Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 11 tháng 5 năm 2024  
Thứ hai, ngày 12 tháng 9 năm 2022 | 15:19

Trung Quốc đối mặt với lạm phát giá thịt lợn

Giá thịt lợn tại Trung Quốc đã tăng mạnh trở lại trong tháng 8/2022, mặc dù trước đó chính phủ đã thực hiện các biện pháp nhằm ổn định chi phí và đảm bảo nguồn cung ở quốc gia tiêu thụ thịt lớn nhất thế giới này.

thit-lon.jpg
Thịt lợn được bày bán tại một siêu thị ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

 

Theo dữ liệu chính thức được công bố hôm 9/9, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc đã tăng chậm lại trong tháng Tám, xuống còn 2,5%, trong khi Chỉ số giá sản xuất (PPI) cũng tăng với tốc độ thấp nhất trong 18 tháng, ở mức 2,3% - thấp hơn nhiều so với Mỹ, Vương quốc Anh và một số quốc gia khác đang phải đối mặt với tỷ lệ lạm phát cao nhất trong hàng thập kỷ.

Tuy nhiên, giá thịt lợn, một mặt hàng chủ lực ở Trung Quốc được sử dụng trong nhiều món ăn, đã đi ngược lại xu hướng này. Giá đã tăng mạnh trong những tháng gần đây, với mức tăng trung bình 22,5% trong tháng 8/2022 so với cùng kỳ năm 2021. Trước đó, giá thịt lợn cũng đã tăng 20,2% trong tháng 7/2022 do sản lượng giảm khiến nguồn cung bị siết chặt.

Thịt lợn có tỷ trọng lớn nhất trong số các loại thực phẩm được sử dụng để đánh giá chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc.

Dữ liệu mới được công bố sau khi Chính phủ Trung Quốc cho biết, lần đầu tiên trong năm nay họ đã phải sử dụng thịt lợn đông lạnh dự trữ để kiềm chế giá, nhằm chuẩn bị cho lễ hội Tết Trung thu và ngày Quốc khánh (1/10).

Mặc dù vậy, các nhà kinh doanh thịt lợn Trung Quốc cảnh báo rằng việc “giải phóng” nguồn thịt đông lạnh có thể sẽ không giúp được gì nhiều.

Một người bán thịt ở Thượng Hải cho biết: “Hầu hết khách hàng của chúng tôi thích thịt lợn tươi hơn là thịt lợn đông lạnh”.

Ông nói thêm: “Những ngày này, khách hàng mua ít thịt hơn so với giai đoạn phong tỏa hồi tháng Tư vì thu nhập hộ gia đình không đổi trong khi giá thịt lợn đang tăng”. Trước đó, vào đầu năm nay, thành phố Thượng Hải đã phong tỏa trong hai tháng để hạn chế đà lây lan của đại dịch COVID-19.

Trong khi đó, Deng Shaorui, một nhà phân tích tại công ty tài chính Huatai Securities, cho biết sự can thiệp của chính phủ nhiều khả năng sẽ xoa dịu đi những lo ngại về nguồn cung trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, giá thịt lợn sẽ tiếp tục ở mức cao, nhà phân tích Deng được Thời báo Chứng khoán Thâm Quyến dẫn lời hôm 9/9. Ông nói: "Khi thời tiết trở nên mát mẻ hơn và sức tiêu thụ thịt lợn phục hồi theo mùa, nhu cầu sẽ tăng vào dịp Tết Trung thu và Quốc khánh".

Tại Trung Quốc, giá thịt lợn đã tăng kể từ tháng Năm. Song song với đó, nhu cầu của người tiêu dùng cũng đã dần phục hồi sau thời gian thực hiện “bế quan tỏa cảng” theo chính sách “Không COVID” của chính phủ.

Giá thịt lợn trên toàn quốc đã tăng 53% từ mức của tháng Năm, lên 23,34 nhân dân tệ/kg (tương đương 3,4 USD/kg) hôm 9/9, theo trang theo dõi giá thịt lợn của Trung Quốc www.zhuwang.cc.

Vào tháng Bảy, quan chức Trung Quốc đã kêu gọi các nhà chăn nuôi lợn lớn tăng cường sản xuất đồng thời cảnh báo về việc tích trữ và ấn định giá.

Chính phủ cũng cố gắng ngăn chặn những tác động tiêu cực của đợt lây lan COVID-19 mới xuất hiện tại thành phố lớn Thành Đô và trung tâm công nghệ Thâm Quyến, giữa bối cảnh thị trường bất động sản Trung Quốc đang khủng hoảng.

Trong một động thái bất ngờ vào tháng trước, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) đã điều chỉnh giảm lãi suất, bao gồm cả lãi suất thế chấp tiêu chuẩn, nhằm hỗ trợ nền kinh tế đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Cơ quan nghiên cứu Capital Economics nhận định trong một lưu ý: "Lạm phát giá tiêu dùng đã giảm trong tháng Tám và vẫn dưới mức trần mà PBoC mong muốn là 3%. Điều này mang lại cho ngân hàng dư địa để nới lỏng chính sách hơn nữa”.

 

Phương Nga (TTXVN/baotintuc.vn)

 

Ý kiến bạn đọc
  • Được trao sinh kế, người dân Lang Chánh thoát nghèo

    Được trao sinh kế, người dân Lang Chánh thoát nghèo

    Với phương châm “trao cần câu, không trao con cá”, thời gian qua, hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Lang Chánh (Thanh Hóa) được Nhà nước hỗ trợ sinh kế, đã nỗ lực sản xuất kinh doanh, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

  • Tấm chân tình người dân quê Bác với du khách

    Tấm chân tình người dân quê Bác với du khách

    Về làng Sen, xã Kim Liên (Nam Đàn - Nghệ An) mùa này, du khách không chỉ thưởng ngoạn sắc hồng của sen. Vẫn lối cũ ấy, nhưng lại được ấp ôm bởi những vườn mẫu, vườn chuẩn NTM, những homestay với mục tiêu chính không phải để kinh doanh mà cốt yếu để tỏ tấm chân tình người dân quê Bác với du khách thập phương...

  • Để OCOP trở thành động lực phát triển kinh tế nông thôn

    Để OCOP trở thành động lực phát triển kinh tế nông thôn

    OCOP thực sự trở thành phong trào thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo ở nông thôn, là hướng đi đúng, kịp thời và nhận được hưởng ứng tích cực từ người dân.

Top