Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 4 tháng 5 năm 2024  
Thứ năm, ngày 17 tháng 2 năm 2022 | 14:32

Trồng cam hữu cơ, hướng đi bền vững cho nhà vườn

Nhằm phát triển bền vững cây cam, một trong những loại cây đặc sản của tỉnh Hà Giang, một số nhà vườn tại huyện Bắc Quang đã trồng cam sành hữu cơ. Qua đó, giúp nâng cao chất lượng, giá trị, thương hiệu “Cam sành Hà Giang”.

Hơn hai năm nay, anh Bùi Đức Vượng ở xã Vĩnh Phúc không sử dụng phân bón hóa học mà thay vào đó là phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sinh học cho vườn cam của gia đình. Anh Vượng vui mừng chia sẻ: Tôi tham gia mô hình của Trung tâm Khuyến nông tỉnh từ năm 2019, gia đình được hỗ trợ phân bón hữu cơ Điền Trang và được cán bộ hướng dẫn về quy trình kỹ thuật chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh cho cây cam. Lúc đó, vườn cam của gia đình đang bị suy giảm năng suất, sâu bệnh gây hại và suy thoái dần do không biết cách chăm sóc. Nhờ cán bộ khuyến nông tỉnh hỗ trợ và áp dụng phương pháp thâm canh theo hướng hữu cơ nên sau hai năm, vườn cam đã tươi tốt trở lại.

Có thể thấy rõ sự khác biệt giữa trồng cam truyền thống và trồng cam hữu cơ là mẫu mã quả đẹp, vàng bóng, chất lượng ngon, ngọt hơn, năng suất, sản lượng tăng gấp rưỡi. Đến nay, 7ha cam sành và 2 ha cam lòng vàng của gia đình cho thu hoạch, năng suất đạt 20-25 tấn/ha, dự kiến vụ cam năm nay sẽ cho lợi nhuận 450-500 triệu đồng. Anh Vượng chia sẻ thêm, ưu điểm của phương pháp hữu cơ là bảo vệ sức khỏe người trồng cam và bảo vệ môi trường, chất lượng cũng như giá trị của sản phẩm được nâng lên. Sản phẩm cam của gia đình đạt chứng nhận VietGAP.

 

cam-hc.jpg
Cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh  Hà Giang hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cam cho hộ anh Bùi Đức Vượng ở xã Vĩnh Phúc (Bắc Quang).

 

Còn hộ trồng cam Vũ Mạnh Chủng ở xã Vĩnh Phúc cho biết: Thực hiện mô hình trồng cam hữu cơ, gia đình được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ phân bón hữu cơ, hướng dẫn kỹ thuật bón phân, chăm sóc cây cam. Trước đây, toàn bộ 8.000m2 cam của gia đình bị bệnh vàng lá, sau khi được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, cây xanh tốt hơn. Không chỉ riêng tôi mà các hộ thực hiện mô hình đều nhận thấy hiệu quả, quả cam có mẫu mã đẹp, mọng nước.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Giang Phan Thị Thoa cho biết: Được sự hỗ trợ của Dự án WB7, Trung tâm Khuyến nông  phối hợp với các huyện Bắc Quang, Quang Bình triển khai mô hình thâm canh cam theo hướng hữu cơ, sử dụng các loại phân bón hữu cơ, hữu cơ vi sinh, hữu cơ khoáng, thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học… nhằm cải tạo bổ sung vi sinh vật có lợi cho đất, giúp cây phát triển rễ tơ khỏe mạnh, hấp thụ dinh dưỡng tốt, ít bị sâu bệnh. Đồng thời, hỗ trợ các hộ thay thế cây cam già cỗi, kém hiệu quả bằng các giống cam chín sớm, chín muộn (Cam V2, CS1, Xã Đoài) để rải vụ thu hoạch, hạn chế thiệt hại cho nhà vườn.

Mô hình thực hiện với quy mô 260ha, 195 hộ tại xã Vĩnh Phúc, Vĩnh Hảo (Bắc Quang); Tân Trịnh (Quang Bình) tham gia. Đến nay, cây cam sinh trưởng, phát triển tốt, số cây trồng mới thay thế có tỷ lệ sống trên 95%; toàn bộ diện tích được đầu tư thâm canh sử dụng phân bón hữu cơ nhằm cải tạo đất, bổ sung dinh dưỡng hợp lý, giúp cây sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh, tăng khả năng chống chịu với điều kiện ngoại cảnh; năng suất tăng ít nhất 20% trở lên so với không đầu tư, quả to, đều, màu sắc đẹp, mẫu mã bắt mắt, mọng và ngọt hơn, giá bán cao hơn 3-5 nghìn đồng/kg.

Các hộ trồng cam rất phấn khởi và đã tuyên truyền cho các hộ khác trong vùng, trong tổ sản xuất cam theo quy trình VietGAP do cán bộ khuyến nông hướng dẫn.

Lê Hải
Ý kiến bạn đọc
Top