Kết thúc Tuần lễ Xoài và Nông sản an toàn tại Hà Nội, các doanh nghiệp, hợp tác xã của tỉnh Sơn La đã tiêu thụ 23 tấn hàng hóa nông sản các loại, với tổng doanh thu đạt gần 4 tỷ đồng.
Tuần lễ Xoài và Nông sản an toàn tỉnh Sơn La do UBND tỉnh Sơn La phối hợp với Tập đoàn Central Group Việt Nam tổ chức tại Siêu thị Big C, Thăng Long, Hà Nội từ ngày 17-21/5. Sự kiện này thu hút sự tham gia của 20 doanh nghiệp, Hợp tác xã, với khoảng 30 gian hàng trưng bày các nhóm sản phẩm quả tươi, nhóm rau củ quả và nhóm thực phẩm đã qua chế biến. Trong đó nổi bật là các sản phẩm xoài Sơn La giới thiệu tới người tiêu dùng Thủ đô và các tỉnh miền Bắc.
Hoạt động này góp phần giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông sản an toàn của tỉnh Sơn La đến với người tiêu dùng trên toàn quốc; kích cầu tiêu dùng, góp phần tạo thị trường tiêu thụ ổn định cho nông sản an toàn của tỉnh Sơn La, giúp bà con nông dân có thu nhập kinh tế, ổn định đời sống.
Xã Nậm Chạc khôi phục hơn 35ha chè
Xã Nậm Chạc (Bát Xát, Lào Cai) vừa bàn giao cho một doanh nghiệp khôi phục hơn 35 ha chè.
Lãnh đạo huyện Bát Xát kiểm tra diện tích chè mới được khôi phục ở xã Nậm Chạc. Ảnh: Báo Lài Cai
Sau khi nhận bàn giao, doanh nghiệp đã đầu từ hàng trăm triệu đồng để chăm sóc, cắt tỉa cây chè theo đúng kỹ thuật và tiêu chuẩn VietGAP. Hiện, hơn 35 ha chè ở xã Nậm Chạc đang sinh trưởng và phát triển tốt, hứa hẹn cho thu hoạch trong thời gian tới.
Được biết, trên địa bàn xã A Mú Sung (Bát Xát) đang xây dựng một nhà máy thu mua, chế biến chè. Khi nhà máy đi vào hoạt động, cây chè ở Nậm Chạc sẽ có đầu ra ổn định. Khi cây chè cho thu hoạch, doanh nghiệp sẽ phải trích một phần lợi nhuận đóng góp vào ngân sách địa phương để xây dựng nông thôn mới.
Trước đó, cây chè trên địa bàn xã Nậm Chạc được một số hộ dân trồng và chăm sóc, tuy nhiên, do không tìm được đầu ra ổn định, nên cây chè bị bỏ hoang, không được quan tâm chăm sóc.
Mường Tè nhiều diện tích hoa màu thiệt hại do nắng hạn
Nắng nóng, khô hạn kéo dài trên diện rộng khiến nhiều diện tích hoa màu vụ xuân hè của huyện Mường Tè (Lai Châu) thiệt hại nặng. Hiện, cấp ủy, chính quyền, các cơ quan chuyên môn của huyện đang tập trung vận động nông dân khắc phục bằng nhiều giải pháp.
Cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Mường Tè kiểm tra diện tích ngô bị thiệt hại tại xã Mường Tè. Ảnh: Báo Lai Châu
Vụ xuân hè, nông dân trên địa bàn huyện tổ chức gieo trồng 1.880ha ngô, 52ha lạc và 446ha lúa nương. Đồng chí Tống Văn Thi – Trưởng Phòng NN&PTNT huyên Mường Tè cho biết, trước diễn biến phức tạp của thời tiết và thiệt hại trong sản xuất của nông dân, huyện Mường Tè chủ động triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ khắc phục hậu quả. Đối với diện tích lúa nương, theo khung thời vụ, bà con đã gieo vào tháng 4. Tuy nhiên, thời tiết khô hạn, các xã có diện tích lúa nương như: Kan Hồ, Tà Tổng, Bum Tở… Phòng NN&PTNT huyện chỉ đạo bà chưa xuống giống, đợi có mưa mới tổ chức sản xuất. Còn với cây ngô, lạc, cán bộ của Phòng trực tiếp xuống các xã, phối hợp với cấp ủy, chính quyền rà soát, nắm bắt tình hình, đánh giá khả năng tác động của nắng nóng, hạn hán tới đời sống của Nhân dân cũng như công tác sản xuất.
