Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 6 tháng 10 năm 2018 | 17:3

TP. HCM trình chủ trương xây nhà hát giao hưởng ở Thủ Thiêm

Ủy ban Nhân dân TP. HCM vừa trình Hội đồng Nhân dân thành phố chủ trương xây Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch đạt tiêu chuẩn quốc tế tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2), tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng từ nguồn ngân sách.

 
Nhà hát được xây với quy mô 1.700 chỗ, gồm hai khán phòng lớn và nhỏ. Thành phố đánh giá công trình này thật sự cần thiết và cấp bách, là biểu tượng văn hóa, điểm nhấn về kiến trúc, nghệ thuật của địa phương. Nhạc trưởng Trần Vương Thạch, Giám đốc Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch (HBSO) cho biết so với tiêu chuẩn các nhà hát giao hưởng thế giới, quy mô công trình này ở mức trung bình.
 
"Chúng tôi rất vui vì sau một thời gian dài, trải qua nhiều tranh luận, ấp ủ, dự án tâm huyết về một ngôi nhà cho dòng nghệ thuật hàn lâm ở TP HCM đã dần được hiện thực hóa qua động thái cụ thể", ông Trần Vương Thạch chia sẻ.
vnexpressnet-tin-1.jpg
Sau nhiều lần thay đổi, TP HCM quyết tâm làm Nhà hát giao hưởng, nhạc, vũ kịch tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm. (Ảnh theo vnexpress.net)

 

Chủ trương xây nhà hát giao hưởng ở TP HCM đã có từ 20 năm trước. Năm 1993, Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP HCM (HBSO) được thành lập. Đến năm 1999, thành phố dự kiến xây nhà hát tại số 23 Lê Duẩn, quận 1 (trụ sở Công ty Xổ số Kiến thiết thành phố) nhưng địa điểm được chọn không phù hợp. Đến cuối năm 2012, UBND TP HCM chấp thuận chủ trương xây nhà hát trong Công viên 23/9, quận 1. Công ty Busmann Haberer, Muller, Inros Lackner (Cộng hòa Liên bang Đức) là đơn vị tư vấn thiết kế. Công trình được giới hạn bởi các tuyến đường Tôn Thất Tùng, Lê Lai và Phạm Ngũ Lão, hướng chính nhìn ra chợ Bến Thành và dự kiến đưa vào sử dụng cuối năm 2015. Tuy nhiên, sau nhiều bàn cãi và phản đối của các chuyên gia quy hoạch, kiến trúc, kế hoạch này lại một lần nữa không thực hiện được.
 
Trụ sở làm việc HBSO được bố trí tạm tại tầng hầm Nhà hát TPHCM (trực thuộc Trung tâm Tổ chức biểu diễn và Điện ảnh). Hiện, hầu hết các chương trình nghệ thuật hàn lâm ở TP HCM đều biểu diễn tại Nhà hát Thành phố (số 7 Công trường Lam Sơn, quận 1) - được người Pháp xây dựng từ năm 1898 với quy mô khoảng 500 chỗ ngồi. "Đơn vị chúng tôi phải thuê địa điểm của Nhà hát TP HCM, nhưng tình trạng bị kẹt lịch thường xuyên xảy ra do có quá nhiều nơi thuê điểm diễn này. Chưa kể, hoạt động của HBSO bị phân tán vì không có trụ sở ổn định, khi chuẩn bị những vở lớn hay các chương trình, chúng tôi đều phải đi thuê điểm tập", ông Trần Vương Thạch cho biết.
 
Dự án nghỉ dưỡng, sinh thái Đầm Vân Hội (Yên Bái) chủ đầu tư buộc phải ngừng triển khai
 
Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen của đại gia Lê Phước Vũ vừa thông báo giải thể Công ty Cổ phần Hoa Sen Vân Hội. Đây là công ty con do Hoa Sen lập ra để thực hiện dự án khu du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái Đầm Vân Hội (Yên Bái).

Lý do giải thể là do công ty đã ngừng tổ chức, triển khai dự án bất động sản nghỉ dưỡng này và Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Yên Bái đã có quyết định về việc giải thể Hoa Sen Vân Hội.

Công ty Cổ phần Hoa Sen Vân Hội được thành lập từ năm 2016, do Hoa Sen sở hữu 70% vốn góp, một cổ đông khác của công ty cũng chính là đại gia Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Hoa Sen.

Theo quy hoạch, dự án khu du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái Đầm Vân Hội có tổng quỹ đất 1.346ha nằm trên địa bàn 2 xã Việt Cường và Vân Hội, huyện Trấn Yên.

