Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 26 tháng 8 năm 2018 | 13:23

Vi phạm phòng cháy, chữa cháy: Mức xử phạt nhẹ, chưa đủ sức răn đe

Mức phạt hành chính cao nhất đối với các vi phạm về an toàn PCCC ở các khu chung cư cao tầng hiện nay tối đa mới chỉ có 80 triệu đồng. Nhiều ý kiến cho rằng, mức xử phạt như thế là quá nhẹ.

Phạt “kịch khung” 80 triệu đối với sai phạm về PCCC

Thống kê cho thấy, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2018, cả nước đã xảy ra 2.089 vụ cháy, làm chết 65 người, 133 người bị thương, thiệt hại gần 1.300 tỷ đồng.

Cùng với đó, tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, nhiều khu dân cư, tổ hợp nhà cao tầng được xây dựng, nhiều loại vật liệu dễ cháy được sử dụng để xây dựng các công trình này. Điều đó đồng nghĩa với nguy cơ cháy, nhất là cháy lớn, cháy gây thiệt hại nghiêm trọng cũng ngày càng gia tăng.

Vì vậy, công tác PCCC đang là vấn đề cấp thiết đối với con người và xã hội, tuy nhiên, không ít chủ đầu tư rất thiếu trách nhiệm trong việc PCCC. Nhiều nơi trang bị hệ thống và thiết bị rẻ tiền, thiếu chất lượng. Nghiêm trọng hơn, nhiều chủ đầu tư tự ý đưa cư dân vào ở khi công trình chưa có nghiệm thu PCCC, lý do mà chủ đầu tư thường đưa ra khi bị phát hiện sai phạm là “do nhu cầu cấp thiết của người dân muốn nhận nhà nhanh chóng”.

Về vấn đề chế tài xử phạt,  hiện nay mức xử phạt hành chính tối đa là 80 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm, như vậy là quá nhẹ, bởi vì một dự án được doanh nghiệp đầu tư hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng thì việc nộp phạt vài chục triệu là quá nhỏ, từ đó dẫn đến hiện tượng “nhờn” luật.

karaokk.jpg
Vụ cháy quán karaoke làm 13 người chết nằm trên địa bàn quận Cầu Giấy - Hà Nội. (Ảnh minh họa)

 

Phát biểu tại hội thảo  PCCC do Viện Kiến trúc quốc gia tổ chức mới đây, Thượng tá Bùi Quang Việt, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH – Bộ Công An chia sẻ, có nhiều nguyên nhân dẫn đến nguy cơ cháy nổ. Trong đó, có yếu tố đến từ phía các chủ đầu tư. “Một số chủ đầu tư chưa thực sự quan tâm tới việc đầu tư về hạng mục phòng cháy chữa cháy cho công trình, còn làm với hình thức đối phó, làm cho có để được thẩm duyệt, nghiệm thu để đưa vào sử dụng”, Thượng tá Việt nói.

Tham luận về vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) cho biết: “Luật PCCC vẫn chỉ chung chung chứ chưa có các quy định chi tiết. Vì vậy vấn đề tranh chấp chung cư và phòng chống cháy nổ cần phải được luật hóa, để chủ đầu tư có trách nhiệm hơn. Luật Nhà ở và Luật Xây dựng vẫn còn thiếu các vấn đề về quản lý chung cư, trong khi tranh chấp ở chung cư ngày một leo thang. Vì vậy, các vấn đề cấp bách liên quan đến tính mạng của người dân phải đưa vào luật, chứ không thể để ở hình thức văn bản dưới luật được”.

Ông cho rằng trách nhiệm của chủ đầu tư cũng cần phải được thể hiện rõ, thông qua việc kiểm tra thường xuyên, xem hệ thống PCCC có hoạt đông hay không? Thiết bị PCCC phải thay đổi vật tư thường xuyên để đảm bảo hoạt động liên tục được. Nhưng đến nay phần lớn chủ đầu tư vẫn bỏ qua chuyện này.

