Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 20 tháng 5 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 17 tháng 9 năm 2021 | 22:25

“Vựa nhãn” Hà Nội tiêu thụ gần 3.000 tấn trong đại dịch

Quốc Oai không chỉ là vùng đất văn hóa mà nơi đây còn là "vựa nhãn" ngon nổi tiếng của Hà Nội. Trong đại dịch Covid-19, với sự chỉ đạo của lãnh đạo huyện, Phòng Kinh tế đã giúp nhà vườn tiêu thụ được gần 3000 tấn nhãn.

Về Quốc Oai xem bán nhãn
 
Hẹn nhiều lần với Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai – Phạm Quang Tuấn, nhưng phải sau ngày 16/9, tôi mới về được "vựa nhãn".
 
Sau chén nước trà, Phó Chủ tịch huyện nói với tôi: "Uống nước xong, em cho anh em đưa anh về xã Đại Thành, để tận mắt thấy vựa nhãn hơn 3.500 tấn của chúng em, trong dịch bệnh đã tiêu thụ gần 3.000 tấn cho bà con cơ đấy".
 
dsc_6226.JPG
"Chợ nhãn muộn" ở xã Đại Thành.

 

Tôi hơi ngỡ ngàng, bởi ở phía Bắc, nhãn chỉ trồng nhiều ở Hưng Yên, sao ở Quốc Oai này lại có nhãn? Như đoán trước được ý nghĩ của tôi, Phạm Quang Tuấn cười và nói nhỏ: “Anh cứ đi đi. Bây giờ em bận chủ trì một cuộc họp, hẹn anh cuối giờ chiều sau khi đi cơ sở về anh em mình trò chuyện”.
 
Dẫn tôi về “chợ nhãn” là Phó Phòng Kinh tế huyện – Nguyễn Thị Sắc. Trên đường đi, tôi được nghe chị Sắc nói qua về việc tiêu thụ nhãn cho bà con nông dân ở đây, nhất là việc tiêu thụ nhãn vào đúng thời điểm Hà Nội bùng phát dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4.
 
“Chợ nhãn” thực chất là trong khuôn viên của HTX nông nghiệp, khi tôi đến, bà con xã Đại Thành đang chở nhãn đến cho một doanh nghiệp ở Sơn La về mua xuất khẩu. Hàng chục chiếc xe máy chở nhãn đã dựng gần kín sân, mọi người đang xôn xao bàn tán về thu hoạch nhãn bán cho doanh nghiệp chiều nay.
dsc_6228.JPG
Chị Nguyễn Thị Phong mang nhãn đi bán.

 

 
Hỏi một người phụ nữ bên chiếc xe máy đang chở đầy nhãn, tôi được biết, chị là Nguyễn Thị Phong, ở thôn Độ Tràng, xã Đại Thành, mang nhãn ra đây để bán cho doanh nghiệp thu mua đi xuất khẩu.
 
Chị Phong nói: “Nhà có khoảng 100 cây nhãn, năm nay được mùa. Tuy nhiên, vụ thu hoạch nhãn năm nay lại vào đúng thời điểm dịch bệnh bùng phát trở lại, do đó, việc tiêu thụ có phần khó khăn hơn những mùa vụ trước. Mọi năm giá nhãn rất cao khoảng từ 40.000đ/kg trở lên nhưng năm nay chỉ trên dưới 10.000 – 15.000đ/kg”.
 
Nhiều bà con mang nhãn ra “chợ nhãn” này cho phóng viên Kinh tế nông thôn biết, thời điểm này đang bán nhãn cuối vụ. Nhãn ở đây có độ đường rất cao, mọng nước nên được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Chiều qua (16/9), chúng tôi cũng thu hoạch hơn 6 tấn nhãn để cho doanh nghiệp mang về Sơn La đóng gói xuất sang Trung Quốc.
 
Cây trồng chủ lực, giá trị cao gấp nhiều lần trồng lúa
 
Chủ tịch UBND xã Đại Thành – Lý Đình Quang cho biết, sau khi chuyển đổi toàn bộ diện tích đất trồng lúa trên địa bàn sang trồng cây ăn trái và các loại đất dịch vụ khác, thu nhập của người dân ở đây chủ yếu kinh doanh, buôn bán hoa quả và trồng cây ăn trái. Nhãn là loại cây chủ lực của địa phương. Hiện nay, Đại Thành có khoảng 200 ha nhãn, sản lượng 3.500 tấn/năm.
 
dsc_6230.JPG
Chủ tịch UBND xã Đại Thành - Lý Đình Quang

 

Theo ông Quang, trên địa bàn của xã hiện có nhiều hộ có diện tích trồng nhãn lớn như hộ gia đình của ông Nguyễn Văn Thức, ở xóm 4, thôn Tình Lam và hộ ông Nguyễn Tiến Bảy, ở thôn Độ Chàng. Đây là hai gia đình đấu thầu đất của xã nên đã đầu tư  trên dưới 2ha mỗi hộ để trồng nhãn. Với sản lượng nhãn cho quả hàng năm  trên dưới 15 tấn cho mỗi gia đình, năm nào được giá nhãn thì thu nhập khá cao, năm nay được mùa nhưng lại vướng dịch bệnh nên thu nhập của 2 hộ gia đình ông Thức và ông Bảy cũng  được hàng trăm triệu đồng.
 