Theo thống kê sơ bộ, diện tích ngô bị thiệt hại toàn huyện trên 40%, lạc khoảng 30%. Hỗ trợ bà con khắc phục thiệt hại và đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu sản xuất năm 2019, Phòng NN&PTNT huyện yêu cầu các xã thống kê cụ thể diện tích bị hại, tuyên truyền, vận động Nhân dân tổ chức gieo trồng ngô hè thu. Cung ứng giống và tiến hành gieo trồng từ 25/5 đến ngày 20/6. Cơ cấu giống, lựa chọn phù hợp với từng vùng, điều kiện canh tác từng địa phương, có thời gian sinh trưởng ngắn và trung ngày như ngô: CP 989, LVN 10, MX 6. Đồng thời, tham mưu với UBND huyện vận dụng linh hoạt các nguồn của Chính phủ hỗ trợ 30% giá giống cho Nhân dân.
Tủa Chùa: 1.800ha ngô xuân hè bị sâu lạ tấn công
Hiện nay, trên địa bàn huyện Tủa Chùa (Điện Biên Phủ) có 1.800/4.150ha ngô xuân hè bị nhiễm loài sâu lạ. Đây là đối tượng sâu hại nguy hiểm, mức độ gây hại nhanh. Mới đầu, sâu chỉ cắn lá, sau đó cắn dần vào ngọn, nõn ngô. Một cây ngô có thể có 4 - 5 con sâu. Người dân đã phun thuốc trừ sâu thông thường nhưng không hiệu quả. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Bảo vệ thực vật huyện Tủa Chùa đã phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn hướng dẫn người dân cách phòng, trừ sâu lạ trên ngô xuân hè.
Người dân xã Tả Phìn kiểm tra mức độ thiệt hại do sâu lạ gây ra trên cây ngô xuân hè. Ảnh: Báo Điện Biên Phủ.
Bà Vũ Ngọc Ánh, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tủa Chùa cho biết: Hiện tại cơ quan chuyên môn của huyện đang thử nghiệm phối trộn 2 loại thuốc Emamectin benzoat 4-6g và Nereistoxin 20g, kết quả đã cho hiệu quả phòng trừ tốt. Cơ quan chuyên môn khuyến cáo người dân phun tập trung vào chiều mát, phun trực tiếp vào nõn ngô để đạt hiệu quả cao nhất.
Phú Thọ có 13.460 ha trồng cây ăn quả
Tỉnh Phú Thọ có 4.000ha trồng bưởi, sản lượng đạt 24 nghìn tấn/năm. Ảnh Báo Phú Thọ
Hiện, Phú Thọ có 118.200 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có 13.460 ha trồng cây ăn quả đa dạng, phong phú về chủng loại như: Bưởi, cam, quýt, hồng, vải, nhãn, chuối, soài...; sản lượng đạt 149 nghìn tấn/năm.
Tuy nhiên, sản xuất cây ăn quả quy mô nhỏ lẻ, phân tán, mức đầu tư cao nhất là đầu tư cho hệ thống tưới vùng đồi. Việc áp dụng các tiến bộ KHKT trong chăm sóc, bảo quản và truy xuất nguồn gốc chưa phổ biến. Chưa đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, giữa sản xuất với tiêu thụ và phát triển thương hiệu còn hạn chế...
Để tập trung chỉ đạo theo hướng tái cơ cấu, duy trì tốc độ tăng trưởng khá; giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác đạt trên 100 triệu đồng/ha/năm. Tỉnh đã quan tâm đầu tư, nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật ứng dụng vào thực tiễn sản xuất. Áp dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm cải tạo, phục hồi, nâng cao chất lượng mẫu mã đã được chuyển giao ứng dụng ra sản xuất đại trà; ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, bảo hộ sở hữu trí tuệ và tạo lập nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm nông nghiệp... góp phần nâng cao chất lượng, giá trị của sản phẩm.
Năm 2024, Lào Cai đã khởi công 5.792 nhà, đạt 75% kế hoạch. Đến nay, 5.006 nhà đã hoàn thành, trong đó xây mới 3.084 nhà, sửa chữa 1.922 nhà. Toàn tỉnh phấn đấu đến hết tháng 6 năm 2025 sẽ xóa xong toàn bộ nhà tạm, nhà dột nát. Tổng kinh phí dự kiến thực hiện đề án giai đoạn 2024-2025 là 570.009 triệu đồng.