Từ những thực tế trên, đã đến lúc các cơ quan chức năng nên sớm sửa đổi, bổ sung các quy định về chế tài đối với hành vi vi phạm pháp luật trong công tác PCCC để tăng cường tính răn đe, phòng ngừa đối với các chủ đầu tư cố tình “phớt lờ” các quy định về PCCC.

 

Hà Nội: Đình chỉ hoạt động 892 quán karaoke không đảm bảo PCCC

Năm 2017, qua kiểm tra hơn 1.500 quán kinh doanh karaoke trên địa bàn, Cảnh sát PCCC Hà Nội đã xử lý vi phạm hành chính 353 trường hợp với số tiền phạt hơn 870 triệu đồng, yêu cầu 531 cơ sở tạm dừng hoạt động để khắc phục tồn tại, thiếu sót và tạm đình chỉ 126 cơ sở…

Kết quả kiểm tra khi đó chỉ ra những tồn tại về hạ tầng như quán mở trong ngõ không đảm bảo điều kiện tiếp cận chữa cháy, nguồn nước hạn chế. Nhiều trường hợp cơ sở kinh doanh được chuyển đổi công năng từ nhà ở, lắp đặt biển quảng cáo tấm lớn phía trước ảnh hưởng đến khả năng thoát nạn…

Vừa qua, Hà Nội mới công bố danh sách đình chỉ hoạt động 892 quán karaoke không bảo đảm các điều kiện về PCCC, qua đó có thể thấy hầu hết các quán karaoke không đảm bảo PCCC chủ yếu ở khu vực ngoại thành Hà Nội.

Tại khu vực nội thành, quận Đống Đa đứng đầu danh sách với 40 cơ sở vi phạm, sau đó đến quận Hai Bà Trưng với 28 cơ sở, Hoàn Kiếm 12 cơ sở. Huyện Đông Anh là địa bàn có nhiều cơ sở bị đình chỉ nhất, với 121 quán (chiếm 13,5%). Xếp sau lần lượt là các huyện Thạch Thất, Thanh Trì với 83 và 41 cơ sở vi phạm.

karaoke.jpg
Danh sách các quán karaoke vi phạm PCCC bị đình chỉ ở Cầu Giấy và Bắc Từ Liêm (Hà Nội)

 

Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Thường trực Thành ủy trong công tác PCCC tại các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường trên địa bàn thành phố, UBND TP. Hà Nội đã giao Cảnh sát PCCC TP chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức rà soát, đánh giá, rút kinh nghiệm về thực trạng chấp hành các quy định về công tác PCCC tại các cơ sở này. Qua đó, các đơn vị có biện pháp yêu cầu chấp hành nghiêm công tác bảo đảm PCCC và kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm.

 

 

 

 

Thanh Xuân (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hướng đến phát triển bền vững

    Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hướng đến phát triển bền vững

    Tại Hội nghị Meet The Experts lần thứ 15 với chủ đề “Phát triển bền vững và yếu tố wellness” diễn ra mới đây, các đơn vị, nhân sự, chủ đầu tư đã cùng trau dồi kiến thức chuyên môn, cập nhật thông tin thị trường và xu hướng mới nhất trong ngành bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng vốn gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua.

  • Phân khúc văn phòng hạng A được ưa chuộng tại Việt Nam

    Phân khúc văn phòng hạng A được ưa chuộng tại Việt Nam

    Theo báo cáo của Savills, phân khúc văn phòng hạng A trên toàn cầu ghi nhận mức tăng. Tại Việt Nam, phân khúc này tiếp tục là phân khúc được ưa chuộng.

  • TP. Hồ Chí Minh vận dụng cơ chế đặc thù để phát triển nhà ở xã hội

    TP. Hồ Chí Minh vận dụng cơ chế đặc thù để phát triển nhà ở xã hội

    Thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh, lãnh đạo thành phố vừa giao Sở Xây dựng rà soát, hệ thống lại nhiệm vụ được giao, tham mưu UBND thành phố ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành và đơn vị có liên quan thực hiện các nội dung về đầu tư xây dựng nhà ở xã hội quy định tại khoản 3, Điều 6 của Nghị quyết.

Top