng thực tế thị trường. Lượng hàng xuất khẩu không có đích đến cụ thể, hàng đưa vào kho ngoại quan chờ xuất còn rất cao.

Lúa gạo dồi dào, thị trường khởi sắc

Những ngày qua, giá lúa ở một số tỉnh, thành ĐBSCL đột ngột tăng cao. Dù vậy, lúa vụ hè thu và thu đông vẫn rất dồi dào, gạo đầy ắp, không lo thiết hụt.

Những ngày này đi về các huyện Thới Lai, Cờ Đỏ và quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ), lúa thu đông chủ yếu ở giai đoạn đẻ nhánh đến làm đòng và trổ, còn khoảng 1 - 1,5 tháng nữa mới bước vào đợt thu hoạch. Theo các thương lái, giá lúa gạo ở ĐBSCL từ đầu năm đến nay tương đối tốt, nằm mức trên 5.000 đồng/kg. Vì vậy, giúp cho nông dân trồng lúa và thương lái thu mua lúa đều có lãi ổn định hơn so với các năm trước.

go.jpg
Lúa vụ hè thu và thu đông vẫn rất dồi dào, gạo đầy ắp, không lo thiết hụt.

 

Lúa tươi IR 50404 và các loại lúa hạt dài như: OM 5451, OM 4218, OM 380 đang được thương lái đặt tiền cọc thỏa thuận thu mua với giá 5.100 - 5.600 đồng/kg. Còn các loại lúa thơm như Jasmine 85 và Ðài Thơm 8 có giá 5.700 - 5.800 đồng/kg…

Ông Nguyễn Văn Tâm, ở xã Trung Thạnh, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ, cho biết: Vụ thu đông năm nay, gia đình canh tác 6 ha, giống OM 5451, lúa được 70 ngày tuổi, trổ đều. Tuy lúa còn xanh trên đồng nhưng đã có thương lái đến tận nhà đặt tiền cọc mua lúa tươi tại ruộng giá 5.700 đồng/kg, cao hơn 500 - 700 đồng/kg so với năm trước. Lúa gạo tăng giá, bà con trong xóm ai cũng phấn khởi.

Theo ông Tâm, lúa còn gần 1 tháng nữa mới thu hoạch, gia đình đang chăm sóc bằng các biện pháp kỹ thuật nhằm đảm bảo năng suất cao. Giai đoạn cuối này ông Tâm đã mạnh dạn thuê dịch vụ phun thuốc BVTV bằng máy bay điều kiển từ xa, vừa tiết kiệm được chi phí khoảng 30% trên lần phun vừa bảo vệ được sức khỏe vì không tiếp xúc với thuốc BVTV. 

Sở NN-PTNT TP Cần Thơ cho biết, đến nay, nông dân thành phố đã xuống giống lúa vụ thu đông 2020 được 68.163 ha, đạt 107% kế hoạch. Phần lớn nông dân đều thực hiện gieo trồng lúa bằng thiết bị máy móc, tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa trong khâu gieo sạ đạt trên 95% diện tích. Trong đó, tỷ lệ diện tích sử dụng máy phun hạt là chủ yếu, còn lại là gieo sạ bằng máy kéo hàng, máy cấy…

Bà Võ Thị Thanh Vân, Phó GĐ Sở NN-PTNT An Giang cho biết: An Giang là một trong những tỉnh có diện tích lúa hè thu thu hoạch muộn so với các tỉnh khác ở khu vực. Tính đến nay, toàn tỉnh thu hoạch đạt 98% trên tổng diện tích 230.000 ha đã xuống giống, năng suất ước đạt 5,53 tấn/ha, cao hơn từ 80 - 150kg/ha so với vụ lúa hè thu năm 2019.

Mặc dù, trước tác động của dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu, nhưng ngược lại tình hình tiêu thụ lúa gạo cho thị trường nội địa có chuyển biến tốt hơn các năm trước. Cụ thể, lúa chất lượng cao Đài Thơm 8, Nàng Hoa và OM 4900 giá bán lúa tươi từ 5.400 - 6.200 đồng/kg, nếp tươi từ 6.700 - 6.900 đồng/kg, tăng 1.000 - 1.050 đồng/kg, riêng lúa IR50404 dao động từ 5.100 - 5.300 đồng/kg (tùy loại), tăng 300 - 400 đồng/kg so với tháng trước.

Ông Trịnh Công Minh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX An Bình, ở xã An Bình, huyện Thoại Sơn (An Giang), phấn khởi  nói: HTX có 78 thành viên, với tổng diện tích sản xuất lúa 620 ha. Nhiều năm qua HTX canh tác theo quy trình kỹ thuật “1 phải,  5 giảm” và “3 giảm, 3 tăng”, giúp thay đổi được tư duy sản xuất lúa như: đẩy mạnh áp dụng các khâu cơ giới hóa trong gieo cấy và thu hoạch lúa, giảm giống, giảm phân bón và thuốc BVTV. Từ đó giúp nông dân giảm chi phí, tăng thêm lợi nhuận từ 2 - 3 triệu đồng/ha/vụ so với sản xuất theo truyền thống trước đây./.

 

 

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
  • Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Sát cánh cùng người dân phát triển kinh tế, đồng vốn từ NHCSXH huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã góp phần làm sống lại nghề trồng dâu nuôi tằm tưởng như đã “lụi” lại vươn mình phát triển mạnh mẽ, tạo phong trào thi đua làm kinh tế sôi nổi tại địa phương.

  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • Được trao sinh kế, người dân Lang Chánh thoát nghèo

    Được trao sinh kế, người dân Lang Chánh thoát nghèo

    Với phương châm “trao cần câu, không trao con cá”, thời gian qua, hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Lang Chánh (Thanh Hóa) được Nhà nước hỗ trợ sinh kế, đã nỗ lực sản xuất kinh doanh, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

  • Tấm chân tình người dân quê Bác với du khách

    Tấm chân tình người dân quê Bác với du khách

    Về làng Sen, xã Kim Liên (Nam Đàn - Nghệ An) mùa này, du khách không chỉ thưởng ngoạn sắc hồng của sen. Vẫn lối cũ ấy, nhưng lại được ấp ôm bởi những vườn mẫu, vườn chuẩn NTM, những homestay với mục tiêu chính không phải để kinh doanh mà cốt yếu để tỏ tấm chân tình người dân quê Bác với du khách thập phương...

  • Để OCOP trở thành động lực phát triển kinh tế nông thôn

    Để OCOP trở thành động lực phát triển kinh tế nông thôn

    OCOP thực sự trở thành phong trào thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo ở nông thôn, là hướng đi đúng, kịp thời và nhận được hưởng ứng tích cực từ người dân.

Top