“So với trước đây cấy lúa, nông dân xã Đại Thành  trồng nhãn thu nhập gấp từ 5 đến 10 lần. Cuộc sống của nhân dânkhông ngừng được cải thiện và nâng cao”, Chủ tịch UBND xã Đại Thành nói.
 
Chủ tịch xã Đại Thành cho biết thêm, trên địa bàn xã có cây nhãn Tổ gần 130 tuổi. Do quả nhãn có độ đường cao, nhiều nước nên khoảng 30 năm trở lại đây, nhân dân nhân giống từ cây nhãn Tổ này. Hiện trên địa bàn có 2 giống nhãn, đó là giống “Nhãn méo” hay là giống nhãn HTM1 có chất lượng cao nhất, cho thu hoạch vào giữa tháng 8; giống nhãn lai cho thu hoạch sớm hơn vào đầu tháng 8. Thương lái ở các nơi đổ về đây mua nhãn của bà con vì trái nhãn to, mọng nước.
 
Giúp dân tiêu thụ nhãn
 
Đặt câu hỏi làm thế nào để bà con trồng nhãn ở Đại Thành tiêu thụ được gần 3.500 tấn quả, vào đúng thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại như thế này? Phó Phòng Kinh tế huyện Quốc Oai – Nguyễn Thị Sắc cho biết, đầu mùa  thu hoạch nhãn lại vào đúng thời điểm dịch bệnh bùng phát trở lại, lãnh đạo UBND huyện đã chỉ đạo cho Phòng Kinh tế phối kết hợp với UBND xã Đại Thành tổ chức tiêu thụ cho bà con trồng nhãn ở đây.
dsc_6222.JPG
Người của doanh nghiệp thu mua nhãn (đeo túi) đang kiểm tra nhãn

 

 
“Đầu tiên là chúng tôi kêu gọi cả hệ thống chính trị trên địa bàn huyện, ủng hộ tiêu thụ nhãn cho bà con nông dân. Chúng tôi kết nối với các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thủ đô, thông qua các kênh tiêu thụ là siêu thị, khu chung cư để tiêu thụ nhãn. Đến nay chúng tôi đã giúp bà con tiêu thụ gần 3.000 tấn nhãn”, Phó Phòng Kinh tế huyện nói.
 
Không chỉ có giúp bà con tiêu thụ nhãn, lãnh đạo huyện còn chỉ đạo các phòng, ban chức năng tìm kiếm đầu mối tiêu thụ giúp bà con tiêu thụ được sản phẩm nông nghiệp sản xuất ra.
 
Trở về UBND huyện Quốc Oai, lúc này Phó Chủ tịch huyện – Phạm Quang Tuấn đã chờ sẵn, không để cho tôi hỏi, anh nói luôn: “Để không bị đứt gãy chuỗi sản xuất và cung ứng các sản phẩm nông nghiệp, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chức năng khẩn trương lập danh sách các phương tiện vận chuyển hàng hóa từ huyện đi tiêu thụ để xin cấp giấy phép luồng xanh, tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho lái xe và các đối tượng nằm trong chuỗi sản xuất, cung ứng và các đối tượng khác để đảm bảo an toàn. Vì thế, sản phẩm nông sản của huyện không bị ùn ứ, tiêu thụ nhanh đi khắp thành phố”
 
Chia tay tôi, Phó Chủ tịch huyện cười nói: “Hôm nào anh rảnh lại về đây với chúng em, còn nhiều điều về sản xuất, phát triển kinh tế ở các làng nghề sẽ khiến anh bất ngờ”.
 
Rời Quốc Oai trong buổi chiều mùa thu mát mẻ, nhìn cảnh vật hai bên đường nơi trung tâm của huyện, tôi muốn tìm một nét cổ kính của “Phủ Quốc Oai” xưa, nhưng không thấy, chỉ thấy những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, đường sá thênh thang. Bất chợt tôi nhớ đến câu ca dao về vùng đất này:
 
“Đình So, quán Giá, chùa Thầy,
Đẹp thì có đẹp, chưa tày Trăm Gian”
 
 
(Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)
 
 
 
 
Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
  • Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Sát cánh cùng người dân phát triển kinh tế, đồng vốn từ NHCSXH huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã góp phần làm sống lại nghề trồng dâu nuôi tằm tưởng như đã “lụi” lại vươn mình phát triển mạnh mẽ, tạo phong trào thi đua làm kinh tế sôi nổi tại địa phương.

  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

Top