Khu vực sinh thái bao gồm khu vực núi Muỗi, vịnh Long Ẩn và hồ Vân Hội. Trong khu sinh thái bố trí các khu chức năng bao gồm khu trung tâm dịch vụ đón tiếp và điều hành; khu lâm viên tạo cảnh quan; khu bảo tồn thiên nhiên; không gian mặt nước như suối, hồ tự nhiên và hồ nhân tạo; khu nuôi thú tham quan…

Khu nghỉ dưỡng rộng gần 10ha, bao gồm khu trung tâm dịch vụ đón tiếp và điều hành; khu lưu trú với nhiều loại hình; khách sạn; không gian cây xanh; suối, hồ tự nhiên và hồ nhân tạo; diện tích hạ tầng kỹ thuật phục vụ.
vietnamfinancevn-tin-2.jpg
Ngừng triển khai dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái Đầm Vân Hội (Ảnh theo vietnamfinancevn)

Khu công viên cây xanh rộng gần 35ha, bao gồm khu trung tâm dịch vụ đón tiếp và điều hành; khu nhà truyền thống dân tộc bản địa; khu vui chơi giải trí, thể thao, cắm trại; khu giải trí câu cá và nhà hàng; không gian cây xanh; không gian mặt nước; diện tích hạ tầng kỹ thuật phục vụ.

Khu dân cư và khu biệt thự cao cấp với diện tích gần 77ha, vị trí nằm trên tuyến đường từ nút giao IC12 (đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai) – Vân Hội và khu vực núi Chuối nhằm phục vụ nhu cầu ở thường xuyên và không thường xuyên.

Lý giải việc lựa chọn địa điểm triển khai dự án bất động sản quy mô lớn đầu tiên của công ty, ông Lê Phước Vũ từng cho biết Đầm Vân Hội hội tụ được các yếu tố khí hậu, cảnh quan thiên nhiên và tâm linh.

Ngoài dự án Vân Hội, Hoa Sen cũng từng chuyển nhượng để rút hết vốn ra khỏi 3 dự án bất động sản và 1 dự án logistics - dự án Cảng Quốc tế Hoa Sen – Gemadept, chỉ giữ lại dự án Phố Đông – Hoa Sen.

Thời điểm rút khỏi 3 dự án này, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen từng trả lời báo chí: "Đầu tư vào bất động sản là động thái thăm dò một lĩnh vực kinh doanh mới và khi thấy không hiệu quả, chúng tôi bán cổ phần và rút lui. Chúng tôi không bỏ tiền quá nhiều và vẫn chưa lỗ trong các dự án đầu tư này. Do đó, không thể nói đây là thất bại".

Tính đến hết ngày 30/6/2018, nợ phải trả của Hoa Sen đã lên đến 18.385 tỷ đồng, gấp tới 3,5 lần vốn chủ sở hữu. Xét riêng nợ vay, con số là 15.879 tỷ đồng, gấp 3 lần vốn chủ sở hữu.

Vụ cao ốc 8B Lê Trực: Tiếp tục cắt ngọn, chuyển hồ sơ cho công an 

Liên quan đến vụ cao ốc sai phép tại số 8B Lê Trực, thuộc địa bàn quận Ba Đình quản lý. UBND Thành phố Hà Nội thông tin, thời gian tới sẽ tiếp tục chỉ đạo UBND quận Ba Đình, các sở ngành liên quan xử lý dứt điểm phá dỡ công trình giai đoạn 2…

UBND Thành phố Hà Nội vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình phá dỡ phần sai phạm tại công trình 8B Lê Trực (phường Điện Biên, quận Ba Đình) sau gần 3 năm triển khai.

Theo UBND Thành phố Hà Nội, việc phá dỡ giai đoạn 2 công trình cao ốc sai phạm 8B Lê Trực gồm tầng 17 và 18, thành phố đã gặp rất nhiều khó khăn.

"UBND thành phố nhiều lần nhận được đề nghị của nhà thầu phá dỡ là công ty Phương Bắc đề nghị dừng thi công phá dỡ do ảnh hưởng đến an toàn chịu lực và kết cấu tòa nhà. Do đó, Hà Nội đã phải xin ý kiến Bộ Xây dựng, các viện nghiên cứu để có phương án phá dỡ", Báo cáo của UBND Thành phố Hà Nội nêu rõ.

Cũng theo báo cáo của UBND Thành phố Hà Nội, tháng 7/2018 chủ đầu tư là Công ty may Lê Trực có văn bản gửi Hà Nội kiến nghị được tự phá dỡ giai đoạn 2 và đề nghị thành phố “không chuyển cơ quan công an điều tra, xử lý vi phạm trong hoạt động đầu tư, xây dựng”. 

Đến tháng 8/2018, Sở Xây dựng báo cáo UBND Thành phố Hà Nội, đánh giá chủ đầu tư chưa tự nguyện tổ chức phá dỡ. Cho nên đề nghị chỉ định đơn vị tư vấn thiết kế, đơn vị thi công phá dỡ giai đoạn 2. Báo cáo Thủ tướng, UBND Thành phố Hà Nội khẳng định vi phạm trật tự xây dựng tại số 8B Lê Trực là vụ việc phức tạp, vi phạm pháp luật về xây dựng nghiêm trọng.

Để giữ nghiêm kỷ cương pháp luật và hiệu lực hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước, UBND Thành phố Hà Nội cho hay, thời gian tới sẽ tiếp tục chỉ đạo UBND quận Ba Đình, các sở ngành liên quan xử lý dứt điểm phá dỡ tầng 17, 18 của dự án 8B Lê Trực.

vietnamnetvn-tin-3.jpg
UBND Thành phố Hà Nội cho hay sẽ xử lý dứt điểm phá dỡ giai đoạn 2 công trình cao ốc sai phép 8B Lê Trực. (Ảnh theo vietnamnetvn)

UBND Thành phố Hà Nội cũng cho biết sẽ yêu cầu các đơn vị phối hợp cung cấp hồ sơ chuyển cơ quan cảnh sát điều tra để xem xét, tiến hành điều tra các sai phạm của các tổ chức, cá nhân liên quan tại dự án 8B Lê trực và các sai phạm tại các công trình khác của những chủ đầu tư trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Trước đó, việc phá dỡ giai đoạn 1 công trình sai phép 8B Lê Trực gồm tầng 19 và tum thang, UBND TP. Hà Nội cho hay đã được tiến hành từ tháng 11/2015 đã hoàn thành, đảm bảo an toàn.

Được biết, công trình 8B Lê Trực có nhiều sai phạm so với giấy phép xây dựng đã được cấp. Cụ thể từ tầng 8 (phía đường Trần Phú kéo dài) phải có khoảng lùi khối cao tầng 3,36 m so với khối đế, song chủ đầu tư đã xây thẳng đến mái. Phần giật cấp đầu hồi phía Đông theo thiết kế từ độ cao 44 m công trình giật cấp vào 15 m và tại độ cao 50 m giật cấp tiếp thêm 5,3 m về phía Tây, nhưng chủ đầu tư không xây dựng giật cấp làm tăng diện tích sàn xây dựng.

Công trình cao đến đỉnh tum thang là 53m, nhưng thực tế chủ đầu tư đã tự ý tăng chiều cao, xây thêm tầng 19. Diện tích sàn theo giấy phép xây dựng là gần 30.000m2, tuy nhiên chủ đầu tư đã xây dựng khoảng 36.000m2, tăng trên 6.000m2 so với giấy phép.

 

 

 

Hữu Thắng
Ý kiến bạn đọc
  • Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hướng đến phát triển bền vững

    Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hướng đến phát triển bền vững

    Tại Hội nghị Meet The Experts lần thứ 15 với chủ đề “Phát triển bền vững và yếu tố wellness” diễn ra mới đây, các đơn vị, nhân sự, chủ đầu tư đã cùng trau dồi kiến thức chuyên môn, cập nhật thông tin thị trường và xu hướng mới nhất trong ngành bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng vốn gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua.

  • Phân khúc văn phòng hạng A được ưa chuộng tại Việt Nam

    Phân khúc văn phòng hạng A được ưa chuộng tại Việt Nam

    Theo báo cáo của Savills, phân khúc văn phòng hạng A trên toàn cầu ghi nhận mức tăng. Tại Việt Nam, phân khúc này tiếp tục là phân khúc được ưa chuộng.

  • TP. Hồ Chí Minh vận dụng cơ chế đặc thù để phát triển nhà ở xã hội

    TP. Hồ Chí Minh vận dụng cơ chế đặc thù để phát triển nhà ở xã hội

    Thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh, lãnh đạo thành phố vừa giao Sở Xây dựng rà soát, hệ thống lại nhiệm vụ được giao, tham mưu UBND thành phố ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành và đơn vị có liên quan thực hiện các nội dung về đầu tư xây dựng nhà ở xã hội quy định tại khoản 3, Điều 6 của Nghị quyết.

Top